BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 04/2007/TTLT-BXD-BCA | Hà Nội, ngày 07 tháng 07 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 126/2004/NĐ-CP ngày 26/5/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà;
Căn cứ Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 06/4/2005 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Xây dựng;
Bộ Xây dựng và Bộ Công an thống nhất hướng dẫn về phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về phối hợp giữa Bộ Xây dựng và Bộ Công an trong phát hiện và xử lý những vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành; hướng dẫn về những vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cần phối hợp xử lý.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng hoặc quản lý hoạt động xây dựng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) Sự cố công trình xây dựng là những hư hỏng vượt quá giới hạn an toàn cho phép, làm cho công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ, đã sập đổ một phần hoặc toàn bộ công trình, hoặc công trình không sử dụng được theo thiết kế;
b) Người có trách nhiệm trong hoạt động xây dựng là người quyết định đầu tư; chủ đầu tư hoặc giám đốc ban quản lý được chủ đầu tư ủy quyền hoặc thuê quản lý; chủ nhiệm đồ án quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế chuyên ngành đồ án quy hoạch xây dựng, thủ trưởng đơn vị lập quy hoạch xây dựng; giám đốc đơn vị tư vấn lập dự án; chủ nhiệm lập dự án đầu tư xây dựng công trình; người có trách nhiệm trong việc quyết định lựa chọn nhà thầu; giám đốc đơn vị tư vấn khảo sát; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; giám đốc đơn vị tư vấn lập thiết kế; chủ nhiệm thiết kế xây dựng công trình; chủ trì thiết kế xây dựng công trình; giám đốc đơn vị thi công xây dựng; chỉ huy trưởng công trường; giám đốc đơn vị tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình (trong trường hợp chủ đầu tư thuê); người giám sát thi công xây dựng; người có trách nhiệm giám định, thẩm định; người có trách nhiệm thực hiện công việc nghiệm thu, thanh toán; cá nhân khác có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc gây ra hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng;
c) Tự khắc phục hậu quả là việc người có hành vi vi phạm quy định pháp luật về xây dựng gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người khác, về môi trường, trật tự, an toàn xã hội, đã tự nhận trách nhiệm và tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả mà được bên bị thiệt hại chấp nhận cũng như pháp luật cho phép;
d) Dàn xếp thầu là hành vi can thiệp, sắp xếp trái pháp luật về đấu thầu trong hoạt động xây dựng để một nhà thầu trúng thầu;
đ) Mua bán thầu là hành vi của nhà thầu chính hoặc tổng thầu sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hoặc là hành vi của nhà thầu phụ sau khi ký hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu nhưng đem chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc một phần hợp đồng cho nhà thầu khác trái quy định của pháp luật;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc các thiệt hại khác trong hoạt động xây dựng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định, hướng dẫn về hậu quả nghiêm trọng.
4. Nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng
a) Khi xem xét vụ việc vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, cơ quan có thẩm quyền, cá nhân tham gia thanh tra, điều tra phải xác định rõ tính chất vụ việc là dân sự, kinh tế, hành chính hay hình sự để xác định đúng thẩm quyền, áp dụng đúng quy định pháp luật, tránh gây phiền hà, thiệt hại cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;
b) Tổ chức, cá nhân tự nguyện, kịp thời khắc phục hậu quả thiệt hại do có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thì được xem xét giảm nhẹ hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để khắc phục hậu quả trái với quy định của pháp luật;
c) Phải đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; trường hợp cần thiết thì phải tiến hành trưng cầu giám định của cơ quan chuyên môn theo quy định của pháp luật;
d) Những người quy định tại điểm b khoản 3 mục I của Thông tư này phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng thuộc phạm vi quản lý và tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
1. Nội dung phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng
a) Phối hợp chung
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, làm rõ, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng; kịp thời cung cấp cho nhau các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sau khi ban hành và tình hình vi phạm hành chính hoặc tội phạm trong hoạt động xây dựng.
b) Phối hợp cụ thể
Bộ Xây dựng và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với nhau thực hiện các công việc cụ thể sau:
- Cử người tham gia các đoàn thanh tra hoặc hỗ trợ công tác điều tra khi có yêu cầu của một bên;
- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan thanh tra có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Thông tư số 03/2006/TTLT-VKSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23/5/2006 của liên ngành Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.
Trường hợp khi kết thúc cuộc thanh tra, Cơ quan thanh tra kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm nhưng Cơ quan điều tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cần trao đổi với Cơ quan thanh tra trước khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. Cơ quan thanh tra có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin có liên quan đã thu thập trong quá trình thanh tra cho Cơ quan điều tra để điều tra, làm rõ tội phạm.
- Trường hợp Cơ quan điều tra phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng, nhưng trong quá trình điều tra xét thấy hành vi đó chưa có dấu hiệu tội phạm thì có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang Cơ quan thanh tra để xử lý theo thẩm quyền. Cơ quan thanh tra phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho Cơ quan điều tra biết.
Phối hợp thực hiện những công việc cụ thể giữa Cơ quan thanh tra và Cơ quan điều tra theo quy định của Thông tư này được thể hiện bằng văn bản.
c) Cơ quan đầu mối
Cơ quan đầu mối để phối hợp thực hiện Thông tư này:
Bộ Xây dựng giao cho Thanh tra Bộ Xây dựng, Bộ Công an giao cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ;
Ở cấp tỉnh giao cho Thanh tra Sở Xây dựng và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ thuộc Công an cấp tỉnh.
2. Các vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng cần phối hợp xử lý
Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp theo chức năng của mỗi bên trong phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng:
a) Vi phạm các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
- Người có trách nhiệm trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, nhưng thực hiện không đúng thẩm quyền hoặc đúng thẩm quyền nhưng không đúng trình tự, thủ tục gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân; gây ảnh hưởng xấu về an ninh trật tự;
Ví dụ: trong quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000, có quy định vùng X là để trồng cây xanh hoặc để xây dựng công trình công cộng. Quy hoạch này đã được lập, thẩm định, phê duyệt đúng thủ tục, trình tự và được người có thẩm quyền phê duyệt; nhưng sau đó người đã phê duyệt quy hoạch hoặc một người khác không đủ thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu vực cây xanh hoặc xây dựng công trình công cộng thành quy hoạch xây dựng nhà ở hoặc công trình khác mà không tuân thủ theo trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch do pháp luật về xây dựng quy định.
- Người có trách nhiệm công bố quy hoạch xây dựng theo pháp luật xây dựng quy định nhưng không tổ chức công bố, tổ chức công bố không kịp thời, không đầy đủ hoặc công bố sai, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân;
- Người có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cắm mốc giới quy hoạch xây dựng ngoài thực địa sau khi quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không tổ chức cắm mốc giới, tổ chức cắm mốc giới không kịp thời, không đầy đủ hoặc cắm mốc giới sai gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, tổ chức, công dân;
- Chủ đầu tư xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc xây dựng công trình trong vùng cấm xây dựng, xây dựng công trình không có giấy phép, không đúng giấy phép đã được cấp; đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ xây dựng, nhưng vẫn tiếp tục xây dựng công trình.
b) Vi phạm các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng
Người có trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình biết dự án không có hiệu quả nhưng vẫn lập, thẩm định và phê duyệt hoặc không thực hiện đúng quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo quy định, gây thiệt hại về tài sản Nhà nước, tổ chức, công dân.
c) Vi phạm quy định về khảo sát xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Người có trách nhiệm về khảo sát xây dựng, trong quá trình thực hiện việc khảo sát đã không thực hiện đúng nhiệm vụ khảo sát được phê duyệt, hoặc cung cấp báo cáo kết quả khảo sát không đúng với thực tế, dẫn tới thiết kế không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, gây sự cố công trình hoặc gây lãng phí tài sản của Nhà nước.
d) Vi phạm quy định về thiết kế gây hậu quả nghiêm trọng
- Người có trách nhiệm lập thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công áp dụng sai quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn xây dựng gây sự cố công trình;
- Người có trách nhiệm lập thiết kế, thiết kế vượt quá yêu cầu về an toàn cho phép gây lãng phí hoặc nhằm vụ lợi.
đ) Vi phạm quy định về cấp phép xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Người có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mà cấp sai thẩm quyền; cấp phép không đúng quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không quản lý kiểm tra trong quá trình chủ đầu tư xây dựng công trình theo giấy phép.
e) Vi phạm quy định về thi công xây dựng công trình và giám sát thi công xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng
- Nhà thầu xây dựng công trình, chỉ huy trưởng công trường và người giám sát thi công xây dựng công trình thi công không đúng với thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt dẫn tới sự cố công trình;
- Nhà thầu xây dựng công trình, chỉ huy trưởng công trường và người giám sát thi công xây dựng công trình áp dụng sai quy trình, quy phạm kỹ thuật thi công dẫn đến sự cố công trình.
f) Vi phạm quy định về nghiệm thu gây hậu quả nghiêm trọng
Người có trách nhiệm nghiệm thu công trình xây dựng đã không nghiệm thu, nghiệm thu không đúng thời gian quy định, nghiệm thu khống hoặc nghiệm thu không đúng về khối lượng, chất lượng, quy trình, quy phạm kỹ thuật thi công, nghiệm thu sai với thiết kế được duyệt.
g) Vi phạm quy định về sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị trong thi công xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng
Chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, chỉ huy trưởng công trường, người giám sát thi công xây dựng công trình đã sử dụng nguyên vật liệu, thiết bị không đúng chủng loại, chất lượng so với thiết kế được duyệt làm ảnh hưởng chất lượng công trình.
h) Vi phạm quy định về pháp luật đấu thầu trong hoạt động xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
- Người có thẩm quyền quyết định lựa chọn nhà thầu đã dàn xếp để một nhà thầu trúng thầu hoặc các nhà thầu dàn xếp với nhau để một nhà thầu trúng thầu;
Ví dụ: dự án đầu tư xây dựng khu chung cư K có tổng mức đầu tư là 50 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã dàn xếp cho một nhà thầu trúng thầu nhằm vụ lợi hoặc các nhà thầu đã bàn bạc, thống nhất để một nhà thầu được trúng thầu.
- Hành vi của nhà thầu chính hoặc tổng thầu sau khi ký hợp đồng với chủ đầu tư hoặc là hành vi của nhà thầu phụ sau khi ký hợp đồng với nhà thầu chính hoặc tổng thầu nhưng đem chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc một phần hợp đồng cho nhà thầu khác trái quy định của pháp luật;
- Hành vi quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu, kết quả đấu thầu sai với quy định pháp luật về đấu thầu.
Ví dụ: dự án đầu tư xây dựng trường tiểu học Y có tổng mức đầu tư là 5 tỷ đồng. Theo quy định của pháp luật, dự án này thuộc diện phải tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng người có trách nhiệm hoặc chủ đầu tư đã chỉ định doanh nghiệp A là nhà thầu nhằm vụ lợi.
i) Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng
Là những vi phạm pháp luật về xây dựng khác ngoài các vi phạm quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm f, điểm g, điểm h khoản 2 mục II Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Xây dựng (Thanh tra Bộ Xây dựng) và Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- VP TW và các Ban của Đảng;
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Người Phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Trang Web của Chính phủ;
- Công báo;
- Lưu: VP, TTr, PC (Bộ Xây dựng), VP, PC, C15 (Bộ Công an).
Từ khóa: Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA, Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA, Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA của Bộ Công An, Bộ Xây dựng, Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BXD-BCA của Bộ Công An, Bộ Xây dựng, Thông tư liên tịch 04 2007 TTLT BXD BCA của Bộ Công An, Bộ Xây dựng, 04/2007/TTLT-BXD-BCA
File gốc của Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng do Liên bộ Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành đang được cập nhật.
Thông tư liên tịch 04/2007/TTLT-BXD-BCA hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng do Liên bộ Bộ Xây dựng và Bộ Công an ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Công An, Bộ Xây dựng |
Số hiệu | 04/2007/TTLT-BXD-BCA |
Loại văn bản | Thông tư liên tịch |
Người ký | Đinh Tiến Dũng, Trần Đại Quang |
Ngày ban hành | 2007-07-07 |
Ngày hiệu lực | 2007-08-16 |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính |
Tình trạng | Hết hiệu lực |