ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 240/KH-UBND | Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2023 |
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC 2023 - 2024 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 85/QĐ-TTg ngày 17/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2030; Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học; Thông tư số 33/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về công tác y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Công văn số 4557/BGDĐT-GDTC ngày 24/8/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2023-2024; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 16/4/2018 của UBND Thành phố triển khai Kế hoạch số 73-KH/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới”, Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố về phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030; Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 06/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân Thủ Đô, Ủy ban nhân dân Thành phố triển khai Kế hoạch công tác Y tế trường học năm học 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
1. Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành về công tác Y tế trường học tại các cấp quận huyện, xã, phường, trường học.
2. Củng cố nhân lực và cơ sở vật chất cho công tác y tế trường học.
3. Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tai nạn thương tích và dự phòng các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm cho học sinh.
4. Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, dinh dưỡng và vận động hợp lý, giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
5. Tổ chức triển khai các mô hình giám sát, phát hiện, can thiệp nhằm nâng cao sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường và mở rộng mô hình để hướng tới mục tiêu phát triển thể lực, tầm vóc người Hà Nội đến năm 2030 tại Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 28/8/2018 của UBND thành phố Hà Nội.
6. Tăng cường công tác truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh.
7. Đẩy mạnh công tác tham gia Bảo hiểm Y tế của học sinh.
8. Tăng cường kiểm tra, giám sát và thực hiện đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGĐ&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 13).
1. 100% trường học và các cơ sở giáo dục kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh. 100% quận, huyện kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học.
2. 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; phấn đấu 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế trường học hoặc có nhân viên y tế trình độ từ y sỹ trung cấp trở lên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13 và được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. 100% các trường hợp bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm, các trường hợp dịch bệnh... tại trường được sơ cấp cứu, xử lý kịp thời.
3. 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức kiểm tra, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường ít nhất 1 lần/năm. 100% các trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình học sinh để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.
4. 100% trường học được thường xuyên khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; 100% trường học có nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; đảm bảo điều kiện vệ sinh học đường (bàn ghế, ánh sáng, bảng, bục giảng v.v), đảm bảo trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích và các điều kiện vệ sinh, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh tại các trường học;
5. 100% quận, huyện, thị xã triển khai mô hình điểm về truyền thông, giám sát, phát hiện, can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong trường học; tổ chức góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán, hen phế quản, tai nạn thương tích (ngã từ trên cao, hóc dị vật đường thở, đuối nước, tai nạn giao thông, điện giật, cháy nổ và kỹ năng thoát khỏi đám cháy...), sức khỏe tâm thần... và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe học sinh trong trường học. 100% trường học tổ chức truyền thông các biện pháp về chăm sóc sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh; 100% các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tổ chức truyền thông giáo dục dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia ... cho học sinh (hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến).
6. Nâng cao chất lượng bữa ăn học đường các cấp đặc biệt là khối mầm non, tiểu học; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực giảm thiểu yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các cơ sở giáo dục. Phấn đấu 70% các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. Thực hiện mô hình điểm phòng chống thừa cân béo phì tại trường học, đánh giá hiệu quả và nhân rộng mô hình để tiến tới khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì ở học sinh trên địa bàn Thành phố.
7. 100% các trường học chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học; phối hợp với y tế địa phương xử lý kịp thời và triệt để các ổ dịch. 100% ổ dịch đặc biệt ổ dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi, tái nổi trong trường học được giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, không để xảy ra dịch bệnh lớn. 100% các trường học phối hợp triển khai về tiêm chủng vắc xin trong các đợt chiến dịch trên địa bàn.
8. Phấn đấu 100% học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế.
9. 100% các trường, cơ sở giáo dục được kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13.
1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp; các trường học kiện toàn Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định.
2. Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ y tế trường học. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học. Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế học đường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ y tế trường học.
3. Đảm bảo cơ sở hạ tầng, phòng y tế, vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn... và các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phát hiện, sơ cấp cứu, xử trí kịp thời các trường hợp bị tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm và các trường hợp dịch bệnh khác trong trường học.
4. Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn: Phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch, nước uống và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt chú ý đảm bảo các điều kiện tạo môi trường an toàn trong trường học (bàn ghế, đủ ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo cho phòng học, bảng, bục giảng, lan can hành lang và lan can cầu thang đủ cao tránh trượt ngã, rà soát các công trình, thiết bị trong trường học có góc nhọn dễ gây thương tích cho học sinh để loại bỏ hoặc có biện pháp hạn chế va đập, chống trơn trượt tại nền các nhà vệ sinh trong trường học, an toàn bể bơi, sân chơi trong trường, an toàn điện, phòng chống cháy nổ...)
5. Triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học: khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, nha học đường, phòng chống các bệnh về mắt, gù vẹo cột sống..., thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường, khám theo chuyên khoa và thông báo kết quả cho người được khám.
6. Các trường học thường xuyên thực hiện vệ sinh khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng học chủ động phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới nổi và dễ mắc ở trẻ em.
7. Tăng cường hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh, tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, thừa cân béo phì, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích do ngã, đuối nước, cháy nổ, điện giật, giao thông, hóc dị vật đường thở, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và phòng chống các rối loạn sức khoẻ tâm thần. Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tác hại của các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm..., phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống mối nguy từ các loại ma túy đang trà trộn dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử....
8. Tiếp tục củng cố và nhân rộng mô hình điểm liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh như: phòng chống các bệnh mắt học đường, nha học đường, gù vẹo cột sống, hen phế quản, dinh dưỡng học đường, mô hình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia... tăng cường các điều kiện đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh. Lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khoẻ học đường với các hoạt động khác như tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống thiếu Vitamin A, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống các tác hại do thuốc lá, rượu bia...
9. Thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác y tế học đường, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học. Chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương và các lực lượng khác để kịp thời xử lý khi xuất hiện các trường hợp dịch bệnh trong trường học.
10. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căn tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh, các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học. Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng hợp lý phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng; đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học có tổ chức bán trú theo khuyến cáo của Bộ Y tế, góp phần nâng cao tầm vóc, trí tuệ, thể lực của học sinh.
11. Vận động phụ huynh học sinh tham gia bảo hiểm y tế cho học sinh trên nguyên tắc tự nguyện nhằm mục đích nhân đạo, chia sẻ rủi ro với các trường hợp không may mắc bệnh.
12. Tổ chức và đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh cho các kỳ thi của học sinh hàng năm.
13. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác y tế trường học theo Thông tư liên tịch số 13; đưa công tác y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.
1. Sở Y tế (cơ quan thường trực)
- Chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức, triển khai có hiệu quả Kế hoạch công tác y tế trường học trên địa bàn Thành phố.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch liên ngành về công tác Y tế trường học; triển khai và duy trì các mô hình điểm góp phần nâng cao sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường và phòng chống bệnh tật, xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ y tế trường học và cán bộ kiêm nhiệm phụ trách công tác y tế trường học về chuyên môn nghiệp vụ y tế trong trường học.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở, đơn vị khám chữa bệnh sẵn sàng ký hợp đồng cung ứng dịch vụ y tế cho các trường học trên địa bàn (trường không có cán bộ y tế trường học) để triển khai công tác y tế trường học. Chỉ đạo cán bộ thuộc trạm y tế cấp xã theo dõi công tác y tế trường học tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tổ chức tốt hoạt động khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường; làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống dịch bệnh và các bệnh thường gặp cho học sinh tại trường; duy trì và mở rộng các mô hình điểm về mắt học đường, nha học đường, phối hợp xây dựng trường học an toàn, lồng ghép các hoạt động chăm sóc sức khỏe trong trường học như: tiêm chủng, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, cải thiện tình trạng dinh dưỡng học sinh, phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống thiếu Vitamin A, phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại do thuốc lá, rượu bia
- Hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ và kiểm tra, giám sát, đánh giá các trường về các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo công tác vệ sinh học đường, y tế trường học; hướng dẫn công tác phòng chống dịch và bệnh tật học đường, vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng trong trường học, xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích.
- Tổ chức điều tra, đánh giá, kiểm tra về y tế học đường, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong trường học.
- Phối hợp các Sở, ngành kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học trên địa bàn Thành phố, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống tai nạn thương tích, dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bán trú cho học sinh.
- Phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tổ chức đảm bảo công tác y tế, phòng chống dịch bệnh phục vụ các kỳ thi.
- Thường trực tổng hợp kết quả hoạt động y tế trường học báo cáo UBND Thành phố, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 30/6/2024.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo việc củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh tại trường học.
- Phối hợp với các bên liên quan đảm bảo chế độ và tạo điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ y tế trường học, cán bộ kiêm nhiệm công tác y tế trường học thực hiện tốt nhiệm vụ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Hướng dẫn, bố trí kinh phí cho các trường học chưa có nhân viên y tế được ký hợp đồng với cơ sở y tế tại địa phương thực hiện nhiệm vụ y tế học đường.
- Chỉ đạo các trường bố trí Phòng Y tế riêng, bảo đảm diện tích, ở vị trí thuận tiện cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh; các trường rà soát bổ sung vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc thiết yếu, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn... theo quy định.
- Chỉ đạo triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học như: Khám sức khỏe chuyên khoa, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống các bệnh về mắt, nha học đường, gù vẹo cột sống, hen phế quản, dinh dưỡng học đường, phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, phòng chống tác hại do thuốc lá, rượu bia, phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng trường học an toàn... đặc biệt chỉ đạo các Phòng Giáo dục quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng trong nhà trường theo hướng dẫn của ngành Y tế. Đưa y tế trường học vào các chỉ tiêu thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khóa (truyền thông về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh, phòng chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; tai nạn thương tích học đường, phòng chống tai nạn do ngã, đuối nước, giao thông, cháy nổ, đặc biệt nội dung phòng tránh tai nạn do ngã từ chung cư cao tầng, điện giật, hội chứng suy giảm thị lực, giáo dục sức khỏe tâm thần, sức khỏe sinh sản vị thành niên, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, mối nguy hiểm từ các chất ma túy, tiền chất trà trộn vào trường học qua hình thức thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử.....). Sắp xếp lịch học tập vui chơi giải trí, luyện tập thể thao hợp lý, hợp vệ sinh, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính.
- Chỉ đạo các trường thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh; chủ động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh mới nổi, tái nổi. Phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương và các lực lượng khác để kịp thời xử lý khi xuất hiện các trường hợp dịch bệnh trong trường học.
- Chỉ đạo các trường đảm bảo nước uống cho học sinh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căn tin... Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm: từng bước triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học bán trú nhằm nâng cao tầm vóc, trí tuệ học sinh.
- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo quy định phục vụ công tác dạy và học cũng như công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Nâng cấp, cải tạo phòng học đủ diện tích và ánh sáng tự nhiên, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học. Đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Phối hợp Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, phụ huynh học sinh tuyên truyền, thực hiện tốt Bảo hiểm Y tế học sinh tại các trường trực thuộc; xã hội hoá, huy động cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ tham gia công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.
- Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học.
- Tổng hợp kết quả hoạt động y tế trường học của ngành báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế.
- Báo cáo kết quả hoạt động y tế trường học gửi về Sở Y tế để tổng hợp khi kết thúc năm học trước ngày 20/6/2024.
3. Sở Tài chính
Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND Thành phố bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn chi thường xuyên ngân sách cấp Thành phố theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Thành phố.
4. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội
- Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền vận động học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế; hướng dẫn và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh trong việc thực hiện Bảo hiểm Y tế.
- Đảm bảo quyền lợi cho học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế. Hướng dẫn và tạo điều kiện đảm bảo cấp đầy đủ, kịp thời kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học. Quản lý tốt hoạt động Bảo hiểm Y tế học sinh.
5. Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội
Phối hợp chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ; đẩy mạnh phong trào học sinh tham gia công tác chữ thập đỏ. Báo cáo kết quả hoạt động gửi về Sở Y tế trước ngày 20/6/2024.
6. UBND các quận, huyện, thị xã
- Xây dựng và triển khai kế hoạch công tác y tế trường học trên địa bàn.
- Chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND quận, huyện, thị xã trong việc bố trí cán bộ làm công tác y tế trường học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo đúng quy định, những trường học chưa có cán bộ y tế bắt buộc ký hợp đồng với cơ sở y tế, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn để cung ứng dịch vụ y tế triển khai công tác y tế trường học, hoặc ký hợp đồng với cá nhân đủ trình độ chuyên môn theo quy định để làm công tác y tế trường học.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường theo phân cấp quản lý, tập trung đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa các công trình cấp nước, nhà vệ sinh trường học, bếp ăn đảm bảo các quy định vệ sinh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định. Chỉ đạo đảm bảo công tác an toàn trường học, phòng chống tai nạn thương tích (bàn ghế, đủ ánh sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo cho phòng học, bảng, bục giảng, lan can hành lang và lan can cầu thang đủ cao tránh trượt ngã, rà soát các công trình, thiết bị trong trường học có góc sắc, nhọn dễ gây thương tích cho học sinh để loại bỏ hoặc có biện pháp hạn chế va đập; chống trơn trượt, vấp ngã tại nền các nhà vệ sinh, nền phòng học, nền hành lang, sân chơi trong trường học; an toàn bể bơi, sân chơi, an toàn điện, phòng chống cháy nổ...).
- Chỉ đạo triển khai có hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu đặc biệt là công tác phòng chống dịch bệnh, dinh dưỡng hợp lý và vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh trên địa bàn (từ học sinh mẫu giáo đến trung học phổ thông).
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc vận động học sinh tham gia Bảo hiểm Y tế đạt tỷ lệ 100%.
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế (là cơ quan thường trực tại quận, huyện, thị xã) phối hợp Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Bệnh viện đa khoa trên địa bàn triển khai các hoạt động chuyên môn: tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm nhiệm vụ y tế học đường, triển khai các chương trình y tế trong trường học, khám sức khỏe theo chuyên khoa cho học sinh, giáo viên hàng năm; triển khai và nhân rộng các mô hình điểm liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, phối hợp giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục để phối hợp xử lý kịp thời, triệt để. (Các mô hình điểm do quận, huyện, thị xã tự lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: phòng chống các bệnh mắt học đường, cận thị, nha học đường, gù vẹo cột sống, hen phế quản, dinh dưỡng học đường, mô hình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, can thiệp giảm thiểu yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của thuốc lá. rượu, bia, phòng chống tai nạn thương tích, mô hình bếp ăn tập thể đảm bảo an toàn thực phẩm).
- Chỉ đạo Trung tâm Y tế phối hợp Phòng Y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo định kỳ kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện quy chế chuyên môn y tế tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn; các cơ sở cung cấp suất ăn, nước uống cho học sinh; các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn phối hợp với các trường học, cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh trong các chiến dịch trên địa bàn.
- Bố trí kinh phí cho các hoạt động y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên theo quy định.
- Định kỳ (theo kỳ học và kết thúc năm học) báo cáo kết quả hoạt động y tế trường học, hoạt động khám sức khỏe học sinh, giáo viên gửi Sở Y tế tổng hợp trước ngày 20/6/2024, báo cáo UBND Thành phố, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mẫu báo cáo theo hướng dẫn của Liên ngành Sở Y tế - sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn Ngân sách Nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và từ nguồn huy động xã hội hóa theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt nội dung Kế hoạch công tác Y tế trường học năm học 2023 - 2024, báo cáo UBND Thành phố kết quả triển khai thực hiện khi năm học kết thúc.
(Sở Y tế tổng hợp báo cáo UBND Thành phố hoạt động Y tế trường học trước ngày 30/6/2024. Địa chỉ nhận báo cáo hoạt động y tế trường học: Sở Y tế Hà Nội, số 04 phố Sơn Tây, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đầu mối liên hệ hoạt động Y tế trường học: Thạc sỹ Nguyễn Thùy Dương - phòng Nghiệp Vụ Y - Sở Y tế Hà Nội, điện thoại 0979841214)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác Y tế trường học năm học 2023-2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội đang được cập nhật.
Kế hoạch 240/KH-UBND năm 2023 triển khai công tác Y tế trường học năm học 2023-2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hà Nội |
Số hiệu | 240/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Vũ Thu Hà |
Ngày ban hành | 2023-09-28 |
Ngày hiệu lực | 2023-09-28 |
Lĩnh vực | Thể thao - Y tế |
Tình trạng |