THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/1998/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 1998 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tại công văn số 3202 BKH/HĐTĐ ngày 31 tháng 5 năm 1997.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông - Bắc đến năm 2010 gồm 13 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh với những nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU:
1. Phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP cả giai đoạn từ nay đến năm 2010 đạt khoảng trên 10%/năm, trong đó thời kỳ từ nay đến năm 2000 khoảng 10% để đạt mục tiêu GDP/người năm 2000 bằng khoảng 1,6 lần so với năm 1994 và năm 2010 bằng khoảng 2,5 lần so với năm 2000. Đảm bảo hài hòa quan hệ giữa phát triển nhanh, hiệu quả và lâu bền, thực hiện cơ bản xóa đói trước năm 2000, giảm 30 - 40% hộ nghèo so với hiện nay.
2. Sau năm 2000 hầu hết các tỉnh phấn đấu tự cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn; tăng tích lũy từ nội bộ nền kinh tế. Đến năm 2000 tỷ lệ tích lũy đầu tư từ nội bộ nền kinh tế đạt khoảng 12 - 13% GDP và đến năm 2010 đạt khoảng 18 - 20% GDP.
3. Giá trị xuất khẩu tăng với nhịp độ 22 - 23%/năm trong cả giai đoạn từ nay đến năm 2010. Giá trị xuất khẩu của vùng Đông - Bắc chiếm khoảng 4% so với cả nước vào năm 2010.
4. Năm 2010 cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư.
5. Nâng cao dân trí và thể lực của nhân dân; đảm bảo cuộc sống văn hóa, tinh thần ngày càng cao và lối sống ngày càng văn minh trong nhân dân. Giảm tối đa các bệnh dịch và các bệnh nguy hiểm như sốt rét, bướu cổ, trẻ em suy dinh dưỡng và các tệ nạn xã hội như mê tín, dị đoan, nghiện hút, tiêm chích ma túy, mại dâm...
6. Khôi phục và cải thiện môi trường; nâng tỷ lệ che phủ rừng trên diện tích tự nhiên từ 22,8% hiện nay lên 60% vào năm 2010 (tính cả cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả); bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái, nhất là ở các đô thị lớn, các khu công nghiệp tập trung, các hải cảng, khu du lịch.
7. Phối hợp với các lực lượng của Trung ương giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Quốc gia trên đất liền và vùng biển, góp phần tạo ra sự ổn định cần thiết cho quá trình phát triển của vùng và cả nước.
II. NHỮNG NHIỆM VỤ CHỦ YẾU VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI:
1. Về phát triển công nghiệp:
- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân cả giai đoạn từ nay đến năm 2010 khoảng 14 - 15%/ năm.
- Hình thành các ngành hoặc sản phẩm công nghiệp chủ lực, trong đó một số là mũi nhọn dựa trên các lợi thế về nguyên liệu và thị trường như: công nghiệp khai thác, tuyển quặng và tinh chế khoáng sản (than, sắt, kim loại mầu); công nghiệp vật liệu xây dựng; công nghiệp chế biến nông lâm, hải sản; công nghiệp luyện kim, chế tạo cơ khí; nhiệt điện và thủy điện vừa và nhỏ; công nghiệp phân bón, hóa chất; công nghiệp hàng tiêu dùng.
- Cải tạo và mở rộng các khu công nghiệp hiện có, đồng thời từng bước cải tạo các điều kiện về cơ sở hạ tầng để hình thành một số khu công nghiệp mới. Phát triển công nghiệp phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường.
- Duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu cao.
2. Về phát triển nông nghiệp:
- Phấn đấu đạt nhịp độ tăng trưởng nông nghiệp cả thời kỳ 1996 - 2010 khoảng 4%.
- Đổi mới cơ cấu nông nghiệp: chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa (giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả, rau thực phẩm); phát triển lương thực theo hướng thâm canh để giải quyết với mức cho phép nhu cầu tại chỗ. Phát triển mạnh các vùng cây tập trung tạo hàng hóa lớn. Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi. Chú trọng phát triển các vùng cây đặc sản.
- Đổi mới hệ giống và tạo đủ giống cây trồng, vật nuôi, đi đôi với việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, kể cả khâu sau thu hoạch.
3. Về phát triển lâm nghiệp:
- Phát triển lâm nghiệp theo hướng xã hội hóa, thực hiện chức năng bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng mới và giữ gìn môi trường, sinh thái.
- Đổi mới giống cây trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nhu cầu của thị trường về lâm sản.
- Xây dựng các vùng nguyên liệu giấy, gỗ trụ mỏ, quế, hồi ...
4. Các ngành dịch vụ:
- Ngành Thương mại cần được phát triển mạnh để chuyển sang kinh tế hàng hóa. Đến năm 2000 GDP ngành Thương mại phấn đấu đạt tỷ trọng 9% so với tổng GDP và 21,6% so với GDP các ngành dịch vụ ..., năm 2010 đạt 13% so với tổng GDP và 26% so với GDP với các ngành dịch vụ. Đẩy mạnh xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc. Coi trọng nhập thiết bị máy móc vật tư cho sản xuất. Phát triển mạnh hệ thống các trung tâm thương mại, các khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển thương nghiệp vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo. Khuyến khích tối đa đối với các loại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để khắc phục khoảng cách đối với các vùng khác.
- Du lịch: Phát triển mạnh du lịch để nâng tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP của vùng đạt 6% năm 2000 và 10% năm 2010. Phát triển mạnh du lịch biển, xây dựng một số khu, cụm du lịch, tuyến du lịch nội vùng, liên vùng và quốc tế. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành du lịch đồng thời tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý ngành du lịch.
- Phát triển các loại hình dịch vụ khác như vận tải quá cảnh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, chuyển giao công nghệ, thông tin liên lạc ...
- Đẩy mạnh phát triển các vùng cửa khẩu, tạo cơ sở nâng cao khả năng chuyển tải quá cảnh bằng đường sắt, đường bộ.
5. Về phát triển các lĩnh vực xã hội:
- Giáo dục - đào tạo: Ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng cao biên giới, hải đảo. Đa dạng hóa loại hình giáo dục nhằm thu hút ngày càng nhiều trẻ em đến tuổi đi học tới trường, lớp.
- Y tế: tăng cường điều kiện vật chất cho các cơ sở y tế đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám và chữa bệnh có chất lượng, giảm hẳn tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em. Đến năm 2000 khống chế được bệnh sốt rét, thanh toán bệnh bướu cổ, bệnh đần độn và các hậu quả do thiếu iốt. Trước năm 2010 hoàn thành xóa xã trắng về cơ sở y tế.
- Văn hóa thông tin - phát thanh truyền hình: thời kỳ từ nay đến năm 2000 phấn đấu các tỉnh trong vùng đều có trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa - thể thao, có bảo tàng hoàn chỉnh, xây dựng đài phát thanh và truyền hình theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Coi trọng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc, thời kỳ 2001 - 2010 phấn đấu đáp ứng các nhu cầu nghe, nhìn của nhân dân trong vùng ở mức độ trung bình so với cả nước.
6. Phát triển kết cấu hạ tầng:
Phát triển kết cấu hạ tầng then chốt phải được ưu tiên và đi trước một bước. Tập trung phát triển mạng lưới giao thông. Ngoài việc thực hiện chương trình giao thông năm 2000 của Bộ Giao thông vận tải, cần tiếp tục nâng cấp các Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 1, Quốc lộ 70. Ngoài ra, trước năm 2005 khôi phục và nâng cấp các đường vành đai Quốc lộ 4, N1, N2 để tạo ra mạng lưới đường hoàn chỉnh cho cả vùng Đông - Bắc. Đến năm 2000 đạt 70% và năm 2010 đạt 90% số xã có điện. Từng bước xây dựng hệ thống thủy lợi cho sản xuất và hệ thống cấp nước cho các thành phố, thị xã, thị trấn, huyện lỵ, các khu công nghiệp, cấp nước sạch cho khu vực nông thôn, chú ý khu vực vùng cao đồng bào dân tộc. Phát triển mạng thông tin bưu chính - viễn thông đến năm 2000 phấn đấu đạt 75% và năm 2010 đạt 100% số xã có máy điện thoại.
7. Về môi trường:
Vấn đề môi trường phải được coi trọng song song với phát triển kinh tế - xã hội: phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, ưu tiên khu vực đầu nguồn, nơi có yêu cầu phòng hộ; chống ô nhiễm không khí, đất và nguồn nước, giữ gìn và bảo vệ nghiêm ngặt môi trường khu vực ven biển, các đô thị, các trung tâm khu công nghiệp và khu vực khai thác than Quảng Ninh cũng như các khu vực khai thác khoáng sản khác.
8. Về an ninh - quốc phòng:
Củng cố, xây dựng phòng tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo vững mạnh, thực hiện các Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh. Kết hợp với xây dựng kinh tế để thực hiện các nhiệm vụ chiến lược trên địa bàn vùng Đông - Bắc.
1. Để thực hiện Quy hoạch phải có hệ thống biện pháp đồng bộ nhằm huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông - Bắc. Phải thể hiện và cụ thể hóa các phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu của Quy hoạch trong các kế hoạch 5 năm, hàng năm trên địa bàn từng tỉnh thuộc vùng Đông Bắc bằng các chương trình phát triển và các dự án đầu tư cụ thể. Các khu vực cần được ưu tiên phát triển là: Hệ thống đô thị, các tuyến hành lang kinh tế, hành lang biên giới, nông thôn (đặc biệt khu vực nông thôn vùng núi cao và hải đảo).
Đối với các tỉnh có biên giới Quốc gia, cần đẩy mạnh phát triển các khu vực cửa khẩu, xây dựng các cửa khẩu thành trung tâm giao lưu kinh tế và thương mại. Đồng thời cần quan tâm tới việc xây dựng cơ sở vật chất cho các đồn, trạm biên phòng để tạo điều kiện cho việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Cần nghiên cứu lồng ghép, phối hợp các chương trình mục tiêu đẩy mạnh phát triển các khu vực vùng cao, biên giới, các khu vực có khó khăn đặc biệt. Việc này cần phải được phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến các tỉnh để bảo đảm đồng bộ và tập trung, phát huy hiệu quả của các chương trình.
2. Cụ thể hóa các giải pháp về vốn, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và môi trường, mở rộng thị trường bằng các cơ chế chính sách phù hợp với các đặc điểm của vùng và đặc điểm của từng tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định nhằm thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã nêu trong Quy hoạch.
3. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần rà soát kỹ hệ thống các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông - Bắc, danh mục các dự án đầu tư và sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho hợp lý để đưa dần vào kế hoạch hàng năm của các tỉnh. Đối với các xã, huyện vùng cao biên giới, vừa là vùng núi có nhiều khó khăn, vừa là vùng trọng điểm an ninh, cần có kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể để có giải pháp tập trung cao độ để tạo bước đi trong giai đoạn trước mắt và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Điều 2. Các Bộ, ngành ở Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đông - Bắc phải có kế hoạch cụ thể 5 năm, hàng năm để tổ chức chỉ đạo thực hiện các chương trình, dự án trong phạm vi chỉ đạo của Bộ, ngành và tỉnh mình theo các mục tiêu và định hướng phát triển đã nêu trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đông - Bắc có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình và các dự án đã đề ra.
Điều 3. Trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển vùng Đông - Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đông - Bắc tiến hành tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với Quy hoạch chung của cả nước.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng Đông - Bắc và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
File gốc của Quyết định 02/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng – Bắc giai đoạn từ nay đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 02/1998/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng – Bắc giai đoạn từ nay đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 02/1998/QĐ-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Phan Văn Khải |
Ngày ban hành | 1998-01-06 |
Ngày hiệu lực | 1998-01-21 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |