THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 232-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU VÀ ÁP DỤNG THIẾT BỊ THIẾT KẾ ĐIỂN HÌNH TRONG XÂY DỰNG
Nhiều năm qua, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ, các ngành ở trung ương và địa phương đã cố gắng tổ chức nghiên cứu, thiết kế và ban hành để áp dụng trong nội bộ một số thiết kế mẫu, thiết kế sử dụng lại các loại.
Số lượng các tập “Thiết kế mẫu”, “Thiết kế sử dụng lại” ở các cơ quan thiết kế đã lên tới hàng trăm tập. Nhờ đó đã góp phần giải quyết một phần khó khăn về lực lượng thiết kế.
Việc Nhà nước ban hành tiêu chuẩn “ Hệ thống mô đun thống nhất trong xây dựng (CT-14.64)” cùng với các văn bản tiêu chuẩn khác đã bước đầu đặt cơ sở cho việc thống nhất hóa và điển hình hóa thiết kế.
Nhưng, hoạt động thiết kế điển hình trong thời gian qua nói chung còn rất yếu, thiếu sự chỉ đạo tập trung, chưa xây dựng được phương hướng kế hoạch cũng như chưa có tổ chức chuyên trách để nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất về phương pháp và nghiệp vụ. Vì vậy, các kiểu thiết kế thường trùng lắp, thể hiện tính cục bộ, tự phát của từng đơn vị, nội dung chất lượng còn nhiều mặt hạn chế, quy cách ký hiệu không thống nhất.
Sở dĩ có tình trạng trên, về mặt khách quan là do chúng ta còn thiếu lực lượng, trong những năm chiến tranh công tác xây dựng có nhiều biến động, nhưng về mặt chủ quan chúng ta cũng chưa tổ chức tốt công tác này, nhiều nơi chưa thấy hết tầm quan trọng của nó.
Trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976-1980, khối lượng xây dựng lớn hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Số lượng các thể loại công trình ngày càng đa dạng, phong phú. Công tác thiết kế một mặt vừa phải nâng cao chất lượng công trình xây dựng nhằm đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của sản xuất và đời sống, một mặt vừa phải thực hiện khẩu hiệu “ Thiết kế đi trước một bước” nhằm khắc phục tình trạng thi công chờ đợi thiết kế.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng, sử dụng một cách hợp lý lực lượng thiết kế, để đào tạo cơ sở công nghiệp hóa ngành xây dựng trên phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :
1. Thiết kế điển hình phải được coi là một trong những phương hướng chủ yếu của tiến bộ khoa học - kỹ thuật ngành xây dựng. Các cơ quan làm công tác chỉ đạo và quản lý xây dựng thuộc các ngành, các cấp cần nhận thức thấu triệt lợi ích, tác dụng của hiệu quả kinh tế kỹ thuật to lớn của việc lập và áp dụng thiết kế điển hình đối với các công trình xây dựng hàng loạt.
2. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý toàn ngành có trách nhiệm :
a) Nghiên cứu phương hướng phát triển công tác thiết kế điển hình, lập kế hoạch thiết kế điển hình hàng năm và dài hạn cho toàn ngành xây dựng.
b) Tổ chức phối hợp các hoạt động thiết kế điển hình trong ngành xây dựng, bao gồm các công trình dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, kho tàng; tiến hành những biện pháp cần thiết để đẩy mạnh hoạt động thiết kế điển hình như nghiên cứu, phổ biến các vấn đề lý luận, phương pháp, nghiệp vụ và tài liệu chuyên đề về điển hình hóa, thống nhất hóa; tổ chức việc soạn thảo các nhiệm vụ thiết kế điển hình, tổ chức nghiên cứu thiết kế, thẩm tra, xét duyệt, ban hành, hướng dẫn áp dụng, in và phổ biến rộng rãi các thiết kế điển hình, trừ những loại công trình chuyên ngành do các Bộ và địa phương khác chịu trách nhiệm.
Để đáp ứng được những yêu cầu trước mắt, Bộ Xây dựng cần phối hợp các ngành và địa phương lựa chọn và cải tiến các thiết kế sẵn có để ban hành làm thiết kế điển hình.
3. Bộ Giao thông vận tải. Bộ Thủy lợi, Bộ Điện và than, Bộ Quốc phòng, Bộ Vật tư, Tổng cục Bưu điện chịu trách nhiệm tổ chức nghiên cứu thiết kế và ban hành thiết kế điển hình của các công trình chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của ngành mình như cầu, cống, công trình đường dây cao thế, công trình quân sự, đường ống dẫn dầu, đường dây bưu điện…
4. Các Bộ, địa phương cần hợp tác chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc đề xuất yêu cầu để ghi vào sổ kế hoạch, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ thiết kế điển hình, tham gia lập, thẩm tra xét duyệt các bản nhiệm vụ thiết kết và thiết kế sơ bộ, nhằm bảo đảm cho thiết kế điển hình các công trình có chất lượng tốt.
5. Các Bộ, Tổng cục và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có lực lượng thiết kế cần sắp xếp lại tổ chức để hình thành các đơn vị có chuyên trách nghiên cứu thiết kế điển hình, chỉ đạo sát và tạo điều kiện cho các đơn vị thực hiện tốt kế hoạch thiết kế điển hình, đồng thời phải hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở thuộc quyền triệt để áp dụng các thiết kế điển hình đã có.
6. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải hướng dẫn các ngành, các cấp lập kế hoạch thiết kế điển hình, ghi kế hoạch này vào cởi tiêu kế hoạch khảo sát thiết kế hàng năm và dài hạn để trình lên Hội đồng Chính phủ cùng với các kế hoạch khác của nền kinh tế quốc dân, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thiết kế điển hình. Khi ghi công trình vào kế hoạch đầu tư hàng năm, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đòi hỏi chủ đầu tư công trình áp dụng triệt để các thiết kế điển hình đã ban hành để giảm bớt các chi phí đầu tư. Đối với các công trình đã có thiết kế điển hình, Nhà nước không cấp kinh phí để làm thiết kế mới.
7. Bộ Tài chính cần chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Xây dựng và các ngành có liên quan việc giải quyết kinh phí cho công tác thiết kế điển hình theo hướng tập trung vào một cơ quan đầu mối để cơ quan này giao thầu cho các đơn vị thiết kế. Ngoài ra, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần xem xét khả năng cho vay vốn làm công tác thiết kế điển hình, có biện pháp thông qua việc cấp phát và cho vay vốn mà thúc đẩy việc áp dụng thiết kế điển hình. Giao trách nhiệm cho Ngân hàng Kiến thiết và các cơ quan quản lý thiết kế, cơ quan giám định xây dựng các cấp có trách nhiệm kiểm tra việc áp dụng thiết kế điển hình, hạn chế việc thiết kế tùy tiện.
8. Trong năm 1977, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu ban hành bảng giá thiết kế (thiết kế phí) đối với các đồ án thiết kế điển hình. Trong khi chờ đợi có bảng giá chính thức, cần cải tiến ngay cách tính thiết kế hiện dùng theo hướng khuyến khích các tổ chức và tập thể thiết kế nhận làm thiết kế điển hình và thúc đẩy các cơ quan thiết kế đầu tư và công tác nghiên cứu, sáng tạo các thiết kế điển hình mới.
Các Bộ cần thường xuyên nghiên cứu để cải tiến thiết kế điển hình cho phù hợp với yêu cầu ngày càng cao, phải kịp thời loại bỏ những thiết kế điển hình không đạt yêu cầu. Trong những trường hợp cần thiết nên tổ chức xây dựng thực nghiệm để rút kinh nghiệm trước khi ban hành chính thức.
9. Bộ Văn hóa cần cung cấp những vật tư cần thiết để in và phổ biến các tài liệu cần thiết kế điển hình.
10. Trong năm 1977, Bộ Xây dựng dự thảo để trình Chính phủ ban hành “ Điều lệ về lập, xét duyệt và áp dụng thiết kết điển hình trong xây dựng”.
Sáu tháng một lần, Bộ Xây dựng báo cáo lên Phủ thủ tướng tình hình thi hành chỉ thị này trong ngành xây dựng.
| K.T THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ. |
File gốc của Chỉ thị 232-TTg năm 1977 về đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng thiết bị thiết kế điển hình trong xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 232-TTg năm 1977 về đẩy mạnh công tác nghiên cứu và áp dụng thiết bị thiết kế điển hình trong xây dựng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 232-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Đỗ Mười |
Ngày ban hành | 1977-06-04 |
Ngày hiệu lực | 1977-06-19 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |