BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2628/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2013 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH LỄ TIẾT TÁC PHONG VÀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC NGHI LỄ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan ngày 14/6/2005;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09/8/2004 về nghi thức nhà nước trong tổ chức mít tinh lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-BTC ngày 26/4/2005 của Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ trao tặng, đón nhận các danh hiệu và hình thức khen thưởng;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định lễ tiết tác phong và việc tổ chức các nghi lễ trong ngành Hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây về việc tổ chức các nghi lễ trong ngành Hải quan trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng Tổng cục, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Tài vụ - Quản trị và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
LỄ TIẾT TÁC PHONG VÀ VIỆC TỔ CHỨC CÁC NGHỈ LỄ TRONG NGÀNH HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2628/QĐ-TCHQ ngày 21/8/2013)
1. Quy định về lễ tiết tác phong đối với công chức, viên chức, người làm hợp đồng trong ngành Hải quan (sau đây gọi chung là công chức) nhằm xây dựng đội ngũ công chức Hải quan chuyên nghiệp, chính quy, hiệu quả và môi trường Cơ quan Hải quan thân thiện, văn minh, hiện đại.
2. Quy định việc tổ chức các nghi lễ trong ngành Hải quan nhằm hướng dẫn các đơn vị trong ngành Hải quan tổ chức các nghi lễ trong ngành đảm bảo thống nhất, trang trọng, thể hiện tính chính quy, hiện đại của Cơ quan Hải quan.
Quy định này bao gồm:
- Quy định về tư thế, lễ tiết, tác phong của công chức Hải quan;
- Lễ đón tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Tài chính và các đoàn khách quốc tế;
- Lễ trao tặng và đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng;
- Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ;
- Lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống.
Quy định này áp dụng đối với các Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan (gọi chung là công chức Hải quan).
MỤC 1. TƯ THẾ, LỄ TIẾT, TÁC PHONG
1. Công chức hải quan khi gặp nhau phải chào hỏi, thể hiện sự tôn trọng, thân thiện;
2. Cán bộ, công chức khi mang, mặc trang phục hải quan phải chào bằng động tác đứng nghiêm hoặc kết hợp chào bằng lời trong các trường hợp sau:
- Trước khi nhận phần thưởng cấp trên trao;
- Khi được giới thiệu là đại biểu đến dự trong các hội nghị, hội thi, hội thao, buổi lễ, sinh hoạt, học tập;
- Gặp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đến thăm, làm việc tại đơn vị.
1. Xưng hô khi giao tiếp:
a) Khi làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, công chức Hải quan xưng hô với nhau bằng “tôi”, “đồng chí hoặc ông, bà” có thể gọi theo họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc.
b) Ngoài giờ làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể công chức Hải quan xưng hô với nhau phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
2. Xưng hô khi giao tiếp với người ngoài ngành Hải quan
a) Khi làm việc và quan hệ công tác với nhân dân:
Tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “anh, chị, ông, bà” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam, thể hiện lịch sự, văn minh của công chức hải quan.
b) Khi giao tiếp với người nước ngoài:
Tùy theo quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế khách đến thăm để gọi là “Ngài”, “Ông”, “Bà”, “vương hiệu”, “tước hiệu” và xưng “tôi” cho phù hợp.
Điều 6. Ứng xử khi giao tiếp trong ngành Hải quan
Khi giao tiếp, ứng xử phải thể hiện văn minh, lịch sự theo quy định của Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người hợp đồng lao động ngành Hải quan kèm theo Quyết định số 557/QĐ-TCHQ ngày 18/2/2013 của Tổng cục Hải quan.
MỤC 2. LỄ ĐÓN TIẾP LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, LÃNH ĐẠO BỘ TÀI CHÍNH VÀ CÁC ĐOÀN KHÁCH QUỐC TẾ
1. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến tham dự Hội nghị, Buổi lễ hoặc thăm, làm việc với Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Trường Hải quan Việt Nam, gồm:
a) Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam;
b) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Nước;
c) Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội;
d) Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
2. Các đoàn khách nước ngoài:
- Đoàn Hải quan các nước tới thăm và làm việc chính thức với Tổng cục Hải quan.
- Các trường hợp khác do Lãnh đạo Tổng cục Hải quan quyết định.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính tới tham dự Hội nghị, Buổi lễ hoặc đến thăm và làm việc với Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Trường Hải quan Việt Nam.
Điều 8. Hình thức, Đội hình đón tiếp
1. Thành phần dự lễ đón tiếp
- Đội tiêu binh danh dự;
- Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ đón tiếp;
- Đại diện công chức thuộc các đơn vị trực thuộc (số lượng do Thủ trưởng đơn vị tổ chức Lễ đón tiếp quyết định).
2. Địa điểm đón tiếp: Tại trụ sở Cơ quan Tổng cục Hải quan, trụ sở Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Trường Hải quan Việt Nam.
3. Trang phục, trang trí:
3.1. Trang phục:
- Đội Tiêu binh mang, mặc lễ phục hải quan theo quy định.
- Lãnh đạo và công chức đơn vị mang, mặc trang phục hải quan theo mùa theo quy định.
3.2. Trang trí:
a) Đón khách nước ngoài:
- Phía ngoài, trên cổng cơ quan hoặc tiền sảnh có căng băng rôn chào mừng đoàn khách bằng 2 thứ tiếng: tiếng Việt và hoặc tiếng nước có đoàn khách đến thăm.
- Trải thảm đỏ từ bậc thềm ngoài sân tới cửa phòng tổ chức buổi lễ.
- Tại phòng tổ chức lễ đón tiếp treo Quốc kỳ hai nước, ở ngoài nhìn vào Quốc kỳ Việt Nam bên phải, Quốc kỳ của nước Bạn đến thăm bên trái, bảng tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương theo hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Anh hoặc tiếng nước có đoàn khách đến thăm ở trên tường phía trước phòng đón tiếp.
b) Đón Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Tài chính: Trang trí đảm bảo trang trọng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị.
4. Đội hình đón tiếp:
- Thành viên đội tiêu binh danh dự đứng thành hai hàng từ vị trí khách đến dọc theo hai bên đường đi của khách vào bên trong tiền sảnh hoặc cửa phòng đón tiếp, đội trưởng đội tiêu binh đứng ở đầu hàng phía vị trí khách đến. Khi đón khách thể hiện thái độ nghiêm trang, thân thiện.
- Lãnh đạo cấp trên tham gia lễ đón (nếu có), đại diện Lãnh đạo và công chức thuộc đơn vị tham gia lễ đón đứng ở vị trí khách đến sẵn sàng để đón khách.
Điều 9. Trình tự tiến hành lễ đón tiếp
1. Xe của Trưởng đoàn khách vào đến vị trí đón, cán bộ hướng dẫn ra hiệu cho xe dừng lại, cán bộ tháp tùng mở cửa xe;
2. Lãnh đạo đơn vị đón khách tại nơi đỗ xe;
3. Lãnh đạo đơn vị bắt tay, tặng hoa Trưởng đoàn khách (nếu có) và giới thiệu các thành viên tham gia Lễ đón tiếp;
4. Lãnh đạo đơn vị bắt tay các thành viên Đoàn khách;
5. Lãnh đạo đơn vị dẫn Trưởng đoàn và đoàn khách khách đi bên trong hai hàng tiêu binh đến phòng tiếp khách.
MỤC 3. LỄ TRAO TẶNG VÀ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU THI ĐUA VÀ HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
1. Việc tổ chức trao tặng và đón nhận huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng khác đối với các tập thể và cá nhân ngành Hải quan được tổ chức trọng thể, trang trọng, thể hiện sự tôn vinh các tập thể cá nhân được khen thưởng nhưng phải triệt để tiết kiệm, tránh phô trương hình thức.
2. Chỉ được tổ chức kết hợp trong lễ kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập, ngày truyền thống của ngành, địa phương, đơn vị, hội nghị tổng kết theo chương trình cụ thể và thực hiện đúng quy định tại Quyết định này. Không tổ chức riêng lễ trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.
3. Chỉ công bố, trao tặng và đón nhận một lần đối với mỗi Quyết định khen thưởng.
4. Lãnh đạo tập thể được khen thưởng trực tiếp nhận Quyết định khen thưởng, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của tập thể. Cá nhân được khen thưởng trực tiếp nhận Quyết định khen thưởng, danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng. Trường hợp truy tặng cá nhân đã qua đời, đại diện gia đình của người được truy tặng nhận thay.
5. Trao tặng từ hình thức khen thưởng cao đến hình thức khen thưởng thấp. Trường hợp cùng một hình thức khen thưởng thì trao tặng cho tập thể trước, cá nhân sau; trao tặng trước, truy tặng sau.
6. Trong trường hợp số lượng tập thể và cá nhân được trao tặng nhiều thì mời theo từng đợt. Quy định số thứ tự và vị trí cụ thể cho từng người trên lễ đài hoặc sân khấu theo danh sách để trao đúng người, tránh nhầm lẫn khi trao tặng. Bố trí việc trao tặng hợp lý, không để người trao phải đi lên đi xuống nhiều lần.
7. Không trao tặng tiền thưởng trong buổi lễ đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có kèm theo tiền thưởng
8. Trong khi công bố, trao tặng, đón nhận khen thưởng không tặng hoa, không đi lại quay phim, chụp ảnh trên khu vực lễ đài. Giữa các đợt trao thưởng có thể có nhạc nền chào mừng.
Điều 11. Hình thức tổ chức buổi lễ
1. Thành phần tham dự buổi lễ:
- Khách mời là đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Ban Đảng Lãnh đạo và đại diện các Vụ, Cục và đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đại diện các Bộ, Ngành.
- Lãnh đạo và đại diện cơ quan cấp trên.
- Công chức hoặc đại diện công chức của tập thể được khen thưởng.
- Lãnh đạo và công chức đơn vị tổ chức buổi lễ.
Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất buổi lễ quyết định thành phần khách mời và thành phần công chức trong đơn vị tham dự buổi lễ đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, phù hợp.
2. Trang phục, trang trí buổi lễ:
- Trang phục:
+ Đại biểu tham dự: Mang, mặc Lễ phục hoặc trang phục hải quan theo mùa theo quy định.
+ Người phục vụ nghi thức trao thưởng; Mặc áo dài truyền thống.
- Trang trí: Thực hiện theo Điều 4, Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 9/8/2004 của Chính phủ về nghi thức nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm trao tặng và đón nhận Danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 12. Trình tự tiến hành buổi lễ
1. Lễ chào cờ, tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu (kết hợp vào phần giới thiệu của Hội nghị, buổi lễ).
2. Trình bày tóm tắt báo cáo thành tích chung của đơn vị (không đọc thành tích của riêng từng đơn vị trực thuộc, từng cá nhân).
3. Công bố Quyết định khen thưởng:
- Đại diện lãnh đạo của cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng hoặc của đơn vị tổ chức buổi lễ công bố toàn văn Quyết định khen thưởng.
- Đối với Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ: Trước khi công bố, người công bố mời đại diện hoặc tập thể Lãnh đạo đơn vị, Công đoàn, Thanh niên của tập thể được khen thưởng (hoặc cá nhân được khen thưởng) lên lễ đài để nghe công bố Quyết định khen thưởng.
- Đối với Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Cục trưởng và tương đương: Công bố xong, người công bố mời đại diện lãnh đạo của tập thể (hoặc cá nhân) có tên trong Quyết định khen thưởng lên lễ đài để nhận khen thưởng.
4. Trao tặng và đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng:
a) Người trao thưởng là đại diện các đồng chí lãnh đạo tại buổi lễ; người trao thưởng đứng ở vị trí trung tâm của lễ đài.
b) Trao theo thứ tự gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) trước; sau đó trao Bằng và trao Cờ Anh hùng (đối với tập thể được đón nhận danh hiệu Anh hùng), cờ thi đua.
c) Đối với tập thể: Người trao thưởng gắn Huân chương hoặc Huy hiệu lên góc cao Cờ truyền thống và chào Cờ. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy hiệu) trên Cờ truyền thống được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp (nếu sử dụng Cờ truyền thống của Hải quan) hoặc Người trao thưởng trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương hoặc Huy hiệu (nếu không sử dụng Cờ truyền thống của Hải quan)
d) Trao tặng cho cá nhân: Người trao thưởng gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) lên phía trái ngực áo người đón nhận, sau đó trao Bằng. Vị trí gắn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) trên ngực áo được thực hiện theo thứ hạng từ cao xuống thấp.
đ) Truy tặng: Người trao thưởng trao Bằng đã gắn sẵn Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu) cho đại diện gia đình cá nhân được truy tặng.
e) Khi người trao thưởng trao đến đại diện tập thể hoặc cá nhân nào thì người đó bước lên trước một bước để đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng sau khi nhận xong lại lùi về vị trí cũ.
f) Khi đón nhận Bằng (hoặc Cờ), giấy khen người đón nhận khen thưởng nâng Bằng hoặc Cờ, giấy khen cao ngang ngực, giữ nguyên tư thế cho đến khi rời khỏi lễ đài.
g) Kết thúc việc trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng, người trao thưởng về đứng cùng hàng với người được khen thưởng và cùng toàn thể đại biểu dự lễ vỗ tay chúc mừng.
h) Người phục vụ nghi thức trao thưởng:
- Không quay lưng về phía người dự; đứng phía sau, bên phải người trao thưởng khi đưa Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu, Bằng, Cờ) cho người trao thưởng.
- Đặt Huân chương (hoặc Huy chương, Huy hiệu, Bằng) trong khay phủ vải đỏ; đưa Cờ bằng hai tay cho người trao thưởng; Bằng phải được lồng trong khung.
5. Phát biểu ý kiến của lãnh đạo cấp trên hoặc đại diện khách mời (nếu có).
6. Phát biểu ý kiến của đại diện tập thể (hoặc cá nhân) được khen thưởng sau khi đón nhận khen thưởng (nếu có).
7. Kết thúc buổi lễ.
MỤC 4. LỄ CÔNG BỐ CÁC QUYẾT ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC CÁN BỘ
Các Quyết định bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trong ngành Hải quan đều được công bố và thực hiện thống nhất theo quy định này.
Điều 14. Phân cấp tổ chức Lễ công bố các quyết định về công tác cán bộ
1. Bộ Tài chính tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với Lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
2. Tổng cục Hải quan tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với các chức danh Lãnh đạo cấp Vụ, Cục và tương đương thuộc Cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
3. Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với các chức danh Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng và tương đương thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Vụ, Cục, đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục tổ chức Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển đối với các chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương thuộc đơn vị.
Điều 15. Hình thức tổ chức buổi lễ
1. Thành phần dự lễ:
- Đại diện Lãnh đạo đơn vị tổ chức buổi lễ.
- Công chức có tên trong quyết định về công tác cán bộ.
- Đại diện cấp ủy đảng của đơn vị và đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan.
2. Trang phục, trang trí:
2.1. Trang phục: Lãnh đạo và công chức tham dự buổi lễ mang, mặc trang phục hải quan theo mùa hoặc theo quy định.
2.2. Trang trí:
- Tiêu đề buổi lễ "Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm (hoặc bổ nhiệm lại, ...) chức vụ" được thể hiện bằng kiểu chữ chân phương trên nền phông về phía bên phải sân khấu hoặc ở giữa tường phía trên phòng họp.
Điều 16. Trình tự tiến hành buổi lễ
1. Đại diện cơ quan Tổ chức cán bộ (hoặc công chức đảm nhiệm công tác tổ chức cán bộ) của đơn vị tổ chức buổi lễ tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, thông qua chương trình buổi lễ.
2. Đại diện cơ quan Tổ chức chức cán bộ (hoặc công chức đảm nhiệm công tác tổ chức cán bộ) của đơn vị tổ chức buổi lễ công bố quyết định về công tác cán bộ và mời công chức có tên trong quyết định lên vị trí nhận quyết định.
Nếu có nhiều người được nhận quyết định thì có thể chia làm nhiều đợt, thực hiện theo thứ tự từ cấp cao đến cấp thấp.
3. Trao quyết định:
- Lãnh đạo đơn vị chủ trì buổi lễ trao quyết định về công tác cán bộ cho từng công chức.
- Đối với công chức được bổ nhiệm chức vụ cao hơn, sau khi trao quyết định, Lãnh đạo gắn cầu vai phù hợp với chức vụ được bổ nhiệm cho công chức.
- Khi Lãnh đạo trao đến công chức nào thì công chức đó bước lên trước một bước để nhận quyết định sau đó lại lùi về vị trí cũ.
4. Lãnh đạo đơn vị phát biểu ý kiến chúc mừng và giao nhiệm vụ cho công chức.
5. Đại diện công chức được nhận quyết định trình bày tóm tắt chương trình hành động để tổ chức thực hiện khi được bổ nhiệm.
6. Đại diện các đơn vị tham dự buổi lễ phát biểu ý kiến.
7. Kết thúc buổi lễ: Ban tổ chức tuyên bố kết thúc buổi lễ và cám ơn các đại biểu.
MỤC 5. LỄ KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP, NGÀY TRUYỀN THỐNG
1. Việc tổ chức Lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn trong nước, ngày thành lập ngành Hải quan, ngày thành lập các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính.
2. Lễ kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày thành lập ngành, đơn vị phải thể hiện tính giáo dục, khơi dậy truyền thống cách mạng của dân tộc và của ngành Hải quan, bồi đắp tình đoàn kết đồng chí, đồng đội để cùng nhau phấn đấu xây dựng lực lượng Hải quan “chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả”.
Điều 18. Hình thức tổ chức buổi lễ
1. Thành phần tham dự buổi lễ:
- Khách mời là đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo các Ban Đảng Lãnh đạo và đại diện các Vụ, Cục và đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đại diện các Bộ, Ngành.
- Lãnh đạo và đại diện cơ quan cấp trên.
- Lãnh đạo của đơn vị đã nghỉ hưu qua các thời kỳ.
- Lãnh đạo và công chức đơn vị tổ chức buổi lễ.
Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất buổi lễ quyết định thành phần khách mời và thành phần công chức trong đơn vị tham dự buổi lễ đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, phù hợp.
2. Trang phục, trang trí:
2.1. Trang phục: Mang, mặc Lễ phục hoặc trang phục hải quan theo mùa theo quy định.
2.2. Trang trí khánh tiết:
Thực hiện theo Điều 4, Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 9/8/2004 của Chính phủ về nghi thức nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm trao tặng và đón nhận Danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 19. Trình tự tiến hành lễ kỷ niệm
1. Lễ chào cờ, đại biểu dự lễ hát Quốc ca;
2. Thông báo chương trình buổi lễ;
3. Tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu ngắn gọn, trang trọng;
4. Trình bày diễn văn hoặc báo cáo;
5. Công bố Quyết định khen thưởng, trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng (nếu có);
6. Phát biểu ý kiến của lãnh đạo cấp trên hoặc đại diện khách mời;
7. Phát biểu cảm ơn của người đứng đầu đơn vị;
8. Kết thúc buổi lễ.
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
1. Tổng cục trưởng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này.
2. Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Tổng cục có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quy định này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục báo cáo về Tổng cục (qua Vụ Tổ chức cán bộ) để được hướng dẫn./.
File gốc của Quyết định 2628/QĐ-TCHQ năm 2013 Quy định lễ tiết tác phong và việc tổ chức các nghi lễ trong ngành Hải quan đang được cập nhật.
Quyết định 2628/QĐ-TCHQ năm 2013 Quy định lễ tiết tác phong và việc tổ chức các nghi lễ trong ngành Hải quan
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 2628/QĐ-TCHQ |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Nguyễn Ngọc Túc |
Ngày ban hành | 2013-08-21 |
Ngày hiệu lực | 2013-08-21 |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
Tình trạng | Hết hiệu lực |