ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/CT-UBND | Tiền Giang, ngày 22 tháng 3 năm 2021 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH PHÁP LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Qua 08 năm triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội và kỷ cương trên các lĩnh vực, phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số hạn chế, bất cập, như: công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính ở một số lĩnh vực, đơn vị, địa phương chưa kịp thời, triệt để, nghiêm minh; vẫn còn trường hợp sai sót về trình tự, thủ tục xử lý; việc tổ chức thi hành các quyết định xử phạt nhất là thi hành biện pháp khắc phục hậu quả đạt kết quả chưa cao.
Để tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Tổ chức thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý. Các cơ quan, đơn vị, địa phương không kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý, để xảy ra vi phạm hành chính ảnh hưởng đến trật tự quản lý nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội, Nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước cơ quan Nhà nước cấp trên và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Tăng cường công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trường hợp có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền giải quyết, cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn.
3. Tổ chức triển khai thi hành kịp thời, đầy đủ, toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân nắm và chấp hành nghiêm pháp luật, hạn chế vi phạm hành chính.
4. Hàng năm, khi có văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mới ban hành hoặc xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, kịp thời tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
5. Tuân thủ đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Thực hiện tốt trách nhiệm của cơ quan chủ trì tham mưu, đề xuất xử lý vi phạm hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.
Tổ chức thi hành nghiêm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã có hiệu lực thi hành.
6. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra tình hình thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP ngày 12/02/2020 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đảm bảo căn cứ, thẩm quyền, quy trình, thủ tục kiểm tra theo quy định. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình bao che những trường hợp vi phạm hành chính, phát hiện vi phạm hành chính nhưng không xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
7. Tổ chức thực hiện tốt các quy định về thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm hành chính; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trong công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường phối hợp thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và pháp luật liên quan sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân; kịp thời biểu dương, khen thưởng hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các gương điển hình tiên tiến trong việc tuân thủ pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, quản lý, vận động, giáo dục, giúp đỡ người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp quản lý tại gia đình theo quy định; hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
9. Tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân trong thực hiện quy trình, thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
10. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị này./.
| CHỦ TỊCH |
File gốc của Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang được cập nhật.
Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2021 tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Tiền Giang |
Số hiệu | 05/CT-UBND |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Nguyễn Văn Vĩnh |
Ngày ban hành | 2021-03-22 |
Ngày hiệu lực | 2021-03-22 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Còn hiệu lực |