BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3588/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2021 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN TỔ CHỨC BUỔI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
Căn cứ Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
Căn cứ Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19”.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
TỔ CHỨC BUỔI TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/07/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tham gia chương trình COVAX, đàm phán, làm việc với các tổ chức quốc tế và một số nhà sản xuất vắc xin có uy tín trên thế giới để tìm nguồn mua. Đến nay, đã có khoảng 124 triệu liều từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Bộ Y tế. Với mục tiêu cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, có 70% dân số Việt Nam được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô toàn quốc (Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế) với sự tham gia của nhiều lực lượng như: y tế, quân đội, công an và các bộ, ngành,... Chiến dịch tiêm chủng sẽ được tổ chức đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc bao gồm các cơ sở công lập và tư nhân, các đơn vị trong và ngoài ngành y tế.
Để triển khai công tác tiêm chủng an toàn và hiệu quả, Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng, bao gồm những nội dung sau:
II. THÔNG TIN CHUNG
1. Các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay
- Vắc xin bất hoạt.
- Vắc xin sử dụng véc-tơ vi-rút.
- Vắc xin protein tái tổ hợp.
- Vắc xin DNA.
- Vắc xin RNA.
- Vắc xin vỏ vi rút.
Tính đến ngày 8/7/2021, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện một số vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, bao gồm:
- Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca do hãng AstraZeneca sản xuất.
- Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) của JSC Generium - Liên Bang Nga.
- Vắc xin COVID-19 Vaccine (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARSCoV-2 Vaccine (Vero Cell), Inactivate) của Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd. - Trung Quốc.
- Vắc xin Comirnaty của hãng Pfizer.
- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna của hãng Moderna.
2. Lịch tiêm: Hầu hết các vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều (khoảng cách giữa hai liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất), cụ thể:
- Vắc xin COVID-19 Vaccine AstraZeneca: Mũi 1 cách mũi 2: 8-12 tuần
- Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V): Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vắc xin Comirnaty: Mũi 1 cách mũi 2: 3 tuần
- Vắc xin SARSCoV-2 Vaccine: Mũi 1 cách mũi 2: 3-4 tuần
- Vắc xin COVID-19 Vaccine Moderna: Mũi 1 cách mũi 2: 4 tuần
3. Đường tiêm: Tiêm bắp, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vắc xin.
4. Điều kiện bảo quản: Phần lớn các vắc xin phòng COVID-19 được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng loại vắc xin.
5. Hạn sử dụng: Trong khoảng từ 6 - 24 tháng tùy theo khuyến cáo của nhà sản xuất và Bộ Y tế đối với từng vắc xin.
III. NỘI DUNG
1. Các cơ sở thực hiện tiêm chủng
Các cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng bao gồm các cơ sở tiêm chủng của các Bộ, ngành, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước, tư nhân và các cơ sở khác đủ điều kiện tiêm chủng.
Đối với điểm tiêm chủng lưu động có thể huy động nhân lực y tế địa phương hoặc địa phương khác đảm bảo đúng quy định theo Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ.
2. Công tác chuẩn bị trước khi tiêm chủng
2.1. Lập danh sách cơ sở tiêm chủng
Sở Y tế các tỉnh, thành phố lập danh sách các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện kể cả nhà nước và tư nhân trong và ngoài ngành y tế trong đó có các thông tin chi tiết về cơ sở, người đứng đầu/người phụ trách tiêm chủng, số điện thoại liên hệ, số bàn tiêm, số lượng cán bộ và các thông tin về trang thiết bị ...; xây dựng kế hoạch huy động toàn bộ cơ sở tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn để phối hợp thực hiện tiêm chủng trong trường hợp cần thiết.
2.2. Đăng ký tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch tiêm chủng
Sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08 tháng 7 năm 2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 bao gồm các nội dung:
- Đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế;
- Sàng lọc, phân nhóm đối tượng trước khi tiêm chủng: Các cơ sở tiêm chủng triển khai sàng lọc người dân trước khi tiêm chủng để phân nhóm: nhóm đối tượng tiêm chủng tại cơ sở y tế hoặc điều kiện tại các bệnh viện/cơ sở y tế đủ điều kiện hồi sức cấp cứu ban đầu. Gửi thông báo những người thuộc nhóm đủ điều kiện được tiêm chủng về ngày, giờ, số bàn tiêm và địa chỉ đến tiêm chủng
- Quản lý đối tượng tiêm chủng;
- Lập kế hoạch tiêm chủng và nhu cầu vắc xin, vật tư tiêm chủng.
2.3. Cơ sở vật chất
- Khu vực kiểm tra khai báo y tế trước khi vào khu vực tiêm chủng.
- Bố trí khu vực chờ trước tiêm, sàng lọc, tư vấn, tiêm, theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng 30 phút đảm bảo thông thoáng, đủ ghế ngồi và giữ khoảng giữa các đối tượng được tiêm chủng, nhân viên y tế, người nhà.
- Cơ sở tiêm chủng bố trí đối tượng tiêm theo khung giờ, chia thành nhiều bàn, điểm tiêm chủng bảo đảm giãn cách phòng chống dịch; phải sử dụng tối đa công nghệ thông tin trong tiêm chủng, bố trí cán bộ hỗ trợ sử dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai tiêm chủng.
- Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch theo thứ tự như sau: Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, nhập số liệu → Khu vực theo dõi và xử trí tai biến sau tiêm chủng.
- Bố trí các cụm điểm tiêm chủng lưu động, bố trí nhiều đội/kíp tiêm chủng tại các nhà máy, khu công nghiệp... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm trong trường hợp cần thiết nhưng phải đảm bảo khoảng cách.
- Có nhà vệ sinh và thực hiện làm sạch nhà vệ sinh bằng dung dịch khử khuẩn hàng ngày.
2.4. Trang thiết bị
- Chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, vật tư tiêu hao cho tiêm chủng, biểu mẫu tiêm chủng và đảm bảo thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai chiến dịch. Sử dụng phích vắc xin để bảo quản trong buổi tiêm chủng.
- Chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết (danh sách người và phương án hỗ trợ cấp cứu cần được in và dán ngay bàn tiêm).
- Có bồn rửa tay, xà phòng hoặc dung dịch rửa tay ngay tại điểm tiêm chủng.
- Các bề mặt thường xuyên tiếp xúc phải được vệ sinh bằng các biện pháp thích hợp (ít nhất 1 lần/buổi khi có dịch tại cộng đồng và ít nhất 1 lần/ngày khi không có dịch tại cộng đồng).
- Chuẩn bị dung dịch sát khuẩn tay nhanh, khẩu trang ngay tại vị trí cửa ra vào và các vị trí đối tượng tiêm chủng, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc (tay nắm cửa, thang máy...). Các cơ sở tiêm chủng tại các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 căn cứ tình hình và đánh giá nguy cơ để yêu cầu nhân viên tham gia tiêm chủng mặc quần áo bảo hộ.
- Sắp xếp bàn tiêm chủng đảm bảo thuận tiện cho cán bộ y tế khi thao tác. Trên bàn tiêm chủng có các thiết bị cần thiết cho việc bảo quản, tiêm vắc xin như: phích vắc xin, dung môi, bơm kim tiêm, khay đựng panh, panh, lọ đựng bông khô và lọ đựng bông có cồn, hộp chống sốc, bút. Không để thuốc hoặc dụng cụ đựng bệnh phẩm trên bàn tiêm. Hộp an toàn, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin, thùng rác đặt ở dưới bàn.
- Các tài liệu chuyên môn và hồ sơ theo quy định; các áp phích, tờ rơi hướng dẫn các bước thực hiện tiêm chủng, theo dõi, chăm sóc, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng treo, dán tại nơi thực hiện tiêm chủng để cán bộ y tế, người dân có thể đọc, xem được.
2.5. Nhân lực
- Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
- Nhân viên tham gia tiêm chủng và đối tượng hỗ trợ tiêm chủng phải được tập huấn về an toàn phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp, thực hiện theo dõi sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cán bộ thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng phải được tập huấn về triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19
- Có thể huy động nhân viên y tế từ các địa phương khác để tham gia triển khai tiêm chủng.
- Huy động tối đa các lực lượng khác ngoài ngành y tế như lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị - xã hội, các ban, ngành, đoàn thể bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ... hỗ trợ triển khai tiêm chủng: chuẩn bị tiêm chủng, tổ chức đón tiếp, hướng dẫn phân luồng, hỗ trợ đảm bảo công tác phòng chống dịch tại điểm tiêm, đảm bảo an ninh trật tự, điều phối đối tượng tiêm chủng tại các khu vực để tiêm chủng, tìm kiếm và nhập dữ liệu trong quá trình tiêm chủng.
Tất cả các đối tượng tham gia hỗ trợ buổi tiêm phải được cung cấp thông tin đầy đủ về nhiệm vụ, cách thức thực hiện, phối hợp giữa các cá nhân liên quan tại buổi tiêm chủng.
- Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên cho từng đợt hoặc từng ngày nếu có thay đổi nhân lực tham gia.
2.6. Chuẩn bị sẵn sàng và đáp ứng cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các cơ sở tổ chức tiêm chủng rà soát, hoàn thiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó có kế hoạch đáp ứng cấp cứu đối với các sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, các cơ sở tổ chức tiêm chủng có trách nhiệm cung cấp và trao đổi thông tin về kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và thông tin liên hệ của các bệnh viện (được phân công hỗ trợ cấp cứu), đội cấp cứu lưu động, cơ sở tiêm chủng trước khi triển khai tiêm chủng; hỗ trợ các điểm tiêm chủng tại các cơ sở y tế Bộ, Ngành đóng trên địa bàn khi có yêu cầu.
2.7. Thực hành đảm bảo phòng chống dịch
- Nhân viên tham gia tiêm chủng và người đến tiêm chủng, người nhà phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: khai báo y tế trước khi vào điểm tiêm chủng, đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.
- Hạn chế nói chuyện, tiếp xúc với người khác tại điểm tiêm chủng và đảm bảo khoảng cách theo quy định.
3. Thực hiện tiêm chủng
3.1. Rà soát đảm bảo cơ sở tiêm chủng an toàn trước khi tổ chức tiêm chủng
Cơ sở tiêm chủng phải tự thực hiện rà soát các nội dung về an toàn tiêm chủng theo Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này và khắc phục tất cả các vấn đề tồn tại của cơ sở tiêm chủng trước khi tổ chức tiêm chủng, việc rà soát phải thực hiện định kỳ.
3.2. Các bước thực hiện tiêm chủng
Các bước thực hiện tiêm chủng vắc xin COVID-19
Bước 1: Tiếp nhận và phân loại đối tượng đến tiêm chủng tại nơi tiếp đón:
- Phát khẩu trang cho đối tượng tiêm chủng (nếu đối tượng không mang).
- Thực hiện đo thân nhiệt cho đối tượng tiêm chủng.
- Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng tiêm chủng và người nhà đi cùng thực hiện khai báo y tế điện tử hoặc khai báo y tế bản giấy.
Đối với đối tượng chưa thực hiện đăng ký trước khi đến tiêm chủng, cơ sở tiêm chủng hướng dẫn người dân đăng ký trên hệ thống và theo dõi hướng dẫn từ hệ thống.
Bước 2: Hoàn thành phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19:
Đối với người chưa có phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, nhân viên y tế cung cấp phiếu đồng ý tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Hướng dẫn này. Người được tiêm chủng điền thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi sàng lọc.
Bước 3: Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo Quyết định số 3445/QĐ-BYT ngày 15/7/2021 của Bộ Y tế.
- Điền đầy đủ thông tin kết quả khám sàng lọc trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nếu cơ sở tiêm chủng không điền được thông tin này trên hệ thống thì in phiếu khám sàng lọc.
- Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc và điền thông tin vào phiếu khám sàng lọc.
Nếu đủ điều kiện tiêm chủng thì hướng dẫn đối tượng đến khu vực tiêm và tư vấn cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những sự cố bất lợi có thể gặp sau tiêm chủng. Thông báo cho đối tượng tiêm chủng, người giám hộ về tác dụng, liều lượng, đường dùng của loại vắc xin được tiêm chủng. Tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 các nội dung theo Phụ lục 3.
Nếu đối tượng không đủ điều kiện tiêm thì tư vấn để chuyển cơ sở tiêm chủng hoặc ra về.
Bước 4: Thực hiện tiêm vắc xin
Thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng theo đúng chỉ định, bảo đảm an toàn theo quy định tại Điều 11 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
4. Sau khi tiêm chủng
- Theo dõi người được tiêm ít nhất 30 phút sau tiêm chủng tại điểm tiêm. Đối với cơ sở tiêm chủng sử dụng bản in phiếu khám sàng lọc thì thực hiện nhập thông tin của người đã được tiêm sau khi tiêm xong.
- Sau khi kết thúc thời gian theo dõi sau tiêm chủng tại điểm tiêm, cơ sở tiêm chủng cung cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc xin COVID-19 theo mẫu quy định tại Phụ lục 4.
- Hướng dẫn đối tượng tiêm vắc xin tự theo dõi tại nhà chặt chẽ trong vòng 24 giờ và tiếp tục theo dõi trong vòng 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng về các dấu hiệu: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm, thông báo cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường. Các nội dung tư vấn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 5488/BYT-KCB của Bộ Y tế ngày 9/7/2021 về việc hướng dẫn bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
- Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng phải tiến hành cấp cứu, điều trị và báo cáo Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm tiếp nhận người bị tai biến. Tổng hợp các trường hợp tai biến nặng, báo cáo theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Điều 14, 15, 16 Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.
- Thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải: thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, công văn số 102/MT-YT ngày 04/03/2021 của Cục Quản lý môi trường y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và các văn bản có liên quan.
5. Ghi chép và báo cáo
Dữ liệu tiêm chủng cá nhân được cập nhật trên nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19.
a) Báo cáo kết quả triển khai hàng ngày tại các tuyến:
- Các cơ sở tiêm chủng báo cáo số mũi tiêm đã thực hiện, trường hợp phản ứng thông thường và danh sách tai biến nặng sau tiêm chủng (Phụ lục 5) và gửi báo cáo Trung tâm Y tế huyện trước 16 giờ 30 hàng ngày.
- Trung tâm Y tế huyện rà soát và gửi tuyến tỉnh trước 17 giờ 00. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoàn thành rà soát số liệu và gửi báo cáo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur trước 17 giờ 30.
- Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur hoàn thành rà soát số liệu và gửi Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) trước 18 giờ 00.
b) Báo cáo kết thúc đợt tiêm: Gửi báo cáo bằng văn bản lên tuyến trên trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc triển khai mỗi đợt tiêm chủng (Phụ lục 6).
ĐIỀU KIỆN CỦA CƠ SỞ TIÊM CHỦNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế)
I. Điều kiện đối với cơ sở tiêm chủng cố định
1. Cơ sở vật chất:
Khu vực tiêm chủng phải bảo đảm che được mưa, nắng, kín gió, thông thoáng và bố trí theo nguyên tắc một chiều từ đón tiếp, hướng dẫn, tư vấn, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, theo dõi và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng;
2. Trang thiết bị:
a) Có tủ lạnh, phích vắc xin hoặc hòm lạnh, các thiết bị theo dõi nhiệt độ tại nơi bảo quản và trong quá trình vận chuyển vắc xin;
b) Có hộp chống sốc, phác đồ chống sốc treo tại nơi theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Nhân sự:
a) Số lượng: Có tối thiểu 03 nhân viên chuyên ngành y, trong đó có ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; đối với cơ sở tiêm chủng tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn phải có tối thiểu 02 nhân viên có trình độ từ trung cấp chuyên ngành y trở lên, trong đó có ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên;
b) Nhân viên y tế tham gia hoạt động tiêm chủng phải được tập huấn chuyên môn về tiêm chủng. Nhân viên trực tiếp khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng phải có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; nhân viên thực hành tiêm chủng có trình độ từ trung cấp Y học hoặc trung cấp Điều dưỡng - Hộ sinh trở lên.
4. Mỗi cơ sở tiêm chủng được tổ chức từ một đến nhiều điểm tiêm chủng cố định và đều phải bảo đảm đủ diện tích, nhân sự, cơ sở vật chất và trang thiết bị.
II. Điều kiện đối với điểm tiêm chủng lưu động
1. Phải do cơ sở tiêm chủng đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng quy định tại Điều 11 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ thực hiện;
2. Cơ sở vật chất: Bố trí theo nguyên tắc một chiều từ đón tiếp, hướng dẫn, tư vấn, khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng, theo dõi và xử trí phản ứng sau tiêm chủng;
3. Trang thiết bị: Có phích vắc xin hoặc hòm lạnh và hộp chống sốc theo quy định của Bộ trưởng Y tế;
4. Nhân sự: Có tối thiểu 02 nhân viên chuyên ngành y đáp ứng điều kiện quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
III. Bảng kiểm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
STT | NỘI DUNG ĐÁNH GIÁ | Có | Không |
1. | Danh sách đối tượng tiêm chủng đã được phân loại đối tượng phù hợp với địa điểm tiêm |
|
|
2. | Cán bộ y tế tham gia tiêm chủng được tập huấn về an toàn tiêm chủng (khám sàng lọc; phát hiện và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng) |
|
|
3. | Đội cấp cứu lưu động chịu trách nhiệm hỗ trợ cho điểm tiêm: |
|
|
| - Có sẵn số điện thoại tại bàn khám, bàn tiêm và bàn theo dõi sau tiêm |
|
|
| - Kiểm tra điện thoại kết nối |
|
|
| - Đội cấp cứu lưu động đã sẵn sàng ứng trực |
|
|
4. | Danh sách và thông tin liên lạc của tối thiểu 1 Bệnh viện thường trực cấp cứu được phân công hỗ trợ chuyên môn và tiếp nhận cấp cứu, điều trị người có sự cố bất lợi sau tiêm nặng, nguy kịch. |
|
|
5. | Phiếu hướng dẫn tự theo dõi tại nhà sau tiêm dành cho người được tiêm chủng |
|
|
6. | Hướng dẫn, phác đồ và bộ dụng cụ cấp cứu phản vệ: |
|
|
| - Có sẵn tại bàn tiêm |
|
|
| - Có sẵn tại bàn theo dõi sau tiêm chủng |
|
|
| - Bộ dụng cụ cấp cứu phản vệ bao gồm: |
|
|
| + Bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp có chứa 1 ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml tại bàn tiêm và bàn theo dõi sau tiêm. |
|
|
| + Hộp cấp cứu phản vệ bao gồm: bơm tiêm: 10ml: 2 cái, 5ml: 2 cái, 1ml: 2 cái, kim tiêm 14-16G: 2 cái; bông tiệt trùng: 1 gói; dây garo: 2 cái; Adrenalin 1mg/1ml: 5 ống; Methylprednisolon 40mg: 2 lọ; Diphenhydramin 10mg” 5 ống; nước cất 10ml: 03 ống |
|
|
| + Dụng cụ cấp cứu: oxy; Bóng AMBU và mặt nạ người lớn và trẻ nhỏ; Bơm xịt salbutamol; Bộ đặt nội khí quản và/hoặc bộ mở khí quản và/hoặc mask thanh quản; Các thuốc chống dị ứng đường uống; Dịch truyền: natriclorid 0,9%./. |
|
|
MẪU PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26 tháng 07 năm 2021 của Bộ Y tế)
PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19 1. Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc COVID-19. Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19. 2. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ...hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng. Tiêm vắc xin mũi 2 do Pfizer sản xuất ở người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin AstraZeneca có thể tăng khả năng xảy ra phản ứng thông thường sau tiêm chủng. 3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, người được tiêm chủng cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và: Đồng ý tiêm chủng □ Không đồng ý tiêm chủng □ Họ tên người được tiêm chủng: ............................................................................................ Số điện thoại: ........................................................
HƯỚNG DẪN NGƯỜI ĐƯỢC TIÊM CHỦNG TỰ THEO DÕI SAU TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 (Thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu) I. KHI THẤY MỘT TRONG CÁC DẤU HIỆU SAU: 1) Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi; 2) Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da; 3) Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó; 4) Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật; 5) Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất; 6) Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy; 7) Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái; 8) Toàn thân: a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn. c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt HÃY LIÊN HỆ VỚI: - ĐỘI CẤP CỨU LƯU ĐỘNG ........................................................................ - HOẶC ĐẾN THẲNG BỆNH VIỆN ................................................................ II. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý 1) Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. 2) Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng. 3) Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. 4) Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau. 5) Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có: a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
MẪU GIẤY XÁC NHẬN ĐÃ TIÊM VẮC XIN COVID-19
|