BỘ TÀI CHÍNH SỐ: 18-TC/TQD | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******* Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1971 |
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THÊM VIỆC THI HÀNH THUẾ LỢI TỨC DOANH NGHIỆP
Để thi hành điều lệ thuế công thương nghiệp ban hành đầu năm 1966, Bộ Tài chính đã có các Thông tư số 74-TC/TQD ngày 05-5-1966, số 02 ngày 17-02-1967 hướng dẫn việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp, nhằm góp phần khuyến khích thủ công nghiệp phát triển đúng hướng, thúc đẩy việc trang bị và cải tiến kỹ thuật, giúp đỡ hợp tác xã thủ công nghiệp tăng cường quản lý lao động, vật tư, tài vụ, góp phần củng cố từng bước hợp tác xã, trên cơ sở đó mà động viên sự đóng góp công bằng, hợp lý, giữa các hợp tác xã ngành nghề khác nhau.
Đến nay tình hình đã có những chuyển biến mới: được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, được sự chỉ đạo của liên hiệp hợp tác xã và sự giúp đỡ của các ngành của Nhà nước có liên quan, sản xuất thủ công nghiệp đang trên đà phát triển, việc chuyển hướng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng có nhiều thuận lợi, những khó khăn về cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu, về ký kết hợp đồng kinh tế v.v…đang được khắc phục từng bước, việc quản lý lao động, vật tư, tiền vốn bước đầu có tiến bộ.
Phong trào lao động sản xuất, việc quản lý thị trường tại gốc và việc thực hiện một số chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã phát huy tác dụng bước đầu, thúc đẩy các hợp tác xã thủ công nghiệp tăng cường quản lý kinh tế tài chính, đồng thời đã động viên thêm sức lao động xã hội vào việc sản xuất của cải vật chất.
Để phù hợp với tình hình mới, phát huy hơn nữa tác dụng của chính sách thuế, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng cường quản lý kinh tế tài chính, Bộ Tài chính nhận thấy cần thiết phải giải thích và hướng dẫn thêm việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp như sau:
1. Về tính toán hao phí vật chất: vẫn theo tinh thần các Thông tư số 74 và 02 nói trên.
Riêng về giá cả nguyên vật liệu mua ở ngoài thì, để thúc đẩy các hợp tác xã chấp hàng nghiêm chỉnh các nguyên tắc, chế độ quản lý vật tư, quản lý giá cả của Nhà nước để góp phần chống đầu cơ, móc ngoặc, đồng thời vẫn chiếu cố thích đáng đến tình hình thực tế hiện nay là còn có một số hợp tác xã chưa được cung cấp đầy đủ các vật tư cần thiết để thực hiện các hợp đồng sản xuất, nay Bộ quy định thêm như sau:
Đối với trường hợp mua ở ngoài vật tư thuộc diện Nhà nước thống nhất quản lý, Thông tư số 02 đã quy định là: “Nếu xét ra là vì hợp tác xã lúng túng trước khó khăn nên đã làm sai như vậy, thì cơ quan thu xét, chiếu cố và cho hợp tác xã được tính toán theo thực tế đã chi…”.
Từ nay trong việc xét trừ hao phí vật chất, cần phân biệt như sau: trong trường hợp sản xuất cho cơ quan Nhà nước:
a) Nếu có chứng nhận của cơ quan gia công, thu mua là không cung cấp được vật tư nên hợp tác xã phải mua ngoài để bảo đảm sản xuất thì có thể tính trừ theo giá hợp lý;
b) Nếu không có chứng nhận nói trên thì chỉ tính trừ theo giá chỉ đạo của Nhà nước.
Mặt khác cơ quan thu cần chú ý thúc đẩy cơ quan gia công thu mua cố gắng chấp hàng nghiêm chỉnh chế độ cung cấp vật tư đã được quy định trong Chỉ thị số 21-TTg/TN của Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 1968.
Còn đối với trường hợp tác xã sản xuất để bán ra thị trường tự do mà nguyên vật liệu thuộc loại do Nhà nước quản lý thống nhất nhưng không được Nhà nước cung cấp thì thường là cơ sở sản xuất đã có hành động phạm pháp như: sản xuất không có đăng ký; bớt xén nguyên vật liệu của cơ quan cho gia công, móc ngoặc, ăn cắp nguyên vật liệu của Nhà nước…Cho nên cơ quan thu cần phải phát hiện và báo cho các cơ quan có trách nhiệm biết để thẩm tra và xử lý, về mặt thuế, cần xem xét cụ thể và có thể không cho tính vào chi phí sản xuất. Trường hợp xét thấy cần chiếu cố (thí dụ: cơ sở có thực sự mua nguyên vật liệu ở ngoài nhưng tỷ lệ nguyên vật liệu mua ngoài là nhỏ so với tổng số nguyên vật liệu đã tiêu hao; thu nhập hợp tác xã thấp v.v…) thì xin ý kiến Ủy ban hành chính thị xã, huyện để có thể cho trừ theo giá chỉ đạo của Nhà nước, cần giáo dục, nhắc nhở hợp tác xã nghiêm chỉnh tôn trọng các quy định của Nhà nước, lần sau nếu còn tiếp tục mua ở ngoài, nguyên vật liệu do Nhà nước thống nhất quản lý, thì sẽ không được tính tiền mua vào phí tổn sản xuất nữa.
2. Về tính trừ suất miễn thu: vẫn theo các quy định trong Thông tư số 02.
Riêng đối với thợ học việc, trước đây đã có quy định là được tính trừ 1/2 suất miễn thu, nhưng hiện nay trong một số hợp tác xã có tình hình một số thợ học việc, sau thời gian học nghề đã tương đối thành thạo, được hợp tác xã trả tiền công (hoặc phụ cấp học việc) cao hơn mức miễn thu; đối với trường hợp này có thể tính trừ một suất miễn thu, đồng thời đặt vấn đề cho hợp tác xã xét, kết nạp họ thành xã viên .
Nếu tiền công (hoặc phụ cấp học việc) không bằng mức miễn thu thì vẫn trừ 1/2 suất miễn thu.
Về trích giảm thuế khi hợp tác xã có thuế lợi tức vượt mức:
Việc trích giảm thuế là nhằm chiếu cố những hợp tác xã làm ăn theo đúng đường lối, chính sách của Nhà nước; việc thu thuế lợi tức vược mức là nhằm điều tiết thu nhập của những hợp tác xã, do lề thói kinh doanh chính đáng, mà có lợi tức vượt mức. Do đó, đối với các hợp tác xã và đối với cá nhân thương binh được miễn giảm thuế khi có thuế lợi tức vượt mức (lý do không chính đáng) thì việc trích giảm thuế lợi tức chỉ tiến hành trong phạm vi số thuế lợi tức huy động theo biểu thuế bình thường, mà không trích giảm trên toàn bộ số thuế (gồm cả thuế huy động theo biểu thuế bình thường và thuế lợi tức vượt mức) như nhiều nơi đã làm (xem ví dụ trong phụ lục kèm theo).
Về trích giảm thuế cho trang bị kỹ thuật: Thông tư số 02 quy định: “Việc trích giảm thuế cho hợp tác xã có mua sắm máy móc và xây dựng nhà xưởng để sản xuất (điều 17 điều lệ thuế) cần được tiến hành ngay sau khi hợp tác xã có mua sắm máy móc công cụ hoặc khởi công xây dựng nhà xưởng sản xuất, không đợi hợp tác xã đưa vào sản xuất rồi mới trích giảm”.
Hiện nay có một số nơi đã trích giảm vào toàn bộ số vật liệu xây dựng đã mua, và mặc dù chưa khởi công xây dựng; sau đó hợp tác xã lại để hao hụt mất mát hoặc là nhượng bán hay sử dụng vào mục đích phi sản xuất (như xây dựng nhà ở…), nhưng cơ quan thu không tính thu lại số thuế đã cho trích quá mức.
Để khắc phụ tình trạng này, cần bổ sung như sau:
- Nếu hợp tác xã mua sắm máy móc công cụ thì có thể tạm trích giảm ngay, không chờ phải đưa vào sản xuất.
- Nếu hợp tác xã mua vật liệu xây dựng thì khi bắt đầu thi công, mới tạm trích giảm, trên số vật liệu dự định đưa vào xây dựng. Khi hoàn thành công trình thì tính toán lại số thực chi để trích cho đúng thực tế đã sử dụng vào mục đích sản xuất.
Thông tư số 74 đã quy định là khi tính lợi tức phụ, phải cộng tiền chênh lệch thừa về bán tài sản cố định (sau khi đã trừ hết khấu hao), về bán vật rẻ tiền mua hỏng (sau khi đã phân bố hết trị giá vào phí tổn sản xuất); nhưng chưa đề cập đến trường hợp bán lỗ vốn tài sản cố định.
Nay bổ sung thêm là trường hợp bán tài sản cố định đã và đang sử dụng mà bị lỗ (sau khi đã tính hết phần khấu hao) thì được tính trừ vào lợi tức chịu thuế sau khi cơ quan thu đã kiểm tra kỹ. Nếu có hiện tượng móc ngoặc, lợi dụng, để mua rẻ tài sản cố định của hợp tác xã, làm thiệt hại đến vốn liếng của hợp tác xã, thì phải kịp thời phát hiện và có biện pháp thu hồi số thiệt hại cho hợp tác xã.
Trên đây là một số điểm hướng dẫn và giải thích thêm để giúp cho việc tính thuế lợi tức được đúng với tinh thần điều lệ thuế công thương nghiệp và sát hợp với tình hình mới.
Trong quá trình thi hành nếu địa phương thấy có điểm nào chưa thích hợp thì đề nghị phải phản ảnh cho Bộ Tài chính nghiên cứu thêm.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH |
VỀ CÁCH TÍNH TOÁN TRÍCH GIẢM THUẾ LỢI TỨC TRONG HỢP TÁC XÃ
Trích giảm thuế lợi tức khi có lợi tức vượt cấp. Ví dụ: một hợp tác xã có 60 xã viên (trong đó có 6 thương binh) đều tham gia sản xuất cả năm. Toàn bộ tiền công hợp tác xã phải trả cho xã viên là 54.404đ trong đó tiền công của 6 xã viên là thương binh 4.284đ.
Sau khi chia, lợi tức chịu thuế bình quân của 1 xã viên một năm là 2.200đ.
Do việc làm ăn không chính đáng nên mới có lợi tức vượt mức. Theo quyết định của Ủy ban hành chính địa phương hợp tác xã phải nộp thêm 15% số lợi tức vượt mức.
a) Phần tính thuế:
- Thuế lợi tức hợp tác xã phải nộp chưa tính thuế lợi tức vượt mức:
(2.200đ x 22%) – 73 = 411 đồng
411 đồng x 60 = 24.660 đồng.
- Thuế lợi tức vượt mức phải nộp thêm:
(2.200 – 1.600) x 15% = 90đ
90đ x 60 = 5.400 đ.
Thuế lợi tức hợp tác xã phải nộp kể cả thuế vượt mức:
24.660đ + 5.400 đ = 30.060đ.
b) Phần trích giảm: Sau khi xác định, hợp tác xã có các khoản trích giảm như sau:
- Trích giảm miễn cho 6 xã viên là thương binh,
- Trích giảm cho hợp tác xã có 10% xã viên là thương binh,
- Trích giảm cho hợp tác xã có trang bị kỹ thuật 25%.
1. Trích miễn cho cá nhân xã viên là thương binh:
24.660 x 4.284 | = 1.941đ90 |
54.404 |
Số thuế lợi tức sau khi trừ miễn cho cá nhân là thương binh: 24.660 – 1.941,90 = 22.718đ10.
2. Giảm cho hợp tác xã có 10% xã viên thương binh:
22.718đ10 x 10% = 2.271đ81.
3. Giảm cho hợp tác xã có trang bị kỹ thuật:
22.718đ10 x 25% = 5.679đ50.
Tổng cộng số thuế được miễn giảm:
1.941đ90 + 2.271đ81 + 5.679đ50 = 9.893đ21.
Số thuế hợp tác xã còn phải nộp sau khi trừ miễn giảm:
30.060đ – 9.893đ21 = 20.166đ79.
File gốc của Thông tư 18-TC/TQD-1971 giải thích và hướng dẫn thêm việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 18-TC/TQD-1971 giải thích và hướng dẫn thêm việc thi hành thuế lợi tức doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 18-TC/TQD |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Trịnh Văn Bính |
Ngày ban hành | 1971-05-17 |
Ngày hiệu lực | 1971-06-01 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Đã hủy |