THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 33/2009/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 02 tháng 03 năm 2009 |
BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ CỬA KHẨU
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu và khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
1. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và được tổ chức, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (sau đây gọi tắt là Nghị định số 29/2008/NĐ-CP).
2. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu kinh tế cửa khẩu.
3. Nhà đầu tư có dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của Luật Hợp tác xã tại khu kinh tế cửa khẩu.
Khu kinh tế cửa khẩu và khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được áp dụng cơ chế, chính sách tài chính theo quy định tại Quyết định này nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Đối với khu kinh tế cửa khẩu:
a) Được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
b) Có Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.
2. Đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu:
a) Có cơ quan Hải quan giám sát, kiểm tra hàng hóa và phương tiện ra, vào khu phi thuế quan.
b) Được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.
1. Khu kinh tế cửa khẩu là khu kinh tế được hình thành ở khu vực biên giới đất liền có cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính và được thành lập theo các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.
2. Khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, có quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này.
MỤC I. CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG, ĐẦU TƯ
Điều 5. Nguồn vốn đầu tư hạ tầng của ngân sách nhà nước
1. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu kinh tế cửa khẩu được bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương.
2. Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng. Điều kiện, nguyên tắc, loại công trình được hỗ trợ từ ngân sách trung ương thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
3. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán vốn do ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Luật Ngân sách nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quy mô lớn, có vai trò then chốt được phát hành trái phiếu công trình theo quy định tại Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.
2. Toàn bộ số tiền thu từ phát hành trái phiếu được sử dụng đầu tư cho các dự án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài được đầu tư trực tiếp vào khu kinh tế cửa khẩu, kể cả việc áp dụng các hình thức xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT), xây dựng – chuyển giao - kinh doanh (BTO).
4. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các dự án xây dựng công trình dịch vụ tiện ích, công cộng cần thiết của khu kinh tế cửa khẩu được đưa vào danh sách dự án kêu gọi vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Việc quản lý, sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
5. Các dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được vay vốn của các tổ chức tín dụng và huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
6. Đối với các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Khu kinh tế cửa khẩu An Giang (tỉnh An Giang), Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp), ngoài vốn huy động quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này thì còn được huy động vốn đầu tư trực tiếp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, vốn ứng trước của các đối tượng có nhu cầu sử dụng hạ tầng, vốn của các doanh nghiệp có chức năng xây dựng và kinh doanh công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế cửa khẩu; được áp dụng hình thức tín dụng đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng và huy động mọi nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Vốn từ quỹ đất khu kinh tế
Ủy ban nhân dân các tỉnh sử dụng các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại khu kinh tế cửa khẩu để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích cần thiết phục vụ chung trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc tạo nguồn vốn giải phóng mặt bằng cho đầu tư phát triển các khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được hưởng chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006.
MỤC II. CHÍNH SÁCH THUẾ, PHÍ, LỆ PHÍ, TIỀN THUÊ ĐẤT VÀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH KHÁC
Điều 9. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo Nghị định 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể như sau:
1. Được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm. Trường hợp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ thì thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi có thể kéo dài hơn nhưng tổng thời gian áp dụng thuế suất 10% không quá 30 năm. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% quy định tại khoản này theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
2. Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Thời gian miễn, giảm thuế được tính liên tục từ năm đầu tiên doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ dự án đầu tư; trường hợp doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế trong 03 (ba) năm đầu từ năm đầu tiên có doanh thu từ dự án đầu tư thì thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.
Điều 10. Ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân
1. Người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại khu kinh tế cửa khẩu, có thu nhập từ việc làm tại khu kinh tế cửa khẩu thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân được giảm 50% số thuế phải nộp.
2. Thủ tục kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Ưu đãi về thuế giá trị gia tăng
1. Hàng hóa, dịch vụ sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu và hàng hóa, dịch vụ từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất ra nước ngoài thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng.
3. Hàng hóa, dịch vụ từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu đưa vào tiêu thụ tại các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc đưa vào tiêu thụ trong nội địa Việt Nam phải chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt
1. Hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được sản xuất, tiêu thụ trong khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu hoặc nhập khẩu từ nước ngoài và từ nội địa Việt Nam vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; riêng ô tô dưới 24 chỗ ngồi phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.
2. Hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất khẩu ra nước ngoài không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
3. Hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu đưa vào tiêu thụ tại các khu chức năng khác trong khu kinh tế cửa khẩu hoặc đưa vào tiêu thụ tại nội địa Việt Nam phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.
Điều 13. Ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu
1. Hàng hóa từ khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa đưa từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác không phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
2. Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu khi xuất khẩu ra nước ngoài được miễn thuế xuất khẩu.
3. Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Việc phân loại chi tiết nguyên liệu, vật tư làm căn cứ miễn thuế thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 (năm) năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất. Việc xác định bàn thành phẩm trong nước chưa sản xuất được làm căn cứ miễn thuế thực hiện theo danh mục do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
4. Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu; trường hợp có sử dụng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài thì khi nhập khẩu vào nội địa Việt Nam phải nộp thuế nhập khẩu tính trên phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu cấu thành trong hàng hóa đó. Việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp đối với phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa nhập vào nội địa Việt Nam thực hiện như sau:
a) Trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu vào nội địa đã có đăng ký với cơ quan Hải quan về danh mục hàng hóa nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm sản xuất hàng nhập khẩu vào nội địa và định mức nguyên liệu, vật tư, linh kiện bán thành phẩm dùng để sản xuất hàng nhập khẩu trước khi nhập vào nội địa Việt Nam thì việc xác định thuế nhập khẩu phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất và giá tính thuế của phần nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm nhập khẩu từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa.
b) Trường hợp không xác định được số thuế nhập khẩu theo quy định tại điểm a khoản này thì thuế nhập khẩu được tính theo mức thuế suất và giá tính thuế của mặt hàng sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp nhập khẩu vào nội địa Việt Nam tại thời điểm mở tờ khai hải quan.
5. Hàng nhập khẩu vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu để sản xuất còn thừa và còn giá trị thương mại thì được bán vào nội địa Việt Nam và phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định.
6. Đối với hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan nằm trong khu kinh tế cửa khẩu nếu đủ điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi hoặc thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu đó theo quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Điều 14. Ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước
1. Dự án đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, cụ thể như sau:
a) Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
b) Miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư.
c) Miễn tiền thuê đất 11 năm kể từ ngày xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng đối với các dự án không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
d) Danh mục lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư và lĩnh vực khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
2. Nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (tỉnh Hà Tĩnh), Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), Khu kinh tế cửa khẩu An Giang (tỉnh An Giang), Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp) khi thuê đất, thuê mặt nước ngoài được hưởng các ưu đãi quy định tại khoản 1 Điều này còn được áp dụng mức giá thuê đất, thuê mặt nước bằng 30% giá thuê đất, thuê mặt nước áp dụng tại huyện có mức giá thuê đất, thuê mặt nước thấp nhất trong địa bàn tỉnh theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh tính từ năm nhà đầu tư hết thời gian được hưởng ưu đãi nêu tại khoản 1 Điều này trở đi.
Điều 15. Ưu đãi về thu tiền sử dụng đất
Nhà đầu tư có nhu cầu sử dụng đất trong khu kinh tế cửa khẩu làm mặt bằng sản xuất kinh doanh mà lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất thì được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; được miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Nghị định số 44/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 04 năm 2008 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất.
Điều 16. Chính sách về phí, lệ phí
1. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu được ủy quyền thu một số loại phí, lệ phí liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước của Ban Quản lý theo quy định, gồm:
a) Phí thẩm định đầu tư và lệ phí cấp giấy đăng ký kinh doanh, phí cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.
b) Phí, lệ phí liên quan đến cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện của tổ chức và thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu kinh tế cửa khẩu; cấp giấy phép kinh doanh đối với hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Công Thương.
c) Phí, lệ phí liên quan đến cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu kinh tế cửa khẩu; cấp sổ lao động cho người lao động Việt Nam làm việc trong khu kinh tế cửa khẩu.
d) Phí, lệ phí liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sản xuất trong khu kinh tế cửa khẩu và các loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác có liên quan trong khu kinh tế cửa khẩu.
đ) Phí, lệ phí liên quan đến xác nhận hợp đồng, văn bản về bất động sản trong khu kinh tế cửa khẩu cho tổ chức có liên quan.
e) Phí, lệ phí liên quan đến thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong khu kinh tế cửa khẩu.
2. Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu xây dựng các mức thu phí, lệ phí áp dụng tại khu kinh tế cửa khẩu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật phí, lệ phí.
3. Các khoản phí, lệ phí do Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu trực tiếp thu được ngân sách nhà nước cấp lại một phần để bù đắp chi phí tổ chức thu và chi bổ sung kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.
Điều 17. Chính sách khai thác, sử dụng công trình hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu
1. Nhà đầu tư có dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khu kinh tế cửa khẩu có sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu phải trả tiền sử dụng hạ tầng.
2. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội thuộc khu kinh tế cửa khẩu được tổ chức quản lý, khai thác và thu tiền sử dụng hạ tầng của các nhà đầu tư trong khu kinh tế cửa khẩu đối với các công trình do mình đầu tư xây dựng; được tổ chức thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng khác trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
3. Đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội chung trong khu kinh tế cửa khẩu không thuộc đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều này, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và thu tiền sử dụng hạ tầng của các nhà đầu tư trong khu để đầu tư cho việc duy tu, bảo dưỡng, duy trì điều kiện phục vụ của các công trình hạ tầng này và thực hiện quản lý theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm của Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu
Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu có thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại Chương V Nghị định số 29/2008/NĐ-CP và quy định tại Quyết định này.
Điều 19. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu
1. Chỉ đạo lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu; chỉ đạo thẩm định và phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu chức năng trong khu kinh tế cửa khẩu.
2. Chỉ đạo thực hiện việc thu hồi diện tích đất, mặt nước, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định canh, tái định cư và thực hiện các thủ tục cho thuê hoặc giao đất trong khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.
3. Chủ trì xây dựng kế hoạch và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng vốn ngân sách địa phương để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật về đầu tư, về ngân sách nhà nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
4. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước khác đối với khu kinh tế cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn địa phương có khu kinh tế cửa khẩu, thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này.
2. Các Bộ, ngành khác trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm hướng dẫn địa phương có khu kinh tế cửa khẩu thực hiện quy định tại Quyết định này.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2009.
2. Các dự án đầu tư đã được cấp Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đang được hưởng chính sách ưu đãi cao hơn so với quy định tại Quyết định này, nếu đáp ứng đủ điều kiện về ưu đãi thì được tiếp tục được hưởng ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư cho thời gian còn lại. Trường hợp, ưu đãi ghi trong Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư thấp hơn mức ưu đãi quy định tại Quyết định này thì được hưởng mức ưu đãi theo quy định của Quyết định này áp dụng cho thời gian còn lại.
3. Khu công nghiệp thương mại nằm trong khu kinh tế cửa khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ điều kiện của khu phi thuế quan thì được áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho khu phi thuế quan quy định tại Quyết định này.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh có khu kinh tế cửa khẩu và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
File gốc của Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 33/2009/QĐ-TTg ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 33/2009/QĐ-TTg |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Tấn Bền |
Ngày ban hành | 2009-03-02 |
Ngày hiệu lực | 2009-05-01 |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
Tình trạng | Hết hiệu lực |