Thông tư 78/1997/TT-BTC hướng dẫn những ưu đãi về thuế và tài chính đối với hợp tác xã theo Nghị định 15/CP-1997 và Nghị định 16/CP-1997 do Bộ Tài chính ban hành
Căn cứ Nghị định số 15/CP về "Chính sách khuyến khích phát triển Hợp tác xã" và Nghị định số 16/CP về "Chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã" của Chính phủ ngày 21 tháng 2 năm 1997.
...
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi về thuế và tài chính đối với Hợp tác xã liên quan đến việc thực hiện các quy định trên như sau:
...
II. NHỮNG ƯU ĐÃI VỀ THUẾ
Các Hợp tác xã phải chấp hành nghiêm chỉnh chế độ về đăng ký, kê khai, thu, nộp các loại thuế và phí theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, dưới đây là hướng dẫn những ưu đãi về thuế đối với Hợp tác xã:
1. Về thuế doanh thu và thuế lợi tức.
Các Hợp tác xã mới thành lập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã được coi là cơ sở mới thành lập và được hưởng ưu đãi về thuế theo quy định đối với cơ sở mới thành lập, như sau:
a. Hợp tác xã hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, thuỷ sản, làm muối...) thì không phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức.
Những Hợp tác xã ở nông thôn có những hoạt động dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, làm muối như: tưới tiêu nước, làm đất, bảo quan hàng hoá, vật nuôi, cây trồng, bảo vệ thực vật, sản xuất và sửa chữa công cụ làm muối... thì không phải nộp thuế doanh thu và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức từ những hoạt động đó. Những hoạt động dịch vụ phục vụ cho các đối tượng khác, không phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp thì không được ưu đãi về thuế quy định tại điểm này.
b. Những Hợp tác xã mới thành lập hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thủ công nghiệp (quy định tại Mục I Biểu thuế doanh thu ban hành kèm theo Nghị định 96/CP ngày 27-12-1995) thì được:
- Giảm 50% thuế doanh thu trong thời gian 1 năm (12 tháng) kể từ tháng có doanh thu. những Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, năm tiếp sau năm được giảm thuế nếu phát sinh lỗ được giảm thuế doanh thu trong một thời gian tiếp theo, số thuế doanh thu được xét giảm tương ứng với số lỗ nhưng tối đa không quá 50% số thuế doanh thu phải nộp và tổng số thời gian được xét giảm thuế doanh thu không quá 2 năm (24 tháng). riêng Hợp tác xã sản xuất mới thành lập ở miền núi, hải đảo thì tổng số thời gian được xét giảm thuế doanh thu không quá 3 năm (36 tháng), kể từ tháng giảm thuế đầu tiên.
- Miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức và được giảm 50% số thuế lợi tức phải nộp trong 2 năm (24 tháng) tiếp theo. riêng Hợp tác xã sản xuất mới thành lập ở miền núi, hải đảo thì thời gian giảm thuế được kéo dài thêm 2 năm nữa.
c. Đối với Hợp tác xã đánh bắt thuỷ sản xa bờ thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã từ ngày 06-3-1997 đến ngày 28-5-1997 được miễn thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.
Hợp tác xã đánh bắt thuỷ sản xa bờ được thành lập và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã từ ngày 29-5-1997 trở đi, được hưởng những ưu đãi về thuế theo quy định tại Quyết định số 358/TTg ngày 29-5-1997 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản ở vùng biển xa bờ và các văn bản hướng dẫn Quyết định này của Bộ Tài chính.
d. Hợp tác xã bốc xếp thô sơn được giảm thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.
đ. Hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh ở miền núi cao, hải đảo và ở các vùng có khó khăn khác theo quy định của Chính phủ, được miễn thuế doanh thu 2 năm (24 tháng) kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã và được miễn thuế lợi tức 2 năm (24 tháng) đầu kể từ khi có lợi tức.
...
III. THỦ TỤC, TRÌNH TỰ VÀ THẨM QUYỀN XÉT MIỄN, GIẢM THUẾ
Để có căn cứ xác định đúng đối tượng và số thuế được miễn giảm theo quy định, các Hợp tác xã phải có đủ những điều kiện sau đây mới được miễn, giảm thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này:
- Hoạt động đúng đăng ký kinh doanh.
- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về sử dụng chứng từ mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính quy định về chế độ kế toán, thống kê, đăng ký nộp thuế và kê khai nộp thuế đầy đủ theo pháp luật hiện hành.
1. Xét miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức.
a. Thủ tục, hồ sơ xét miễn, giảm thuế:
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức của Hợp tác xã phải gửi đến cơ quan thuế quản lý, bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh.
+ Giấy đăng ký kê khai nộp thuế và có xác nhận của cơ quan thuế.
b. Thẩm quyền xét miễn, giảm thuế:
Chi cục trưởng Chi cục thuế được xét miễn, giảm thuế doanh thu, thuế lợi tức cho các Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này sau khi báo cáo Cục trưởng Cục thuế cấp trên trực tiếp xem xét phê duyệt.
2. Xét miễn, giảm tiền thuê đất.
- Hồ sơ xin miễn, giảm tiền thuê đất của Hợp tác xã phải gửi đến cơ quan thuế quản lý, bao gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh.
+ Giấy đăng ký kê khai nộp thuế và có xác nhận của cơ quan thuế.
- Cục trưởng Cục thuế được xét và quyết định miễn, giảm thu tiền thuê đất đối với Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này.
3. Xét miễn, giảm lệ phí trước bạ.
- Hồ sơ xin miễn, giảm lệ phí trước bạ của Hợp tác xã phải gửi đến Cơ quan quản lý thu lệ phí trước bạ của địa phương nơi Hợp tác xã đóng trụ sở, gồm:
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã ngày 20-3-1996, xác định rõ ngành nghề, mặt hàng sản xuất, kinh doanh.
+ Giấy tờ có liên quan về tài sản theo yêu cầu khi đăng ký nộp lệ phí trước bạ.
- Thủ trưởng Cơ quan quản lý thu lệ phí trước bạ có thẩm quyền quyết định miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với các tài sản Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này.
4. Trình tự thủ tục xét miễn, giảm thuế.
Trong mọi trường hợp Hợp tác xã đề nghị xét miễn, giảm thuế phải lập hồ sơ xin miễn, giảm thuế theo đúng quy định gửi cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã. Khi nhận được hồ sơ xin miễn, giảm thuế, cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã phải kiểm tra hồ sơ nhận được, xác định rõ: có thuộc trường hợp được miễn, giảm thuế theo luật định không, hồ sơ đã lập có đúng, đủ theo quy định hay còn thiếu hoặc sai sót gì, đối chiếu hồ sơ với thực tế, xác định rõ các số liệu, tình hình liên quan tới việc xin miễn, giảm thuế.
Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có sai sót phải yêu cầu Hợp tác xã bổ sung chỉnh lý kịp thời.
Trường hợp đề nghị của Hợp tác xã không thuộc trường hợp được miễn, giảm thuế theo luật định, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho đơn vị biết rõ lý do không được xét miễn, giảm thuế.
Những trường hợp xét miễn, giảm thuế không thuộc thẩm quyền của cơ quan thuế quản lý Hợp tác xã, cơ quan thuế sau khi kiểm tra xem xét hồ sơ và tình hình thực tế của Hợp tác xã có ý kiến bằng văn bản gửi cơ quan thuế cấp trên xét giải quyết, cơ quan thuế phải gửi toàn bộ hồ sơ của đơn vị đã được kiểm tra xem xét cùng văn bản kiến nghị của cơ quan thuế, đồng thời thông báo bằng văn bản để đơn vị biết hồ sơ đã chuyển tới đâu. Hồ sơ gửi cơ quan thuế cấp trên phải ghi rõ danh mục hồ sơ.
Trường hợp giải quyết cho miễn, giảm thuế, cơ quan thuế quyết định cho miễn, giảm phải ban hành quyết định miễn, giảm thuế gửi cho Hợp tác xã được miễn, giảm thuế và các đơn vị liên quan thực hiện.
Căn cứ vào quyết định được miễn, giảm thuế, cơ quan thuế thực hiện quyết toán với Hợp tác xã số thuế phải nộp và xác định lại kết quả lãi lỗ và các khoản thu nộp Ngân sách Nhà nước khác.
Cơ quan xét quyết định miễn, giảm thuế có trách nhiệm lưu giữ, quản lý hồ sơ miễn, giảm thuế theo đúng chế độ.
5. Thời gian xem xét quyết định miễn, giảm thuế.
Trong thời gian tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ giải quyết những ưu đãi về thuế cho Hợp tác xã theo quy định tại Thông tư này có trách nhiệm: ra quyết định miễn, giảm thuế hoặc thông báo cho cơ sở biết lý do chưa giải quyết hoặc không giải quyết.
6. Về tính chất pháp lý của hồ sơ xin miễn, giảm thuế.
Hồ sơ xin miễn, giảm thuế của cơ sở gửi cơ quan thuế theo các quy định trên đây phải là bản chính có đủ các thủ tục hành chính của văn bản. Trường hợp hồ sơ có các văn bản sao: nếu bản sao là văn bản, chứng từ do các cơ quan, đơn vị khác ban hành, như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Quyết định thành lập... phải đóng dấu sao công chứng. nếu bản sao là văn bản của cơ sở như: các bản quyết toán hoặc chứng từ liên quan khác, phải đóng dấu sao gửi của cơ sở.