BỘ XÂY DỰNG-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/TTLB | Hà Nội , ngày 09 tháng 11 năm 1991 |
Thực hiện các quy định tại điều 8 Điều lệ quản lý XDCB ban hành theo Nghị định 385/HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng, Liên bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Xây dựng hướng dẫn việc lập, thẩm tra, xét duyệt dự án tiền khả thi (DATKT), báo cáo kinh tế kỹ thuật (BCKTKT) và luận chứng kinh tế kỹ thuật (LCKTKT) của các công trình đầu tư xây dựng như sau:
1. Mục đích việc lập, thẩm tra, xét duyệt DATKT,LCKTKT, BCKTKT nhằm giúp chủ đầu tư lựa chọn được phương án đầu tư tốt nhất; đảm bảo lợi ích kinh tế xã hội mà công trình đầu tư có thể mang lại. Tiến hành công việc này phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước, quy hoạch phát triển ngành và địa phương, phù hợp với luật pháp và các chính sách hiện hành; góp phần khai thác có hiệu quả tiềm lực của đất nước, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
2. DATKT được lập đối với các công trình quan trọng, các công trình đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các công trình vay vốn hoặc viện trợ không hoàn lại của nước ngoài. Phê chuẩn hoặc thông qua dự án tiền khả thi là cơ sở để tiến hành hoặc tiếp tục việc thăm dò đàm phán ký kết hợp đồng với nước ngoài và là cơ sở để lập LCKTKT.
3. LCKTKT và BCKTKT là tài liệu chính thức để xét quyết định đầu tư. Khi được duyệt nó là căn cứ pháp lý để xét:
- Ghi kế hoạch đầu tư (đối với các công trình sử dụng nguồn vốn Ngân sách hoặc vay tín dụng đầu tư ưu đãi);
- Cấp giấy phép giao quyền sử dụng đất xây dựng;
- Tiến hành thiết kế và chuẩn bị xây dựng;
- Cấp giấy phép đầu tư (với các công trình đầu tư theo luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, luật doanh nghiệp tư nhân, luật Công ty);
- Quyết định cho hưởng các điều kiện ưu đãi trong đầu tư.
4. LCKTKT, BCKTKT phải lập đồng bộ cho yêu cầu của mục tiêu đề ra.
B. NỘI DUNG DATKT LCKTKT, BCKTKT
Nội dung DATKT phải đề cập được các vấn đề chủ yếu sau:
1. Các căn cứ, cơ sở xác định sự cần thiết phải đầu tư:
- Các căn cứ pháp lý, điều kiện tự nhiên, tài nguyên, điều kiện kinh tế xã hội, các quy hoạch, kế hoạch dài hạn, các chính sách kinh tế xã hội.
- Phân tích đánh giá, dự báo về thị trường, khả năng thâm nhập thị trường, nhu cầu tăng thêm sản phẩm.
2. Dự kiến phương án sản phẩm, hình thức đầu tư và năng lực sản xuất:
- Các phương án sản phẩm, phân tích, lựa chọn.
- Đề xuất các phương án về hình thức đầu tư có phân tích, lựa chọn.
- Tính toán đề xuất năng lực sản xuất.
3. Xác định nhu cầu các yếu tố đầu vào, khả năng, giải pháp đảm bảo:
- Xác định các nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu, năng lượng, nước, khí...
- Đề xuất định hướng về các giải pháp đảm bảo các yếu tố đầu vào.
4. Khu vực địa điểm:
+ Phân tích, đề nghị khu vực địa điểm xây dựng và dự kiến địa điểm cụ thể. Cần có từ hai phương án trở lên để so sánh lựa chọn. Mỗi phương án cần phân tích trên các mặt sau:
+ Kinh tế địa điểm: Các chỉ tiêu sử dụng đất, các yếu tố ảnh hưởng đến giá thành công trình (kể cả thuế đất), và các yếu tố ảnh hưởng tới các chi phí trong quá trình xây dựng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
+ Mối quan hệ trong quy hoạch tổng thể ngành và vùng lãnh thổ.
+ Các mặt xã hội của địa điểm: Những đặc điểm của chính sách liên quan đến đầu tư phát triển khu vực. Hiện trạng địa điểm, những thuận lợi và khó khăn trong việc sử dụng mặt bằng. Những vấn đề về phong tục tập quán liên quan đến việc quyết định địa điểm (các tài liệu nghiên cứu ở mức độ khái quát).
5. Phân tích kỹ thuật:
- Giới thiệu khai thác các loại hình công nghệ, ưu nhược điểm các ảnh hưởng tới sinh thái và môi trường, khả năng và điều kiện ứng dụng, hướng giải quyết về nguồn và điều kiện cung cấp trang bị. Từ các so sánh trên có thể sơ bộ đề nghị công nghệ lựa chọn.
- Các yêu cầu và giải pháp xây dựng: điều kiện địa hình và địa chất công trình, các yêu cầu về đặc điểm xây lắp. Dự kiến giải pháp - kỹ thuật xây dựng và tổ chức thi công. Tiến độ thi công, nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, thiết bị thi công.
6. Sơ bộ ước tính nhu cầu lao động và giải pháp về tổ chức sản xuất.
7. Phân tích tài chính: Giới hạn ở việc ước tính tổng nhu cầu đầu tư cho công trình, chia ra các chi phí: đầu tư xây dựng cơ bản (chi phí vốn cố định) đầu tư vốn hoạt động (lưu động).
- Các khả năng, các điều kiện huy động các nguồn vốn (nếu đã có). Đề nghị phương án huy động vốn.
Ước tính chi phí sản xuất, và dự kiến doanh thu, lỗ lãi, khả năng hoàn vốn, trả nợ (các chỉ tiêu tài chính chủ yếu).
8. Phân tích lợi ích kinh tế xã hội:
Ước tính được các giá trị gia tăng, các đóng góp (tăng việc làm, thu nhập người lao động, thu ngân sách, tăng thu ngoại tệ...).
Các lợi ích về mặt xã hội, môi trường... kể cả những gì xã hội phải gánh chịu.
9. Các điều kiện về tổ chức thực hiện.
10. Kết luận và kiến nghị
II. NỘI DUNG LUẬN CHỨNG KINH TẾ - KỸ THUẬT BAO GỒM:
1. Những căn cứ để nghiên cứu về sự cần thiết đầu tư:
a. Xuất xứ và các căn cứ pháp lý;
b. Nguồn gốc tài liệu sử dụng ;
c. Phân tích các kết quả điều tra cơ bản về tự nhiên, tài nguyên, kinh tế, xã hội;
d. Các chính sách kinh tế xã hội liên quan đến phát triển ngành; những ưu tiên được phân định.
đ. Các đặc điểm về quy hoạch, kế hoạch phát triển;
e. Mục tiêu đầu tư (tiêu dùng trong nước - xuất khẩu - thay thế nhập khẩu);
g. Phân tích thị trường:
- Các căn cứ về thị trường:
+ Đánh giá kết luận về nhu cầu hiện tại, dự báo nhu cầu tương lai (khu vực, trong nước, ngoài nước nếu dự kiến xuất khẩu) về các mặt số lượng, chất lượng, giá cả... các nguồn đáp ứng nhu cầu hiện tại. Dự báo mức độ gia tăng cung cấp trong tương lai, sự thiếu hụt so với nhu cầu thị trường.
Các căn cứ về khả năng phát triển khả năng sản xuất: Quy mô, năng lực hiện tại của ngành (chỉ rõ địa chỉ) và năng lực huy động. Đánh giá tình trạng hoạt động hiện tại và nhịp độ tăng trưởng tương lai (số lượng, chất lượng, tiêu thụ...), các yếu tố hạn chế.
+ Tình hình xuất nhập khẩu trong thời gian qua và dự kiến tương lai (số lượng, giá cả).
- Dự báo về số lượng và giá cả hàng bán ra, khả năng cạnh tranh với các nhà sản xuất trong và ngoài nước, khả năng thâm nhập thị trường, hướng lựa chọn thị trường.
h. Sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm được lựa chọn (đặc điểm, tính năng tác dụng, quy cách, tiêu chuẩn hình thức bao gói).
2. Lựa chọn hình thức đầu tư, công suất:
a. Phân tích các điều kiện và lợi ích của việc huy động năng lực hiện tại, đầu tư chiều sâu, mở rộng các cơ sở đã có, so với đầu tư mới (áp dụng đối với các xí nghiệp quốc doanh) từ đó để lựa chọn phương án đầu tư.
b. Phân tích các điều kiện, các yếu tố để lựa chọn hình thức đầu tư (Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty cổ phần, xí nghiệp liên doanh, xí nghiệp quốc doanh...).
c. Phân tích lựa chọn công suất thích hợp. Nêu các phương án và chọn công suất tối ưu, khả thi.
3. Chương trình sản xuất và các yêu cầu đáp ứng:
a. Sản xuất:
- Cơ cấu sản phẩm: số lượng sản phẩm hàng năm, chất lượng, giá cả. Số hàng bán dự kiến, lượng lưu kho trung bình.
- Lịch trình sản xuất (vận hành, chạy thử, chạy hết công suất).
- Bán thành phẩm.
- Phế liệu.
b. Các nhu cầu vào và các giải pháp đảm bảo:
- Trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật tính toán các nhu cầu và yếu tố vào cho từng loại sản phẩm và cho toàn bộ nhu cầu sản xuất hàng năm.
+ Nhu cầu và đặc điểm nguyên vật liệu (vật liệu thô, các hoá phẩm, vật liệu đã qua chế biến, các sản phẩm nhập từ bên ngoài và vật liệu phụ...)
+ Tình trạng cung ứng.
+ Yêu cầu dự trù nguyên vật liệu.
- Chương trình cung cấp nguyên vật liệu sản xuất:
+ Các giải pháp về nguồn (cung cấp nội địa, nhập ngoại), phương thức cung ứng (quy hoạch sản xuất, mua theo hợp đồng, vận tải; đối với các nguồn phải nhập ngoại cần xác định nguồn cung cấp, hình thức nhập, điều kiện giao hàng, giá cả), phân tích các thuận lợi, hạn chế, các ảnh hưởng bất lợi, hướng khắc phục.
+ Lịch trình cung cấp.
+ Các chi phí cho từng lịch trình cung cấp.
- Các giải pháp đảm bảo kết cấu hạ tầng và phục vụ sản xuất: Các nhu cầu cung cấp, nước, điện, hơi cho sản xuất, giao thông nội bộ và bên ngoài, kho bãi, thông tin; khả năng về nguồn; giải pháp cung cấp.
c. Chương trình bán hàng:
4. Các phương án về khu vực địa điểm và địa điểm cụ thể (hoặc tuyến công trình). Đối với các công trình đầu tư nếu đã có bước nghiên cứu tiền khả thi thì chỉ cần chọn địa điểm cụ thể. Để xác định được địa điểm cần phải nghiên cứu ít nhất là 2 phương án. Phương án địa điểm phải thu nhập các tài liệu điều tra cơ bản, tài liệu khảo sát đủ độ tin cậy. Mỗi phuơng án địa điểm cần phân tích các mặt sau:
a. Phân tích các điều kiện cơ bản:
- Điều kiện tự nhiên: Khí tượng thuỷ văn, nguồn nước, địa chất, địa hình, hiện trạng đất đai và tài nguyên (có báo cáo tài nguyên), môi trường sinh thái.
- Điều kiện xã hội kỹ thuật: tình hình dân sinh, phong tục tập quán, các chính sách khu vực - Hoạt động kinh tế - trình độ kỹ thuật - các điều kiện cấu trúc hạ tầng kỹ thuật - xã hội (đường xá, điện, nước, thông tin, cơ sở, y tế, giáo dục, dịch vụ ...).
- Các đặc điểm về quy hoạch và kế hoạch phát triển vùng
- Nhu cầu sử dụng đất
- Các kết luận về điều kiện cơ bản
b. Phân tích kinh tế địa điểm:
- Các chi phí về địa điểm liên quan đến đầu tư vốn cố định khảo sát ban đầu, đền bù, san lấp mặt bằng, thuê đất, đường điện nước thi công, lán trại,... tận dụng cơ sở hạ tầng...)
- Các chi phí liên quan tới chương trình cung cấp làm tăng chi phí đầu vào.
- Các chỉ tiêu ảnh hưởng tới giá cả và tiêu thụ sản phẩm.
c. Phân tích các lợi ích và ảnh hưởng xã hội:
- Những ảnh hưởng đối với đời sống dân cư khi có thiên tai địch hoạ hoặc do chất lượng công trình không đảm bảo.
- Những ảnh hưởng của dự án đầu tư đối với sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán.
- Những ảnh hưởng của dự án đầu tư tới bảo vệ môi trường sinh thái, vấn đề tài nguyên và bảo vệ tài nguyên, cảnh quan, di sản văn hoá lịch sử.
- Những biện pháp xử lý.
5. Phần công nghệ kỹ thuật
a. Công nghệ:
- Các phương án công nghệ sản xuất chính - quy trình sản xuất có thể chấp nhận - mô tả phân tích đánh giá mức độ hiện đại, tính thích hợp kinh tế, các đặc điểm ưu việt và hạn chế của công nghệ lựa chọn (thông qua việc so sánh một số chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như quy cách, chất lượng năng suất, lao động, giá thành, vệ sinh công nghiệp, điều kiện ứng dụng...).
- Nội dung chuyển giao công nghệ và sự cần thiết phải chuyển giao, giá cả, phương thức thanh toán, các điều kiện tiếp nhận chuyển giao.
- Những vấn đề môi trường sinh thái và giải pháp xử lý khả năng gây ra ô nhiễm hoặc làm biến đổi môi trường do việc hình thành công trình (môi trường nước, không khí, đất đai, tiếng ồn, phóng xạ, bụi... do nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, chất thải của xí nghiệp gây ra) và hậu quả có thể có.
+ Các giải pháp chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, điều kiện thực hiện và chi phí.
+ Xử lý chất thải: Loại chất thải, chất lượng, số lượng phế thải, lịch trình thải, các phương tiện xử lý, chi phí xử lý.
- Các phương án trong các lĩnh vực khác:
+ Lựa chọn quy mô và phương án cung cấp nước, thoát nước cho sản xuất.
+ Lựa chọn quy mô và phương án cung cấp điện, khí cho sản xuất.
- Phương án giải quyết thông tin.
+ Phương án vận chuyển nội bộ và bên ngoài.
(Từng phương án cần mô tả cơ sở tính toán và sơ chọn, có sơ đồ kèm theo)
+ Chi phí đầu tư xây dựng các công trình phục vụ hỗ trợ.
b. Thiết bị:
- Các phương án về thiết bị cần nêu được các nội dung sau:
+ Danh mục thiết bị chia ra thiết bị sản xuất chính, thiết bị phục vụ, thiết bị hỗ trợ, phương tiện khác, phụ tùng thay thế, dụng cụ thiết bị văn phòng... (số lượng, mẫu mã, giá cả, nguồn...).
+ Mô tả tính năng, thông số kỹ thuật, các đặc tính kỹ thuật chủ yếu, điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế. Điều kiện cho việc lắp đặt thiết bị, điều kiện vận hành và đào tạo kỹ thuật.
+ Tổng chi phí mua sắm thiết bị và chi phí duy trì (trong đó ghi rõ cầu vốn trong nước, ngoại tệ).
- Các phương án mua sắm thiết bị, so sánh, lựa chọn.
6. Phần xây dựng và tổ chức thi công xây lắp
a. Xây dựng - Các phương án bố trí tổng mặt bằng và phương án lựa chọn (có bản vẽ kèm theo).
- Xác định tiêu chuẩn cấp công trình.
- Các giải pháp kiến trúc - phối cảnh (nếu cần).
- Các phương án.
- Kết cấu của hạng mục công trình chủ yếu; Những yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật và thiết bị xây lắp đáp ứng kết cấu lựa chọn.
- Các phương án xây dựng các hạng mục công trình bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm.
- Khối lượng các hạng mục công trình, có phụ biểu kèm theo.
- Nhu cầu, điều kiện về nguyên vật liệu xây dựng; phương án cung cấp.
- Các biện pháp phòng chữa cháy, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động cho xí nghiệp.
b. Tổ chức thi công xây lắp và tổng tiến bộ xây dựng:
- Điều kiện tổ chức thi công (địa bàn thi công, cung ứng nguyên vật liệu điện nước thi công, các điều kiện về kỹ thuật xây dựng - thiết bị thi công, lao động kỹ thuật và lao động phổ thông phục vụ thi công, công xưởng phục vụ xây lắp).
- Lựa chọn giải pháp thi công, hình thức thi công trên cơ sở phân tích so sánh các phương án kinh tế kỹ thuật.
- Các phương án về tổng tiến độ thi công xây lắp (có sơ đồ kèm theo); phân tích so sánh và kết luận phương án hợp lý lựa chọn.
- Những yêu cầu về thiết bị thi công (nếu cần thiết).
7. Tổ chức quản lý sản xuất và bố trí lao động:
a. Sơ bộ quản lý sản xuất.
- Tổ chức quản lý.
- Tổ chức các bộ phận sản xuất.
- Tổ chức tiêu thụ sản phẩm.
b. Nhân lực
Nhu cầu nhân lực tính theo thời kỳ huy động gồm:
- Gián tiếp (VP), quản trị điều hành;
- Trực tiếp: Lao động kỹ thuật - lao động giản đơn;
c. Các chi phí:
- Chi phí quản lý;
- Chi phí phân xưởng;
- Chi phí quản trị;
- Chi phí hành chính;
- Chi phí công nhân: Tổng chi phí lương + tiền công;
- Chi phí đào tạo - bảo hiểm.
8. Phân tích tài chính - kinh tế
a. Tài chính
a.1 Xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư cần thiết cho công trình - trong đó chia theo:
- Thành phần vốn:
+ Vốn cố định (đầu tư cơ bản) gồm: chi phí chuẩn bị, chi phí ban đầu về đất đai, giá trị nhà xưởng sẵn có, chi phí xây dựng mới (nhà xưởng, cấu trúc hạ tầng: chi phí máy móc thiết bị, chi phí bảo đảm kỹ thuật, công cụ sản xuất, vận tải, văn phòng...), chi phí vận chuyển đến chân công trình, chi phí khác.
+ Vốn hoạt động (lưu động) gồm:
Vốn sản xuất (tiền nguyên vật liệu, điện, nước hơi, nhiên liệu, phụ tùng, bao bì, tiền lương).
Vốn lưu động (sản phẩm dở dang đang tồn kho, thành phẩm tồn kho, hàng hoá, bán chịu, vốn bằng tiền).
+ Vốn dự phòng
- Nguồn vốn: phương án vốn:
+ Vốn riêng của xí nghiệp
+ Vốn góp (Công ty cổ phần - xí nghiệp liên doanh...)
+ Vốn Nhà nước cấp
+ Vốn vay (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn - Vốn vay trong nước, ngoài nước) thời hạn và điều kiện vay trả tiền lãi, các căn cứ, cơ sở, biện pháp bảo đảm nguồn vốn.
- Hình thức góp vốn (đối với các hình thức theo luật đầu tư nước ngoài, luật Công ty).
+ Bằng tiền Việt Nam , ngoại tệ
+ Bằng hiện vật
+ Bằng tài sản
+ Bằng các dạng khác
Phương pháp tính chuyển đổi (tỷ lệ hối đoái)
- Tiến độ thực hiện chi phí vốn (huy động theo chương trình đầu tư).
a.2 Các biểu tính toán:
- Tổng chi phí sản xuất (chi phí sản xuất, dịch vụ, thị trường).
- Doanh thu.
- Dự trù lỗ lãi.
- Dự trù tổng kết tài sản.
- Điểm hoà vốn.
- Thời gian hoàn vốn .
- Phân tích độ nhậy (các yếu tố biến động chính).
b. Phân tích kinh tế - xã hội:
- Giá trị sản phẩm hàng hoá gia tăng.
- Tính đa dạng hoá sản xuất của nền kinh tế.
- Việc làm và thu nhập của người lao động.
- Đóng góp ngân sách.
- Thực thu ngoại tệ.
- Các lợi ích về mặt xã hội - môi trường.
(Các mục tiêu xã hội mà dự án mang lại, những đối tượng được hưởng lợi - những tác động chính trị xã hội, những gì xã hội phải gánh chịu - Các tồn tại xã hội chưa giải quyết được).
9. Tổ chức thực hiện - kết luận - kiến nghị các chính sách và chế độ ưu đãi.
III. NỘI DUNG BẢN LCKTKT PHẢI LẬP LẠI ĐỂ TRÌNH DUYỆT THEO QUY ĐỊNH TẠI ĐIỀU 38 ĐIỂM 3 NGHỊ ĐỊNH 385/HĐKT.
Chủ đầu tư dựa vào bản LCKTKT đã được phê duyệt đối chiếu với thực trạng tình hình phát triển kinh tế xã hội và chiến lược phát triển cùng các chính sách kinh tế xã hội của Nhà nước để xem xét điều chỉnh hoặc thay đổi lại từng điểm đã nêu trong LCKTKT đã duyệt. Đặc biệt là đi sâu phân tích lại những vấn đề như dưới đây và có kiến nghị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại:
1. Sự phù hợp của mục tiêu đầu tư với chiến lược và quy hoạch, kế hoạch phát triển.
2. Thị trường, khả năng thâm nhập và phát huy của sản phẩm dự định sản xuất.
3. Phân tích đánh giá lại điều kiện đầu vào đảm bảo đủ điều kiện xây dựng và cho công trình hoạt động; những kiến nghị cần thay đổi.
4. Kiểm tra lại khả năng có thể thực hiện được của phương án công nghệ thiết bị đã chọn, hoặc đề nghị thay đổi nếu xét cần thiết.
5. Phân tích lại về tài chính và kinh tế. Tính toán lại nhu cầu vốn đầu tư, khả năng thực tế huy động vốn - hiệu quả đầu tư và khả năng hoàn trả.
Báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy định tại điểm 1 điều 8 NĐ 385 được lập đối với những công trình đã được quy định trong Thông tư Liên bộ 01/TTLB (Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Xây dựng - Tài chính - Ngân hàng) gồm những điểm chính như sau:
1. Mục tiêu và sự cần thiết đầu tư:
- Tên công trình.
- Các căn cứ xác định sự cần thiết đầu tư.
- Mục tiêu - nhiệm vụ - quy mô công trình.
2. So sánh lựa chọn hình thức đầu tư.
3. Địa điểm công trình.
4. Nội dung các yêu cầu trang thiết bị cho công trình.
5. Các phương án tổng mặt bằng các thiết kế mẫu đươc chọn áp dụng. Khối lượng công việc xây lắp.
6. Nhu cầu tổng đầu tư và đề nghị nguồn tài trợ có phân theo cơ cấu đầu tư tài sản cố định và vốn lưu động (nếu có).
7. Lợi ích kinh tế.
8. Kết luận.
C. NHỮNG YÊU CẦU ĐỐI VỚI CÔNG TÁC THẨM TRA LCKTKT
Hội đồng thẩm tra LCKTKT dựa vào luật lệ và quy chế của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế xã hội dài hạn đã được thông qua, các chỉ tiêu, các tiêu chuẩn Nhà nước được thông qua trong từng thời kỳ kế hoạch để làm căn cứ thẩm tra LCKTKT.
1. Cơ sở để thông qua hoặc phê duyệt: DATKT, LCKTKT, BCKTKT là tờ trình xin phép duyệt kèm theo hồ sơ và văn bản báo cáo kết quả thẩm tra của Hội đồng thẩm tra LCKTKT các cấp theo quy định.
2. Hồ sơ xin xét duyệt hoặc thoả thuận gồm:
a. Đối với DATKT:
- Tờ trình xin phép duyệt DATKT do chủ đầu tư trình.
- Ý kiến đề nghị của cơ quan chủ quản.
- Bản DATKT, các báo cáo chuyên đề, các bản vẽ, bản đồ.
b. Đối với LCKTKT:
- Tờ trình xin xét duyệt do chủ đầu tư gửi chủ quản đầu tư.
- Ý kiến đề nghị (tiếp trình) của cơ quan chủ quản đầu tư (đối với những công trình do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt).
- Bản LCKTKT và báo cáo chuyên đề, các bản vẽ, bản đồ theo đúng quy phạm hiện hành có tên của người lập; tên, chữ ký, và dấu của chủ đầu tư. Hồ sơ do nước ngoài lập phải bao gồm cả bản dịch ra tiếng Việt và nguyên bản tiếng nước ngoài.
- Ý kiến của cơ quan quản lý ngành, cơ quan quản lý lãnh thổ và các ngành liên quan.
- Các căn cứ pháp lý về khả năng huy động các nguồn (như cung cấp nguyên liệu, vốn, tiêu thụ sản phẩm...).
Các cơ sở pháp lý khác (tư cách pháp nhân của chủ đầu tư và các thành viên...).
Các giải trình bổ sung theo yêu cầu của HĐTT.
- Báo cáo thẩm tra của Hội đồng thẩm tra cấp ngành và địa phương đối với các công trình trên hạn ngạch.
c. Đối với BCKTKT gồm tờ trình xin xét duyệt của chủ đầu tư và hồ sơ BCKTKT kèm theo.
3. Thẩm tra DATKT và LCKTKT
Hội động thẩm tra LCKTKT căn cứ vào luật lệ, Điều lệ quản lý XDCB, và các văn bản hướng dẫn kèm theo của Nhà nước; căn cứ vào chiến lược và mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đã được thông qua; các chỉ tiêu hướng dẫn được Nhà nước thông báo trong từng thời kỳ kế hoạch để xem xét DATKT, LCKTKT.
3.1 Những vấn đề được kết luận khi tiến hành thẩm tra dự án tiền khả thi:
- Cơ sở phương pháp của DATKT.
- Vai trò của dự án đóng góp vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội toàn quốc, khu vực; mối quan hệ phát triển liên ngành liên khu vực. Khả năng huy động tiềm lực và các đóng góp của quốc gia và nước ngoài.
- Kiểm tra, đánh giá kết luận và các thông tin cơ bản về phân tích thị trường, định vị thị trường, từ đó khẳng định mục tiêu và quy mô dự án.
- Kết luận về năng lực giải quyết các yếu tố vào (ở trong nước).
- Chọn khu vực địa điểm.
- Hướng lựa chọn công nghệ.
- Kết luận khả năng, huy động tài chính, lao động trong nước và hướng tìm kiếm thị trường bổ sung.
- Các vấn đề khác nảy sinh liên quan đến việc huy động tài liệu.
- Các lợi ích kinh tế xã hội và các hậu quả có thể có do thực hiện dự án, hướng khắc phục.
3.2 Những vấn đề cần được đánh giá và kết luận khi thẩm tra LCKTKT.
- Hội đồng thẩm tra LCKTKT tiến hành thẩm tra, kết luận về từng phần và đánh giá tổng hợp bản LCKTKT. Tuy quy mô đầu tư, hình thức và chế độ sở hữu vốn đầu tư quản lý Nhà nước đối với các LCKTKT sẽ khác nhau, vì vậy yêu cầu công tác thẩm tra cũng khác nhau.
1. Đối với LCKTKT các công trình thuộc sở hữu Nhà nước (công cộng) hoặc sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (một phần hoặc toàn bộ), vốn từ nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi; vốn phải bảo trợ, công tác thẩm tra cần đặc biệt đi sâu phân tích kết luận các mặt sau đây:
a. Các điều kiện pháp lý.
b. Vai trò của công trình trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc, khu vực - mỗi quan hệ phát triển liên ngành, liên khu vực. Khả năng huy động tiềm lực và các đóng góp của quốc gia và nước ngoài.
c. Kiểm tra đánh giá các phân tích về điều kiện cơ bản, thông tin thị trường - khả năng thâm nhập thị trường - các quy định của Nhà nước liên quan tới viêc khuyến khích hoặc hạn chế sản xuất, tiêu dùng loại sản phẩm này - kết luận vè thị trường, khẳng định mục tiêu đầu tư.
d. Kết luận về sản phẩm và công suất
đ. Kết luận về tính khả thi của phương án giải quyết các yếu tố đầu vào nhằm bảo đảm điều kiện cho công trình hoạt động.
e. Vấn đề giải quyết công ăn việc làm.
g. Kết luận về công nghệ lựa chọn.
Vấn đề giải quyết chất thải và môi trường.
h. Địa điểm xây dựng.
Trên cơ sở kiểm tra so sánh đánh giá các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của địa điểm, kết luận về phương án địa điểm lựa chọn.
i. Kết luận về giải pháp và tiến độ xây dựng.
k. Đánh giá tài chính:
+ Mức độ chính xác trong tính toán nhu cầu vốn đầu tư, dự tính các yếu tố tác động có thể làm thay đổi tổng mức.
+ Nguồn tài trợ huy động có thể chấp nhận và những đặc trưng liên quan.
+ Độ tin cậy của việc tính các khoản thu nhập, các chi phí tài chính có tính đến các yếu tố động.
+ Những ảnh hưởng về tài chính do cơ chế chính sách hoặc thị trường.
+ Mức lãi suất và mức sống về mặt tài chính của dự án.
1. Đánh giá về mặt kinh tế quốc gia và lợi ích xã hội mà dự án mang lại.
+ Các kết luận về chỉ tiêu hiệu quả kinh tế.
+ Vai trò của công trình trong chương trình phát triển kinh tế xã hội.
+ Các kết quả về mặt xã hội mà dự án mang lại (những mối lợi, các đối tượng được hưởng, những hậu quả dự tính phải gánh chịu, đối tượng gánh chịu, hình thức giải quyết, các tác động chính trị xã hội ).
+ Những điều kiện để Chính phủ có thể kiểm soát lợi ích.
+ Đề nghị các ưu đãi mà công trình đầu tư có thể được hưởng phù hợp với quy chế chung.
+ Những vấn đề mới phát sinh ngoài các quy định của luật pháp và chính sách của Nhà nước - kiến nghị các xử lý.
+ Những khả năng rủi ro.
2. Yêu cầu thẩm tra LCKTKT các công trình thuộc sở hữu khác và sử dụng nguồn vốn ngoài quy định ở mục (3.1) 1 nêu trên.
Quá trình thẩm tra nhằm xem xét và kết luận các vấn đề sau:
a. Các điều kiện pháp lý
b. Những cơ sở đảm bảo tính khả thi của công trình (thị trường, địa điểm, điều kiện vật chất, khả năng thanh toán).
c. Chế độ khai thác và sử dụng tài nguyên quốc gia.
d. Tính chắc chắn về những lợi ích kinh tế xã hội mà công trình đầu tư mang lại.
đ. Vấn đề môi sinh môi trường do hoạt động của công trình đầu tư tạo ra và các giải pháp.
e. Những vấn đề xã hội này sinh.
g. Các ưu đãi mà công trình đầu tư có thể được hưởng theo quy chế chung.
h. Khuôn khổ hoạt động.
Các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư.
Những vấn đề ngoài qui định.
D. DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH XÉT DUYỆT DATKT, LCKTKT, BCKTKT
1. Nội dung dự thảo quyết định phê duyệt DATKT gồm:
a. Tên dự án - chủ đầu tư - chủ quản đầu tư.
b. Mục tiêu nhiệm vụ.
c. Khu vực điạ điểm.
d. Hướng nghiên cứu các giải pháp về chương trình sản xuất, chương trình cung cấp, yêu cầu lựa chọn công nghệ, giải pháp xây dựng - môi sinh, môi trường.
đ. Hướng nghiên cứu giải quyết nguồn tài trợ.
e. Các yêu cầu cần đảm bảo khi lập LCKTKT.
g. Các điều cấm.
h. Các trách nhiệm mà chủ đầu tư phải thực hiện tiếp.
i. Trách nhiệm của các ngành hữu quan.
k. Những việc qui định phải làm tiếp.
2. Nội dung dự thảo quyết định xét duyệt LCKTKT (BCKTKT)
Đối với những công trình thuộc diện phân cấp cho Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương, nội dung xét duyệt LCKTKT cần thể hiện các điểm sau:
- Tên LCKTKT.
- Chủ đầu tư.
- Mục tiêu nhiệm vụ đầu tư và năng lực thiết kế.
- Địa điểm công trình và phạm vi chiếm đất.
- Các giải pháp đảm bảo chương trình cung cấp.
- Các giải pháp công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật và giải pháp xây dựng chủ yếu.
- Khối lượng các hạng mục công trình đầu tư chủ yếu - Thời hạn xây dựng.
- Tổng chi phí đầu tư, các nguồn tài trợ và tiến độ thực hiện đầu tư.
- Các khoản ưu đãi đầu tư được hưởng - các điều cấm.
- Các trách nhiệm mà chủ đầu tư phải đảm bảo thực hiện (thời hạn hoàn trả vốn, lợi nhuận, thực hiện nghĩa vụ, môi trường sinh thái, lợi ích xã hội...).
- Điều khoản thi hành.
Thông tư này hướng dẫn những nội dung cơ bản cho giai đoạn đầu tư triển khai dự án đầu tư. Các bộ quản lý ngành căn cứ vào nội dung này để xây dựng nội dung mẫu LCKTKT phù hợp với đặc thù của ngành mình và gửi cho Uỷ ban Kế hoạch, Nhà nước, Bộ Xây dựng để thoả thuận ban hành và áp dụng trong phạm vi quản lý ngành.
Đỗ Quốc Sam (Đã ký) | Ngô Xuân Lộc (Đã ký) |
File gốc của Thông tư liên bộ 04/TTLB năm 1991 về lập, thẩm tra – xét duyệt dự án tiền khả thi (DATKT), luận chứng kinh tế kỹ thuật (LCKTKT) và báo cáo kinh tế kỹ thuật (BCKTKT) do Bộ Xây dựng- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên bộ 04/TTLB năm 1991 về lập, thẩm tra – xét duyệt dự án tiền khả thi (DATKT), luận chứng kinh tế kỹ thuật (LCKTKT) và báo cáo kinh tế kỹ thuật (BCKTKT) do Bộ Xây dựng- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Xây dựng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước |
Số hiệu | 04/TTLB |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Đỗ Quốc Sam, Ngô Xuân Lộc |
Ngày ban hành | 1991-11-09 |
Ngày hiệu lực | 1991-11-24 |
Lĩnh vực | Đầu tư |
Tình trạng | Còn hiệu lực |