BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ LÂM NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09-TT/LB | Hà Nội, ngày 01 tháng 11 năm 1976 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRỒNG CÂY VÀ QUẢN LÝ CÂY HAI BÊN ĐƯỜNG GIAO THÔNG
Để đẩy mạnh công tác trồng cây hai bên đường giao thông, ngày 25 tháng 3 năm 1963 liên Bộ Giao thông vận tải- Lâm nghiệp đã ban hành Thông tư số 01-TT/LB.
Qua thực hiện, công tác trồng cây hai bên đường giao thông đã được các địa phương quan tâm đẩy mạnh, đến nay đa số các đường đã có hàng cây xanh tốt và tạo ra được một khối lượng gỗ khá lớn.
Tuy nhiên, việc quản lý và bảo vệ cây hai bên đường ở một số nơi còn chưa tốt. Nhất là chưa quán triệt đầy đủ tinh thần quy định về việc quản lý khai thác, sử dụng gỗ nêu trong Nghị quyết số 188-CP ngày 2-8-1974 của Hội đồng Chính phủ nên một số nơi đã có những hiện tượng lệch lạc làm ảnh hưởng không tốt đến việc thống nhất quản lý, bảo vệ hàng cây bên đường giao thông tư như đã quy định trong Thông tư liên bộ số 01-TT/LB trên đây và việc quản lý khai thác sử dụng gỗ hiện nay.
Để khắc phục những thiếu sót trên đây nhằm thực hiện tốt quy định của Hội đồng Chính phủ thực hiện tốt quy định của Hội đồng Chính phủ về việc quản lý khai thác, sử dụng gỗ và Thông tư số 01-TT/LB ngày 25-3-1963 của Liên Bộ Giao thông vận tải-Lâm nghiệp đã ban hành, liên bộ ra thông tư này hướng dẫn cụ thể thêm một số điểm sau đây.
I. VIỆC TRỒNG CÂY, CHĂM SÓC, CHẶT TỈA VÀ BẢO VỆ CÂY TRỒNG HAI BÊN ĐƯỜNG QUỐC LỘ VÀ ĐƯỜNG HÀNG TỈNH
Việc trồng cây, chăm sóc, chặt tỉa và bảo vệ hàng cây ở hai bên đường ô-tô (đường quốc lộ, đường hàng tỉnh) vẫn do ngành giao thông đảm nhiệm. Ngành lâm nghiệp giúp đỡ về giống cây, chọn loại cây, hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăm bón theo như tinh thần Thông tư liên bộ số 01-TT/LB ngày 25-3-1963 đã quy định.
Hiện nay ở một số nơi các đoàn thể, hợp tác xã và nhâ dân ở gần đường ô-tô, trước đây có trồng một số cây ở hai bên đường giao thông (đường quốc lộ và đường hàng tỉnh) nhưng chưa giao lại cho ngành giao thông thống nhất quản lý những cây đó. Liên bộ yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chỉ thị đôn đốc các địa phương xúc tiến việc giao lại cho ngành giao thông quản lý những cây mà hợp tác xã, đoàn thể hoặc nhân dân địa phương đã trồng trước đây ở hai bên đường ô-tô công cộng để đảm bảo tốt yêu cầu bảo vệ an toàn giao thông, an toàn đường sá…
Khi hợp tác xã, đoàn thể hoặc nhân dân địa phương giao những cây đã trồng cho cơ quan giao thông quản lý thì tùy tình hình cụ thể mà thương lượng việc trả thù lao hợp lý theo sự thỏa thuận của đôi bên. Trường hợp hai bên không nhất trí thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định giá cả thù lao.
Đối với hàng cây hiện có ở dọc hai bên đường quốc lộ và đường hàng tỉnh, nếu chỗ nào xét thấy không phù hợp với yêu cầu phát triển đường sá hiện nay hoặc trở ngại cho việc đảm bảo an toàn giao thông thì cơ quan giao thông phải có kế hoạch cải tạo. Những cây làm che khuất tầm nhìn, cây trồng sát đường làm cản trở ngại cho xe cộ tránh vượt nhau hoặc phá hoại kết cấu mặt đường thì phải chặt. Đối với các đường do Sở, Ty giao thông vận tải cho phép chặt, còn đường nào do Cục quản lý đường bộ trực tiếp quản lý thì Cục sẽ phân cấp cho đoạn quản lý quốc lộ cho phép chặt.
Các đoạn, hạt giao thông phải thường xuyên theo dõi, chặt tỉa cảnh cây để đảm bảo chiều cao tĩnh không, cho xe chạy an toàn và đề phòng gió bão làm đổ cây. Khi có cây bị đổ đột xuất (do gió, bão, sâu bệnh…) các đoạn hạy giao thông có trách nhiệm kịp thời thu dọn ngay để đảm bảo giao thông thông suốt liên tục.
II. VIỆC QUẢN LÝ KHAI THÁC GỖ TRỒNG HAI BÊN ĐƯỜNG Ô TÔ
1. Đối với những cành cây xén tỉa ra thì cơ quan giao thông được quyền sử dụng vào việc nấu nhựa và tính thành tiền nộp vào quỹ sự nghiệp duy tu bảo dưỡng đường bộ.
2. Những cây đã đến tuổi khai thác, những cây gỗ chặt tỉa, hoặc bị đổ đột xuất, cơ quan giao thông phải thông báo cho cơ quan lâm nghiệp ở địa phương biết để có kế hoạch phân phối, sử dụng số gỗ đó. Cây gỗ nào xét có thể dùng cho các công trình giao thông thì ngành lâm nghiệp dành ưu tiên phân phối cho ngành giao thông trước và trừ vào chi tiêu kế hoạch gỗ hàng năm của ngành giao thông. Trường hợp ngành giao thông không sử dụng đến loại gỗ đó thì ngành lâm nghiệp mới phân phối cho cơ quan khác, cơ quan này hoặc tự tổ chức chặt cây theo sự hướng dẫn của cơ quan giao thông (để đảm bảo an toàn trên đường xe chạy và không làm hư hỏng đường sá) hoặc nhận gỗ đã được cơ quan giao thông khai thác và phải trả tiền gỗ nộp vào quỹ sự nghiệp duy tu bảo dưỡng đường bộ. Giá thanh toán này do Bộ Giao thông vận tải quy định có sự thỏa thuận với Bộ Lâm nghiệp.
Công tác trồng cây, quản lý và bảo vệ hàng cây hai bên đường cũng như việc quản lý khai thác, sử dụng những cây đó có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của hai ngành giao thông vận tải và lâm nghiệp. Liên Bộ yêu cầu các cấp giao thông và lâm nghiệp cùng nhau phối hợp chặt chẽ, nhằm thực hiện tốt những quy định của Hội đồng Chính phủ về quản lý khai thác sử dụng gỗ (Nghị quyết số 188-CP ngày 2-8-1974) Thông tư liên bộ số 01-TT/LB ngày 25-3-1963 và thông tư này.
Trong khi thực hiện thông tư này nếu có trở ngại gì thì kịp thời phản ảnh về hai bộ biết để giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 09-TT/LB 1976 về việc đẩy mạnh trồng cây và quản lý cây hai bên đường giao thông do Bộ Giao Thông Vận Tải- Bộ Lâm Nghiệp ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 09-TT/LB 1976 về việc đẩy mạnh trồng cây và quản lý cây hai bên đường giao thông do Bộ Giao Thông Vận Tải- Bộ Lâm Nghiệp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải, Bộ Lâm nghiệp |
Số hiệu | 09-TT/LB |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Quế |
Ngày ban hành | 1976-11-01 |
Ngày hiệu lực | 1976-11-16 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |