ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/KH-UBND | Bạc Liêu, ngày 23 tháng 3 năm 2022 |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 11-NQ/TU), Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết nêu trên với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục đích
- Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 từng bước đồng bộ, hiện đại; thực hiện có hiệu quả 05 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và 03 đột phá, góp phần thúc đẩy liên kết vùng, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, kết hợp hỗ trợ phát triển các trung tâm kinh tế của địa phương; đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh phát triển của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.
- Xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong phát triển hạ tầng thuộc các lĩnh vực: hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạ tầng điện, hạ tầng xã hội, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ 4.0 để tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết đã đề ra.
2. Yêu cầu
- Các ngành, các cấp và đơn vị triển khai kế hoạch thực hiện phải phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành, địa phương, bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết đã đề ra, đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công hàng năm của đơn vị. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.
- Phát huy nội lực, thu hút mọi nguồn lực trong xã hội, nhất là chủ động tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương, nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đảm bảo kết nối đồng bộ gắn với liên kết vùng, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
1. Phạm vi và thời gian thực hiện
Kế hoạch triển khai thực hiện đến các cơ quan đơn vị, các nhà đầu tư và doanh nghiệp có liên quan đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.
2.1. Phát triển hạ tầng giao thông
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch giao thông, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác toàn bộ các tuyến đường đã được phê duyệt. Kiểm tra, rà soát để thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến đường đã xuống cấp hư hỏng, các nút giao thông tiềm ẩn tai nạn giao thông.
- Triển khai xây dựng đảm bảo đúng theo tiến độ đã được phê duyệt đối với các dự án có tính liên kết vùng như: Đường từ thị trấn Phước Long đi Ba Đình, đường ĐT.980 (đoạn Phó Sinh - Cạnh Đền); tích cực tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của tỉnh như: cầu Xóm Lung, mở rộng, nâng cấp tuyến đường Cầu Sập - Ninh Quới - Ba Đình, đường vào chùa Hưng Thiện - huyện Vĩnh Lợi, đường Bạc Liêu - Hưng Thành (đạt chuẩn đường cấp III đồng bằng).
- Mời gọi đầu tư các khu bến Cảng (Gành Hào, Vĩnh Hậu A), bến xe tỉnh Bạc Liêu, bến xe Gành Hào, bến xe Tắc Sậy; tổ chức thực hiện nạo vét các cửa biển Nhà Mát, Chùa Phật, Cái Cùng, Huyện Kệ, Gành Hào theo hình thức xã hội hóa có thu hồi sản phẩm, nhằm phục vụ hoạt động phát triển kinh tế biển, neo đậu tàu thuyền khi có bão, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Kiến nghị Trung ương sớm triển khai một số công trình, dự án như: nạo vét tuyến kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau, kênh Vĩnh Phong; xây dựng đường Hồ Chí Minh, nâng cấp tuyến đường Nam Sông Hậu, mở rộng Quốc lộ 1A, đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu (có xây dựng tuyến tránh thị trấn Hòa Bình, tuyến tránh thị xã Giá Rai); cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, tuyến đường ven biển.
- Tổ chức thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu, đảm bảo bàn giao mặt bằng đúng tiến độ đã được Chính phủ phê duyệt.
2.2. Phát triển hạ tầng nông nghiệp gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
- Hoàn chỉnh hệ thống công trình phân vùng, phân ranh mặn, ngọt; xây dựng, nạo vét các kênh trục tạo nguồn nước (mặn, ngọt), xây dựng các cống, đê biển ngăn triều cường bảo vệ sản xuất; cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống tưới tiêu, chống ngập úng, các công trình cấp nước tập trung; xử lý lục bình trên các sông nước ngọt vùng Bắc Quốc lộ 1A; thực hiện các dự án ô đê bao ngăn mặn cấp bách kết hợp các công trình giao thông để bảo vệ và phát triển vùng sản xuất lúa - tôm; đẩy nhanh tiến độ các dự án: đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão và bến cá Cái Cùng; nạo vét hệ thống thủy lợi cấp bách, thau chua rửa mặn, phục vụ sản xuất, kết hợp giao thông thủy vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A; đầu tư xây dựng kè bờ sông thành phố Bạc Liêu.
- Xây dựng hệ thống bờ bao kiểm soát ngập lụt, ngăn mặn triệt để nhằm bảo vệ an toàn vùng sản xuất lúa, vùng cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn và dài ngày; xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với giao thông thủy, bộ và phát triển nông thôn mới; duy tu, sửa chữa, nạo vét công trình thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất.
- Điều chỉnh, bổ sung các danh mục công trình, dự án đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và sử dụng nước có hiệu quả. Nghiên cứu và lập quy hoạch khai thác, phân vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nguồn cát biển nhằm đảm bảo không gây sạt lở và ô nhiễm môi trường.
- Tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng cảng cá Gành Hào để trở thành cảng cá loại I, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm, Trung tâm trình diễn chuyển giao công nghệ cao; dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi đồng muối Đông Hải; hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng phía Nam Quốc lộ 1A.
2.3. Phát triển hạ tầng điện
- Tăng cường đầu tư phát triển lưới điện tại các cụm - tuyến dân cư nông thôn chưa có điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân; đầu tư điện phục vụ các trạm bơm tưới tiêu trong nông nghiệp và nuôi tôm công nghiệp - bán công nghiệp tập trung theo quy hoạch; cải tạo hệ thống điện đô thị, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng nông thôn, tăng cường hướng sử dụng thiết bị điện thông minh, tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch.
- Tranh thủ Trung ương bổ sung quy hoạch và đầu tư phát triển các lưới điện truyền tải cao thế 500kV, 220kV để giải tỏa công suất các dự án nguồn điện (điện khí và điện gió...) trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư đối với các dự án điện gió và Nhà máy điện khí hóa lỏng LNG.
2.4. Phát triển hạ tầng xã hội
- Tiếp tục đầu tư nguồn lực phát triển hệ thống y tế hoàn thiện và hiện đại; hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hệ thống trung tâm y tế huyện, trạm y tế các xã theo các dự án đã được duyệt; đồng thời kiến nghị Trung ương xây dựng Trung tâm y tế tiểu vùng bán đảo Cà Mau đặt trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
- Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất các trường học, nâng cao số lượng trường đạt chuẩn quốc gia; đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, trong đó tập trung thực hiện hoàn thành các dự án theo chủ trương đầu tư, nâng cao chất lượng đầu ra các trường Cao đẳng, Đại học.
- Tập trung hoàn thiện và nâng cấp các công trình, dự án văn hóa, thể thao, du lịch đã có; khai thác có hiệu quả các công trình đã đưa vào hoạt động. Tiếp tục nâng cấp các Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện đạt chuẩn theo quy định; có kế hoạch trùng tu, tôn tạo các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở.
2.5. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ 4.0
- Triển khai đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện công tác quản lý nhà nước, trọng tâm là xây dựng chính quyền điện tử, trong đó xây dựng và triển khai thực hiện Đề án quản lý đô thị thông minh hướng đến xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên, môi trường, giao thông, giáo dục, y tế.
- Thúc đẩy phát triển kinh tế số, trọng tâm là cải cách và số hóa các cơ quan quản lý nhà nước, thương mại điện tử, đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, từng bước hình thành văn hóa số trong xã hội. Tăng cường, mở rộng phạm vi phủ sóng mạng di động 4G/5G, Internet băng thông rộng, phổ cập điện thoại thông minh cho người dân. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cổng dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, thanh toán điện tử... để người dân tiếp cận, sử dụng.
Thực hiện theo các quy định của pháp luật về đầu tư công trong kế hoạch trung hạn và kế hoạch hàng năm từ ngân sách nhà nước, vốn hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cũng như vận động kinh phí từ các nguồn đóng góp của người dân, doanh nghiệp và các hình thức hợp tác công tư khác (nếu có) để thực hiện Kế hoạch.
2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố để tham mưu Ủy ban nhân dân tĩnh trong việc quản lý sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo việc triển khai, tiến độ thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư; xây dựng phương án huy động và sử dụng nguồn lực (đặc biệt là ngoài ngân sách) phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng. Đề xuất cơ chế để vận động, thu hút và thực hiện có hiệu quả các hình thức đầu tư BT, BOT, BOO và PPP...
- Tổ chức theo dõi, kiểm tra giám sát đánh giá đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh; tổng hợp tình hình thực hiện các dự án, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2.2. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện đúng quy định của pháp luật về thanh quyết toán vốn đầu tư, quản lý tài chính ngân sách; tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khai thác và huy động các nguồn lực tài chính để thực hiện.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng; thẩm định phương án tài chính đối với các dự án của nhà đầu tư và các nội dung liên quan đến quản lý tài chính ngân sách khi có yêu cầu.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp thẩm quyền tổ chức triển khai các hoạt động, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn chương trình nâng cấp đô thị quốc gia, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp ngoài ngân sách (FDI), nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn từ các doanh nghiệp.
2.3. Sở Xây dựng
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về: Quy hoạch xây dựng, chất lượng công trình xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng đối với các loại công trình: Giao thông đô thị; y tế, giáo dục; văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; cấp, thoát nước và xử lý nước thải; công viên, vườn hoa, cây xanh; chiếu sáng đô thị; thu gom và xử lý chất thải rắn; hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi... theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong việc quản lý đối với các công trình xây dựng dân dụng; kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện rà soát quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị.
- Tổ chức thẩm định hồ sơ thiết kế các công trình kết cấu hạ tầng xã hội trên địa bàn tỉnh theo phân cấp.
2.4. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về: Chất lượng công trình xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng đối với các công trình giao thông (trừ các công trình giao thông trong đô thị).
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong việc quản lý đối với các công trình giao thông (trừ các công trình giao thông trong đô thị); kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp gắn với chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về: Chất lượng công trình xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng đối với các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong việc quản lý đối với các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn; kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.6. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng điện theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về: Chất lượng công trình xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng đối với các công trình điện (trừ các công trình điện do Sở Xây dựng quản lý).
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra các chủ đầu tư, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trong việc quản lý đối với các công trình điện (trừ các công trình điện do Sở Xây dựng quản lý); kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.7. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng y tế theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành y tế; chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.8. Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.9. Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện các chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ 4.0) theo đúng mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra.
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các vi phạm theo lĩnh vực phụ trách.
2.10. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan và các chủ đầu tư thực hiện rà soát, sắp xếp, nâng cao năng lực tổ chức bộ máy của các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
- Tổng hợp, đề xuất khen thưởng, biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện phát triển kết cấu hạ tầng.
2.11. Công an tỉnh
- Triển khai và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xử lý và đề xuất cấp thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm về xây dựng, đấu thầu, công tác giải phóng mặt bằng... trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
2.12. Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh
- Tổ chức thực hiện quản lý các dự án được giao làm chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng và kiên quyết xử lý các nhà thầu tư vấn, thi công vi phạm về chất lượng, tiến độ theo quy định của hợp đồng.
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở quản lý chuyên ngành, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho các dự án.
2.13. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:
Có kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả việc thu hút các nhà đầu tư vào Khu công nghiệp Trà Kha, Khu công nghiệp Láng Trâm (khi đủ điều kiện); nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Láng Trâm.
2.14. Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu:
Có kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả việc thu hút các nhà đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thực hiện hoàn thành dự án Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm (giai đoạn 2) theo đúng tiến độ được phê duyệt.
2.15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố
- Xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn mình để triển khai thực hiện. Nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, đáp ứng đúng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết đã đề ra; tuyên truyền, phổ biến, vận động các tổ chức, cơ quan có kế hoạch phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
- Phối hợp chặt chẽ với các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh, trên cơ sở tình hình cụ thể của từng địa phương xây dựng các chương trình, dự án cụ thể để tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết đã đề ra.
2.16. Các cơ quan, tổ chức liên quan
Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết đã đề ra, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các Sở, Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố và các chủ đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch này.
2.17. Cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình
Tăng thời lượng, thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.
2.18. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, phổ biến, vận động các tổ chức, cơ quan có kế hoạch phối hợp thực hiện Kế hoạch này.
Các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, các chủ đầu tư định kỳ hàng năm gửi báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước ngày 05 tháng 12) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và dự thảo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
4. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch
- Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, Ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố, các chủ đầu tư dự án tự theo dõi, kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện ở đơn vị mình. Việc tự theo dõi, kiểm tra phải có nội dung sát thực, báo cáo có phân tích, đánh giá tình hình, kết quả đạt được, hạn chế khó khăn, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan và giải pháp khắc phục.
- Căn cứ kết quả tự theo dõi, kiểm tra và nội dung báo cáo của đơn vị, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tổ chức kiểm tra tại một số đơn vị khi cần thiết.
- Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tổ chức hội nghị sơ kết (hoặc tổng kết) tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch; khen thưởng, biểu dương các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, cá nhân yếu kém.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI), về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 đang được cập nhật.
Kế hoạch 34/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bạc Liêu |
Số hiệu | 34/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Phạm Văn Thiều |
Ngày ban hành | 2022-03-23 |
Ngày hiệu lực | 2022-03-23 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng |