PHỦ THỦ TƯỚNG | VIỆT |
Số: 92-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 1962 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC AN TOÀN GIAO THÔNG VẬN TẢI
Dưới chế độ ta, việc tăng cường công tác an toàn giao thông vận tải là một nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm ngăn ngừa mọi tai nạn về giao thông có thể xảy ra, gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân và tài sản của Nhà nước. Việc này có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội rất to lớn đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và phục vụ đời sống của quần chúng.
Từ ngày hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, màng lưới giao thông vận tải ngày càng được phát triển, công tác giao thông vận tải đã thu được nhiều thành tích trong việc phục vụ sản xuất, xây dựng, lưu thông hàng hóa, phục vụ sự đi lại của nhân dân được tiện lợi nhanh chóng và an toàn.
Tuy nhiên công tác an toàn giao thông vận tải còn yếu, chưa đáp ứng với sự phát triển của giao thông vận tải, hiện tượng vi phạm luật lệ giao thông còn phổ biến, tai nạn về giao thông xảy ra ngày càng nhiều và khó nghiêm trọng gây ra thiệt hại về người, về tiền của và phương tiện, đặc biệt có nơi hiện nay số tai nạn không giảm mà còn tăng lên, nhất là ở một số thành phố, khu công nghiệp tập trung và trên các tuyến đường có mật độ xe cộ đông đúc…
Có những thiếu sót trên đây là do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các ngành, các cấp chưa thật coi trọng vấn đề này, việc tuyên truyền giáo dục và chấp hành các luật lệ giao thông còn thiếu sót, biểu hiện cụ thể như sau:
1. Công tác tuyên truyền, giáo dục về luật lệ giao thông cán bộ, công nhân, học sinh và các tầng lớp nhân dân làm chưa chu đáo và thiếu liên tục, nên ý thức tôn trọng chấp hành luật lệ giao thông nói chung còn kém; Trên các đường phố, thị trấn, nhiều khi nhân dân còn đi hàng ba, hàng tư, trẻ em còn nô đùa, đá cầu, đá bóng. Nhiều nơi, nhân dân còn phơi rơm, rạ, ngô, sắn trên mặt đường hoặc đắp ụ, xẻ đường sắt, đường ô tô; có nơi thả trâu bò rong trên đường sắt, thậm chí có cả người nằm ngủ trên đường sắt. Ngoài ra, xe đạp, xe xích lô thường chạy bừa, vượt ẩu trên các ngã ba, ngã tư đường, thuyền bè đi lại trên sông thường không có tín hiệu và ít tôn trọng luật lệ giao thông.
2. Nhiều bộ, cơ quan, xí nghiệp, công trường có phương tiện vận tải chưa chấp hành nghiêm chỉnh các luật lệ giao thông của Nhà nước đã ban hành như: sử dụng phương tiện xấu, thiếu các thiết bị an toàn, tín hiệu; không bảo dưỡng tốt và không kiểm tra kỹ phương tiện trước khi sử dụng, có nơi không đăng ký phương tiện vận taả, không đưa phương tiện đến kiểm tra định kỳ hoặc sử dụng những phương tiện không có giấy phép lưu hành, v.v… Việc đào tạo, sử dụng cán bộ, công nhân lái tầu, lái xe, lái ca nô nhiều nơi cũng làm chưa tốt, trong một số công nhân làm ngành này ý thức bảo vệ tính mệnh, tài sản của nhân dân còn kém, nên hiện tượng chạy ẩu; tranh giành nhau trong khi tránh, vượt vẫn thường xẩy ra nhiều. Do những thiếu sót trên, trong thời gian qua đã xẩy xa nhiều tai nạn về giao thông dáng lẽ có thể ngăn ngừa và khắc phục được.
3. Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh chưa thật quan tâm đầy đủ đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn giao thông vận tải ở địa phương mình: việc tuyên truyền giáo dục luật lệ giao thông trong cán bộ, nhân dân chưa được coi trọng đúng mức, chưa chú ý theo dõi kiểm tra việc chấp hành luật lệ một cách thường xuyên, và khi xảy ra tai nạn, chưa kịp thời rút kinh nghiệm và có thái độ xử lý nghiêm khắc. Cơ quan giao thông vận tải và công an ở nhiều nơi cũng chưa làm tốt nhiệm vụ của mình, chưa phát huy hết chức năng và tận dụng mọi điều kiện cần thiết để ngăn ngừa tai nạn và bảo đảm an toàn giao thông được tốt.
Để bổ khuyết những thiếu sót trên đây nhằm đẩy mạnh công tác an toàn giao thông vận tải tiến lên một bước phục vụ tốt cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế và đời sống của quần chúng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các ngành, các cấp phải đề cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, ra sức thực hiện tốt các chủ trương và biện pháp cụ thể sau đây:
1. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về luật lệ giao thông trong cán bộ, công nhân, học sinh và các tần glớp nhân dân, làm cho mọi người nhận rõ tầm quan trọng của vấn đề này, đề cao ý thức ngăn ngừa tai nạn, tự nguyện tự giác chấp hành triệt để các luật lệ an toàn giao thông của Chính phủ đã ban hành.
2. Ngành giao thông vận tải và công an cần phối hợp nghiên cứu đề nghị Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách, thể lệ, v.v… về công tác an toàn giao thông, dựa vào lực lượng quần chúng, tổ chức màng lưới kiểm tra an toàn giao thông từ trên xuống dưới, nhất là đối với các địa phương, thị trấn ở hai bên đường giao thông, cần tổ chức thường xuyên đi lưu động kiểm tra và hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt các luật lệ giao thông về đường sắt, đường thủy và đường bộ.
Phải xúc tiến việc kiện toàn và chấn chỉnh lại các biển báo hiệu, phao đăng tiêu và cổng ngáng ở những đoạn đường, khúc sông nguy hiểm; sửa và uốn nắn lại những đoạn đường cong queo, chật hẹp; cho dọn những chướng ngại vật ở những đoạn đường quanh co nguy hiểm v.v…
3. Ủy ban hành chính các địa phương phải kiên quyết cho di chuyển các chợ họp ở hai bên đường ô tô, đường sắt, để khỏi gây trở ngại cho giao thông và tránh tai nạn. Các trường học giáo dục cho học sinh về luật lệ an toàn giao thông, không để các em chơi đùa, đá bóng, đánh cầu trên mặt đường. Cần chỉ đạo, đôn đốc công tác tổng kiểm tra lái xe về các mặt tư tưởng, đạo đức, sức khỏe, nghiệp vụ v.v…
Đối với những vụ vi phạm luật lệ giao thông đã ban hành như phương tiện thiếu thiết bị an toàn, thiếu tín hiệu, để các chướng ngại vật trên mặt đường, cắm đăng đáy không theo luật lệ quy định v,v…, sau khi đã giáo dục nhưng vẫn còn vi phạm luật lệ thì phải có thái độ xử lý nghiêm minh bằng mọi hình thức về tổ chức cũng như về pháp lý như phạt tiền, truy tố trước pháp luật, v,v…
4. Các Bộ, các ngành cần tăng cường lãnh đạo các cơ quan, xí nghiệp, công trường, trường học đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, công nhân, học sinh triệt để chấp hành các luật lệ giao thông, có kế hoạch kiểm tra đôn đốc thường xuyên nhằm đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối và chấm dứt mọi tình trạng vi phạm luật lệ giao thông gây ra tai nạn.
Công tác an toàn giao thông tác tương đối có nhiều khó khăn phức tạp và đụng chạm đến tư tưởng, tập quán sinh hoạt của nhân dân. Để thực hiện tốt công tác này, Ủy ban hành chính các cấp cần tranh thủ sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy địa phương, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các ngành nhất là với các đoán thể quần chúng để động viên đông đảo quần chúng tích cực tham gia.
Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn các địa phương thi hành tốt chỉ thị này.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Chỉ thị 92-TTg năm 1962 về tăng cường công tác an toàn giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành. đang được cập nhật.
Chỉ thị 92-TTg năm 1962 về tăng cường công tác an toàn giao thông vận tải do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Phủ Thủ tướng |
Số hiệu | 92-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Lê Thanh Nghị |
Ngày ban hành | 1962-09-12 |
Ngày hiệu lực | 1962-09-27 |
Lĩnh vực | Giao thông - Vận tải |
Tình trạng | Đã hủy |