BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2003/TT-BTP | Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2003 |
Thi hành Điều 2 của Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề cụ thể như sau:
1. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 (sau đây gọi tắt là Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ) kế thừa và phát triển Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 (ban hành kèm theo Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ vừa mang tính định hướng, vừa chỉ rõ đối tượng, nội dung, gợi ý một số hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung thực hiện. Chương trình không quy định tiến độ, thời gian thực hiện cụ thể. Chính vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương, từng cơ quan chủ động lựa chọn đối tượng, nội dung, hình thức, biện pháp, tiến độ phù hợp với điều kiện, đặc thù, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
2. Nhằm nâng cao vai trò của các Bộ, ngành trong việc xây dựng, thi hành pháp luật, Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và Bộ trưởng "Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ" (Khoản 4 Điều 4). Các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch chỉ đạo toàn ngành thực hiện nhiệm vụ này.
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã giao trách nhiệm cụ thể tại điểm 2 Mục C của Chương trình cho một số Bộ có chức năng quản lý chung trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là Bộ Tư pháp, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính. Các cơ quan này có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã giao.
3. Tại Mục C (Tổ chức thực hiện) của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, Chính phủ giao trách nhiệm thực hiện Chương trình không chỉ là các Bộ, cơ quan ngang Bộ mà còn cả các cơ quan thuộc Chính phủ. Vì vậy, các cơ quan thuộc Chính phủ cũng có trách nhiệm thực hiện Chương trình.
4. Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Uỷ ban dân tộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Tôn giáo của Chính phủ, Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng, ban hành và thực hiện các Đề án cụ thể mang tính toàn quốc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt hiệu quả thiết thực, cụ thể trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Các Bộ, ngành được giao trách nhiệm này chủ động làm việc với các cơ quan phối hợp, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để sớm ban hành và thực hiện các Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
5. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thông tin thường xuyên, kịp thời và báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Bộ Tư pháp, tạo điều kiện để Bộ Tư pháp thực hiện tốt trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ.
II. VỀ KẾ HOẠCH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Theo quy định tại điểm 1, 3 Mục C của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, hàng năm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai ở Bộ, ngành, địa phương mình. Do đặc thù của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thực hiện liên tục, thường xuyên cho nên việc ban hành và thực hiện Kế hoạch mới theo Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật không làm gián đoạn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đang được thực hiện theo Kế hoạch trước đây của Bộ, ngành, địa phương.
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành được xây dựng trên cơ sở Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của Bộ, ngành, trong đó chú trọng phổ biến, thông tin, hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và công dân.
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần bám sát Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, hướng dẫn của các Bộ, ngành về triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với lĩnh vực do Bộ, ngành quản lý, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương.
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được xây dựng trên cơ sở Kế hoạch và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp trên.
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hoá Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, đề ra các giải pháp đồng bộ, cụ thể, sát hợp để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, trong đó đặc biệt chú ý các hình thức, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật ở cơ sở, đến tận người trực tiếp tổ chức thi hành và người thực hiện pháp luật.
Trong năm 2003, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương cần được ban hành trong Quý I. Theo định hướng của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ và kế thừa Kế hoạch của năm trước, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2004 trở đi cần được ban hành sớm từ đầu năm để kịp thời triển khai.
2. Về nội dung của Kế hoạch:
a) Đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật: Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ vẫn giữ 5 nhóm đối tượng như trong Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002, cụ thể là: các tầng lớp nhân dân; cán bộ, công chức; thanh thiếu niên; người lao động, người quản lý và cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp; lực lượng vũ trang, trong từng nhóm có chỉ rõ một số đối tượng cụ thể cần tập trung.
Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của từng Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp tập trung vào các đối tượng mà Chương trình của Chính phủ đã xác định. Tuỳ đặc điểm, nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật ở từng Bộ, ngành, địa phương, trong từng đối tượng chung đó, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cần đề ra các nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho các đối tượng hẹp, cụ thể hơn.
b) Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với đối tượng, địa bàn trên cơ sở định hướng về nội dung của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ; chú trọng phổ biến các quy định pháp luật cụ thể, hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục pháp luật; gắn phổ biến pháp luật với tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, với các cuộc vận động, các phong trào quần chúng do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động. Cần lưu ý là nội dung pháp luật được phổ biến không chỉ tập trung vào các văn bản mới được ban hành trong từng thời kỳ mà tuỳ yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật ở Bộ, ngành, địa phương, các quy định pháp luật đã có hiệu lực áp dụng cũng cần được tuyên truyền, phổ biến.
c) Về hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật: Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đề ra 5 loại hình thức, biện pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đó là:
- Củng cố, mở rộng lực lượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Phát triển các hình thức thông tin, phổ biến pháp luật đa dạng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu của các đối tượng;
- Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học, bậc học;
- Mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý;
- Có các hình thức thích hợp tổ chức và phát động các đợt cao điểm, tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động chấp hành pháp luật theo từng chủ đề, nội dung cụ thể.
Trong các hình thức, biện pháp cụ thể, có hình thức, biện pháp cần được vận dụng chung ở các Bộ, ngành, địa phương, cho mọi đối tượng; có hình thức, biện pháp cần được vận dụng tuỳ đối tượng và điều kiện cụ thể. Trong Kế hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chú ý các hình thức, biện pháp sau:
- Quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ trung ương đến địa phương; bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp luật để theo dõi, thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Coi trọng việc củng cố, mở rộng lực lượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hoà giải viên, cán bộ tư vấn, trợ giúp pháp lý. Tích cực huy động, sử dụng lực lượng thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích trong phổ biến pháp luật cho nhân dân; cán bộ Công đoàn trong phổ biến pháp luật cho người lao động.
- Tiếp tục sử dụng những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đang phát huy tác dụng, như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tủ sách pháp luật, biên soạn tài liệu pháp luật (chú ý biên dịch và xuất bản tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số), tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật, đưa nội dung pháp luật vào sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ, hội nghề nghiệp. Tích cực khai thác hiệu quả hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật.
- Tổ chức các đợt, các tháng cao điểm tập trung tuyên truyền, phổ biến, vận động chấp hành pháp luật theo từng chủ đề, nội dung cụ thể.
Ngoài các hình thức, biện pháp nêu trên, các Bộ, ngành, địa phương đề xuất và triển khai các hình thức, biện pháp phù hợp với điều kiện, đặc điểm, yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại Bộ, ngành, địa phương mình.
d) Cùng với Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, các địa phương cần xây dựng và thực hiện các văn bản cụ thể hoá Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ, cụ thể là:
- Xây dựng và thực hiện Đề án chỉ đạo điểm thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật theo đối tượng, hình thức, biện pháp, địa bàn, đơn vị nhằm tạo kết quả cụ thể của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc nâng cao ý thức pháp luật, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật. Phạm vi Đề án chỉ đạo điểm không nên dàn trải mà chọn một số địa bàn, đơn vị, đối tượng tập trung chỉ đạo, từ đó rút kinh nghiệm, xây dựng điển hình, triển khai trên diện rộng.
- Xây dựng Kế hoạch liên ngành phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp; giữa các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng với nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể.
đ) Kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật:
Theo quy định tại điểm 1, 3 Mục C của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp phải bảo đảm kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ ngân sách Nhà nước hàng năm. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cần chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp với cơ quan tài chính lập dự toán chi ngân sách theo Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm đã được duyệt.
Tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện theo Tiểu mục 11, 12 của Mục 111 trong hệ thống Mục lục ngân sách Nhà nước.
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư pháp xây dựng Đề án về thành lập Quỹ phổ biến, giáo dục pháp luật từ các nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đây là Quỹ có phạm vi hoạt động trong toàn quốc. Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện khi Đề án được Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành hữu quan.
3. Cơ quan tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật là tổ chức Pháp chế thuộc các Bộ, ngành; cơ quan Tư pháp địa phương.
4. Trên cơ sở Kế hoạch đã được ban hành, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp với các đơn vị hữu quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất các hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn; kịp thời bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch cho sát với tình hình thực tế, yêu cầu, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương; đáp ứng yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật cho các đối tượng.
Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cần kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đề nghị Bộ Tư pháp trình các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng bằng hình thức khen thưởng cao đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
III. VỀ HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh được thành lập theo Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật các Bộ, ngành tiếp tục được kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.
Uỷ ban nhân dân chỉ đạo việc duy trì, nâng cao vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ sẽ có hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng cho phù hợp với yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, có gì vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để nghiên cứu, hướng dẫn.
| Uông Chu Lưu (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 01/2003/TT-BTP hướng dẫn Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ Tư pháp ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 01/2003/TT-BTP hướng dẫn Quyết định 13/2003/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007 do Bộ Tư pháp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Số hiệu | 01/2003/TT-BTP |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Uông Chu Lưu |
Ngày ban hành | 2003-03-14 |
Ngày hiệu lực | 2003-05-03 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Hết hiệu lực |