ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/QC-VT | Thái Bình, ngày 26 tháng 11 năm 1998 |
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN VÕ THUẬT
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Võ thuật là môn thể thao, có tác dụng tăng cường thể chất, góp phần tích cực phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, võ thuật cần được khuyến khích phát triển rộng rãi.
Song, do tính đặc thù của võ thuật, nên mọi hoạt động như: Giảng dạy, tập luyện, thi đấu, biểu diễn (Sau đây gọi chung là hoạt động võ thuật) của các đơn vị, cá nhân đều phải chấp hành theo quy chế.
Điều 2.
Sở Thể dục Thể thao trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức, quản lý phát triển võ thuật trong tỉnh, xét duyệt cấp giấy phép huấn luyện, cho phép tổ chức hoặc đình chỉ hoạt động võ thuật của các đơn vị, cá nhân không chấp hành đúng quy chế.
Điều 3.
Phòng – Trung tâm văn hóa thể thao các huyện, thị là cơ quan quản lý trực tiếp mọi hoạt động và nhân sự (Huấn luyện viên, võ sinh) của các đơn vị, cá nhân tổ chức hoạt động võ thuật trên địa bàn quản lý, phối kết hợp với Công an trong việc giám sát các cơ sở hoạt động võ thuật.
Điều 4.
Phòng nghiệp vụ của Sở Thể dục Thể thao có trách nhiệm quản lý về chuyên môn, tham mưu cho lãnh đạo Sở ban hành các văn bản chỉ đạo võ thuật, kiểm tra giám sát việc thi lên “đai”, “đẳng” cho huấn luyện viên và võ sinh, tổ chức các hoạt động võ thuật quy mô cấp tỉnh.
Điều 5.
Các đơn vị, cá nhân được Sở Thể dục Thể thao cho phép hoạt động võ thuật, phải, có trách nhiệm thực hiện theo quy chế. Trong quá trình tổ chức hoạt động không làm ảnh hưởng đến đời sống lao động, công tác và học tập của nhân dân như: Tập luyện quá khuya, gây mất trật tự…vvv. Nghiêm cấm việc lợi dụng võ thuật để kinh doanh kiếm lời và phục vụ mưu đồ xấu của cá nhân.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
Điều 6.
Tiêu chuẩn huấn luyện viên võ:
- Là công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không có tiền án, tiền sự, tuổi đời từ 18 tuổi trở lên, có lý lịch rõ ràng, được cơ quan hoặc chính quyền địa phương xác nhận, có chứng minh thư nhân dân. Nếu từ tỉnh khác chuyển đến phải có giấy giới thiệu của Sở Thể dục Thể thao hoặc Liên đoàn võ thuật địa phương dạng cư trú.
- Đạt đẳng cấp đủ tiêu chuẩn là huấn luyện viên:
- Là người có tư cách đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn và có phương pháp sư phạm được Sở Thể dục Thể thao kiểm tra cấp giấy phép huấn luyện.
- Hàng tháng phải báo cáo kết quả hoạt động về phòng nghiệp vụ Sở Thể dục Thể thao.
Điều 7.
Đối với võ sinh:
- Phải là người có đạo đức tốt (Không có tiền án, tiền sự).
- Võ sinh phải có đơn xin học được chính quyền hoặc cơ quan đang quản lý giới thiệu; dưới 14 tuổi phải có sự cam kết của gia đình.
- Nghiêm cấm việc sử dụng võ thuật để gây gổ, đe dọa hoặc đánh người…vvv.
Điều 8.
Việc tổ chức giảng dạy:
- Những đơn vị, cá nhân muốn tổ chức giảng dạy võ thuật dưới bất cứ hình thức nào, đều phải được sự đồng ý cho phép của Sở Thể dục Thể thao.
- Thủ tục mở lớp (CLB) gồm có:
+ Tờ trình xin mở lớp của đơn vị (xã, phường, cơ quan, trường học) được Phòng – Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao huyện, thị đồng ý xác nhận và giới thiệu về Sở.
+ Thẻ huấn luyện viên do Sở Thể dục Thể thao Thái Bình cấp.
+ Hợp đồng giảng dạy giữa huấn luyện viên với cơ quan, đơn vị nơi tổ chức giảng dạy.
+ Địa điểm tập luyện đủ ánh sáng, vệ sinh, an toàn…vvv
+ Sau khi tổ chức giảng dạy 30 ngày (Tính từ ngày khai giảng lớp) huấn luyện viên phải báo cáo số lượng võ sinh, kết quả tập luyện kèm theo đơn xin học của võ sinh về Phòng Nghiệp vụ Sở Thể dục Thể thao.
- Trong quá trình giảng dạy, huấn luyện viên phải có trách nhiệm giáo dục cho võ sinh về tôn chỉ, mục đích, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm đối với việc chấp hành pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản cho võ sinh trong quá trình giảng dạy, tập luyện.
Điều 9.
Việc tổ chức thi đấu biểu diễn, thi nâng cấp đai, đẳng:
- Mọi cuộc thi đấu, biểu diễn võ phải được phép của Sở Thể dục Thể thao mới được tổ chức. Nghiêm cấm việc thi đấu tỉ thí giữa các lớp, các câu lạc bộ trong môn phái, và giữa các môn phái với nhau.
- Việc tổ chức thi nâng cấp đai, đẳng cho võ sinh phải tuân thủ quy chế chuyên môn do Liên đoàn Võ thuật Trung ương hoặc Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành và có sự giám sát của phòng chuyên môn.
- Sở Thể dục Thể thao cấp giấy chứng nhận đẳng cấp của võ sinh.
Điều 10.
Quy định về tài chính:
- Các câu lạc bộ, võ đường được phép thu học phí của võ sinh, nhưng không được quá 15.000đ/võ sinh/tháng.
- Khi thi nâng cấp đai, đẳng được thu không quá 10.000 đ/01 võ sinh.
- Ngân sách thu được dùng để chi cho tổ chức phí, nâng cấp sân bãi, dụng cụ và bồi dưỡng cho HLV theo như hợp đồng.
- Các câu lạc bộ, võ đường được quyền nhận các khoản tài trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm để chi cho việc mua sắm trang bị dụng cụ tập luyện cho đơn vị mình, nhưng nhất thiết phải báo cáo về Sở Thể dục thể thao.
III. KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 11.
Khen thưởng:
Những đơn vị, cá nhân hoạt động võ thuật thực hiện tốt quy chế, có nhiều thành tích đóng góp cho việc phát triển rộng rãi phong trào võ thuật, đào tạo được vận động viên xuất sắc cho Tỉnh sẽ được Sở Thể dục thể thao xét khen thưởng.
Điều 12.
Kỷ luật:
Các đơn vị, cá nhân hoạt động võ thuật nếu vi phạm quy chế sẽ bị kỷ luật từ cảnh cáo đến đình chỉ hoạt động, nếu vi phạm nặng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký, mọi quy định trước đây đều bãi bỏ./.
- Vụ TDTT Quần chúng (để báo cáo) | SỞ THỂ DỤC THỂ THAO THÁI BÌNH |
Từ khóa: Quy chế 40/QC-VT, Quy chế số 40/QC-VT, Quy chế 40/QC-VT của Tỉnh Thái Bình, Quy chế số 40/QC-VT của Tỉnh Thái Bình, Quy chế 40 QC VT của Tỉnh Thái Bình, 40/QC-VT
File gốc của Quy chế 40/QC-VT năm 1998 về quản lý và phát triển võ thuật do Sở Thể dục Thể thao tỉnh Thái Bình ban hành đang được cập nhật.
Quy chế 40/QC-VT năm 1998 về quản lý và phát triển võ thuật do Sở Thể dục Thể thao tỉnh Thái Bình ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Bình |
Số hiệu | 40/QC-VT |
Loại văn bản | Quy chế |
Người ký | Đã xác định |
Ngày ban hành | 1998-11-26 |
Ngày hiệu lực | 1998-11-26 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Còn hiệu lực |