BỘ NÔNG NGHIỆP | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 18-NN-CN | Hà Nội, ngày 04 tháng 06 năm 1964 |
VỀ VIỆC ĐIỀU TRA CƠ BẢN CHĂN NUÔI THÚ Y
Trong mấy năm qua ta đã điều tra một số giống gia súc chính, cùng với thức ăn và dịch bệnh gia súc tại một số vùng.
Đã nắm được một số đặc điểm, khả năng và điều kiện nuôi dưỡng của giống: lợn ỳ, lợn Móng-cái, lợn Mường-khương, bò Thanh-hóa, bò Nghệ-an, bò Lạng-sơn.
Bước đầu đề xuất được một số chủ trương, biện pháp chọn lọc, cải tạo các giống: lợn ỳ, lợn Móng-cái, lợn Mường-khương, bò Thanh-hóa.
Song, nhiều tỉnh chưa chủ động tổ chức điều tra tình hình cơ bản về chăn nuôi, thú y của tỉnh. Trâu, một loại gia súc quan trọng của ta, nhưng việc điều tra, nghiên cứu và những hiểu biết của ta về trâu lại quá ít.
Nội dung điều tra trước đây chưa toàn diện, nên có giống như lợn Móng-cái, lợn Mường-khương đã điều tra đến hai đợt vẫn chưa đầy đủ. Để phát triển chăn nuôi mạnh mẽ, vững chắc trong thời gian tới cần điều tra theo các yêu cầu, nội dung sau đây:
Điều tra nắm được tình hình về giống, thức ăn và dịch bệnh để xác định chủ trương, phương hướng công tác về các mặt đó và góp phần bổ sung thêm các giáo trình giảng dạy về chuyên môn cho các trường nông nghiệp.
Nội dung điều tra từ nay đến hết năm 1965:
- Trong khoảng hai năm tới ta phải căn bản hoàn thành điều tra cơ bản về các giống gia súc, nhất là trâu, bò, lợn, ngựa. Trong đó, Bộ sẽ phối hợp với một số tỉnh điều tra các giống trâu, lợn, ngựa chính. Còn các tỉnh, tùy theo tình hình cụ thể, mà lập kế hoạch điều tra giống tốt của mình.
Ngoài phần điều tra về giống cần điều tra thêm về:
- Khả năng, diện tích, sản lượng các đồng cỏ chính ở miền núi, trung du.
- Khả năng, thức ăn để phát triển lợn, bò sữa, gà vịt, (nhất là lợn) ở các thành phố, khu công nghiệp.
- Điều tra bệnh xoắn trùng, bệnh ty thư và một số bệnh ký sinh trùng có tác hại nhiều đến chăn nuôi.
Về lãnh đạo chỉ đạo công tác điều tra:
Ở trung ương: Bộ sẽ thành lập một tiểu ban điều tra gồm: Vụ Chăn nuôi, Viện Khoa học nông nghiệp, các trường Đại học Nông nghiệp, trường Trung cấp Nông lâm trung ương.
Trong tiểu ban còn có các tổ chức chuyên đề giúp tiểu ban xây dựng nội dung, phương pháp điều tra, tổng kết và trực tiếp hướng dẫn các đoàn đi điều tra về giống, thức ăn và dịch bệnh.
- Xây dựng các phương hướng, kế hoạch, nội dung, phương pháp điều tra cơ bản về chăn nuôi thú y.
- Hướng dẫn cán bộ, sinh viên, học sinh về nội dung, phương pháp điều tra cơ bản.
- Tổ chức các đợt đi điều tra cơ bản thuộc phần trung ương phụ trách.
- Tổng kết các tài liệu điều tra về những giống có quan hệ tới nhiều tỉnh.
Ở các tỉnh, thành: Cần thành lập các tổ điều tra cơ bản gồm: Ty Nông nghiệp, Chi cục Thống kê tỉnh, các trường trung sơ cấp nông nghiệp tỉnh, trong đó Ty Nông nghiệp là cơ quan chủ trì.
Nhiệm vụ của tổ điều tra ở tỉnh là:
- Xây dựng các kế hoạch, nội dung điều tra trong phạm vi của tỉnh phụ trách.
- Tổ chức các đợt điều tra cơ bản về giống, thức ăn và dịch bệnh trong tỉnh mình.
- Về nội dung điều tra, Bộ sẽ gửi các Ty sau.
- Trong khi các tỉnh điều tra Bộ sẽ nắm một tỉnh để rút kinh nghiệm bổ sung cho các tỉnh.
Phần trung ương phối hợp với tỉnh điều tra trong 1964:
Trong năm nay Bộ sẽ cử cán bộ (của Vụ Chăn nuôi, Viện, trường Đại học, trường Trung cấp Nông lâm Trung ương) cùng với sinh viên, học sinh phối hợp với một số tỉnh điều tra, tổng kết như sau:
- Khai thác các tài liệu điều tra trâu, bò, lợn trước, gồm 5 sinh viên chăn nuôi.
- Về giống, điều tra toàn diện về giống trâu: Yên-bái, Nghĩa-lộ, Lai-châu, Thái-nguyên, Nghệ-an, Hà-bắc, Hà-giang gồm 96 người (trong đó có 40 sinh viên chăn nuôi, 30 học sinh trung cấp nông lâm, 26 học sinh trung cấp Việt bắc).
- Hướng dẫn học sinh nông nghiệp của tỉnh Lạng-sơn, Tuyên-quang điều tra toàn diện về trâu, 14 sinh viên chăn nuôi.
- Điều tra bổ sung về trâu Hà-tĩnh, 5 học sinh trung cấp trung ương.
- Điều tra bổ sung lợn Móng-cái ở Quang-ninh, Hải-phòng, Lạng-sơn, 45 người (25 học sinh trường trung cấp trung ương, 20 học sinh trung cấp Việt-bắc).
- Điều tra bổ sung về lợn Mường-khương ở Lào-cai, 30 học sinh trung cấp trung ương.
- Theo dõi về sinh lý, sinh dục, khả năng sinh sản, tiết sữa, cho thịt của lợn Mường-khương ở trại Bát-xát, lợn Móng-cái ở trại Đầm-hà, 4 sinh viên chăn nuôi.
Thức ăn:
- Điều tra thức ăn của lợn ở vùng thực phẩm Hà-nội, 20 học sinh trung cấp trung ương.
- Điều tra đồng cỏ kết hợp với giống trâu Hòa-bình, 18 học sinh trung cấp Việt-bắc.
- Điều tra thức ăn của lợn ở vùng thực phẩm Thái-nguyên, 10 học sinh trung cấp Việt-bắc.
Thú y:
- Điều tra bệnh ty thư ngựa kết hợp với điều tra giống ngựa Hà-giang, 30 học sinh trung cấp trung ương.
- Điều tra bệnh xoắn trùng ở Quảng-ninh, Hà-bắc, 38 sinh viên thú y.
- Điều tra một số loại ký sinh trùng ở trung du, đồng bằng, 20 học sinh thú y trung cấp trung ương.
Lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn điều tra:
Để việc lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn công tác được chặt chẽ, Bộ giao các Ty Nông nghiệp, Yên-bái, Hòa-bình, Hà-nội, Lào-cai, Nghĩa-lộ, Lai-châu, Tuyên-quang, Thái-nguyên, Lạng-sơn, Nghệ-an, Hà-tĩnh, Hà-bắc, Hà-giang, Hải-phòng, Quảng-ninh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn công tác trong suốt thời gian điều tra về công tác tư tưởng, tổ chức, ăn, ở v.v…. theo như kế hoạch của Bộ đồng thời Bộ sẽ cử cán bộ tham gia các đoàn điều tra với Ty.
Cụ thể, các Ty cần chuẩn bị địa điểm điều tra, cử cán bộ về Bộ theo học lớp điều tra cơ bản từ 20-7-1964 cùng với cán bộ, sinh viên, học sinh của Bộ. Sau đó cán bộ Ty nhận sinh viên, học sinh về và hướng dẫn họ điều tra cơ bản ở tỉnh mình. Những tỉnh đã phối hợp điều tra với Bộ, năm nay chưa phải tổ chức điều tra các mặt khác ở tỉnh.
Những tỉnh chưa có trong danh sách trên đây, cần có kế hoạch và tổ chức điều tra về giống, thức ăn hoặc dịch bệnh ở tỉnh mình.
Bộ lưu ý các Ty, trong đợt điều tra này, các Ty cần có cán bộ phụ trách liên tục và nắm vững trọng tâm kế hoạch của Bộ hướng dẫn để đảm bảo được các nội dung, yêu cầu đã đề ra.
Các đoàn điều tra của trung ương kết hợp với tỉnh sẽ sử dụng kinh phí như sau:
- Lương và các khoản phụ cấp cho sinh viên chăn nuôi thú ý khóa năm, học sinh trung cấp Việt bắc mới thi tốt nghiệp sẽ lấy vào quỹ sự nghiệp (thuộc phần điều tra cơ bản của Vụ Chăn nuôi) chuyển qua các trường cấp phát.
- Gạo vẫn tiếp tục lấy ở trường Đại học Nông nghiệp và trường Trung cấp Việt bắc đến hết tháng 10-1964.
- Tiền lương, phụ cấp đi đường, gạo, thuốc men cho học sinh trung cấp trung ương khóa 9 sẽ lấy vào quỹ sự nghiệp của trường Trung cấp Trung ương (vì thời gian đi điều tra coi như thời gian thực tập của học sinh).
- Các khoản chi phí khác như: giấy tờ, dụng cụ, phim ảnh, tiền thuê phiên dịch v.v…do vụ Chăn nuôi đài thọ.
Đối với các đợt công tác điều tra do tỉnh tự tổ chức, Ty Nông nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm đài thọ toàn bộ.
Trong đó những tỉnh điều tra về dịch bệnh, giống cần có dự trù sớm về dụng cụ, thuốc men để có đủ phương tiện làm việc.
Nhận được chỉ thị này Ủy ban cần có chỉ thị cho Ty Nông nghiệp, Ty cần có kế hoạch thông qua Ủy ban và trình Bộ duyệt sớm.
| KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP |
|
File gốc của Chỉ thị 18-NN-CN về điều tra cơ bản chăn nuôi thú y do Bộ Nông nghiệp ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 18-NN-CN về điều tra cơ bản chăn nuôi thú y do Bộ Nông nghiệp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp |
Số hiệu | 18-NN-CN |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phan Văn Chiêu |
Ngày ban hành | 1964-06-04 |
Ngày hiệu lực | 1964-06-19 |
Lĩnh vực | Y tế |
Tình trạng | Đã hủy |