HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2022/NQ-HĐND | Đắk Lắk, ngày 21 tháng 12 năm 2022 |
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN NÔNG, LÂM VÀ THỦY SẢN GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 06 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, Luật số 63/2020/QH14 ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 06 năm 2015;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2014 của Chính phủ quy định về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Xét Tờ trình số 132/TTr-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông đến năm 2025; Báo cáo thẩm tra số 257/BC-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Ban kinh tế - Ngân sách, Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 như sau:
- Hỗ trợ chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả dài ngày.
- Hỗ trợ áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường.
- Hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè.
- Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực.
- Hỗ trợ xây dựng công trình nước thải, ao lắng.
- Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.
- Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn.
2. Đối tượng áp dụng
- Tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật; hộ gia đình, cá nhân tham gia hợp tác xã theo quy định, có hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; các cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc thực hiện Nghị quyết này.
1. Ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sau đầu tư các nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hỗ trợ một lần kinh phí sau khi hoàn thành, được các cơ quan quản lý nhà nước nghiệm thu đạt yêu cầu.
2. Đối với các nội dung chính sách có quy định hỗ trợ theo thời gian, thì thực hiện hỗ trợ theo khối lượng hoàn thành từng năm cho đến hết thời hạn.
3. Trường hợp các văn bản có cùng nội dung hỗ trợ thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng mức hỗ trợ có lợi nhất.
4. Chính sách hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện. Môi chính sách chi hỗ trợ 01 (một) lần.
Điều 3. Hỗ trợ chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả dài ngày
1. Nội dung, định mức và quy mô hỗ trợ
Hỗ trợ một lần đối với 100% cây giống cho các đối tượng ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới nhưng không quá 22.000.000 đồng/ha (Hai mươi hai triệu đồng); hỗ trợ 70% cây giống cho cho các đối tượng ở vùng cao nhưng không quá 15.500.000 đồng/ha (Mười lăm triệu năm trăm nghìn đồng) để chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả dài ngày.
Mỗi năm hỗ trợ tối đa 300 ha.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
a) Đối tượng
Tổ chức, cá nhân có diện tích trồng cây cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả dài ngày phù hợp với Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Điều kiện hỗ trợ
Diện tích trồng cây cà phê kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây ăn quả dài ngày phải đảm bảo các điều kiện:
- Quy mô thực hiện tối thiểu 0,5ha; có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuê đất hoặc trên đất đã được sử dụng ổn định lâu dài với mục đích trồng cây lâu năm, không phát sinh tranh chấp trong 03 năm liền kề;
- Các giống cây ăn quả phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và thuộc cơ cấu giống khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Ưu tiên các tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi diện tích cà phê kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả dài ngày theo hướng hữu cơ, đặc sản, có hợp đồng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tối thiểu từ 5 năm trở lên.
Điều 4. Hỗ trợ áp dụng công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường
1. Nội dung, định mức và quy mô hỗ trợ
Các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước như sau:
- Trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn: được hỗ trợ tối đa 100.000.000 đồng/trang trại (Một trăm triệu đồng cho một trang trại);
- Trang trại chăn nuôi lợn có quy mô vừa: được hỗ trợ tối đa 50.000.000 đồng/trang trại (Năm mươi triệu đồng cho một trang trại);
- Trang trại chăn nuôi lợn có quy mô nhỏ: được hỗ trợ tối đa 25.000.000 đồng/trang trại (Hai mươi lăm triệu đồng cho một trang trại);
- Mỗi năm hỗ trợ tối đa 6 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường có quy mô lớn; 24 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường có quy mô vừa và 60 trang trại chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ chăn nuôi tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường có quy mô nhỏ.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Các trang trại có quy mô chăn nuôi lớn và quy mô chăn nuôi vừa theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Chăn nuôi được hỗ trợ 01 lần. Điều kiện được hỗ trợ: có quy trình công nghệ chăn nuôi lợn tiết kiệm nước được được cấp có thẩm quyền công nhận; đảm bảo các điều kiện khác có liên quan theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 5. Hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng bè
1. Nội dung, định mức và quy mô hỗ trợ:
Hỗ trợ 01 lần chi phí đóng mới lồng bè nuôi cá sau đầu tư, đối với các hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ tối đa 10.000.000 đồng/lồng (Mười triệu đồng); đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã được hỗ trợ tối đa 7.000.000 đồng/lồng (Bảy triệu đồng).
Quy mô tối thiểu đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã đóng mới lồng bè nuôi cá từ 30 (ba mươi) lồng bè trở lên; đối với cá nhân tối thiểu 10 (mười) lồng bè/hộ. Mỗi năm hỗ trợ tối đa 100 (một trăm) lồng bè.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã đóng mới lồng nuôi cá làm bằng khung sắt 048, đảm bảo kích thước tối thiểu: Chiều dài đạt 5,0m, rộng đạt 4,0m, chiều sâu từ 2,5m; có hai lớp lưới nilon, 01 lưới xung quanh, 01 lưới thức ăn sau, phao nhựa bằng thùng phi có dung tích 200lít trở lên (tối thiểu 8 phi). Có Giấy xác nhận đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè” do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.
Điều 6. Hỗ trợ thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực
1. Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ
Hỗ trợ 01 lần chi phí thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực với mức hỗ trợ 200.000.000 đồng/năm (Hai trăm triệu đồng mỗi năm) bằng nguồn ngân sách tỉnh. Mỗi năm hỗ trợ 01 lần.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Hàng năm bố trí kinh phí cho các cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ thả cá giống để bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các thủy vực, địa điểm thả cách bờ tối thiểu 0,1 km.
Điều 7. Hỗ trợ xây dựng công trình xử lý nước thải, ao lắng
1. Điều kiện hỗ trợ:
Các cơ sở chế biến nông, lâm và thủy sản có dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, ao lắng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo môi trường, với tổng mức đầu tư từ 400.000.000 đồng trở lên.
2. Nội dung và mức hỗ trợ:
Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng, nhưng không quá 200.000.000 đồng/cơ sở chế biến.
Mỗi năm bố trí tối đa 14 cơ sở chế biến.
Điều 8. Hỗ trợ phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường
1. Nội dung, định mức, quy mô hỗ trợ
- Hỗ trợ một lần toàn bộ kinh phí xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và phát triển chỉ dẫn địa lý theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; phí, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ, mức hỗ trợ tối đa 20.000.000 đồng/hợp tác xã. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 02 hợp tác xã.
- Hỗ trợ một lần kinh phí, tối đa 20.000.000 đồng/hợp tác xã để xây dựng mã số, mã vạch. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 10 hợp tác xã.
- Hỗ trợ một lần kinh phí, tối đa 3.000.000 đồng/năm đối với hợp tác xã để tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường mạng. Mỗi năm hỗ trợ tối đa cho 30 hợp tác xã.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
Hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường trên địa bàn tỉnh.
Điều 9. Hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn
1. Nội dung, định mức và quy mô hỗ trợ
- Hỗ trợ bằng tiền chi phí tỉa thưa, chăm sóc rừng sau tỉa thưa, bảo vệ rừng chuyển hóa kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn, có chu kỳ kinh doanh tối thiểu là 10 (mười) năm.
- Mức hỗ trợ tối đa 4.300.000 đồng/ha (Bốn triệu ba trăm nghìn đồng cho một ha) được chia thành 02 lần: Lần 01 với mức 3.000.000 đồng, sau khi nghiệm thu kết quả chuyển hóa lần thứ nhất đạt yêu cầu theo phương án chuyển hóa được phê duyệt; hỗ trợ lần 2 với mức 1.300.000 đồng sau khi nghiệm thu kết quả chuyển hóa lần thứ hai đạt yêu cầu theo phương án chuyển hóa được phê duyệt. Trường hợp rừng đủ điều kiện chuyển hóa 01 lần thì được hỗ trợ 01 lần theo mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha.
- Mỗi năm hỗ trợ tối đa 1.000 ha.
2. Đối tượng và điều kiện hỗ trợ
- Hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng sản xuất hoặc đã được nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng rừng sản xuất thuộc khu vực quy hoạch đất trồng rừng sản xuất; có đơn cam kết chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn trên địa bàn tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân cam kết tham gia chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn phải xây dựng phương án chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Loài cây rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ chuyển hóa sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn là rừng đã trồng bằng cây keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng từ 4 năm tuổi đến 6 năm tuổi đạt tiêu chí thành rừng theo quy định của nhà nước.
- Hộ gia đình, cá nhân có diện tích chuyển hóa rừng trồng keo tập trung từ 1,0 (một) ha trở lên; Nhóm hộ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã có diện tích chuyển hóa rừng trồng keo tập trung từ 3,0 (ba) ha trở lên liền vùng, liền khoảnh.
- Mỗi diện tích chi được hỗ trợ một lần với một nội dung công việc; trong cùng một thời gian, một nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau theo các quy định của pháp luật hiện hành thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
- Diện tích hỗ trợ tối thiểu đối với tổ chức là 3,0 ha; đối với hộ gia đình, cá nhân là 1,0 ha nếu có đủ năng lực lập phương án chuyển hóa để thực hiện; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đồng ý tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi để cung cấp gỗ cho tổ chức, thì tổ chức đó lập phương án và tiếp nhận nguồn hỗ trợ để giao cho hộ gia đình, cá nhân thực hiện.
- Chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng sản xuất gỗ lớn phải thực hiện theo Quy trình, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các hướng dẫn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
- Điều kiện khí hậu, địa hình và loại rừng đáp ứng theo các quy định tại Điểm 1, mục II, Phần II; Điểm 1, mục II, Phần III Quyết định số 2962/QĐ-BNN-TCLN ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn đối với cây Keo lai (Acacia mangium x Acacia auriculiformis) và Keo tai tượng (Acacia mangium).
Điều 10. Kinh phí thực hiện chính sách
1. Hằng năm ngân sách tỉnh cân đối bố trí để thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cân đối bố trí ngân sách cấp huyện đối ứng theo tỷ lệ ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện 30% để thực hiện chính sách.
3. Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra cho các Sở, ngành cấp tỉnh, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác chỉ đạo, triển khai, kiểm tra, phúc tra việc thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn: không quá 1% tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết này.
4. Huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu Quốc gia; các chương trình, dự án đầu tư trong và ngoài nước; nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh..
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tình, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk Khóa X, Kỳ họp thứ Năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023./.
| CHỦ TỊCH |
File gốc của Nghị quyết 22/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025 đang được cập nhật.
Nghị quyết 22/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk về chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | tỉnh Đắk Lắk |
Số hiệu | 22/2022/NQ-HĐND |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Huỳnh Thị Chiến Hòa |
Ngày ban hành | 2022-12-21 |
Ngày hiệu lực | 2023-01-01 |
Lĩnh vực | Nông nghiệp |
Tình trạng | Còn hiệu lực |