THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 34-TTg | Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 1964 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO LÀM THỦY LỢI HAI NĂM
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 08-4-1964, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thủy lợi báo cáo kết quả việc thực hiện kế hoạch quý I của phong trào làm thủy lợi hai năm, đã nhận định:
Phong trào làm thủy lợi hai năm, từ ngày phát động đến nay, đã có những chuyển biến theo chiều hướng tốt: 24 tỉnh, thành đã mở hội nghị phát động phong trào. Tính đến ngày 24-3-1964 các tỉnh đồng bằng và trung du đã tổ chức được 12.341 đội thủy lợi gồm gần 250.000 đội viên, (chiếm 69% trong tổng số hợp tác xã) việc cải tiến công cụ lao động được phát triển hơn một bước do đó năng suất lao động có tăng rõ rệt (so với năng suất trước đây của dân công huy động theo lối “cắt phiên gọi lượt” tăng hơn từ 40 đến 50%). Trên nhiều công trường, các đội thủy lợi đã đạt năng suất vượt định mức của Nhà nước: công trường “Neo – Bùi-hòa” (thuộc địa phận Hải-dương) do tỉnh Hưng-yên phụ trách có trên 700 đội gồm 15.000 người đạt năng suất bình quân vượt định mức trên 60%, cá biệt có đội đạt năng suất vượt định mức từ 4 đến 5 lần. Tổng số khối lượng xây dựng công trình thủy lợi thực hiện trong quý I-1964 so với quý I-1963 tăng gấp hai lần; 12 công trình lớn hoàn thành kế hoạch từ 100 đến 150%. Về tưới cho vụ đông xuân, do việc nạo vét và tu bổ các hệ thống nông giang được chú ý hơn, lại thêm thời tiết tương đối thuận lợi, đến nay nói chung lúa chiêm không bị thiếu nước; diện tích tưới theo phương pháp khoa học vượt 27% kế hoạch, tăng hơn năm 1963 gấn bốn lần. Nhiều tỉnh như Hưng-yên, Hải-dương, Hà-nam, Vĩnh-phúc…do cấp ủy và Ủy ban hành chính tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã, công trường và các ngành của tỉnh đi sâu giải quyết những khâu quan trọng: tổ chức và củng cố các đội làm thủy lợi, cải tiến công cụ lao động, tăng năng suất…nên phong trào phát triển khá mạnh, giải quyết được những khó khăn về nhân lực, lương thực, vật tư…trên các công trường thủy lợi, đồng thời đẩy mạnh được sản xuất của hợp tác xã nông nghiệp.
Những tiến bộ trên đây chứng tỏ trong phong trào làm thủy lợi hai năm đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, đã có những kinh nghiệm và điển hình tốt, phong trào bắt đầu có khí thế mới, chất lượng mới, thể hiện đường lối phương châm công tác thủy lợi đã đề ra trong nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch phát động phong trào làm thủy lợi hai năm ngày càng được quán triệt trong các cấp lãnh đạo địa phương và biến thành hành động tích cực của xã viên và nông dân.
Tuy nhiên phong trào phát triển chưa đều và chưa toàn diện. Bên cạnh những tỉnh khá, còn có tỉnh đến nay chưa mở hội nghị phát động làm thủy lợi hai năm như Thái-bình, Lạng-sơn, Nghĩa-lộ…Trong những tỉnh đã phát động phong trào, có nơi làm chưa sâu sắc: thiếu liên hệ kiểm điểm những thiếu sót về trách nhiệm lãnh đạo công tác thủy lợi trước đây của từng cấp, từng cán bộ, đảng viên và qua đó làm cho nhân dân nhận rõ ý nghĩa và tác dụng quan trọng của công tác thủy lợi nói chung và của phong trào làm thủy lợi hai năm, chưa phát huy được ưu thế của quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, chưa động viên được lực lượng toàn dân, trước hết là lực lượng có tổ chức của hợp tác xã nông nghiệp. Tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, sợ làm thủy lợi nhiều ảnh hưởng đến sản xuất, đến giá trị ngày công trong hợp tác xã, ngại khó… vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Đặc biệt là phong trào thủy lợi ở các tỉnh miền núi nói chung vẫn còn yếu. Việc xây dựng quy hoạch thủy lợi xã và hợp tác xã còn chậm. Do đó kế hoạch xây dựng các loại công trình thủy lợi của quý I mới đạt 81%. Tiểu thủy nông phát triển kém hơn trung thủy nông, trung thủy nông lại phát triển kém hơn đại thủy nông. Việc khai thác, tận dụng khả năng các hệ thống cũ và các công trình mới xây dựng chưa được chú ý đúng mức; kế hoạch tưới cho hoa mầu và cây công nghiệp thiếu cụ thể và không được thực hiện chu đáo.
Mặt khác, việc chỉ đạo phong trào làm thủy lợi của Trung ương do Bộ Thủy lợi trực tiếp phụ trách, vừa qua tuy có cố gắng, nhưng chưa nắm chắc được tình hình chung để kịp thời phát huy những điển hình tốt, việc tốt, chưa thật tập trung chỉ đạo cụ thể những nơi yếu và những khâu yếu. Sự phối hợp công tác giữa các ngành có liên quan ở trung ương cũng chưa được chặt chẽ để giải quyết kịp thời những yêu cầu của phong trào làm thủy lợi như: chế độ, chính sách khuyến khích hợp lý cho các đội thủy lợi; vật liệu, vốn cho việc cải tiến công cụ lao động; vật tư thiết bị về điện cho các trạm bơm điện; cán bộ chỉ đạo, cán bộ nghiệp vụ và công nhân kỹ thuật cho các công trường thủy lợi …để có thể hết sức tranh thủ thời gian hoàn thành sớm từng công trình, đưa vào sản xuất sớm được một vụ là có thể tăng thêm được khối lượng lương thực và các loại cây trồng khác. Một số ngành như Bộ Nông nghiệp, Bộ Nội vụ đến nay vẫn chưa có kế hoạch phục vụ cho phong trào làm thủy lợi.
Tình hình trên đây chỉ rõ: nếu các ngành, các cấp làm tốt trách nhiệm của mình, phát huy những nhân tố tích cực, những điển hình mới, phổ biến nhanh chóng và rộng rãi những kinh nghiệm tốt, tập trung lực lượng giải quyết những nơi yếu, khâu yếu, đẩy phong trào phát triển mạnh và đồng đều ở khắp mọi nơi và phát triển cân đối việc xây dựng tiểu, trung, đại thủy nông, tích cực xây dựng những công trình mới, đồng thời khai thác tận dụng những công trình sẵn có, thì chúng ta có khả năng hoàn thành vượt mức nhiệm vụ đã đề ra, có khả năng giải quyết căn bản vấn đề thủy lợi trong hai năm, tạo điều kiện tốt cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.
Từ nhận định trên, Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ đã quyết định những việc dưới đây nhằm thúc đẩy phong trào làm thủy lợi hai năm phát triển mạnh hơn nữa:
- Phải tiếp tục làm cho cán bộ và nhân dân quán triệt một cách sâu sắc tinh thần và nội dung nghị quyết lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch phát động phong trào làm thủy lợi hai năm, quán triệt ý nghĩa quan trọng của vấn đề “thủy lợi là biện pháp hàng đầu, sản xuất nông nghiệp là cơ sở, lương thực là chủ yếu, hoa mầu và cây công nghiệp là quan trọng” để lãnh đạo có quyết tâm, nhân dân phấn khởi, nhằm đưa phong trào thủy lợi thành cao trào mạnh mẽ của quần chúng để trong hai năm chúng ta có thể giải quyết được căn bản vấn đề thủy lợi.
+ Phương châm hành động là: “cấp ủy ra tay, hợp tác xã đứng lên, đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động đi đầu, đưa các công trình mới sớm đi vào sản xuất, đồng thời tận dụng các công trình sẵn có, bảo đảm được cả hai mặt tưới và tiêu nước”.
+ Khẩu hiệu thi đua là: “cấp ủy và Ủy ban lãnh đạo tốt, tổ chức và sử dụng tốt các đội thủy lợi, phổ biến rộng công cụ cải tiến, bảo đảm tăng năng suất lao động cao, chất lượng công trình tốt, hoàn thành vượt mức kế hoạch”.
- Cần hoàn thành gấp việc tổ chức đội làm thủy lợi của hợp tác xã nông nghiệp theo quy định trong thông tư số 93-TTg của Hội đồng Chính phủ. Phải không ngừng củng cố các đội thủy lợi mỗi ngày thêm vững mạnh; song song với việc giải quyết thích đáng quyền lợi vật chất trên công trường, thù lao công điểm hợp lý trong hợp tác xã, cần tăng cường giáo dục chính trị và tư tưởng làm cho mỗi đội viên nhận rõ việc phấn đấu tăng năng suất không những tăng thêm thu nhập cho bản thân, mà còn có lợi lớn cho xã hội, có lợi trực tiếp cho hợp tác xã của mình. Mặt khác cần làm cho các hợp tác xã nhận rõ trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố và chăm lo cho đội thủy lợi có đủ điều kiện lao động tăng năng suất, không những để hoàn thành tốt nghĩa vụ dân công tập thể, mà còn tiết kiệm được nhân lực để phát triển thủy lợi và sản xuất trong hợp tác xã.
- Phải đẩy mạnh việc lập quy hoạch thủy lợi xã và hợp tác xã để làm cơ sở cho việc phát triển mạng lưới thủy lợi một cách hợp lý và có lợi nhất.
- Phải hết sức chú trọng việc cải tiến công cụ lao động, không ngừng nâng cao năng suất lao động trên các công trường thủy lợi.
- Trước mắt phải bảo đảm việc phòng úng, phòng hạn cho vụ đông xuân thắng lợi, chuẩn bị tốt cho vụ thu và vụ mùa, bằng cách tập trung hoàn thành sớm các công trình chống úng, đặc biệt làm thật mạnh việc khoanh vùng chống úng ở những vùng đồng trũng, nhất là ở các tỉnh của liên khu 4 cũ, việc khoanh vùng, đắp bờ chống úng, chống lũ còn rất kém. Phải hoàn thành sớm việc củng cố đê, kè, cống đề phòng, chống lụt bão. Trước tình hình hiện nay, phải đặc biệt chú ý tăng cường việc bảo vệ các công trình thủy lợi quan trọng, đề phòng mọi âm mưu phá hoại của địch.
- Bộ thủy lợi phải theo dõi tình hình phát triển của phong trào một cách chặt chẽ và nhạy bén, kịp thời phát hiện những điển hình mới, những kinh nghiệm tốt để phổ biến rộng rãi và những nơi yếu, khâu yếu để tập trung giải quyết; đồng thời, tăng cường sự liên hệ chặt chẽ với các ngành có liên quan để kịp thời giải quyết những khó khăn của các địa phương. Phải hết sức chú trọng đến việc lập quy hoạch thủy lợi, có tính toán, cân nhắc cẩn thận và có phối hợp với các ngành có liên quan, để những công trình thủy lợi được xây dựng có thể phục vụ tốt cho trước mắt và lâu dài, bảo đảm việc tưới và tiêu nước tốt nhất, đồng thời có lợi cho giao thông, thủy sản, trồng cây… nhằm tránh lãng phí tiền của, sức lực, ruộng đất. Từ nay trở đi, cứ ba tháng một lần, Bộ Thủy lợi phải báo cáo ở Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch thủy lợi hai năm.
- Các ngành có liên quan ở trung ương phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Bộ Thủy lợi và chỉ đạo ngành dọc ở các địa phương để phục vụ tốt hơn nữa cho phong trào làm thủy lợi hai năm. Cụ thể là:
Bộ Công nghiệp nặng cần tìm mọi biện pháp tận dụng vật tư thiết bị về điện sẵn có trong nước để xây dựng kịp thời các trạm bơm điện phục vụ cho việc chống úng và phòng hạn trước mắt. Giúp Bộ Thủy lợi giải quyết những khó khăn về thiết bị máy móc, về sửa chữa và về công nhân kỹ thuật cho việc thi công bằng cơ giới. Đồng thời cùng với Bộ Thủy lợi xây dựng quy hoạch và chuẩn bị các điều kiện mở rộng mạng lưới bơm điện phục vụ cho việc tưới và tiêu nước.
Bộ Nông nghiệp cùng với Bộ Thủy lợi nghiên cứu tiến hành việc chuyển vụ ở những nơi thường bị úng, lũ đe dọa mà chưa có công trình thủy lợi để đảm bảo thu hoạch được chắc chắn hơn. Trong chỉ đạo cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc” phải chú trọng kết hợp chặt chẽ với việc chỉ đạo phong trào làm thủy lợi hai năm.
Bộ Nội vụ cần giải quyết gấp số cán bộ cần thiết cho Bộ Thủy lợi để phục vụ cho phong trào làm thủy lợi hai năm và cùng với Bộ Thủy lợi giải quyết tổ chức biên chế hợp lý cho ngành thủy lợi từ tỉnh đến xã.
Tổng cục Lương thực phải có kế hoạch giải quyết kịp thời lương ăn cho các đội thủy lợi làm việc trên công trường ở những vùng vừa qua bị mất mùa và ở những vùng chuyên trồng cây công nghiệp.
Bộ Lao động, Bộ Nội thương, Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Lương thực tùy theo phạm vi chức năng và trách nhiệm của ngành mình, đề ra các chế độ, chính sách để giải quyết thích đáng quyền lợi cho các đội làm thủy lợi.
Các khu, thành, tỉnh phải nắm thật sát tình hình làm thủy lợi trong địa phương mình, làm đầy đủ trách nhiệm trong địa phương để giành lấy thắng lợi cao nhất, đồng thời tranh thủ bàn bạc trực tiếp mọi việc có liên quan với các Bộ, các cơ quan trung ương để đẩy phong trào làm thủy lợi hai năm tiến hành thuận lợi.
Quý II là thời gian rất thuận lợi để làm thủy lợi, việc hoàn thành tốt kế hoạch thủy lợi năm nay, phần lớn là do kết quả phấn đấu trong quý II này quyết định. Hội đồng Chính phủ mong Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh và các Bộ, các ngành ở trung ương ra sức thực hiện những công việc thuộc phạm vị trách nhiệm của mình, để đưa phong trào thủy lợi tiến lên một bước mới.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Chỉ thị 34-TTg về đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi hai năm do Thủ tướng chính Phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 34-TTg về đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi hai năm do Thủ tướng chính Phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 34-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phạm Hùng |
Ngày ban hành | 1964-04-21 |
Ngày hiệu lực | 1964-05-06 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |