BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2006/QĐ-BTC | Hà Nội, ngày 06 tháng 6 năm 2006 |
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29 tháng 06 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 96/2002/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cục Kiểm tra sau thông quan là đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan, có chức năng giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành hải quan thực hiện công tác kiểm tra sau thông quan; trực tiếp thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 2. Cục Kiểm tra sau thông quan có nhiệm vụ, quyền hạn:
1. Chủ trì hoặc phối hợp, tham gia xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về quy trình nghiệp vụ, biện pháp kiểm tra sau thông quan.
2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện các chương trình, kế hoạch (ngắn hạn và dài hạn) về kiểm tra sau thông quan.
3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động kiểm tra sau thông quan tại các đơn vị thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố theo quy định.
4. Thu thập, tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan.
5. Trực tiếp thực hiện kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật.
6. Xử lý vi phạm hành chính về kiểm tra sau thông quan theo thẩm quyền quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vi phạm hành chính về kiểm tra sau thông quan thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
7. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; trực tiếp giao dịch với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tổ chức tiếp nhận tin báo, tố giác; yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành hải quan báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động kiểm tra sau thông quan, để phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan.
8. Tham gia xây dựng chương trình, nội dung và giảng dạy nghiệp vụ về kiểm tra sau thông quan cho toàn ngành Hải quan.
9. Thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế về kiểm tra sau thông quan theo sự phân công của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan.
10. Thống kê, tổng kết, báo cáo, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện công tác phúc tập hồ sơ hải quan, công tác kiểm tra sau thông quan của ngành Hải quan.
11. Tổ chức lưu trữ hồ sơ tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra sau thông quan theo quy định của pháp luật và của Tổng cục Hải quan.
12. Tổ chức nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong công tác kiểm tra sau thông quan.
13. Ký các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải thích liên quan đến hoạt động kiểm tra sau thông quan theo quy định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và phân công của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Điều 3. Cục Kiểm tra sau thông quan có Cục trưởng và một số Phó Cục trưởng.
Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm và quyền hạn:
1- Chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về toàn bộ hoạt động của Cục Kiểm tra sau thông quan;
2- Được quyết định theo phân cấp thẩm quyền hoặc trình Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc thành lập các đoàn kiểm tra sau thông quan, cử kiểm tra viên, trưng tập cộng tác viên kiểm tra theo quy định của pháp luật;
3- Bố trí, sắp xếp công chức phù hợp với trình độ, năng lực chuyên môn; tổ chức học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức; quản lý tài chính, tài sản được giao theo quy định của Nhà nước và Bộ Tài chính.
Phó Cục trưởng giúp Cục trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác theo phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Cục trưởng về những nhiệm vụ được phân công.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan gồm:
- Phòng thu thập, xử lý thông tin
- Phòng Kiểm tra trị giá hải quan (Phòng Nghiệp vụ 1)
- Phòng Kiểm tra mã số và thuế suất hàng hoá ( Phòng Nghiệp vụ 2)
- Phòng Kiểm tra sau thông quan đối với hàng gia công và sản xuất -
xuất khẩu (Phòng Nghiệp vụ 3)
- Phòng Kiểm tra thực hiện chính sách thương mại (Phòng Nghiệp vụ 4)
- Phòng Kiểm tra sau thông quan phía Nam (Phòng Nghiệp vụ 5)
- Phòng Kế hoạch - Tổng hợp
Điều 5. Cục Kiểm tra sau thông quan có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật.
Kinh phí hoạt động của Cục Kiểm tra sau thông quan được cấp từ nguồn kinh phí của Tổng cục Hải quan.
Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quyết định số 16/2003/QĐ-BTC ngày 10 tháng 2 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Điều 7. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Quyết định 33/2006/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục kiểm tra sau thông quan thuộc tổng cục hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 33/2006/QĐ-BTC quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cục kiểm tra sau thông quan thuộc tổng cục hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 33/2006/QĐ-BTC |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Sinh Hùng |
Ngày ban hành | 2006-06-06 |
Ngày hiệu lực | 2006-07-05 |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
Tình trạng | Hết hiệu lực |