ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 08/2003/QĐ-UB | Đồng Hới, ngày 07 tháng 03 năm 2003 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;
- Căn cứ Nghị định số 95/2002/QĐ-TTg ngày 17/07/2002 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005”;
- Căn cứ Kế hoạch số 12/KH-TU ngày 26/10/2001 của Tỉnh ủy Quảng bình về tổ chức thực hiện chỉ thị 58/CT-TW của Bộ chính trị “ đẩy mạnh ứng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
- Xét đề nghị của sở khoa học, công nghệ và môi trường và ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học chuyên ngành.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt Đề án “ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010 ” với những nội dung chủ yếu sau:
1- Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phát triển:
1.1. Quan điểm chỉ đạo:
Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trên cơ sở hợp tác và tiếp nhận công nghệ mới, đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng là chính, kết hợp nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực CNTT theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế để công nghệ thông tin được sử dụng có hiệu quả trong hoạt động điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh và sớm trở thành một lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Quảng Bình.
Phát triển CNTT phải hướng vào các lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế- xã hội và quốc phòng - an ninh, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý điều hành của các hoạt động hành chính, sản xuất kinh doanh và dịch vụ. CNTT là chương trình kỷ thuật - kinh tế ưu tiên của tỉnh, là cơ sở hạ tầng thông tin cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, đồng thời là nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu.
Phát triển CNTT theo hướng xã hội hóa, tạo điều kiện và khuyến khích mọi tổ chức và cá nhân phát triển CNTT. Cơ quan Đảng và Nhà nước phải đi tiên phong trong lĩnh vực này và trở thành khách hàng của thị trường CNTT nội địa.
1.2. Mục tiêu phát triển:
Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển CNTT trên cơ sở ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu cơ bản về thông tin trong quản lý Nhà nước, trong các hoạt động kinh tế xã hội và của công dân, góp phần chuẩn bị cho tỉnh bước vào hội nhập kinh tế trong khu vực và tiến tới nền kinh tế tri thức.
Mục tiêu cụ thể:
- Nâng cao nhận thức về CNTT cho các tầng lớp trong xã hội,đặc biệt chú trọng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp,cán bộ, công chức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.
Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, khoa học công nghệ của tỉnh.
- Đẩy mạnh việc đào tạo nhân lực cho công nghệ thông tin. Mở rộng các hình thức đào tạo, phát triển nhanh việc đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục- đào tạo.
- Vận dụng các chính sách của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, thành phần xã hội phát triển CNTT.
- Phối hợp sử dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực con người nhằm tăng cường hiệu quả trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin cũng như việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
- Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực quản lý Nhà nước và dịch vụ công đưa CNTT thành một công cụ đắc lực phục vụ cho chương trình cải cách tài chính của tỉnh và hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn.
- Thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng cách đáp ứng nhanh chóng, có hiệu quả với mức độ thuận tiện cao các đòi hỏi đặt ra của các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh.
- Tăng cường và đổi mới công tác chỉ đạo và quản lý về công nghệ thông tin.
2. Nội dung chủ yếu của Đề án ứng dụng và phát triển CNTT đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010:
2.1. Nội dung chủ yếu của Đề án CNTT đến năm 2005:
Đề án CNTT của Tỉnh tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Về xây dựng hạ tầng kỷ thuật CNTT:
- Từ nay đến hết năm 2004 trên cơ sở trang thiết bị hiện có tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện mạng diện rộng của hệ thống các cơ quan Đảng, hành chính nhà nước, nối mạng đến các huyện ủy, Đảng ủy trực thuộc, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc trên địa bàn tỉnh; đến năm 2004-2005 đầu tư nối mạng với UBND, Đảng ủy các phường, thị trấn và cơ bản đến các xã trong tỉnh.
- Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm tích hợp dữ liệu của Đảng, tạo điểm truy cập cơ sở dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan Đảng, đoàn thể... Các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện thị và chính quyền cấp xã, phường, thị trấn truy nhập vào điểm truy cập này.
Từng bước xây dựng phát triển các mạng cục bộ tại các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị xã; đến năm 2005; các cơ quan Đảng, Nhà nước và các huyện, thị xã xây dựng hoàn chỉnh mạng cục bộ để phục vụ tác nghiệp hành chính của cơ quan.
- Hoàn thành xây dựng Trung tâm CNTT. Tỉnh có một đội ngủ cán bộ CNTT nòng cốt, có năng lực, nắm vững các công nghệ quan trọng đang ứng dụng tại địa bàn, có khả năng phát triển các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh và tạo đà phát triển cho giai đoạn sau. Mỗi cơ quan Đảng, chính quyền có ít nhất một chuyên viên CNTT thành thạo về lĩnh vực quản trị mạng, điều hành mạng, xử lý thông tin và có một cán bộ trong ban lãnh đạo cơ quan am hiểu về CNTT phụ trách về CNTT cho cơ quan.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu:
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của Tỉnh và hệ thống dữ liệu chuyên ngành phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, sự quản lý và điều hành của các cấp chính quyền.
Phát triển nguồn nhân lực CNTT:
Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho CNTT của Tỉnh sẽ đồng thời thực hiện theo các hướng:
- Bằng chính sách thu hút tài năng tuyển dụng đội ngủ cán bộ tin học trẻ có trình độ cao, được đào tạo cơ bản về làm việc tại các cơ quan chủ chốt của Tỉnh, trước mắt bố trí vào các cơ quan đã xây dựng mạng cục bộ và mạng diện rộng như Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh, một số sở ngành kinh tế-tổng hợp.
- Bằng hình thức đào tạo đại học tại chức cho đội ngũ công chức vận hành, khai thác sử dụng máy tính và mạng máy tính, khai thác cơ sở dữ liệu trên mạng mở rộng hình thức đào tạo tin học tại chỗ để nâng cao trình độ sử dụng máy tính và khai thác cơ sở dữ liệu cho công chức chuyên môn của các cơ quan Đảng và quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện, thị xã. Khuyến khích các trường đại học, viện nghiên cứu... thuộc mọi thành phần kinh tế, trong và ngoài nước tổ chức đào tạo tin học tại tỉnh, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước nhằm phát triển nhanh nguồn lực đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh.
Tập trung triển khai các dự án trọng điểm:
Bao gồm các dự án: Xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT; Xây dựng Trung tâm CNTT; Tin học hóa quản lý nhà nước; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho CNTT; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh; ứng dụng CNTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; ứng dụng CNTT nâng cao đời sống và dân trí.
2.2 Định hướng đến năm 2010:
- Đến năm 2010, CNTT của Tỉnh Quảng Bình đạt mức trung bình khá trong toàn quốc. CNTT được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và các ngành kinh tế.
- Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, các cơ quan chính quyền được tin học hóa toàn bộ. Mạng tin học của tỉnh được mở rộng đến tận, phường, xã, thị trấn. Các bộ quản lý, chuyên viên và cán bộ các phòng ban nghiệp vụ trong hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có khả năng khai thác và sử dụng máy tính - mạng máy tính, các ứng dụng nghiệp vụ, các kho dữ liệu phục vụ công tác. Các dịch vụ hành chính công quan trọng được tin học hóa. Các ứng dụng CNTT và hệ thống cơ sở dữ liệu tiếp tục được nâng cấp, trở thành một công cụ hiệu quả và đắc lực, cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định, quản lý điều hành, theo dõi và ra quyết định của chính quyền các cấp. Nhu cầu về thông tin của nhân dân và các nhà đầu tư được phục vụ.
- Trong lĩnh vực kinh tế, CNTT là động lực trợ giúp và trợ giúp và thúc đẩy sự tăng trưởng các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Tạo điều kiện để 50% doanh nghiệp của tỉnh có thể tham gia vào thương mại điện tử, qua đó thúc đẩy giao thương và nâng cao năng lực của các ngành kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Đồng thời, CNTT trở thành một thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
- Trong lĩnh vực xã hội, tiếp tục nâng cao “ Văn hóa thông tin ”của cộng đồng, sử dụng CNTT và môi trường truyền thông phục vụ nâng cao dân trí, đào tạo từ xa, cung cấp các thông tin về khoa học, xã hội, kinh tế, chính trị, chính sách, tuyên truyền và các mặt của cuộc sống phù hợp với nhân dân. Mở rộng hệ thống trạm thông tin đến các xã phục vụ nhân dân.
- Về nguồn lực CNTT. xây dựng được đội ngũ chuyên gia về CNTT đáp ứng đủ nhu cầu trong cơ quan chính quyền và các ngành kinh tế quan trọng. Đông thời, công tác đào tạo về CNTT của tỉnh được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Có trung tâm đào tạo về nguồn lực CNTT chất lượng cao.
3. Các giải pháp hiện thực:
- Nâng cao nhận thức về CNTT: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo chuyên đề về CNTT nhằm nâng cao nhận thức về CNTT cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân.
- Hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT trên địa bàn tỉnh như: Cụ thể hóa các Nghị quyết, Chỉ thị và chính sách của Đảng và Nhà nước vê CNTT thành các văn bản phù hợp với tình hình của địa phương.
- Xây dựng và ban hành các quy định về sử dụng CNTT trong các cơ quan Đảng và quản lý Nhà nước.
- Xây dựng và ban hành các quy định khuyến khích các thành phần kinh tế ứng dụng và phát triển CNTT.
- Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về xây dựng hệ thống thông tin bao gồm kết cấu hạ tầng, phần mền ứng dụng, cung cấp dịch vụ nhằm nhất thể hóa các mạng máy vi tính trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả các dự án về CNTT.
- Ưu tiên kinh phí cho ứng dụng và phát triển CNTT; Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT.
- Phối hợp chặt chẽ giữa việc triển khai Đề án CNTT của tỉnh với Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước của Chính phủ.
- Lồng ghép các nội dung của Đề án CNTT với các nội dung trong chương trình cải cách hành chính của tỉnh.
Điều 2: Giao Giám đốc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện những nội dung cơ bản của Đề án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh đến giai đoạn đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010; Phối hợp với Ban điều hành Đề án tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá lập kế hoạch kinh phí hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.
Các Sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp cụ thể và triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của đơn vị mình.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | T/M UBND TỈNH QUẢNG BÌNH |
File gốc của Quyết định 08/2003/QĐ-UB phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010 đang được cập nhật.
Quyết định 08/2003/QĐ-UB phê duyệt đề án ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Bình đến năm 2005 và định hướng đến năm 2010
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Quảng Bình |
Số hiệu | 08/2003/QĐ-UB |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Đinh Hữu Cường |
Ngày ban hành | 2003-03-07 |
Ngày hiệu lực | 2003-03-07 |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
Tình trạng | Hết hiệu lực |