ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 206-UB/CQL | Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 1961 |
THÔNG TƯ
VỀ VIỆC BẢO QUẢN VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY DỰNG.
Kính gửi: | Các Bộ, |
Hiện nay việc bảo quản và sử dụng vật liệu xây dựng trong các kho, lán, bãi, cũng như các công ty, công trường còn nhiều chỗ bất hợp lý, vì vậy đã gây ra nhiều hiện tượng lãng phí vật liệu một cách nghiêm trọng.
Để khắc phục những thiếu xót trên, chúng tôi đã cùng các Bộ, công ty, công trường xây dựng bản chế độ bảo quản và sử dụng vật liệu xây dựng nhằm mục đích tăng cường việc quản lý vật liệu xây dựng trong các kho, lán, bãi cũng như trên các công ty công trường để việc bảo quản và sử dụng nguyên vật liệu được hợp lý.
Nội dung bản điều lệ này gồm ba phần chính:
1. Phần quy tắc chung nói về nguyên tắc bốc dỡ, vận chuyển, bảo quản và sử dụng vật liệu xây dựng, quy tắc khen thưởng và trừng phạt (trong việc bảo quản và sử dụng vật liệu).
2. Phần điều lệ bảo quản nói về các biện pháp bốc dỡ, vận chuyển, và sắp xếp vật liệu tại kho, lán, bãi.
3. Phần nguyên tắc sử dụng vật liệu nói về nguyên tắc mua sắm vật liệu, sản xuất vật liệu, sử dụng vật liệu tại các công ty, công trường.
Để thực hiện điều lệ được tốt và thuận lợi chúng tôi đề nghị các Cục, Vụ, Phòng kiến thiết cơ bản thuộc các Bộ và Ủy ban kế hoạch các khu, tỉnh, thành phố cùng các công ty, công trường có kế hoạch tổ chức phổ biến mục đích và tầm quan trọng của bản điều lệ cho cán bộ, công nhân viên. Đồng thời có biện pháp hướng dẫn thực hiện cho thích hợp ở từng nơi, từng chỗ, từng loại vật liệu.
Trong quá trình áp dụng điều lệ vào thực tế, mong cán bộ các cấp có kế hoạch kiểm tra thực hiện ở các cơ sở để kịp thời uốn nắn và bổ khuyết. Đồng thời báo cáo về Ủy ban Kế hoạch Nhà nước những kết quả thực hiện và những sáng kiến mới bổ sung vào bản điều lệ bảo quản và tiết kiệm này được toàn diện.
| K.T CHỦ NHIỆM |
ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN VÀ TIẾT KIỆM VẬT LIỆU XÂY DỰNG
MỤC ĐÍCH CHẾ ĐỘ BẢO QUẢN TIẾT KIỆM VẬT LIỆU
Muốn xây dựng nước nhà về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, làm cho nước nhà từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lên một nước có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hóa khoa học tiên tiến thì chúng ta phải xây dựng nhiều công trình kiến thiết cơ bản, bởi vậy, hàng năm Chính phủ đã đầu tư vào kiến thiết cơ bản, trên 50% ngân sách và trong kế hoạch 5 năm sắp tới số vốn kiến thiết cơ bản còn tăng lên nhiều.
Trong công tác kiến thiết cơ bản chi phí về nguyên vật liệu chiếm từ 70% đến 80% vốn kiến thiết cơ bản (ước độ 45% ngân sách của Nhà nước).
Từ trước đến nay các Bộ, các ngành từ trung ương đến địa phương chưa thực chủ ý quản lý vật liệu xây dựng nên đã có nhiều hiện tượng lãng phí nghiêm trọng.
Để khắc phục tình trạng lãng phí nguyên vật liệu xây dựng Nhà nước ban hành chế độ và điều lệ bảo quản và tiết kiệm nguyên vật liệu, để các Bộ và các Ủy ban Kế hoạch địa phương nghiên cứu mà áp dụng vào thực tiễn của mỗi nơi, mỗi việc và mỗi loại vật liệu khác nhau, nhằm đẩy thêm một bước tiết kiệm cho công quỹ Nhà nước.
Phần I:
A. Quy tắc chung bảo quản vật liệu xây dựng.
I. NHIỆM VỤ THỦ KHO VÀ CÁN BỘ CÓ TRÁCH NHIỆM BẢO QUẢN VẬT LIỆU
Điều 1:- Nhiệm vụ của công tác bảo quản vật liệu xây dựng là phải bảo đảm chất lượng và số lượng vật liệu, không để vật liệu hư hỏng, biến chất, dơ bẩn, thất lạc, mất mát.
Ngoài ra, còn phải giữ gìn những tài liệu kỹ thuật của từng loại vật liệu máy móc nếu có.
Điều 2: - Lúc xác định điều kiện bảo quản, nhất thiết phải xét đến thời gian bảo quản, xét đặc tính của từng loại vật liệu, nhất là những thứ dễ bắt lửa (dầu xăng, diesel, dầu hỏa và thuốc nổ v.v…), mặt khác phải xét đến những điều kiện khách quan (mưa, nắng, nóng, lạnh, trình độ ẩm thấp) mà quyết định vị trí và phương pháp bảo quản.
a) Thời gian bảo quản vật liệu dài chừng nào kỹ thuật bảo quản đối với vật liệu đó càng phải tăng cường chừng ấy.
b) Mỗi loại vật liệu có một đặc tính riêng, bởi vậy muốn bảo quản tốt phải có phương pháp bảo quản thích hợp từng nơi, từng chỗ, từng loại vật liệu những thứ vật liệu quý, phải có những thể thức bảo quản và xuất nhập chu đáo, bởi vậy, phải phân chia ra nhiều loại kho khác nhau. (Kho thép, vật liệu kim khí, thuốc, gỗ xẻ, xăng dầu mỡ, hóa chất, máy móc thiết bị.)
Mỗi một loại kho có một đặc tính riêng, bởi vậy kiến trúc mỗi kho một khác.
Riêng về thuốc nổ phải làm một loại kho riêng biệt xây dựng theo công thức riêng.
Điều 3: - Trong khi bảo quản vật liệu phải phân ra từng loại, từng bộ phận từng thành phần giống nhau, hoặc khác nhau mà có biện pháp để gần hoặc xa hoặc phải cách ly với các loại vật liệu khác, tránh những ảnh hưởng tác hại lẫn nhau giữa thứ này và thứ khác.
Điều 4: - Khi thấy trên mặt vật liệu có vết dơ bẩn, hoen ố, sút kém phẩm chất phải lập tức lau chùi đánh ghỉ, tìm nguyên nhân, để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời, hoặc giải quyết thật nhanh chóng.
Điều 5: - Người thủ kho và nhân viên trong kho khi thấy có loại vật liệu nào ứ đọng quá lâu, phải báo cáo lên cấp trên giải quyết sớm, nếu để chậm trễ làm cho vật liệu hư hỏng rồi mới báo cáo thì thủ kho đó phải chịu trách nhiệm.
Điều 6: -Người thủ kho khi nhận nhập vật liệu vào kho phải cân, đo, đi đôi với trách nhiệm phát hiện những chỗ không hợp lý ở đơn từ và thực vật cho cán bộ đặt hàng.
Điều 7: - Nguyên tắc bảo quản tốt nhất đối với các loại là không để hàng lưu kho, lưu bãi quá lâu, phải thực hiện nguyên tắc nhập trước xuất trước.
Điều 8: - Khi công trường nhận bất kỳ một loại vật liệu gì để sử dụng phải bảo quản thật tốt các loại vật liệu đó, tuyệt đối tuân theo các điều lệ đã quy định mà vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể cho thích hợp, cấm không được để vạ vật ngoài trời, hay sử dụng bừa bãi vô nguyên tắc làm hao hụt vật liệu.
Điều 9: - Khi xuất kho một vật liệu nào cán bộ và nhân viên phụ trách mặt hàng có nhiệm vụ phổ biến và hướng dẫn cho người nhận hàng đặc tính, tình trạng và phương pháp bảo quản vật liệu đó nếu khách hàng không làm đúng theo yêu cầu chỉ dẫn, thủ kho và nhân viên kho có quyền kiểm tra và hoãn lại việc vận chuyển cho đến khi nào khách hàng có đủ phương tiện vận chuyển thì mới cho lấy hàng.
Điều 10: - Khi cán bộ hoặc nhân viên coi kho có quyết định thuyên chuyển công tác phải làm đầy đủ các thủ tục bàn giao như sổ sách giấy tờ, hiện vật và tình trạng vật liệu cũng như tình hình nơi mình phụ trách. Các thủ tục nói trên phải được thủ trưởng có thẩm quyền ký nhận và đóng dấu rồi mới được đi công tác khác theo quyết định.
Điều 11: - Thủ kho và nhân viên coi kho phải có trình độ văn hóa và nghiệp vụ tối thiểu là:
a) Thủ kho và nhân viên kho phải có trình độ văn hóa lớp 6, 7.
b) Thủ kho và nhân viên nhất thiết phải qua một lớp bảo quản, những thủ kho và nhân viên kho hiện nay đang làm việc với trình độ văn hóa còn thấp và chưa qua lớp nghiệp vụ nào thì thủ trưởng phải có trách nhiệm bồi dưỡng trình độ văn hóa và nghiệp vụ đó tiến tới đạt yêu cầu.
c) Thủ trưởng xí nghiệp, công ty, công trường không chú ý bồi dưỡng văn hóa, nghiệp vụ cho thủ kho và nhân viên coi kho hoặc bố trí thủ kho, công nhân viên coi kho không đủ tư cách và khả năng để ảnh hưởng đến quản lý vật liệu thì thủ trưởng phải chịu trách nhiệm.
Điều 12: - Chủ nhiệm kho, thủ kho có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kho, lán, bãi, trong phạm vi quản lý theo chế độ:
a) Chủ nhiệm kho hoặc thủ kho mỗi tháng một lần tổ chức kiểm tra kho, lán, bãi. (Nội dung kiểm tra tùy theo tính chất mà đặt yêu cầu).
- Nếu trời mưa bão bất thường phải tổ chức kiểm tra trước, trong và sau khi mưa bão.
b) Thủ trưởng cấp trên kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần, nếu thủ trưởng bận thì ủy quyền cho cán bộ có thẩm quyền xuống kiểm tra, nội dung kiểm tra phải căn cứ vào tính chất, thời kỳ mà đề yêu cầu.
c) Cán bộ và nhân viên làm công tác bảo quản vật liệu xây dựng phải chịu hoàn toàn về trách nhiệm về mỗi tình trạng xảt ra trong kho, lán, bãi thuộc phạm vi phụ trách.
II. BIỆN PHÁP THEO DÕI VẬT LIỆU VÀ NỘI QUY KHO, LÁN, BÃI
Điều 13: - Mỗi loại vật liệu phải có thẻ ghi tên, nhãn hiệu, quy cách đeo ở chổ dễ thấy nhất, nếu vị trí hay số lượng thay đổi thì thẻ vật liệu phải thay đổi theo. Các thẻ vật liệu phải luôn thống nhất với thẻ kho và sổ cái ( nội dung và danh điểm ghi theo hướng dẫn của Cục Thống kê trung ương).
Điều 14: - Mỗi kho và khu vực kho phải có nội quy phòng gian bảo mật, tất cả mọi người ra vào trong phạm vi kho đều tuyệt đối chấp hành nội quy kể cả chủ nhiệm kho và thủ kho cũng như công nhân viên làm việc trong kho.
Điều 15: - Các kho, lán, bãi nhất thiết phải có phương tiện và kế hoạch phòng chống hỏa và bão lụt.
III. ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC SẮP XẾP VẬT LIỆU TRONG KHO, LÁN, BÃI
Điều 16: - Trong mỗi kho phải có ngăn, giá, kê, bục, có đủ phương tiện phòng chống ẩm thích ứng với từng loại vật liệu và thuốc phòng sâu mọt, mối, v.v…
Điều 17: - Sắp xếp vật liệu, máy móc thiết bị trong kho, lán, bãi phải thứ tự, hệ thống từng loại, có hàng lối, có chổ đi lại, di chuyển vật liệu máy móc dễ dàng.
Điều 18: - Vị trí kho, lán, bãi phải thuận lợi giao thông thủy bộ, phải xa những nơi bẩn thỉu, xa những phân xưởng hàn đúc, xa những nơi có chứa khí “các-bô-níc ” khi “Hy-đơ-rô” khí lưu huỳnh, xa những khu nhà ở, nhà bếp v.v…
Phải xa đường dây cao thế ít nhất là 50 m (có những kho hiện nay ở gần những địa điểm nói trên thì phải thay đổi nội dung cất, để trong kho cho thích hợp với điều kiện trên hoặc di chuyển những điều kiện trên đi nơi khác).
IV. TỔ CHỨC VẬN CHUYỂN BỐC DỠ VẬT LIỆU
Điều 19: - Khi vận chuyển bốc dỡ vật liệu phải tuyệt đối tôn trọng các ký hiệu phòng mưa, chống nắng, đỗ vỡ ghi ở ngoài hòm. Phải làm theo yêu cầu cầu của ký hiệu chỉ dẫn và mũi tên hướng dẫn của nhà máy sản xuất ra vật liệu đó, những loại vật liệu dễ gãy thì phải làm thật nhẹ tay, cấm va chạm quá mạnh hoặc đánh rơi.
Điều 20: - Vận chuyển tài sản khi đi đường phải tùy từng đặc tính của mỗi loại tài sản cũng như thời tiết lúc bấy giờ mà quyết định phương tiện vận chuyển và phương pháp bảo quản dọc đường (theo điều lệ cụ thể có quy định).
B. Quy tắc chung chế độ tiết kiệm
Điều 21: - Để đảm bảo chất lượng và hạ giá thành công trình xây dựng, vấn đề tiết kiệm vật liệu xây dựng là một vấn đề quan trọng. Tất cả các cấp, các ngành phải triệt để áp dụng trong mọi tổ chức: thiết kế, kỹ thuật, thi công, cung ứng.
Điều 22: - Cán bộ công nhân viên làm công tác xây dựng phải quán triệt ý nghĩa và phương châm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Ra sức thi đua tiết kiệm vật liệu, nhân công, và tài chính của Nhà nước, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng công trình.
Điều 23: - Áp dụng tốt các chỉ tiêu kỹ thuật sử dụng vật liệu, và thực hiện tốt chế độ bảo quản đó là điều kiện mấu chốt để tiết kiệm nguyên vật liệu.
Điều 24: - Các bộ phận thiết kế, kỹ thuật, thi công, cung ứng phải quan hệ chặt chẽ với nhau để tạo điều kiện rút ra tiết kiệm ở từng bộ phận.
Khi áp dụng những kinh nghiệm tiền tiến cũng như những sáng kiến đã qua chọn lọc thì phải có sự giúp đỡ thực hiện và theo dõi tổng kết của cán bộ thiết kế, kỹ thuật thi công.
Điều 25: - Đơn vị xây dựng phải nghiêm chỉnh chấp hành các đề án thiết kế, thi công và kỹ thuật, đồng thời có trách nhiệm phát hiện những chỗ chưa hợp lý đưa đến lãng phí, thì phải báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền xét và quyết định, trong thời gian chưa có quyết định thay đổi thì cơ quan thừa hành vẫn phải tiếp tục công việc mình đang làm.
Điều 26: - Khen thưởng: những tập thể nào hay cá nhân nào thực hiện tốt phương châm nhanh, nhiều, tốt, rẻ và những chế độ bảo quản cụ thể của Nhà nước đã ban hành đều được cơ quan có thẩm quyền xét khen thưởng.
Điều 27: - Trừng phạt: để đảm bảo chế độ bảo quản và tiết kiệm thực hiện được tốt. Cá nhân nào hay tập thể nào phạm tham ô lãng phí, hoặc để hư hao vật liệu quá mức quy định không có lý do chính đáng, thì các cơ quan có thẩm quyền xét mà có hình thức thi hành kỹ luật cho thích đáng.
Phần II:
Mục I:- ĐIỀU LỆ SỬ DỤNG KHO, LÁN, BÃI
Điều 1: - Khi thiết lập một công trường nào nhất thiết phải xây dựng đủ một hệ thống kho, lán, bãi. Nếu điều kiện cho phép thì phối hợp với kiến trúc mà xây dựng trước một bộ phận nào đó như kho, phòng làm việc, nhà ở, để sử dụng làm kho lán (nhưng phải tránh những trường hợp ảnh hưởng không tốt cho việc sử dụng về sau), để khi vật liệu về thiết bị về có chỗ bảo quản ngay; kho, lán, bãi rộng hẹp tùy theo khối lượng và tính chất xây dựng của từng công trình mà quy định cụ thể. Đồng thời thiết lập hệ thống đường vận chuyển nhưng không được để ảnh hưởng đến mặt bằng thi công sau này.
Điều 2: - Kho quy định bảo quản những loại vật liệu vừa cần phải tránh mưa nắng và tránh những ôn độ quá cao hay quá thấp như:
a) Các loại hóa chất, sơn, bột màu, bột phấn chì, phèn chua, ciment, vôi sống, gạch chịu lửa, hơn hàn.
b) Tất cả các loại thép cỡ nhỏ (kể cả xây dựng và sản xuất).
c) Chế phẩm bằng kim thuộc, que hàn, móc cửa, kê môn, ổ khóa.
d) Máy móc thi công, xăng dầu chạy máy.
đ) Một số vật liệu xây lắp trong nhà như hệ thống điện, dây điện, bóng đèn, đồ sứ cách điện, đồ sử dụng trong nhà, kính lắp cửa v.v….
Điều 3: - Lán quy định bảo quản các loại vật liệu chỉ cần tránh mưa, nắng như:
a) Thép loại trung bình (thép xây dựng, thép bê tông) nhựa đường, gỗ xẻ, đồ sứ cách điện loại lớn).
b) Tre, nứa, lá.
Điều 4: - Bãi quy định bảo quản các loại vật liệu không sợ không khí xâm nhập như ống gang, thép loại lớn, gỗ cây, gạch, ngói, đá, cát, sỏi v.v… (thép loại lớn để ngoài trời phải có biện pháp che đậy).
Điều 5: - Các kho, lán, bãi chứa vật liệu phải cao ráo sạch sẽ và tránh xa các hố xí, hố tiêu, hố rác, xa các phân xưởng đúc rèn, hàn điện. Thuận tiện giao thông.
Điều 6: - Công trường có dự kiến thuê mướn máy móc của một cơ quan nào phải chuẩn bị có lán hoặc vải bạt che đậy máy móc đó.
Mục II: - ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN KIM THUỘC VÀ CHẾ PHẨM BẰNG KIM THUỘC
Điều 7: - Trong kho vật liệu kim thuộc và chế phẩm bằng kim thuộc tuyệt đối không được để hóa chất (acit, ba-dơ, muối) và không được để vật liệu thể khí như hơi các-bon, hơi lưu huỳnh, hơi hy-đrô, v.v…
Điều 8: - Thép xếp trong kho phải kê trên đà gỗ hoặc đà bằng bê-tông có đệm gỗ lót ở trên, cách mặt đất ít nhất là 10cm đối với kho nền xi-măng, và phải kê cao cách mặt đất ít nhất là 0m30 kho nền đất.
Điều 9: - Nếu là loại thép có thể bảo quản ngoài trời được thì phải kê một đầu cao một đầu thấp, nền bãi phải cứng, không có cỏ mọc, mức chênh lệch chỉ cần độ 5cm.
Điều 10: - Không nên để lẫn lộn thép gỉ vào một chỗ với thép chưa gỉ. Các loại gỉ phải chọn xếp riêng để lau chùi thật sạch.
Điều 11: - Thép tròn và vuông từ 40 mm trở xuống thì xếp vào kho hay lán, từ 41 mm trở lên có thể xếp ngoài bãi, xếp thành đống ngay thẳng trên các giá hình chữ “U” hay trên các bệ bê-tông cao không quá 1m20 rộng không quá 2m, cứ 100 thanh hoặc 1.000kg thì xếp ra thành một hành lấy 1 cây để làm dấu biết số lượng 100 thanh hoặc 1.000 kg.
Điều 12: - Thép dẹp độ dày dưới 9mm thì xếp vào kho cứ 100 thanh hoặc 1.000kg thì kê gỗ đệm hay xếp trồi ra 1 hàng hoặc 1 thanh để biết số lượng, không được để gỉ, thấy lốm đốm gỉ phải lấy bàn chải sắt đánh sạch, lau bằng giẻ khô và bôi dầu (không chất) vào chỗ gỉ, về cách chất đống, để cao như đối với sắt tròn, vuông nói trong điều 11.
Điều 13: - Tôn tráng kẽm, tôn tráng thiếc, sắt tây hỏng, thép tấm từ 5mm trở xuống thì xếp vào kho sạch sẽ thoáng mát, nếu số lượng ít thì cho xếp đống vào giá mặt phẳng, khi xếp phải nhẹ nhàng, chú ý đừng làm gãy các góc.
Loại dây trên 5mm có thể xếp vào lán từ 10mm trở lên có thể xếp ngoài trời, nên xếp vào giá để nghiêng khoảng cách 10 tấm một, nên chèn một miếng gỗ hình chữ “T” hoặc 3 thanh gỗ mỏng (2 đầu và giữa) để dễ kiểm soát và thoát nước.
Khi thấy có vết hoen gỉ phải chùi sạch bôi dầu máy cũ (loại khoáng sản).
Khi đúng cần trục để bốc dỡ sắp xếp theo tấm nên lót thêm đệm hoặc bao tải vào chỗ có dây móc tấm thép, tuyệt đối không được móc hoặc quấn dây cáp vào giữa tấm để nâng lên mà phải móc ở hai bên hoặc nâng cao lên một đầu cho xe lùi đít vào.
Điều 14: - Thép góc (cornière) đều cạnh hay không đều cạnh, dày từ 5mm trở xuống đều xếp vào kho, từ 5mm đến 10mm xếp vào lán và to hơn nữa có thể để ngoài trời (nhưng phải có biện pháp che đậy).
Loại thép này phải xếp vào giá bục (như xếp thép trong điều 11) thanh này úp lên thanh kia, cách 10 lớp hay 20 lớp có thể đệm gỗ cho thoáng, chỗ nào hoen gỉ phải đánh sạch bôi dầu.
Điều 15: - Thép chữ “I” từ 100mm trở xuống nên xếp vào kho hay lán, 100mm trở lên có thể xếp ở bãi. Khi xếp nên để chồng lên nhau, 2 bên nên đóng cột chằng chặt để khỏi đổ, nếu không có cột phải xếp chiều ngang càng cao càng thu hẹp lại, các quy tắc khác như đã ghi ở điều 11 và 14.
Điều 16: - Thép chữ “U” từ 164mm trở xuống nên xếp vào kho hoặc lán, từ 165mm trở lên có thể xếp ở bãi. Để trong kho khi xếp có thể để một lớp ngửa một lớp ú xếp, nếu để ngoài trời tuyệt đối không để ngửa và nên kê 1 đầu cho hơi cao để thoát nước, mực chênh lệch như đã ghi trong điều 9. Các quy tắc khác cũng như ở điều 11 và 14.
Điều 17: - Thép chữ “T” từ 164mm trở xuống nên xếp vào kho hoặc lán, 165mm trở lên có thể xếp ở bãi, nên để nằm liền nhau, 1 thanh để đầu phía này, 1 thanh để đầu phía kia, xong lớp này chồng lên lớp khác, các quy tắc khác như đã ghi ở điều 11 và 14.
Điều 18: - Thép lò xo tròn bắt buộc phải xếp vào ngăn ở trong kho, thép lò xo dẹp bắt buộc phải xếp vào giá ngăn có gỗ đệm; nhà kho phải thoáng và khô ráo; thép lò xo luôn luôn phải giữ gìn sạch sẽ, nếu khi xuất xưởng thép đã được bôi đầu quấn giấy bóng hoặc giấy chống ẩm rồi, thì khi đem vào kho phải giữ nguyên bao bì; muốn kiểm tra phải đeo găng tay để tránh mồ hôi, nếu thép bị gỉ phải lấy bàn chải đánh sạch, bôi dầu khoáng chất loại tốt hoặc va-dơ-lin vào, rồi bọc lại cẩn thận.
Điều 19: - Ống sắt đúc, ống nước bằng gang từ 100mm trở lên, đều có thể xếp ngoài trời, loại to từ 300 – 500m chỉ nên xếp 1 hay 2 lớp, từ 200 – 250 có thể xếp cao 1m50, có thể chồng lên nhau, loại nhỏ 100 ly trở xuống có thể xếp trong kho, những loại ống này nếu khi nhập, chưa có bôi quét dầu hoặc sơn thì phải quét ngay 1 lớp hắc ín mỏng bên ngoài, 2 đầu nên bít kín lại, xếp ở ngoài trời như đã quy định trong điều 9.
Điều 20: - Các loại ống nồi hơi cần phải bảo quản chu đáo hơn, nhất thiết phải bảo quản trong kho khô ráo, các đầu lỗ ống phải bịt kín, lúc sắp xếp không được để chồng lên nhau quá 12 lớp ống, không được làm cong những ống đang thẳng và làm duỗi những ống đang cong.
Điều 21: - Các loại ống có răng cưa để bắt ống nối nhau, bảo quản phải bôi mỡ chống gỉ hay quấn giấy dầu vào răng ống. Khi vận chuyển phải chú ý không để những đầu răng cưa cọ xát vào nhau hoặc để lết xuống đất làm hỏng răng.
Điều 22: - Dây tráng kẽm hoặc dây thép phải xếp vào kho lớn khô ráo, thoáng mát, dưới kê gỗ hoặc có bục cao tối thiểu là 20cm rồi chồng đống lên một đống chừng 10 đến 15 bó, phải chú ý xếp ngay thẳng kẻo bị đỗ dễ gây tai nạn lao động. Khi phát lẻ xong phải bó lại cẩn thận mà xếp lên không được để lòng thòng, phải chống gỉ như đối với thép tròn. Dây thép càng nhỏ việc chống gỉ càng phải tăng cường. Loại dây nhỏ 0,4mm đến 1mm phải có vải hoặc giấy chống ẩm bọc lại.
Điều 23: - Cả loại dây cáp điện ngầm phải cho vào lán tránh nắng nhất là các loại giấy cao su và bọc nhựa đường. Phát lẻ dây cáp, khi cắt xong phải buộc kín đầu lại cho đầu cáp ngóc lên trời.
Các loại dây cáp bọc vải, dây tẩm dầu, phải bảo quản, kho nhiệt độ không quá 25 độ, nếu thấy có vết dầu chảy ra ngoài phải lập tức tìm cách làm cho nhiệt độ trong kho hạ xuống có thể bằng phương pháp phun nước hay quạt.
Điều 24: - Bu-lông, ê-cu, đinh thường, đinh vít nếu loại nhỏ thì để nguyên hòm nguyên gói xếp lên bục, nếu loại to trên 10mm cỡ dài 100mm trở lên mà ít thì xếp vào ngăn kệ, nếu số lượng nhiều thì bỏ vào hòm mà chồng đống trong kho, dưới kê gỗ.
Điều 25: - Các loại móc cửa, kê môn, bản lề, phải xếp vào ngăn giá vật liệu nếu thời gian bảo quản lâu phải dùng bột chì sơn bên ngoài.
Điều 26: - Ổ khóa, chốt cửa các loại cũng bảo quản như ở điều 22, các bộ phận chuyển động của khóa và chốt phải bôi dầu nhờn.
Điều 27: - Que hàn điện nguyên thùng xếp trên bục trong nhà kho khô ráo, chiều cao mỗi đống không quá 1m50 rộng không quá 2m.
Thời gian bảo quản que hàn điện không được quá 6 tháng (kể từ ngày xuất xưởng) và phân phối theo nguyên tắc nhập trước xuất trước, trên thẻ ghi vật liệu phải ghi cả ngày xuất xưởng.
Nếu thấy thùng que hàn bị hỏng thì phải kiểm lại các hộp sắt hộp giấy trong thùng có nguyên vẹn không, có bị ẩm không, nếu chỉ bị ướt một ít thôi thì đem phơi ngay, nếu bị ướt nhiều làm bục cả thuốc bên ngoài, hoặc hoen gỉ đến thép thì phải đưa đi chế biến lại.
Mục III – ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN MÁY MÓC THI CÔNG
Điều 28: - Máy đưa vào kho cần phải mở hòm ra để tiện việc kiểm tra máy móc trước khi bảo quản.
Những máy móc vận chuyển bằng đường biển khi cho vào kho cần chú ý kiểm tra kỹ càng hơn vì có thể bị nước biển hoặc hơi nước mặn đọng thành muối trong hòm.
Điều 29: - Thời gian bảo quản thiết bị thi công có thể ngắn hoặc dài, nếu thời gian có thể phân biệt theo tính chất máy móc và điều kiện sử dụng sau này của máy mà có biện pháp xếp ở bãi ngoài trời che bạt, hoặc cho vào kho.
Điều 30: - Các thiết bị loại lớn như máy nghiền đá, nghiền cát, máy xúc đất, san nền, đóng cọc, cần trục và các thiết bị của các loại máy móc làm ở ngoài trời, đều có thể để ngoài trời mà bảo quản.
Điều 31: - Những thiết bị loại trung bình hay loại nhỏ sử dụng trong nhà kiểu kín như máy ép không khí, máy thông gió, pa lăng, máy trục kích, máy áp lực, máy trộn vữa, có thể để trong lều căng bạt hoặc trong kho, lán mà bảo quản.
Điều 32: - Những máy móc gia công về gỗ, các thiết bị về thí nghiệm cần phải để trong kho kiểu kín, ôn độ thích hợp là 15 đến 20 độ.
Điều 33: - Máy móc đóng thành bộ có nhiều hòm thì phải tập trung các hòm đó lại, mỗi hòm đều phải kèm theo thẻ vật liệu, nếu máy móc không đóng hòm thì phải dùng sơn đánh dấu cho rõ ràng để khi phân phối sử dụng tránh nhầm lẫn, thất lạc. Trên mỗi hòm nên ghi rõ ràng tên bộ phận máy móc, tên bộ phận máy chủ yếu trong hòm đó và các phụ tùng kèm theo, ví dụ, máy khoan M14 đóng thành 8 hòm, thứ tự các hòm sẽ ghi một cách thứ tự từ 1/8, 2/8 đến 8/8.
Điều 34: - Khi khuân vác sắp xếp, đóng hòm về thiết bị máy móc, phải chú ý tránh va chạm cọ xát mạnh hoặc nghiêng quá độ làm xô lệch hư hỏng máy.
Điều 35: - Khi sắp xếp máy, cần để máy theo chiều đứng của nó (theo hướng mũi tên hoặc chữ), nếu để ngược thì cả các bộ phận nhỏ của máy bị cong queo sai lệch, đồ trong máy đổ ra ngoài gây khó khăn cho việc sử dụng về sau.
Điều 36: - Thiết bị máy móc cần phải để cách xa các loại hóa chất như acit, ba dơ, muối, xa các vật liệu khác có phấn bay như ciment, vôi, thạch cao.
Điều 37: - Khi mở hòm kiểm tra cần chú ý quy cách phẩm chất các bộ phận tinh vi của máy và việc quét sơn bôi dầu trong máy. Thấy có xô lệch, công vênh một bộ phận nào phải phát hiện ngay, chỗ nào lớp sơn bị tróc thì có thể dùng dầu thông rửa sạch lau khô xong sơn qua 1 lượt, rồi sơn lại, ôn độ của bộ phận sơn với sơn phải đều nhau, sau cùng sơn lại 1 lượt nữa cho sơn không thể tróc ra được.
Nếu bộ phận nào mà lớp bôi ngoài đã chảy có vết gỉ đông lại thành màu vàng thì phải dùng xăng rửa sạch lau khô cho dầu mỡ mới.
Điều 38: - Sắp xếp máy móc cần phải thứ tự máy nào đi theo phụ tùng máy ấy, không được chồng chất lên nhau.
Trường hợp vì thiếu kho mà phải để chồng lên thì chỉ được trọng lượng của hòm trên bằng 1/2 trọng lượng của hòm dưới và phải chú ý đến vỏ hòm của máy dưới xem có chịu được hay không, nếu xảy ra tình trạng gẫy, thủng, đổ hòm thì thủ kho phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Điều 39: - Những hòm gỗ đóng các thiết bị máy móc và để lâu ngày hoặc mở ra đóng vào nhiều lần làm tấm gỗ trên hòm bị nứt hỏng, phải thay tấm khác, những chữ và dấu hiệu ký hiệu ghi trên hòm như mã hiệu, tên hàng, quy cách, trọng lượng máy, trọng lượng cả bì, tên xưởng sản xuất v.v…đã mờ thì phải lấy sơn viết lại cho đủ và rõ ràng.
Điều 40: - Những máy móc bảo quản trong thời gian dài thì mỗi năm phải 2 lần kiểm tra và 1 lần bôi dầu mỡ lại toàn bộ.
Điều 41: - Vòng bi và các trục, cần phải giữ thật sạch sẽ, tay có mồ hôi không được sờ vào, khi cần lấy phải đeo găng tay sau khi bôi va-dơ-lin (loại vừa dùng trong công nghiệp), nên dùng giấy dầu gói lại cho vào kho. 3 tháng 1 lần phải kiểm tra lại nếu thấy vết gỉ phải ngâm vào dầu xăng loại nhẹ để rửa, lấy vải bóng mềm lau sạch, rồi bôi va-dơ-lin, bao hoặc gói lại như cũ.
Điều 42: - Các máy móc, dụng cụ thi công sau mỗi ngày làm việc phải lau chùi sạch sẽ, dụng cụ thì xếp vào kho lán, máy móc có thể để tại chỗ nhưng phải che mưa nắng.
Điều 43: - Trường hợp ở công trường nếu không có điều kiện làm kệ bục, thì phải có gỗ hoặc làm đà kê lót vật liệu cao ít nhất là 20cm (không kê lún xuống đất).
Bảo quản máy móc vận chuyển thi công chạy bằng máy nổ.
Điều 44: Ôtô bảo quản lâu ngày phải kiểm tra thường xuyên 2 tháng 1 lần và để vào lán cẩn thận, các loại máy san, xúc đất, máy kéo cũng thế, nếu thời gian bảo quản không quá 4 tháng, có thể bảo quản ngoài trời, nhưng phải có biện pháp che đậy.
Điều 45: - Sau khi cho xe vào lán thay, sang số phải để vào điểm không, phanh xe để lỏng, bình accu và tất cả phụ tùng phải tháo ra, xe nào để riêng xe ấy, hộp dầu và toàn bộ hệ thống dầu, đều phải tháo, két nước làm nguội máy phải tháo hết, 2 tháng 1 lần cho dầu nhờn vào máy quay từ 10-20 vòng, để dầu trong cylindre được điều hòa, đèn trước đèn sau, kính chắn gió dùng bốt tan (poudre de talc) đánh, kính phản xạ nên dùng bông chấm rượu cồn đánh, rồi lấy da mềm xoa nhẹ, cho sạch, sau cùng lấy gỗ chống khung xe lên.
Điều 46: - Các thiết bị về cần trục loại lớn hàng tấn trở lên có thể để trên ván gỗ trong nhà kho, loại nào nhỏ hàng tạ trở xuống có thể xếp trên bục trên giá vật liệu “đặc biệt” ở trong kho các bộ phận chuyển động như vòng bi nên bôi mỡ vàng. Các bộ phận cọ xát với trục nên bôi dầu nhờn, các cốc chứa dầu đều phải đổ đầy.
Điều 47: - Cần trục ray, cần trục xe, lập thành bộ có thể ở bãi vật liệu ngoài trời, bộ phận lái điều khiển phải che bằng vải bạt cần câu và móc cần phải lấy gỗ chống lên, các quy tắc như quy định trong điều 40.
Điều 48: - Các bộ phận cần trục lúc quét sơn hay bôi dầu phải chú ý đừng để sơn dính vào dây cáp.
Các loại máy gia công làm đồ gỗ, kim thuộc, các loại máy trộn vữa, bê tông, máy đầm.
Điều 49: - Nói chung các loại máy trên máy nào có mô tơ kèm theo phải tháo ra bảo quản riêng.
Điều 50: - Tất cả những máy móc trừ những máy to nặng, cồng kềnh, còn bao nhiêu phải cho vào kho, kê cao, những máy móc để ngoài trời phải có bạt che kín.
Điều 51: - Bộ phận làm việc vis-mere các bộ phận kẹp mũi dao, lưỡi cưa, các bộ phận chuyển động khác phải bôi 1 lượt mỡ vàng hoặc va-dơ-lin, nên quay máy độ mươi dòng cho toàn bộ trơn chuyển động thấm dầu mỡ rồi lấy giấy bóng bao lại, các bộ phận không chuyển động nếu đã quét sơn rồi thì thôi nếu chưa hoặc nếu sơn đã tróc phải quét lại, các bánh xe quay bánh xe chạy dây ở đầu trục nên bôi mỡ để bảo quản.
Điều 52: - Các viên đá mài, mũi khoan, lưỡi cưa phải được bao gói cẩn thận cho vào tủ riêng, về đá mài xếp nằm trên đệm gỗ để khít vào nhau.
Điều 53: - Các bộ phận bằng gỗ của loại máy cưa dùng cho thợ mộc phải quét sơn.
Điều 54: - Các bộ phận chuyển động của các loại máy trộn vữa, trộn bê-tông phải bảo quản nhưng đã quy định trong điều 45.
Các loại máy phát điện (alt) và động cơ (mô tơ)
Điều 55: - Máy điện cần phải xếp vào kho khô ráo, ôn độ thấp nhất không dưới 5 độ.
Điều 56: - Máy điện nếu bảo quản lâu ngày thì ít nhất mỗi quý phải kiểm tra một lần, tùy theo các bộ phận khác nhau mà cho dầu mỡ.
- Chỗ tiếp điện phải lấy giấy nháp đánh sạch và dùng xăng lau chùi, chổi than không để chạm vào induit.
- Khi bảo quản ở lán, lều phải lấy vải bạt phủ bên ngoài để che bụi.
- Đầu trục bôi dầu nhờn vòng bi cho mỡ vàng.
- Các bộ phận kim thuộc của máy đều không cho dầu để tránh tình trạng dầu thấm vào các bộ phận cách điện trong máy.
Mục IV – ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN VẬT LIỆU ĐỒ ĐIỆN VÀ CÁCH ĐIỆN
Điều 57: - Bảo quản dây điện (loại dây bọc cao su, chì trong nhựa ngoài quấn vải, bọc vải v.v…) cần phải xếp vào kho khô ráo và thoáng gió tránh nóng lạnh quá và tránh ánh mặt trời chiếu thẳng vào (lạnh quá lớp cao su bọc dây dễ bị biến chất, nóng quá lớp nhựa sẽ bị chảy).
Điều 58: - Dây điện nhỏ thì để nguyên hòm, lớn thì để nguyên cuộn, xếp vào kho. Cuộn nên để nằm, nghĩa là trục của cuộn song song với mặt đất, nếu ván đóng chung quanh cuộn bị hỏng, chữ trên ván bị mờ thì phải viết lại như đã ghi ở điều 35 mục III.
Điều 59: - Dây điện tuyệt đối không để chung với acit, bột màu, sơn và các vật liệu tự cháy như thể hơi, xăng, dầu mỡ.
Điều 60: - Khi phát lẻ, dây cáp điện trước hết phải lấy dây buộc chặt hai đầu chỗ cắt 15 phân (cắt ở giữa hai nốt buộc để tránh dây bị tung ra). Nếu là loại cáp điện bọc chì thì để đầu cắt ra phía ngoài, cắt xong phải hàn kín lại. Khi hàn cấm không dùng acit mà phải dùng bằng nhựa thông.
Điều 61: - Các loại dây mềm để nguyên gói, nguyên hộp bao giấy bóng hoặc bao vải cẩn thận xếp vào tầng giá của kho cần giữ gìn giấy hoặc vải bọc ngoài cuộn.
Điều 62: - Dây đồng trần, dây thép bọc đồng xếp vào kho khô ráo và thoáng mát bên dưới có kê ván, nếu thành từng cuộn thì trước khi để nằm phải lấy giấy hoặc vải bọc ngoài để khỏi xây xát.
Điều 63: - Các vật liệu cách điện, cầu chì sứ, kẹp dây sứ, xuyên tường phải cho vào kho xếp lên giá, lúc vận chuyển sắp xếp tránh không va chạm mạnh làm rạn nứt, sứt mẻ.
Cao su êbôlit, mi-ca, bìa cách điện đều phải chú ý tránh ẩm thấp, tránh nước và tránh ánh sáng mặt trời, tránh cả nhiệt độ nóng lạnh trong kho thay đổi quá nhanh làm cho cao su êbôlit, mi-ca bị hỏng hoặc bong ra. Riêng về bìa, khi bảo quản phải nẹp lại để tránh bìa bị gãy hoặc cong queo. Mi-ca khi thấm nước sẽ bị tróc vảy mi-ca ra, vì vậy phải bọc mi-ca vào giấy chống ẩm cẩn thận cho vào từng giá.
Điều 64: - Các phiến đá cẩm thạch, đá men trắng dùng làm bàn điện phải xếp đứng cạnh, và tuyệt đối không để gần acit, lúc lấy lên đặt xuống phải thật nhẹ nhàng và sắp xếp khít vào nhau,
Điều 65: - Các loại cuống đèn, chụp đèn, công tắc, nút cắm, dao đồng mở điện, bảng phân phối điện … đều xếp vào kho khô ráo thoáng gió.
Điều 66: - Các loại bình sứ, thủy tinh phải bao gói xếp vào hòm gỗ có vỏ bao hoặc giấy lót xung quanh.
Điều 67: Bảng phân phối điện bằng kim thuộc phải bảo quản nguyên gói như khi xuất xưởng, dây chì, dây điện và máy đo đạc của bộ phận phân phối điện phải bảo quản kỹ càng xếp vào hòm riêng.
Điều 68: - Vật liệu chiếu sáng bằng điện lực như đèn điện, đèn treo, đèn để bàn, chụp đèn, bóng đèn phải xếp vào kho khô ráo. Khi sắp xếp phải đặc biệt chú ý nhẹ nhàng tránh sự tổn thất và hư hỏng.
(Riêng bóng đèn phải bọc vào giấy mềm sau đó cho vào hộp giấy rồi mới xếp vào giá vật liệu, hộp đựng bóng đèn không được chồng quá 3 hộp, xếp vào tầng giá thấp và dễ lấy nhất).
Điều 69: - Bảo quản vật liệu chiếu sáng trong kho về mùa lạnh hoặc sau cơn mưa, giữa mùa nóng phải luôn luôn lau chùi bộ phận kim thuộc và thủy tinh để tránh hơi nước đọng lại trên kim thuộc hoặc thủy tinh.
Điều 70: - Bóng đèn trang trí, bóng đèn mỹ thuật, chụp đèn thủy tinh sau khi nhập kho phải tháo hòm ra bảo quản và lau chùi như đã nói ở điều 69, nếu trường hợp không tháo ra được thì cũng phải thay lớp rơm bao bọc ngoài, khi vận chuyển, nếu để nguyên rơm là chất tích nhiệt, tích bụi làm cho nhiệt độ tăng lên quá cao (nhất là khí hậu ở nước ta) nếu gặp một cơn lạnh bất ngờ bóng đèn rất dễ bị rạn nứt.
Bãi để gỗ:
Điều 71: - Bãi gỗ phải thoáng gió không nên làm giữa rừng hay xung quanh có nhà, chọn địa điểm rộng rãi để xếp được nhiều gỗ, chóng khô.
Điều 72: - Sân bãi phải bằng phẳng không gồ ghề ổ gà để khỏi bị đọng nước, hoặc có thể làm hơi nghiêng để thoát nước và có điều kiện rải cát sỏi, than xỉ để sân bãi được thoát nước, khô ráo.
Điều 73: - Bãi gỗ phải sạch sẽ không nên để vỏ bào, mùn cưa, củi mục, rác rưởi, bùn lầy, cỏ mọc v.v… vì những thứ này là mầm chuyển sang nấm phá hoại gỗ.
Điều 74: - Bãi gỗ phải có giá kê cao 20cm trở lên bằng xi măng, gạch đá hoặc giá tẩm thuốc hoá chất. Tuyệt đối không được xếp gỗ nằm sát đất không có giá kê (20cm trên mặt đất xuống đất).
Điều 75: - Phía trên bãi gỗ (phía dốc) đào một cái rãnh thoát nước, để hạn chế nước mưa chảy tràn vào bãi gỗ.
Lán để gỗ:
Điều 76: - Lán gỗ phải ở nơi cáo ráo thoáng khí không bị úng thủy. Tốt nhất nên làm lán bên mái theo hướng tây nam hay đông bắc xung quanh được gió nồm, vừa tránh được ảnh hưởng mặt trời.
Điều 77: - Lán phải có giá kê cao ít nhất 40 phân bằng ciment, gạch đá hoặc gỗ có tẩm hoá chất, dưới gầm sàn và xung quanh lán phải sạch sẽ, thường xuyên quét dọn rác rưởi, và cỏ mọc rải thêm bột ĐTT dưới gầm sàn và quanh nhà.
Điều 78: - Lán không bị dột hoặc nước mưa hắt vào nếu có điều kiện lán nên làm thêm rèm cửa để khi gặp khí trời ẩm, mưa có thể đỡ hắt.
Điều 79: - Gỗ khô mới đưa xếp vào lán. Trường hợp gỗ còn tươi hoặc bị mưa ướt phải phơi khô ở bãi rồi mới xếp vào lán.
Bảo quản gỗ cây:
Điều 80: - Gỗ sau khi chặt hạ ở rừng phải tìm mọi cách đưa ra ngay bến tập trung gần nhất.
Điều 81: - Trường hợp vì điều kiện sản xuất vận chuyển thiếu thốn phải để gỗ tại bãi bến ở ngoài trời trong một thời gian thì phải:
a) Nếu thời gian để gỗ từ 2 đến 6 tháng thì:
- Đối với những gỗ cây từ nhóm VI trở lên cần kê cách mặt đất 20cm trở lên (như điều 74) hai đầu gỗ phải trát bùn để giảm bớt nứt nẻ.
- Đối với những gỗ cây từ nhóm VII trở xuống phải quét hoặc phun bằng hoá chất thích hợp.
b) Nếu thời gian để gỗ từ 6 tháng trở lên tất cả các loại gỗ phải quét hoặc phun bằng hoá chất thích hợp (trừ gỗ tứ thiết phần giác không còn nữa, thì không phải quét.)
Điều 82: - Tại các kho dự trữ gỗ cây.
a) Thời gian dự trữ 3 tháng trở lên.
- Nếu có điều kiện thì ngâm gỗ dưới nước kể tất cả các loại gỗ.
- Trường hợp phải để ở trên cần thì đối với gỗ từ nhóm VI trở lên ít nhất phải che đậy, trát bùn ở 2 đầu gỗ để hạn chế nứt nẻ. Đối với gỗ từ nhóm VII trở xuống phải phun quét bằng hoá chất và xếp gỗ có đá kê (như điều 74).
Điều 83: - Trong việc sắp xếp gỗ trong kho lán phải bố trí để cây nào vào trước sẽ được sử dụng trước, tránh tình trạng chỉ những cây xếp ở trên được sử dụng trước, những cây ở dưới nằm lại ở kho quá lâu.
Điều 84: - Nên xếp gỗ theo loại và kích thước dài ngắn to nhỏ để tiện việc sử dụng và theo dõi.
Điều 85: - Trong thời gian dự trữ để ở kho, bãi, lán, thấy cây gỗ nào bị sâu nấm ăn thì phải đưa ra sử dụng ngay để khỏi lan ra cây khác.
Bảo quản gỗ xẻ:
Điều 86: - Gỗ phải để khô mới đem xẻ, trường hợp không có gỗ tròn dự trữ để khô thì phải xẻ thành ván rồi phơi khô hoặc sấy tìm mọi biện pháp chống nứt nẻ, cong vênh.
Điều 87: - Gỗ mới xẻ ra như xà, phiến, ván tuỳ từng loại gỗ, kích thước, thời tiết có thể xếp ngoài trời từ 5-10 ngày sau đó đưa vào lán gỗ có kích thước to xếp như củi lớn hoặc như cách xếp gỗ tròn, còn gỗ ván có kích thước mỏng dễ vênh, nứt sau khi xẻ nên xếp đứng một vài hôm, sau đó phải xếp nằm cho khô dần rồi đem vào lán (trừ ván xấu sau khi xẻ không phơi nắng chỉ xếp trong lán) chú ý gỗ xếp đứng chỉ để mặt trời chiếu vào cạnh ván, không để ánh nắng mặt trời chiếu vào mặt ván.
Điều 88: - Khi phơi phải theo dõi thường xuyên. Theo dõi gỗ, thấy bắt đầu có hiện tượng nứt nẻ, phải đưa vào lán xếp ngay.
Điều 89: - Gỗ xếp vào kho, làn theo từng loại, từng cỡ kích thước và chú ý khi xếp gỗ, ván vênh, cong xuống dưới để lợi dụng trọng lượng chồng gỗ nén thẳng lại.
Điều 90: - Gỗ ván, gỗ thanh, gỗ hộp, khi xếp vào lán phải xếp cách nhau bằng những thanh gỗ kê ở giữa và hai đầu “sát mép ván” để giữa các lớp gỗ dễ thoáng gió, chống ẩm, nếu là ván quá mỏng gỗ kê phải gần nhau để tránh gỗ bị cong vênh.
Điều 91: - Phải thường xuyên theo dõi lán gỗ, nếu thấy có hiện tượng mối, mọt, sâu, nấm phải lấy những thứ đó ra và xếp lại phun thuốc hoá chất vào những đống gỗ có hiện tượng sâu, nấm, mốc.
Bảo quản gỗ xây dựng:
Điều 92: - Gỗ khô mới đem xây dựng, vì nếu gỗ còn tươi hoặc bị mưa làm ẩm ướt có độ ẩm cao, sâu, mọt và nấm dễ phá hoại.
Điều 93: - Khi nhà đã lên mái, nên tranh thủ lợp nhanh, tránh bị mưa làm ẩm ướt sàn, mái nhà, gỗ bị mưa, ướt, chậm khô, sâu nấm dễ hoạt động phá hoại.
Điều 94: - Nhà phải có máng không để nước mưa hắt vào những bộ phận bằng gỗ. Hoặc nhà bị dột phải sửa chữa ngay để khỏi nước mưa ngấm vào đầu cột, móng v.v…
Điều 95: - Ngoài những việc bảo quản đơn giản, phải bảo quản bằng hoá chất để đảm bảo công trình và tăng thời gian sử dụng như:
a) Những bộ phận làm bằng gỗ trong nhóm II nếu không có phần gỗ giác bám thì không phải tẩm thuốc nếu có giác bám thì phải tẩm thuốc.
b) Những bộ phận quan trọng như cột nhà, dầm xà gỗ, cầu phong, vì kèo v.v… nếu dùng gỗ từ nhóm IV trở xuống thì nhất thiết phải được bảo quản bằng hoá chất, trước khi xây lắp.
c) Những bộ phận khác trên mái tuy ít quan trọng nhưng nếu làm bằng gỗ từ nhóm VII trở xuống cũng phải được bảo quản bằng hoá chất trước khi xây lắp (chi phí về tẫm gỗ tính vào giá thành công trình theo thông tư số 160 ngày 22-7-1960 của Phủ Thủ tướng).
Bảo quản gỗ các công trình ngoài trời.
Điều 96: - Tà vẹt cột điện, trụ mỏ, cột đo đạc… phải được tẩm bằng hoá chất trước khi sử dụng.
Điều 97: - Tàu thuyền ở nước mặn phải chống hà như: tẩm thuốc hoá chất, hay bọc tôn.
Điều 98: - Những bộ phận phải chịu những sức nặng lớn hoặc ở chỗ khó thay đổi như cột cầu, dầm cầu, chòi quan sát, đều phải bảo quản bằng hoá chất với phương pháp thích hợp.
Chú ý:
1. Chế độ này là biện pháp thực hiện nghị định bảo quản và tiết kiệm gỗ số 10-CP ban hành ngày 26-4-1960.
2. Về kỹ thuật xếp gỗ, bảo quản gỗ bằng hoá chất, xem quyển những phương pháp bảo quản về gỗ chống sâu, nấm, mối, mọt, nứt nẻ do Cục Lâm nghiệp ban hành.
Mục VI - ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN XI MĂNG, VÔI, CÁT, SỎI
Xi măng:
Điều 99: - Xi măng càng để lâu càng kém phẩm chất bởi vậy thời gian bảo quản xi măng trong kho không quá 1 tháng rưỡi, trừ những xí nghiệp, công trường xa chỉ được kéo dài tối đa là 3 tháng.
Điều 100: - Kho chứa ciment phải là kho kiểu kín, thoáng gió không bị hơi nước và nước xâm nhập, khi trời mưa các cửa sổ cửa ra vào phải đóng kín. Luôn luôn tìm mọi cách để chống ẩm trong kho.
Điều 101: - Trên thẻ ghi vật liệu về xi măng phải ghi cả nơi sản xuất, loại ciment và ngày xuất xưởng. Phân phối ciment phải tuyệt đối tuân hành nguyên tắc “nhập trước xuất trước”.
Điều 102: - Ciment đóng bao (1 bao trung bình 50kg) không được xếp cao quá 14 bao, không xếp thành đống to mà xếp thành từng hàng gồm 2 bao một để châu đầu vào nhau, xếp hàng nọ cách hàng kia, cũng như cách hàng vạch chung quanh ít nhất là 0m70. Chung quanh kho phải có rãnh thoát nước, sàn kho phải lát ván hoặc kê nếu là nền đất, phải kê cao ít nhất 0m50, nếu nền ciment hay gạch thì ít nhất phải kê cao 0m30.
Điều 103: - Để đảm bảo ciment được tốt việc vận chuyển ciment phải tiến hành như sau:
- Không được vận chuyển và bốc dỡ ciment khi trời đang mưa hoặc vừa mưa xong.
- Các loại xe vận tải ciment phải là xe có mui bọc kín (nếu là xe thô sơ phải mang theo những thứ che đậy, khi cần). Sàn xe phải khô ráo, nếu vận tải bằng thuyền phải chú ý hơn, các bì hay thùng ciment phải xếp lên bục thuyền và xếp cách mạn thuyền là 0m10, phải chú ý kiểm soát luôn.
- Bốc dỡ ciment không được hất ném, đẩy rơi bất kể từ 1 độ cao nào.
- Lúc vận chuyển bốc vác (kể cả lúc bảo quản) tuyệt đối không được va chạm, quăng vất hoặc để đồ vật bằng sắt vào bao ciment làm thủng bao.
Điều 104: - Ciment vận chuyển bằng đường xe hoả phải dùng toa kín không bị nước xâm nhập, tại các nhà ga phải có kho để bảo quản ciment nếu nhà ga không có điều kiện làm kho, thì công trường sử dụng ciment nằm trong phạm vi ga đỗ phải có kế hoạch làm kho tạm để bảo quản ciment cho tốt.
Điều 105: - Tại nhà máy sản xuất, nên để ciment nguội hãy đóng bao.
Điều 106: - Ciment lúc chuyển đến công trường đã tháo bao ra là sử dụng ngay, dùng không hết phải đóng gói cẩn thận cho vào kho, không được để phơi ciment ra chỗ trống.
Điều 107: - Trường hợp những bao ciment ở lớp dưới bị đè nặng đóng cục lại, anh chị em công nhân phải đem ra sàng lại để dùng, những người làm công việc đó đều phải đeo khẩu trang.
Anh chị em công nhân chuyên bốc vác và đóng bao ciment phải có khẩu trang và có găng tay, cầu vai áo khoác ngoài.
Vôi bột, cục:
Điều 108: Vôi chưa tôi nếu không bảo quản tại chỗ tức là hầm lò được thì phải cho vào kho khô ráo, hoàn toàn cách ly những nơi ẩm thấp, triệt để phòng ngừa nước bên ngoài ngấm vào và mái nhà bị dột.
Điều 109: - Nhà kho chứa vôi phải là nhà kho kiểu kín và phòng hỏa, nếu cột nhà làm bằng gỗ thì phải quét bên ngoài một lớp thạch cao trộn với 4% ciement để cột khỏi bị cháy khi vôi bị ẩm phát nóng.
Điều 110: - Vôi về phải tôi ngay. Trường hợp chưa tôi ngay có thể cho vào thùng sắt hoặc đóng bao xếp đống, nên xếp có kẽ hở và tầng trên che được kẽ hỡ của tầng dưới. Phương pháp xếp đống như ciment đã quy định trong điều 102.
Điều 111: - Vôi chưa tôi có thể cho vào kho kiểu kín hoặc lán. Điều chủ yếu là cần phải tránh nắng và tránh ciment xâm nhập.
Điều 112: - Hầm vôi đã tôi chưa sử dụng hết phải để một lớp cát ẩm lên trên hoặc nước chống khô và che đậy cẩn thận lúc cần sử dụng sẽ cạo lớp cát ấy ra mà dùng.
Điều 113: - Chung quanh hố vôi đang tôi phải rào giậu cẩn thận, nền hố phải lát gạch, thành hố vôi phải lát gạch hay lát ván thật chắc chắn, chỗ đứng đổ vôi, đổ nước, lấy vôi phải lát ván để bảo quản tai nạn lao động.
Điều 114: - Vận chuyển vôi cũng như ciment quy định ở điều 103 và 104 và công nhân khuân vác vôi cũng như đã quy định ở điều 107.
Cát sỏi:
Điều 115: - Bãi chứa cát phải khô ráo, không để cỏ mọc.
Điều 116: - Cát vàng, cát đen phải phân chia ranh giới cách biệt nhau, không được để gần nhau.
Điều 117: - Cát sỏi về công trường nên sử dụng ngay, không để lâu ngoài trời tránh gió bay, mưa trôi hoặc lún xuống đất (cát đổ đống không cao quá 2m50 vì cao quá hạt cát to lẫn xuống chân đống còn đọng lại cát nhỏ ở trên, khi sử dụng phẩm chất bê tông không đều).
Điều 118: - Dùng số gạch làm sau cùng lát dưới đất rồi đổ cát lên trên khi gió, bão thì dùng gạch xếp kín trên đống hoặc dùng phên che hay tưới nước để chống mưa trôi gió bay làm hao phí.
Điều 119: - Khi xúc cát phải xúc từ trên xuống, khi vận chuyển phải bảo đảm không để rơi rớt dọc đường.
Mục VII - ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN VỀ GẠCH, NGÓI, ĐÁ CUỘI, GẠCH VỤN, TRE, NỨA, LÁ
Điều 120: - Gạch thường có thể để ngoài trời nên luân chuyển sử dụng từng quý một (3 tháng) cho hết, không nên để lâu, nhất là về mùa mưa bị ẩm ướt nhiều gạch lên mốc phẩm chất bị kém đi.
Điều 121: - Xếp gạch phải sít nhau không để 1 kẽ hở, cao không quá 1m50 rộng hẹp tuỳ theo vị trí của bãi chứa.
Điều 122: - Gạch ống nên bảo quản chu đáo hơn gạch thường, cách xếp gạch ống cũng như gạch thường nhưng trời mưa nên lấy một tấm phiên che lên trên để nước khỏi ngấm và đọng trong lỗ ống làm gạch bị mềm, khi nắng gạch dễ bị nứt.
Điều 123: - Gạch hoa vân, gạch tráng men phần nhiều hình thù thành từng viên vuông lép, khi xếp đống không nên xếp nằm mà phải xếp đứng (đặt nằm chênh chếch 75 độ) 2 đầu có chỗ tựa chắc chắn, đầu lớp dưới ngả về một chiều, lớp trên ngả về chiếu đối diện cụ thể chồng cao không quá 1m.
Điều 124: - Gạch chịu lửa phải để vào lán hoặc kho vật liệu kiểu kín, thoáng gió, xếp từng loại theo nhãn hiệu và đặc điểm quy cách của gạch. Mỗi một hình thù quy cách khác nhau để riêng một đống. Mỗi loại có một đặc tính hoá học khác nhau phải để riêng từng khu vực. Tuyệt đối không để lẫn lộn với nhau. Lúc xếp phải lót rơm giữa viên này với viên khác hoặc đống này đống khác.
Điều 125: - Khi vận chuyển gạch hoa vân và gạch chịu lửa phải xếp khít vào nhau và xếp cho thật hết xe vận chuyển. Các chỗ hở phải có ván, chiếu hoặc cọc chêm vào để tránh gạch xô lệch tạo điều kiện mẻ, sứt, rạn nứt.
Điều 126: - Khi bốc dỡ gạch từ xe xuống bãi hoặc từ bãi xe tuyệt đối không được đỗ hàng loạt, việc bốc dỡ chuyển bằng tay phải nhẹ nhàng, đối với gạch hoa vân và gạch chịu lửa càng cần phải thận trọng hơn. Riêng gạch chịu lửa tuyệt đối không để nước mưa ngấm vào.
Ngói:
Điều 127: - Xếp ngói và vận chuyển ngói phải xếp theo kiểu đúng như xếp gạch và vận chuyển gạch hoa vân và gạch tráng men quy định ở điều 122 và 123 - 124.
Điều 128:- Ngói Fibro ciment lúc vận chuyển nhất thiết phải có đệm lót.
Điều 129: - Xếp ngói Fibro ciment chỉ được xếp đứng (xếp thẳng góc với mặt đất) và chỉ được xếp một lớp mà thôi, nếu còn chỗ hở phải được chèn kẹp cẩn thận.
Đá cuội, gạch vụn:
Điều 130: - Đá cuội, gạch vụn phải dựa vào quy cách khác nhau để xếp riêng từng đống ở bãi, chân đống nên xếp thành hình vuông hay hình chữ nhật, mặt cắt thành hình thang, mỗi đống không quá 200m3.
Tre nứa, lá:
Điều 131: - Nói chung các loại tre, nứa, vầu, hóp đều phải phòng mục, nên tạo điều kiện ngâm nước hoặc ngâm bùn trước khi sử dụng.
Điều 132: - Tre, nứa, vầu, hóp phải để khô dần trong râm không nên phơi ngoài nắng trên 25 độ.
Tre, nứa, vầu, hóp cần phải xếp nằm chênh chếch gốc để xuống đất ngọn gác lên giàng đỡ. Tuyệt đối không được để nằm trệt xuống đất qua một đêm, nếu để nằm phải có sàn kê và tuyệt đối không để một vật gì nặng hoặc bước lên trên đống nứa.
Điều 133: - Tranh lá phải để chỗ khô ráo, cách mặt đất ít nhất là 40cm, dưới gầm và chung quanh chỗ chất đống lá hàng tuần phải đổ thuốc phòng mối (có thể dùng vôi và muối).
Lá không xếp chồng lên nhau dày quá 1m20 và giữa mỗi đống lá phải có khoảng cách tối thiểu là 30cm.
Tranh có thể xếp cao đến 1m50 hoặc hơn, phải kê cao như lá, khi trời mưa phải che đậy cho tốt để tránh bị ngấm nước làm tranh bị mục.
Điều 134: - Giang, mây không được phơi nắng, phải bảo quản trong râm hoặc thường xuyên ngâm nước.
Mục VIII – ĐIỀU LỆ BẢO QUẢN HÀNG THỦY TINH, KÍNH
Điều 135: - Hàng thủy tinh phải bảo quản trong kho kính khô ráo và thoáng gió.
Điều 136: - Hàng thủy tinh không được phơi nắng lâu, nếu qua một quá trình vận chuyển đường dài bị nắng không nên cho ngay vào kho mà phải để nguội đã.
Điều 137: - Khi vận chuyển hàng thủy tinh phải lót rơm rạ, lót bao đệm và lót giấy, không được để chồng chất lên nhau hoặc để sát vào thành xe mà không có đệm lót hai bên.
- Riêng về kính phải xếp đứng và có gỗ nẹp chung quanh lại.
- Xe chuyên chở hàng thủy tinh không được chạy quá 30km/giờ trên đường bằng và 15km/ giờ trên đường xóc.
Điều 138: - Bảo quản kính phải xếp đứng, tuyệt đối không để bị hơi nước làm mờ kính, nhất là không được để acit Eluoridrique xâm nhập, cũng như những nơi ẩm thấp.
Điều 139: - Sơn và bột màu phải bảo quản trong nhà hoặc kho riêng biệt kiểu kín, phòng hỏa, thóang gió, không được ẩm quá và cũng không được nóng quá (để sơn khỏi bị khô, và sơn bột khỏi bị dẻo hay chảy nước).
Điều 140: - Phân phối sơn và bột màu, nhất là bột màu phải có chỗ riêng biệt để phân phối. Trong phạm vi nhà kho và ở trong lúc phát hàng tuyệt đối không hút thuốc – một là để phòng hỏa – hai là để khỏi biến chất một số bột màu (hơi khói làm phai màu bột nhuộm). Tuyệt đối không được để bột màu và bột thuốc nhuộm bay ra vì trong 1m3 không khí nếu lẫn 27gr bột thuốc khô thì có khả năng nổ.
Sau khi phân phối xong phải đóng gói cẩn thận, nên có giấy đen chống ánh nắng bọc ngoài.
Điều 141: - Người phân phối sơn và bột màu và người làm trong kho chứa các loại vật liệu ấy phải đeo găng tay và khẩu trang.
Điều 142: - Thùng sơn, thùng bột màu hoặc vật chứa khác sau khi phân phối hết không dùng nữa phải đậy nắp lại. Muốn sử dụng thùng ấy chứa đựng một vật liệu hoá chất phải rửa sạch lau khô mới được dùng. Các giấy gói bao bì có dính bột màu sau khi phân phối xong phải tập trung lại đem chôn sâu xuống đất (không được đốt).
Điều 143: - Phấn chì trắng (blane de zine) thường trộn với dầu lanh (huile de lin) để làm mát tít dán kính, là một chất độc nên để cách ly với các loại sulfur như phấn kẽm barium, (bột màu xanh xám) hai chất này thường tác dụng vào nhau biến thành sulfat chì và ngả màu đen.
Khi đã chế biến thành mát tít phải sử dụng ngay để lâu độ dẻo sẽ mất tác dụng.
Đất đèn:
Điều 144: - Đất đèn phải chứa trong nhà kho khô ráo, nền cao thật thoáng gió, mái nhà và phần trên của nhà tuyệt đối không có kẻ hở, vật liệu kiến trúc kho phải là vật liệu chịu lửa, nếu kho làm bằng gỗ thì phía trong và ngoài phải quét thạch cao trộn với 4% ciment để phòng hỏa.
Điều 145: - Thùng đất đèn không được kê sát đất. Nếu loại thùng nặng không thể kê lên bục lên giá được phải có gỗ lót, trong kho tuyệt đối không được dùng đèn xì, đèn dầu hỏa, lúc mở hòm không được dùng những dụng cụ đóng mở bằng sắt, trong kho không được để đồng, vì acétylène hòa hợp với đồng vàng trong trường hợp khô ráo có thể xảy ra thể khí hỗn hợp và nổ.
Điều 146: - Kho đất đèn phải đặt cách xa nơi sản xuất và nhà ở ít nhất là 50m, trên nóc nhà kho phải có thu lôi.
Điều 147: - Khi mở thùng phân phối đất đèn xong phải đóng kín và chằng lại thật chu đáo.
Điều 148: - Các thiết bị chiếu sáng bằng điện ở kho đất đèn phải kiểm soát luôn luôn, chỗ đóng mở điện phải bọc kín, tốt nhất là nên đặt các thiết bị chiếu sáng ấy bên ngoài kho.
Điều 149: - Kho chứa đất đèn phải để sẵn sàng cát khô để đề phòng hỏa hoạn, tuyệt đối không được dùng nước, hoặc gọi xe cứu hỏa chữa cháy kho đất đèn.
Điều 150: - Vận chuyển đất đèn khối lượng hàng tấn trở lên tuyệt đối không được vận chuyển lúc trời mưa, không được xô đẩy làm rơi thùng đất đèn vì rơi hơi bị tức sẽ vỡ tung và gây tai nạn.
Điều 151: - Xe vận chuyển đất đèn phải có mui che kín, cự ly kho lán đất đèn phải xa các kho vật liệu khác cũng như nhà ở của nhân dân (Nếu phải vận chuyển bằng phương tiện thô sơ phải mang theo những thứ che đậy khi gặp trời mưa).
Thể khí ép:
Điều 152: - Thể khí ép như oxygène, hydrogène acétylène thường chứa trong ống thép có áp lực cao cần phải cho vào kho, khô ráo, thoáng gió. Nhà kho phải là loại chịu lửa và chắc chắn, oxygène phải bảo quản riêng biệt.
Điều 153: - Bình thép chứa thể khí lúc cho vào kho phải sắp xếp lên giá đặc biệt, nên để đứng tránh xa các vật liệu truyền nhiệt, cách xa các loại dầu mỡ (tuyệt đối không được bôi dầu vào các ống thép) và không được để ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào.
Điều 154: - Miệng và nắp ống thép chứa thể khí bị hỏng thì phải đưa đến xưởng chế oxygène sửa chữa, kho không nên tự tiện lấy.
Trường hợp bị dầu dính vào thì phải mang ra khỏi kho dùng éther lau sạch.
Điều 155: - Trong khi bảo quản thể khí ép cần phải kiểm tra thường xuyên, nếu nghe có tiếng xì hoặc tiếng sè sè khẽ hay có mùi ốc xy bay ra thì lập tức mang ống đó ra khỏi nhà kho cách xa ít nhất là 100m nếu là thể khí có thể cháy (như hydrô, acé-tylène), phải để ống nằm trên mặt đất cho nó xì hết nhưng phải chú ý đề phòng tia lửa, đốm lửa bay vào và cấm không được để gần luồng lửa.
Điều 156: - Bình không đựng thể khí ép khí nhận phải dùng đồng hồ kiểm tra lại, nếu hơi trong bình còn lại quá 20% thì giải quyết như bình còn nguyên.
Điều 157: - Nhân viên công tác trong kho thể khí không được đem theo diêm và tất cả vật liệu gây hỏa khác vào kho.
Điều 158: - Khi khuân vác bình thể khí phải hết sức cẩn thận, lấy lên để xuống nhẹ nhàng không được va chạm mạnh và không được mang áo quần, cầu vai, găng tay có dình dầu để làm việc.
Tuyệt đối không dùng cần trục móc xích, móc dây cáp để bốc dỡ bình thể khí.
Điều 159: - Kho thể khí nếu chứa 50 bình trở lên phải cách xa các kho khác ít nhất là 50m. Kho thể khí nếu phải chia thành nhiều gian để xếp các loại thể khí ép khác thì trên tường ngăn không được mở cửa sổ mà mỗi gian chỉ được mở 1 cửa ra vào riêng mà thôi. Nền kho phải rãi nhựa đường hoặc lót ván.
Điều 160: - Lúc vận chuyển ống không thì xe có thể chạy như bình thường nếu là ống chứa hơi phải có đệm lót thật dày trọng lượng được cho tối đa là 2/3 số trọng tải của xe. Xe chạy không quá 25km trên đường bằng và 12 cây số trên đường xóc.
Nhựa đường hắc ín
Điều 161: - Nhựa đường nên bảo quản trong lán chống nắng và không để gần những nơi có độ nóng cao như bếp, lò đúc, phân xưởng hàn v.v…
Điều 162: - Trong nhựa đường có chất độc toát ra, khi bảo quản vận chuyển phải có găng tay, mang khẩu trang, nhất là loại hắc ín thể lỏng, không để dính vào tay vào người.
Acit cơ-lo-hy-đơ-ric
Điều 163: - Acít cơ-lo-hy-đơ-ric phải bảo quản ở một riêng biệt khô ráo và thoáng mát, chung quanh không nên để một chất hữu cơ nào khác, tuyệt đối cách ly các chất kiềm ốc-xít hay muối vì nó có thể hóa hợp sinh ra nổ.
Điều 164: - Acit cơ-lo-hy-đơ phải bảo quản trong lọ sành hoặc phải đậy nút kín, nút cũng phải bằng chai hoặc bằng sành, nếu nút sành không được kín thì nên dùng thạch cao gắn cho kín, nền kho nên rải một lớp cát.
Điều 165: - Acit cơ-lo-hy-đơ thường bốc hơi, hơi đó là cơ-lo một chất độc có hại lớn cho cơ thể con người có thể xâm nhập vào bên trong cơ thể bằng da thịt hô hấp mà phá hoại các màng da mỏng trong mồm, mũi, mắt, phổi gây thành những biến chứng nguy hiểm bởi vậy người coi kho phân phối acit này phải có áo mặc ngoài đeo khẩu trang đeo kính phòng độc. Tốt nhất là phân phối nguyên chai nguyên lọ, không nên tiếp xúc lâu.
Điều 166: - Lúc vận chuyển tuyệt đối không chở chung với các bình ép khí và các loại acit sulfuric ni-tơ-ric.
Điều 167: - Nếu xảy ra hỏa hoạn có thể chữa bằng nước hoặc cát.
A. Đặc tính của các chất nổ.
Những thuốc nổ chính dùng trong kỹ nghệ hầm mỏ chia ra làm 2 loại:
- Một là loại Nitrade d’ammonium.
- Hai là loại Nitroglycérine.
Trong loại Nitrade d’ammonium có thuốc ammonite, thuốc này không nổ khi bị cọ xát và khó nổ khi bị đập mạnh. Tia lửa không làm cho ammonite cháy và nổ được – lửa có thể đốt cháy nhưng dịch ngọn lửa ra là tắt ngay. Loại Nitrade d’ammonium do đó không nguy hiểm lắm trong khi dùng. Những loại này lại dễ hút nước và dễ bị nước làm vữa, bởi vậy nếu ammonite không nổ hoặc nổ rất yếu. Bởi vậy nó rất kỵ và tránh để lâu trong kho.
Loại thuốc nổ Nitroglycérine có loại gélatine và nitroglycérine tỷ lệ thấp (10%) Đynamite thuộc loại gélatine.
Nitroglycérine là một chất rất nhạy khi có ảnh hưởng bất cứ một loại cọ xát hay chấn động nào. Những tia lửa nhỏ rất dễ đốt cháy nitroglycérine, nhưng nếu số lượng nitroglycérine nhiều thì cháy chậm. Nếu để nitroglycérine trong 1 thời gian lâu thì chỉ với nhiệt độ 50 độ cũng đủ làm nitroglycérine bị nổ. Với nhiệt độ dưới 15 độ thì nitroglycérine sẽ đông lại. Trong trạng thái đông hoặc đông một nửa, nitroglycérine trở nên nhạy hơn khi có sự động chạm kim khí. Chất nitroglycérine rất độc. Nó có thể thấm vào hơi thở người ta qua làn da và kích thích các tế bào trong đó, bởi vậy nó gây bệnh nhức đầu và tim đập mạnh.
Nhược điểm của loại thuốc nổ nitroglycérine là để lâu mặt trên chảy nước nghĩa là chất nitroglycérine sẽ bốc ra mặt ngoài của thỏi thuốc ở trạng thái lỏng, dùng những thuốc nổ như thế sẽ nguy hiểm như dùng nitroglycérine nguyên chất.
Đặc tính của những phương tiện nổ:
- Loại thuốc mồi amorce dùng cho những capsule détonnateur electro-détonnateur rất nhậy khi chịu ảnh hưởng kim khí và sức nóng.
- Giây coron détonant có thể chịu đựng được sức đập mạnh, cắt bằng dao trên ván gỗ không nguy hiểm.
- Giây mìn dẫn lửa không nổ khi cọ xát hay đập mạnh.
Điều lệ bảo quản thuốc nổ.
Điều 168: - Các loại thuốc nổ tuyệt đối không được để lẫn các loại với nhau khi mang xách thuốc nổ tuyệt đối không được mang thuốc nổ dynamite với các vật liệu nổ khác, phải mang riêng rẽ, cũng như thuốc nổ nitrade d’ammonium với hột nổ và dây mìn.
Điều 169: - Những kho định bố trí để vật liệu thuốc nổ phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền quyết định địa điểm kho và số lượng thuốc nổ để trong kho.
Thuốc nổ tích trữ lâu phẩm chất bị giảm sút dần bởi vậy, nên sắp xếp thế nào để số nhập trước xuất trước, số nhập sau xuất sau.
Tất cả các loại thuốc nổ đều kỵ ẩm bởi vậy kho chứa phải rất thoáng, khô ráo đề phòng hơi ẩm và tránh nước thấm vào. Kho phải làm riêng biệt cách xa nơi nhà ở và cơ sở sản xuất, tường đất bảo vệ phải thích hợp vớí nhu cầu an toàn.
Điều 170: - Bảo quản những vật liệu nổ phải bảo đảm không hư hỏng, không để chấn động mạnh gây cháy hoặc nổ, trong khi giao và nhận.
Cách sắp xếp trong kho nên xếp trên giá gỗ, nếu không có giá gỗ thì chỉ được chồng lên nhau 4 hòm mà thôi và cần phải chú ý thoáng gió.
Trong khi phải mát, ôn độ không quá 30 độ, nếu là thuốc nổ chất keo (dynamite gomme) thì khí trời lạnh dưới 10 độ, nên dùng nước nóng sấy.
Điều 171:- Các kho vật liệu nổ có thể làm trên mặt đất, sâu 1m dưới mặt đất hoặc ngập hẳn dưới đất nhưng không quá 1 thước rưỡi(1m50).
Điều 172:- Các kho vật liệu nổ chia làm 2 loại chính và phụ, kho chính phân phối cho các kho phụ. Kho phụ phân phối cho người bán, hoặc dùng.
Điều 173:- Tùy theo thời gian phục vụ các kho chia ra loại vĩnh viễn nếu thời gian phục vụ trên 2 năm, loại kho thường nếu thời gian đến 2 năm và loại kho tạm thời nếu thời gian đến 6 tháng kể từ ngày chứa vật liệu nổ.
Điều 174:- Khi tu sửa các kho vật liệu nổ phải đưa vật tu sửa ra khỏi kho, nếu không, phải đưa vật liệu nổ ra chỗ khác.
Điều 175:- Mỗi kho vĩnh viễn, trên mặt phải có phòng để thuốc nổ hay phương tiện nổ, phòng để phân chia và phân phối vật liệu nổ.
Điều 176:- Trong khu vực kho phụ cần phải có nhà chia ra nhiều gian để thử kíp điện hay để nối giây mìn dẫn lửa với ống chứa thuốc nổ, gian sửa soạn thuốc nổ, sấy, quấn bóc những thỏi thuốc, gian để đóng gói các hòm thuốc và gian chứa các vật liệu cứu hỏa.
Điều 177: - Trong gian để phân phối vật liệu nổ phải có bàn, trên mặt bàn nên lót cao su hoặc giấy, bìa dày 3 ly, ngoài ra, nên có chỗ để tạm thời treo những túi đựng vật liệu nổ và máy bắn điện.
Điều 178: - Ra vào trong khu vực kho vật liệu nổ chỉ cho phép những người có giấy chứng nhận của giám đốc công trường hay xí nghiệp cơ quan trực tiếp những kho ấy.
Điêu 179: - Những gian chứa vật liệu nổ phải có khóa đặc biệt, chìa khóa chỉ có thủ kho giữ và không được giao cho người khác.
Điều 180: - Chung quanh mỗi kho phải có rào ngăn, khu vực rào ngăn do xí nghiệp cùng với công an địa phương quy định.
Điều 181: - Trong mỗi một kho không thể để quá số vật liệu nổ mà cơ quan có thẩm quyền đã quyết định.
Điều 182: - Kho thuốc nổ phải canh gác đêm ngày, số người ở bốt gác và trật tự canh gác sẽ do xí nghiệp và cơ quan công an địa phương quyết định.
Điều 183: - Số lượng vật liệu nổ để trong kho phụ bán vĩnh viễn trên mặt đất không được quá 5 tấn.
Điều 184: - Trong một kho có thể để chung những vật liệu nổ theo bản kê dưới đây:
TÊN VẬT LIỆU NỔ | Đi-na-mit-tơ | A-mô-nít-tơ | Hột nổ | Giây nổ | Giây mìn dẫn lửa | Vật liệu đốt giây mìn |
Đi-na-mit-tơ | Được | Không được | Không được | Không được | Không được | Không được |
A-mô-nít-tơ | Không được | Được | Không được | Không được | Được | Được |
Hột nổ | Không được | Không được | Được | Được | Không được | Được |
Dây nổ | Không được | Không được | Được | Được | Được | Được |
Giây mìn dẫn lửa | Không được | Được | Được | Được | Không được | Được |
Vật liệu đốt giây mìn | Không được | Được | Được | Được | Được | Được |
Điều 185: - Để chung những vật liệu nổ trong những trường hợp đặc biệt phải được sự chuẩn y của bộ phận kiểm tra bảo hiểm với những điều kiện sau đây:
a) Những vật liệu nổ phải phân ra từng loại để sang từng gian một, tường ngăn cách các gian phải xây bằng gạch hay bê tông dày trên 25cm, mỗi gian phải có chỗ ra vào riêng với nơi phát thuốc.
b) Số lượng hột nổ để chung một nhà với thuốc nổ không nên quá 10.000 cái và số lượng thuốc nổ không được quá 3 tấn.
c) Phát thuốc nổ và hột nổ phải phát riêng và ở từng gian phòng khác nhau.
Điều 186:-Mỗi một bao thuốc, gói thuốc hay hộp hột nổ phải có số, ngày tháng chế tạo, nhãn hiệu của xưởng chế tạo, số cân.
Khi giao vật liệu nổ phải ghi tên người lĩnh vào giấy có những chỉ dẫn trên.
Điều 187: - Trong kho chỉ cho dùng ánh sáng đèn accu nếu dùng đèn điện thì để ngoài nhà chiếu vào.
Điều 188: - Khi vật liệu nổ đã đến kho các xí nghiệp phải cho ngay vào các gian kho chứa và làm biên bản nhập kho. Trong trường hợp khả nghi phải mở hòm kiểm soát lại. Những vật liệu nổ có thể nghi là bị hỏng và ẩm ướt thì phải ghi rõ để đem thử lại trước khi cất.
Điều 189: - Những vật liệu nổ ở các nước ngoài gửi đến, thủ kho phải yêu cầu dịch ngay những lời chỉ dẫn để phổ biến cho nhân viên trong kho.
Điều 190: - Các xí nghiệp có nhiệm vụ phải bảo đảm hoàn toàn các vật liệu nổ ở các kho. Sổ sách phải ghi rõ vật liệu ở đâu đến, căn cứ vào giấy tờ nào, số lượng nào, số mã hàng, ngày chính thức nhập kho, căn cứ vào giấy phép nào đã xuất kho và xuất cho ai, khi xuất phải phổ biến cách dùng, cách bảo quản cho người đến nhận.
Điều 191: - Những số liệu không được tẩy xóa. Chữ ký của những nơi có thẩm quyền cho phép lĩnh vật liệu nổ phải có mẫu ở kho.
Các đồng chí kế toán trưởng các xí nghiệp phải đôn đốc các kho làm sổ sách chu đáo hàng ngày. Hàng tháng Ban kiểm tra do xí nghiệp cử ra sẽ thẩm tra lại.
Điều 192: - Các buồng để vật liệu thuốc nổ phải quét dọn sạch sẽ và không để lẫn một thứ hàng hóa nào khác. Phải kiểm tra các chỗ nức nẻ và những cửa sàn, góc cửa. Nếu thấy có vết acit dầu mỡ trong buồng thì phải chùi rửa thật sạch.
Điều 193:- Bốc vác hòm vật liệu nổ phải làm nhẹ tay và khi xếp không được bước chân lên hòm.
Nếu dùng cần trục để chuyển vật liệu nổ lên hay xuống thì cần trục chỉ được sử dụng một nửa sức kéo để bảo đảm an toàn.
Mang lên, xuống các thứ: đi-na-mit-tơ và hột nổ phải hết sức thận trọng phải mang từ từ và dùng những dụng cụ va mạnh vào nhau không tóe lửa.
Điều 194:- Khi các nơi đến nhận vật liệu nổ để chuyên chở đi nơi khác, người bảo quản kho thuốc nổ phải có trách nhiệm chú ý các điểm sau:
1. Chuyên chở bằng xuồng máy, canot có thể chở chung thuốc nổ với phương tiện nổ nhưng không được quá số lượng dưới đây:
Thuốc nổ 500 cân
Hột nổ 500 cái
Dây dẫn nổ 300 thước
Dây mìn dẫn lửa 3.000 thước.
a) Hột nổ phải để riêng và chèn giữ cẩn thận.
b) Buồng chứa vật liệu nổ phải cách xa buồng máy nổ.
c) Nhiệt độ trong buồng phải đảm bảo như bảo quản trong kho.
d) Các sàn phải kín, cửa buồng phải đóng.
đ) Buồng phải ngăn cách, không để hơi nóng chuyền sang.
2. Chuyên chở bằng ô tô thì:
a) Không được chở bằng ôtô chạy gaz hay ôtô hàng chung với hành khách (bất kỳ số lượng ít hay nhiều)
b) Ôtô có thể chở vật nổ theo đúng trọng tải của xe nhưng nếu chở hột nổ và dynamyte thì chỉ cho phép chở dưới 2/3 trọng tải chỉ được để 2 hàng hòm mà thôi và phải chằng buộc, lèn cẩn thận giữa các hòm với nhau.
c) Trong xe chở vật liệu nổ không được kèm theo một thứ hàng gì khác.
d) Xe phải được sự chứng nhận đã kiểm soát và bảo đảm cho việc chuyên chở vật liệu nổ. Nếu không có thì thủ kho không cho chở.
đ) Các xe nhận vật liệu nổ phải đến từng cái một không nên đến một lúc, lúc chờ đợi cái nọ phải cách các kia 100 thước.
Điều 195: Thời gian thử vật liệu nổ để trong kho xí nghiệp ấn định như sau:
a) Thuốc dynamite sau khi hết hạn bảo đảm phải thử lại mỗi tháng một lần.
b) Phương tiện nổ và những thuốc nổ khác sau khi hết hạn bảo đảm phải thử lại 6 tháng một lần.
c) Tất cả các vật liệu nổ không chỉ căn cứ ở thời gian, nếu cơ quan nào khả nghi về chất thì phải thử lại vật liệu đó.
Điều 196: - Những phương tiện nổ để xuất kho, trước khi xuất kho đưa đi dùng phải thử, theo trật tự sau:
a) Những ống đựng thuốc nổ phải kiểm soát ngoài vỏ để định trạng thái vỏ bọc và phải sạch bụi ở lỗ đầu kíp.
b) Những kíp nổ bằng điện phải kiểm soát ngoài vỏ để định trạng thái vỏ bọc và phải thử tính chất chuyền điện.
c) Những dây mìn dẫn lửa phải kiểm soát ngoài vỏ để định trạng thái nguyên vẹn vỏ bọc không đứt quãng ở bên trong, thử tốc độ cháy chuyền.
d) Dây dẫn nổ phải kiểm soát ngoài vỏ để định trạng thái vỏ bọc, không đứt quãng bên trong.
Điều 197: - Cần phải nghiêm cách kiểm tra thuốc nổ bị cháy dầu. Một là bị hỏng, hai là dễ xảy ra nguy hiểm, bởi vậy cần phải kiểm tra luôn.
Kiểm tra ngoài mặt hòm, hộp và ống thuốc. Ở ngoài mặt hòm hộp có ống thuốc thường không có một vết ẩm nào, mở giấy bọc ống ra cũng ráo nguyên, do là thuốc tốt, nếu có giọt dầu hoặc vết dầu loang lớn do đó là hiện tượng dầu chảy.
Hiện tượng dầu chảy có thể nhầm với vết mồ hôi nước vì một sự thay đổi khí hậu nào đó nên cần phải thử:
a) Nếu thấy chỗ chảy ra nhỏ giọt thì lấy 1 que thủy tinh dính vào đầu que cho vào nước. Nếu giọt ấy không tan thì đó là chất nitroglycerine chảy ra.
b) Hoặc có một cách thử nữa là lấy giấy thấm vào chỗ ướt nếu đốt thấy cháy nhanh hoặc có tiếng lách tách tức là dầu hoặc lấy que sắt gõ vào giấy nếu có tiếng nổ tức là có hiện tượng dầu chảy.
Điều 198: – Trách nhiệm của các phụ trách kho vật liệu nổ.
1. Thi hành đúng những luật lệ bảo quản, phân phối, nhận giao và thanh toán các vật liệu nổ.
2. Không được để thừa hoặc thiếu và làm hỏng các vật liệu nổ trong kho.
3. Không được để mất chìa khóa hoặc trao cho người khác.
4. Chỉ giao vật liệu nổ cho những người có giấy phép xuất kho do thủ trưởng cơ quan phụ trách ký.
5. Thử các vật liệu nổ ở kho theo luật lệ đã quy định.
Phần III:
CHẾ ĐỘ TIẾT KIỆM VẬT LIỆU XÂY DỰNG
A. Trình tự kiến thiết cơ bản:
Điều 1: – Trong thiết kế phải theo đúng trình tự kiến thiết cơ bản đã quy định. Trong trường hợp vừa thiết kế vừa thi công, cần cố gắng đi theo đúng trình tự.
Điều 2: – Các cơ quan thiết kế cần dựa vào kế hoạch xây dựng cơ bản của Nhà Nước để tiến hành thiết kế.
Điều 3: - Chỉ được tiến hành xây dựng những công trình nào đã ghi trong kế hoạch Nhà nước
B. Thiết kế đề án:
Điều 4: – Khi nghiên cứu cần so sánh các phương án để chọn cái hợp với nhiệm vụ thiết kế và đáp ứng phương châm thích dụng, tiết kiệm, vững chắc và mỹ quan trong điều kiện có thể.
Điều 5: – Khi thiết kế phải dựa vào những tiêu chuẩn đã ban hành. Trong quá trình nghiên cứu, có thể xây dựng những tiêu chuẩn mới và bổ xung những tiêu chuẩn cũ chưa thích hợp.
Điều 6: – Trong khi thiết kế, cần dựa vào những vật liệu sẵn có của địa phương và sử dụng rộng rãi vật liệu mới.
Điều 7:– Theo đường lối công nghiệp hóa ngành xây dựng, thiết kế phải mở rộng từng bước công tác nghiên cứu những cấu kiện đúc sẵn để song song tiến lên cơ giới hóa thi công cóc mức độ.
Điều 8: – Khi chọn địa điểm, cần quán triệt phương châm đồng thời giải quyết việc trước mắt, nhưng kết hợp với chủ trương lâu dài về diện phát triển của công trình.
Cố gắng xây dựng những nơi có nguồn nguyên liệu sẵn có để giảm bớt giá thành về vật liệu.
Điều 9: – Thiết kế chú ý khả năng phối hợp các xí nghiệp liền nhau, bố trí hợp lý các phân xưởng sản xuất, tập trung khu công nhân, tăng số tần nhà, thu gọn địa điểm, tạo điều kiện để tổ chức tốt việc xây dựng và sử dụng máy móc hợp lý.
Điều 10: – Chú ý nghiên cứu diện tích và khối tích nhà máy, phân xưởng phụ, nhà hành chính, nhà ăn v.v…thích hớp với nhu cầu cần thiết.
Điều 11: – Khi thiết kế cần nhắm hướng giảm trọng lượng các cấu kiện, tiết kiệm những vật liệu khan hiếm (vật liệu ngoài nước) rút ngắn thời gian thi công giảm bớt khó khăn nặng nề.
Điều 12: – Giảm bớt phí tổn về trang trí kiến trúc, về mỹ thuật trong những công trình không cần thiết.
Điều 13: – Áp dụng rộng rãi thiết kế mẫu.
Điều 14: – Thống nhất kiểu mẫu kích thước, điển hình hóa các bộ phận giống nhau, vận dụng các mô-đuyn-lơ thống nhất quốc tế.
Điều 15: – Khi chọn thiết bị phải tận dụng thiết bị hiện có khả năng chế tạo trong nước, giảm thiết bị phải nhập.
Điều 16: - Cung cấp đồ án thiết kế phải khớp và kịp với lịch thi công của công trường.
Mục XII.- MỸ THUẬT VÀ THI CÔNG.
Sử dụng và cung cấp:
Gỗ. (Có bảng qui định tạm thời về sử dụng kèm theo).
Điều 17: – Sử dụng gỗ phải tiết kiệm, trường hợp có thể dùng các vật liệu khác thay gỗ thì triệt để dùng các vật liệu đó.
Điều 18: – Sử dụng gỗ phải theo nguyên tắc gỗ nào dùng vào việc ấy, không lấy gỗ dài cắt ngắn, ván rộng xẻ hẹp, những chỗ không trọng yếu thì nên lấy ngắn thay dài (nếu cần nối thêm).
Điều 19: - Gỗ sử dụng không nhất thiết vuông vắn mà tùy cấu tạo dễ hay khó thay, ở bộ phận quan trọng hay không, để tận dụng gỗ ở các cỡ và các hình khối (tăng cường dùng gỗ tấm).
Điều 20: – Xẽ gỗ phải hợp với tính chất yêu cầu về sử dụng để xẻ cho hợp kích thước. (Kích thước sẽ theo nghị định số 10-CP do Phủ Thủ tướng đã ban hành).
Thép các loại.
Điều 21: – Thép dùng phải đúng loại, đúng số hiệu.
Điều 22: – Mỗi khi thay đổi thép trong kết cấu, phải tính lại để dùng đúng khả năng chịu lực của thép bảo đảm an toàn cho công trình.
Điều 23: – Nghiên cứu biện pháp thay thế hoặc dùng thay buộc bằng hàn xì.
Kéo thép, cắt thép, uốn thép, phải theo đúng thiết kế và quy phạm nghiệm thu, áp dụng phương pháp kéo nguội và hàn chấm, hàn nối.
Điều 24: – Sử dụng các loại ống gàng dùng đúng tính chất yêu cầu của công trình.
Điều 25: – Nhập xuất kho vật liệu phải theo đúng các chế độ nhập xuất của từng loại vật liệu (cân, đong cẩn thận).
Xi măng:
Điều 26: – Phải tuyệt đối chấp hành liều lượng pha chế, không thêm bớt ciment hoặc nước vào các liều lượng pha mà thiết kế đã quy định, chỉ được thay đổi liều lượng khi được thiết kế đồng ý. Truớc khi dùng phải thí nghiệm để kiểm tra lại cường độ của ciment.
Điều 27: – Phải sử dụng ciment Pouzolan vào các bộ phận công trình dưới đất như móng, nền và những nơi có nước ngầm.
Điều 28: – Trên các công trường triệt để áp dụng phương pháp trọng lượng không được ao đong ước lượng bằng mắt.
Gạch ngói:
Điều 29: – Nghiên cứu sử dụng đúng mức gạch vỡ để không ảnh hưởng đến chất lượng công trình (những nơi sung yếu, gạch phải thử đúng cường độ trước khi dùng).
Điều 30: – Sử dụng vật liệu địa phương thay cho vật liệu phải chở từ xa tới, khống chế tỷ lệ hao hụt trong vận chuyển.
Cát, sỏi:
Điều 31: – Thu mua sử dụng theo đúng quy cách yêu cầu của thiết kế.
Điều 32: – Dùng vật liệu sẵn có của địa phương thay thế cho vật liệu chở từ xa tới.
Tre, nứa, lá:
Điều 33: – Lán trại tạm làm nhiều hay ít tùy theo tình hình nhân lực tại công trường khác nhau mà quyết định, nhưng không quá số kinh phí đã được cấp (nếu công trường làm dưới 1 năm lán trại không được sử dụng quá 70% kinh phí được cấp) nếu dùng nhân lực địa phương ngày làm tối về thì làm ít lán trại.
Vật liệu để tạm tại công trường nên tận dụng những chỗ có thể tạm bảo quản, khỏi tốn kinh phí làm lán.
Điều 34: – Không hủy hoại hoặc bán ra ngoài các vật liệu tre, nứa, lá chưa dùng phải bảo quản để sử dụng, có kế hoạch thu hồi theo quy định của Nhà nước.
A. Thu mua:
Điều 35: – Phải căn cứ vào kế hoạch cung cấp vật liệu theo tiến độ chung và từng thời gian để có kế hoạch mua sắm. Trước khi mua sắm cần nắm vững tình hình thị trường và nhu cầu phối hợp với các bộ phận thi công và thiết kế để sử dụng. Ngược lại, thiết kế, kỹ thuật, thi công cần phải dựa vào tình hình vật liệu sẵn có mà làm kế hoạch.
Điều 36: – Cần quán triệt nguyên tắc mua vật liệu tại địa phương, cố gắng chọn vật liệu hợp với yêu cầu của công trình.
Điều 37: – Tăng cường công tác nghiệm thu về số lượng, dung tích, chiều dài, nếu cần thì thí nghiệm lại tính năng vật liệu, thành phần hóa học của từng loại vật liệu.
B. Vận chuyển:
Điều 38: – Vận chuyển phải chú ý các điều kiện đường thủy, đường bộ, các phương tiện vận chuyển ô-tô, tàu, thuyền và các loại xe để làm thế nào rút ngắn đường vận chuyển nhưng phải đảm bảo phẩm chất vật liệu (cự ly vận chuyển ngắn tăng cường sử dụng phương tiện thô sơ).
Điều 39: – Khi vận chuyển phải xếp đúng trọng tải và quy cách của từng loại vật liệu. (Tránh tình trạng xô, đỗ, vỡ).
Điều 40: – Phối hợp vận chuyển ngoài công trường với trong công trường, thu ngắn cự ly vận chuyển, vật liệu về để đúng chỗ quy định của mặt bằng thi công (mặt bằng để vật liệu). Tránh tình trạng phải vận chuyển đi lại nhiều lần (khi vận chuyển kết hợp 2 chiều).
Điều 41: – Khi vận chuyển phải theo đúng hợp đồng quy định, tránh tình trạng chỗ thừa vật liệu phải vận chuyển trả lại hay vận chuyển sai lầm địa điểm.
Điều 42: – Quy định rõ tỷ lệ hao phí vật liệu các loại.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ TẠM THỜI VỀ TIẾT KIỆM VẬT LIỆU TRONG THI CÔNG GỖ
Gỗ cốp pha:
- Dùng mọi hình thức thay thế cốp pha gỗ
Những nơi móng đất tốt mức nước ngầm sâu không cần cốp pha (áp dụng phải tùy theo tính chất công trình, thời gian thi công).
-Thay cốp pha đáy của khuôn bêtông đúc sẵn bằng nền gạch phẳng làm đáy đổ bêtông. (Cần chú ý áp dụng các biện pháp thi công khác như khuôn lật, panel ruột gạch, khuôn đất v.v…)
- Sử dụng ít cốp pha.
Không dùng cốp pha có chiều dài đồng loạt – cần nghiên cứu định chiều dày ván cho thích hợp với nguyên tắc: ván đáy dày hơn ván thành.
- Cốp pha nên đóng thành từng tấm (dụng cụ gỗ mảnh nhỏ đóng thành tấm sử dụng).
- Hạn chế đóng đinh cốp pha, nên tăng cường gông, kẹp mỏng để sau khi dỡ ván ra khỏi sứt vỡ.
- Ván cốp pha tháo xuống phải nhổ đinh xếp gọn thành từng loại to, nhỏ, tốt, xấu, dài, ngắn, bảo quản để sử dụng.
- Dùng xong hỏng thu nhặt bảo quản bán lại cho cơ quan có trách nhiệm thu hồi.
- Ván cốp pha chỉ được dùng gỗ nhóm VIII sử dụng ít nhất 5 lần, ván lát, đà giáo công nhân làm việc được dùng gỗ nhóm VI và nhóm VII.
Đà giáo và các vật liệu khác.
- Cột chống không dùng gỗ, trừ trường hợp không có tre thay thế. Tùy tính chất của công trình nếu dùng gỗ chống chỉ được từ nhóm VI trở xuống.
- Áp dụng rộng rãi ghế xây trong và giàn giáo treo.
- Tận dụng bắp bìa làm cốp pha, cầu phong, li-tô, lal-ti…
LOẠI DÙNG TRONG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Nhà vĩnh viễn quan trọng:
Bộ phận khó thay đổi, chịu lực nặng (nén, oằn, kéo) như kéo xà gỗ, dầm cầu phong…hoặc bộ phận chịu ảnh hưởng của hóa chất.
- Nhà máy, xí nghiệp, hội trường, kho, rạp hát và những nơi thường xuyên có nhiều người làm việc được dùng các loại gỗ có tên trong nhóm II. Trực, lim xanh, táu mật, nghiến.
Những nơi nào không có các loại khác trong nhóm II mới được dùng loại gỗ này.
- Nhà thông thường như nhà ăn, nhà ở, nhà làm việc, nhà kho nhỏ… dùng gỗ nhóm V, nếu dùng gỗ nhóm VI trở xuống phải tẩm thuốc trừ sâu.
Bộ phận dễ thay đổi.
Không chịu lực nặng như cánh cửa, lat-ti, ti-tô, v.v… có thể dùng gỗ từ nhóm VI trở xuống phải tẩm thuốc trừ sâu.
Nhà tạm thời:
- Nhà tạm dưới 2 năm, không được dùng gỗ, trừ trường hợp không có tre, nứa, thay thế thì được dùng.
- Nhà tạm từ 2 đến 5 năm, chỉ được dùng gỗ trong nhóm VI trở xuống, nếu dùng gỗ nhóm VII làm các bộ phận trên mái chịu nặng phải tẩm hóa chất.
- Cọc móng nhà dân dụng không dùng gỗ, với công trình lớn chỉ được dùng gỗ từ nhóm V trở xuống.
Gỗ cây:
- Xẻ gỗ tùy yêu cầu sử dụng để xẻ cho hợp kích thước, không xẻ đồng loạt.
- Trong khi xẻ cần nghiên cứu tăng dần tỷ lệ sử dụng lên 75 – 80%
- Một cây gỗ có thể vừa xẻ ván vừa xẻ các hình thể khác nhau, theo yêu cầu sử dụng.
Thép các loại:
- Bỏ mỏ thép ở những bộ phận cấu tạo phân bố, chịu nén.
- Bỏ cột bê tông nhà một tầng (tùy theo tính chất loại nhà).
- Thay buộc bằng hàn xì ở những mối nối (áp dụng những nơi có điều kiện trang bị máy hàn).
- Cắt tôn phải tính toán đúng kích thước.
- Sản xuất các phụ tùng thông gió, tê, cút, ống nhánh, nên dùng ga ba ri của các hình khai triển đặt lên tấm tôn rạch cắt được nhanh và tận dụng hết tôn nhỏ.
Điện nước:
Trước khi đặt ống phải nghiên cứu kỹ thiết kế kỹ thuật, nắm vững vị trí chiều dài các đường ống dựa trên thực địa để có thể thu ngắn đường ống nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu.
- Không dùng ống gang nước sạch thay cho ống gang nước bẩn có thể thay ống gang nước bẩn bằng ống sành, ống Fibrô-ciment.
- Không lấy ống dài quá cắt bỏ đi.
- Những kim khí vật liệu không sử dụng phải tập trung để bán lại cho cơ quan do Nhà nước quy định.
Ciment:
Hạn chế dùng vữa ciment ở những công trình hoặc bộ phận công trình không quan trọng (nhà một tầng không quan trọng dùng vữa thường).
- Đảm bảo pha chế đúng liều lượng thiết kế, không tùy ý thêm bớt ciment hoặc nước vào các công thức pha chế.
- Triệt để áp dụng phương pháp chọn lựa tránh ao đong ước lượng bằng mắt.
- Áp dụng bê tông khô, đầm máy cho kỹ.
- Tránh rơi vãi vữa khi xây trát.
Gạch, ngói, cát, sỏi.
- Tránh chặt gạch nguyên, dùng gạch vỡ thay vào.
- Cát sỏi công trường phải đỗ thành từng đống gọn ở vị trí đã quy định của mặt bằng bố trí thi công. Tránh chỗ trũng quá hoặc đầu gió, tránh nơi đi lại nhiều. Xung quanh nên đan phên che hoặc chắn bằng gạch để vật liệu khỏi vương phải lung tung hao phí.
- Tận dùng gạch vỡ, khi xây nên sử dụng gạch vỡ đến mức tối đa không ảnh hưởng đến độ bền vững của công trình.
- Tận dụng vật liệu địa phương, móng bệ máy lớn có thể dùng bê tông đá hộc thay cho sỏi hoặc xây tường đá hộc ở những nơi sẵn đá.
- Khống chế tỷ lệ hao hụt trong thi công vận chuyển, bảo quản đến mức tối thiểu.
Tre, nứa, lá:
- Không mua quá nhiều, mua phải sử dụng ngay, bảo quản cẩn thận, tránh mưa nắng làm mục nát, nứt nẻ.
- Vật liệu nào dùng vào việc ấy, không cắt bừa bãi.
- Làm trại lán phải theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước đã quy định (về mét vuông sử dụng, các loại vật liệu được làm cho nhà tạm kinh phí tối đa).
- Xong công trường nếu lán trại còn tốt thì dời đi nơi khác và thanh toán tiền với bên A. Không nhất thiết phải trả lại lán, trại.
- Tận dụng vật liệu địa phương thay thế cho vật liệu phải vận chuyển từ xa đến.
- Tuyệt đối không dùng tre, nứa, lá còn dùng được đem đun hoặc bán ra ngoài – phải thu gọn lại bảo quản sử dụng cho hợp lý.
File gốc của Thông tư 206-UB/CQL năm 1961 về việc bảo quản và sử dụng vật liệu xây dựng do Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 206-UB/CQL năm 1961 về việc bảo quản và sử dụng vật liệu xây dựng do Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước |
Số hiệu | 206-UB/CQL |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Bùi Văn Các |
Ngày ban hành | 1961-01-28 |
Ngày hiệu lực | 1961-02-12 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |