******** | Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Số: 484-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 8 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNHVỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2000 VÀ NHỮNG NĂM SAU"
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam tại các tờ trình số 296/QH-TH ngày 27 tháng 4 năm 1994 và số 491/QH-TH ngày 7 tháng 7 năm 1995 và Chủ tịch Hội đồng Thẩm định cấp Nhà nước tại tờ trình số 1741-UB/VPTĐ ngày 3 tháng 5 năm 1995,
QUYẾT ĐỊNH
1. Về mục tiêu: - Nâng cao thời lượng và chất lượng các chương trình truyền hình về nội dung, kỹ thuật, nghệ thuật và hình thức thể hiện, tăng cường tính toàn quốc và toàn diện của các chương trình truyền hình quốc gia. - Hình thành mạng truyền hình toàn quốc từ Trung ương đến địa phương với cơ sở vật chất, kỹ thuật được đổi mới và hiện đại hoá phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, đáp ứng về cơ bản yêu cầu xem các chương trình truyền hình Việt Nam ở trong nước và ở một số khu vực cần thiết trên thế giới. 2. Về quy mô: Đến năm 2000 ít nhất Đài truyền hình Việt Nam phải phát liên tục các chương trình từ 6 giờ đến 23 giờ hàng ngày, trong đó các chương trình do trong nước sản xuất phải chiếm 50% thời lượng phát sóng với chất lượng tương đương trình độ các nước phát triển cao trong khu vực. Ngoài chương trình truyền hình địa phương, phải bảo đảm ít nhất 80% số hộ gia đình được xem chương trình truyền hình quốc gia; tỷ lệ này phải được bảo đảm kể cả ở vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Chương trình truyền hình đối ngoại phải phát được tới một số khu vực tập trung cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. 3. Về các nguyên tắc thực hiện: - Các chương trình truyền hình phải nhằm cung cấp nhanh chóng và chính xác đến mọi người dân những thông tin về đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, góp phần nâng cao dân trí, trình độ thẩm mỹ của nhân dân, đấu tranh chống các âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, nội dung chương trình cần phong phú đa dạng, có sự cân đối, hài hoà giữa nội dung thông tin, giáo dục và giải trí, giữa các chương trình sản xuất trong nước và các chương trình có chọn lọc của nước ngoài. Cần phối hợp với ngành điện ảnh để nâng cao thời lượng và chất lượng phim Việt Nam chiếu trên truyền hình. Cần có thêm các chương trình bằng tiếng các dân tộc ít người. - Từng bước hiện đại hoá một cách đồng bộ các thiết bị sản xuất chương trình trong toàn ngành, tiến tới đạt tiêu chuẩn quốc tế để có thể trao đổi chương trình truyền hình với các nước trên thế giới. Nghiên cứu, triển khai áp dụng các kỹ thuật và công nghệ truyền hình mới phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh Việt Nam. - Xây dựng hệ thống truyền dẫn và phát sóng truyền hình quốc gia và địa phương trong một tổng thể thống nhất, bảo đảm khả năng điều hành và kiểm soát toàn bộ hệ thống truyền hình trong cả nước. Cần thuê vệ tinh để truyền dẫn tín hiệu của Đài truyền hình quốc gia phủ sóng trên toàn lãnh thổ và một số khu vực cần thiết trên thế giới; đồng thời kết hợp sử dụng hợp lý các phương thức truyền dẫn khác: vi ba số, cáp quang. - Phối hợp, kết hợp sử dụng các cơ sở vật chất giữa truyền hình, phát thanh và bưu điện. - Trong quá trình xây dựng và lắp đặt các thiết bị mới phải bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất chương trình và hệ thống truyền dẫn và phát sóng hiện có hoạt động bình thường và ổn định. - Trong việc triển khai chương trình: "Đưa truyền hình về vùng núi, vùng cao, biên giới và hải đảo", trên cơ sở quy hoạch phát triển chung của ngành truyền hình cần có kế hoạch trang bị máy thu hình các loại để thu chương trình truyền hình quốc gia, và trang bị các điểm thu xem chương trình truyền hình Việt Nam cho các điểm sâu ở vùng núi, vùng cao, biên giới và hải đảo; thực hiện các biện pháp đồng bộ về trang bị, dịch vụ sửa chữa, bảo hành, nguồn điện theo đặc điểm của từng vùng; xác định các đối tượng thuộc diện chính sách cần được ưu tiên trang bị máy thu hình. Lựa chọn một số điểm điển hình có các đặc thù khác nhau để tiến hành thí điểm rút kinh nghiệm, sau đó triển khai trên diện rộng. Xây dựng các trạm phát lại truyền hình với công suất thích hợp cho các điểm dân cư ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng lõm không thu được tín hiệu từ những đài phát lớn. - Trung tâm sản xuất chương trình truyền hình Việt Nam mới cần được triển khai xây dựng sớm để hoàn thành trước năm 2000. Lập một dự án đầu tư riêng cho Tháp truyền hình có tính tổng hợp cả truyền hình, bưu điện, du lịch, thương mại tại địa điểm ở tây bắc Hồ Tây (Hà Nội) nhằm thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư. - Trên cơ sở quy hoạch chung, lập và trình duyệt các dự án cụ thể để quyết định đầu tư theo Điều lệ quản lý đầu tư và ban hành kèm theo Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ. - Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đề xuất các biện pháp thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch. Nguyễn Khánh (Đã ký)
File gốc của Quyết định 484-TTg năm 1995 phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Truyền hình Việt Nam đến năm 2000 và những năm sau” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 484-TTg năm 1995 phê duyệt “Quy hoạch phát triển ngành Truyền hình Việt Nam đến năm 2000 và những năm sau” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 484-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Khánh |
Ngày ban hành | 1995-08-22 |
Ngày hiệu lực | 1995-08-22 |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
Tình trạng | Đã hủy |