Điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước
Ngày 02/11/2022, Chính phủ đã ban hành Công điện số 1039/CĐ-TT về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu.
Xăng dầu là mặt hàng quan trọng, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong thời gian qua, thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn và thường xuyên.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng với các Bộ, cơ quan liên quan chủ động quản lý, điều hành giá xăng dầu và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Vừa qua thị trường trong nước có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.
Để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm thị trường xăng dầu hoạt động ổn định, Thủ tướng yêu cầu tập trung các nhiệm vụ, giải pháp sau:
– Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan:
- Tiếp tục bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.
- Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp phân phối kinh doanh xăng dầu chủ động phối hợp, cân đối từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu nhằm bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu qua biên giới và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu…
- Khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá xăng dầu; quỹ bình ổn giá xăng dầu…
– Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thiện Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến 2030 và các văn bản có liên quan; bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống…
– Bộ Công Thương, Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, chủ động xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
– Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước.
– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu… trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định.
XEM CHI TIẾT: Công điện số 1039/CĐ-TT