BỘ THUỶ SẢN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2006/TT-BTS | Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2006 |
Căn cứ Nghị định số: 43/2003/NĐ - CP ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ máy Thuỷ sản;
Căn cứ Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg ngày 01/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo (gọi tắt là Quyết đinh số: 126/2005/QĐ - TTg) , Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Quyết định như sau:
I. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THUỶ HẢI SẢN TRÊN BIỂN VÀ HẢI ĐẢO
1. Tạo điều kiện giao, cho thuê đất trên đảo và mặt nước biển:
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu sử dụng mặt nước biển, đất trên đảo để phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản (viết tắt NTTHS):
- Việc giao, cho thuê mặt nước biển thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định số: 27/2005/NĐ - CP ngày 08/3/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản ( gọi tắt là Nghị định số: 27/2005/NĐ-CP) và các văn bản hiện hành khác.
- Trường hợp giao, cho thuê đất trên đảo để phục vụ nuôi trồng thuỷ hải sản thực hiện theo quy định của Luật Đất đai. Do đặc điểm đất trên đảo có đủ điều kiện phục vụ nuôi trồng hải sản không nhiều, lại trên địa bàn đặc biệt khó khăn nên khi giao đất, cho thuê đất trên đảo các cơ quan có thẩm quyền ở các tỉnh căn cứ vào quỹ đất trên đảo, quy mô của từng dự án và để ưu tiên cấp cho các dự án xây dựng các trung tâm cứu hộ, cứu nạn, trú bão, thông tin liên lạc, trung tâm dịch vụ thuỷ sản, bến cá theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao, cho thuê có hạn mức diện tích đất thích hợp.
2. Được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư:
Các dự án đầu tư NTTHS thuộc Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Điều 1 Luật Thuỷ sản, Điều 1 Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg trên địa bàn điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chính sách:
- Được Nhà nước "Bảo đảm đầu tư" thực hiện quy định tại Điều 6 đến Điều 12 thuộc Chương II Bảo đảm Đầu tư như: Đảm bảo về vốn và tài sản; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Mở cửa thị trường, đầu tư liên quan đến thương mại…; Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, chính sách; Giải quyết tranh chấp
- Được hưởng "Ưu đãi về thuế" Điều 33, "Ưu đãi về sử dụng đất" Điều 36 Luật Đầu tư và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Được hỗ trợ đầu tư như: Chuyển giao công nghệ thực hiện theo Điều 40 Luật Đầu tư và các quy định tại khoản 2, 3 mục A Điều 3 Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg về hỗ trợ các dự án nhập khẩu giống thuần một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao, quý hiếm và công nghệ sản xuất giống nhân tạo; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất giống và NTTHS; đồng thời được hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ đang sở hữu cho các cơ sở sản xuất khác.
- Được Uỷ ban nhân dân các tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các dự án NTTHS; các hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành.
- Được đào tạo, bồi dưỡng tập huấn kỹ thuật để nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực sản suất giống và NTTHS.
- Được ưu đãi trong trường hợp Nhà nước thu hồi diện tích mặt nước biển hoặc tự nguyện trả lại theo quy định taị điểm d, đ khoản 1 Điều 29 Luật Thuỷ sản thì đựơc hưởng theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 14 Nghị định số: 27/2005/NĐ - CP và các quy định pháp luật khác có liên quan.
II. VỀ ĐẦU TƯ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
1. Các dự án NTTHS, xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án đầu tư, hỗ trợ đầu tư quy định tại Điều 3 Quyết định 126/2005/QĐ - TTg được đầu tư từ ngân sách nhà nước phải lập dự án khả thi, báo cáo tác động môi trường và nằm trong vùng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt
2. Ngân sách Trung ương chỉ đầu tư cho Quy hoạch tổng thể nuôi hải sản trên biển và hải đảo toàn quốc và hỗ trợ cho các dự án quy định tại khoản 2, 3, 4, 5 mục A Điều 3 Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg.
3. Ngân sách địa phương đầu tư:
- Xây dựng quy hoạch vùng nuôi trên biển và hải đảo địa phương. Những tỉnh chưa quy hoạch NTTHS thì khẩn trương tiến hành quy hoạch, những tỉnh đã quy hoạch xét thấy cần thiết phải rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch thì tiếp tục quy hoạch để hoàn chỉnh, phù hợp với phát triển kinh tế địa phương và quy hoạch tổng thể NTTHS của ngành.
- Xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu của các vùng nuôi biển gồm: điện, hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi với luồng hằng hải và các khu vực khác, hệ thống neo đậu lồng bè chính. Căn cứ tình hình thực tế của từng vùng nuôi và hải đảo các tỉnh chỉ đạo phối hợp, lồng ghép với các chương trình dự án khác như khu bảo tồn biển, hằng hải, du lịch, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và nơi thuyền bè neo đậu trú bão, xây dựng đường giao thông trên đảo để cơ sở hạ tầng đồng bộ, chắc chắn, khai thác vùng dự án có hiệu quả và hạn chế thất thoát kinh phí của nhà nước.
4. Ngân sách hoạt động khuyến ngư:
Ngân sách Trung ương cấp cho Trung tâm Khuyến ngư quốc gia, ngân sách địa phương cấp cho khuyến ngư tỉnh quản lý để chi cho hoạt động khuyến ngư NTTHS. Nội dung hoạt động và mức chi cụ thể cho từng hoạt động khuyến ngư Trung ương, khuyến ngư địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số: 30/2006/TTLT - BTC- BNN&PTNN - BTS, ngày 06/4/2006 về Hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và các quy định văn bản hiện hành khác.
5.Việc lập, quyết định giao dự toán, thanh toán và quyết toán ngân sách hỗ trợ cho nuôi trồng thuỷ hải sản được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
III. KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA VÙNG NUÔI LỚN ĐỂ NTTHS HOẶC CHO CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC THUÊ LẠI DIỆN TÍCH MẶT NƯỚC BIỂN ĐÃ ĐƯỢC ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG…(KHOẢN 2, ĐIỀU 2)
Uỷ ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào tiềm năng mặt nước nuôi biển của địa phương, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và tổng mức đầu tư các hạng mục công trình cho các vùng nuôi lớn để thoả thuận với các nhà đầu tư quyết định đổi mặt nước biển lấy cơ sở hạ tầng vùng nuôi phục vụ nuôi biển.
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ Thuỷ sản
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg:
- Viện kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan ở Trung ương, các địa phương ven biển khẩn trương tiến hành quy hoạch để sớm hoàn thành quy hoạch NTTHS toàn quốc.
- Vụ Nuôi trồng thuỷ sản thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hướng dẫn, quản lý NTTHS.
- Vụ Khoa học công nghệ xem xét đầu tư hỗ trợ các dự án nhập khẩu giống thuần, công nghệ sản suất giống nhân tạo, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản suất giống, NTTHS.
- Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hàng năm xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật để nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực sản suất giống và nuôi trồng thuỷ hải sản.
- Vụ Kế hoạch - Tài chính hàng năm xây dựng kế hoạch tài chính, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để cấp kinh phí cho hoạt động Khuyến ngư, nghiên cứu, hỗ trợ các dự án và đào tạo cán bộ phục vụ NTTHS.
- Các Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II, III tiến hành nghiên cứu sản suất các giống loài thuỷ sản quý hiếm, có chất lượng cao, công nghệ sản suất thức ăn, công nghệ chữa và phòng ngừa dịch bệnh, công nghệ nuôi hải sản thương phẩm, cảnh báo môi trường, chuyển giao công nghệ đồng thời kết hợp với các trường đào tạo cán bộ kỹ thuật phục vụ NTTHS.
- Trung tâm khuyến ngư Quốc gia phải xây dựng chương trình kế hoạch khuyến ngư hàng năm, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn NTTHS; kết hợp và chỉ đạo khuyến ngư các tỉnh tổ chức cho các nhà đầu tư đi thăm quan trong và ngoài nước, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn kỹ thuật nâng cao tay nghề, xây dựng mô hình trình diễn và hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động khuyến ngư.
- Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và Thú y Thuỷ sản chỉ đạo các Chi cục kiểm tra: Điều kiện sản xuất kinh doanh, sản xuất lưu hành thuốc thú y thuỷ sản; chất lượng, vận chuyển, xuất nhập khẩu giống, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản; dư lượng kim loại nặng và dư lượng thuốc kháng sinh cấm sử dụng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm nuôi thuỷ hải sản.
2. Các Sở Thuỷ sản, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai chỉ đạo thực hiện nội dung Quyết định số: 126/2005/QĐ - TTg và Thông tư hướng dẫn này, hàng năm lập kế hoạch tài chính làm việc với Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh xin cấp kinh phí; Phê duyệt và đầu tư cho các dự án và hoạt động Khuyến ngư phục vụ NTTHS.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tỉnh, các nhà Đầu tư phản ánh kịp thời về Bộ Thuỷ sản để xem xét, chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 06/2006/TT-BTS hướng dẫn Quyết định 126/2005/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo do Bộ Thủy sản ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 06/2006/TT-BTS hướng dẫn Quyết định 126/2005/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo do Bộ Thủy sản ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Thuỷ sản |
Số hiệu | 06/2006/TT-BTS |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Nguyễn Việt Thắng |
Ngày ban hành | 2006-11-13 |
Ngày hiệu lực | 2006-12-15 |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
Tình trạng | Còn hiệu lực |