TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 275/TCHQ-GSQL | Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1995 |
Để thực hiện đúng đắn, thống nhất những điều, khoản có liên quan đến việc làm thủ hải quan đối với hàng hoá, hành lý của viên chức ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế quy định trong pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài) tại Việt Nam do Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 23-8-1993. Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961 và Công ước viên về quan hệ lãnh sự năm 1963, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ thị về việc làm thủ tục hải quan đối với hành lý, hàng hoá của viên chức ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài (trừ hàng hoá, hành lý của những hành khách hoặc những đoàn khách là khách mới của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và trừ túi ngoại giao) như sau:
1. Đối với hành lý (bao gồm hành lý xách tay và hành lý ký gửi cùng chuyến) của viên chức ngoại giao mang theo khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu Việt Nam được miễn kê khai, miễn kiểm tra hải quan; trong trường hợp này nếu xác định được trong các kiện hàng lý có chứa đựng những đồ vật thuộc loại cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, các đồ vật vượt định lượng quy định tại Nghị định 73/CP ngày 30-7-1994 của Chính phủ Việt Nam, các đồ vật thuộc loại phải kiểm dịch thì những kiện hành lý đó Hải quan phải kiểm tra để có cơ sở giải quyết, xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành. Việc kiểm tra đối với những trường hợp này phải do trưởng hoặc phó trưởng Hải quan cửa khẩu trực tiếp chỉ đạo; sau khi kiểm tra, phải báo cáo ngay cho Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố; Nội dung báo cáo phải rõ ràng, trung thực, những vấn đề quan trọng, phức tạp phải sao chụp nguyên văn các bản văn bản, chứng từ liên quan gửi kèm theo báo cáo. Quá trình kiểm tra phải được tiến hành trước mặt người có hành lý; việc đóng, mở các kiện hành lý, sắp xếp các vật dụng, hàng hoá trong các kiện hành lý do tự tay chủ hành lý trực tiếp làm. Nơi kiểm tra phải là buồng kín, sạch sẽ, có đủ các loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra; các loại vật dụng, hàng hoá đưa từ trong các kiện hành lý ra phải đặt lên bàn sạch sẽ, không được để xuống sàn nhà, trong khi kiểm tra, dù chủ hành lý có phản ứng đến mức độ nào, cán bộ hải quan trực tiếp kiểm tra cũng phải nhẹ nhàng, vui vẻ, ôn tồn giải thích, không được tỏ thái độ nóng nảy, bực tức trước mặt chủ hành lý.
Sau khi kiểm tra, dù đối tượng kiểm tra có vi phạm hay không bị vi phạm, đều phải lập biên bản theo quy định. Nếu có giữ lại đồ vật gì, phải viết biên nhận tạm giữ. Nội dung ghi trên biên nhận tạm giữ cũng như nội dung biên bản vi phạm phải chặt chẽ về mặt pháp lý, nhằm đảm bảo cho việc xử lý về sau được thuận lợi, đúng pháp luật. Những cơ quan, đơn vị xét thấy cần thiết phải phối kết hợp với Hải quan các cửa khẩu, các trạm trả hàng, yêu cầu phải thông qua lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Những gì chuyển giao các cơ quan chức năng xử lý hoặc trực tiếp làm, tuỳ theo từng vụ việc cụ thể, cũng phải được thể hiện rõ ràng trong biên bản, trong tờ khai, trong các chứng từ liên quan. Từ nay không được để xảy ra những trường hợp hành khách xuất nhập cảnh hiểu nhầm việc làm của ngành này sang việc làm của ngành khác và ngược lại.
2. Đối với hàng hoá của viên chức ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao xuất, nhập khẩu (gửi theo vận đơn hoặc vận chuyển bằng các loại phương tiện vận chuyển riêng) phải được kiểm tra để xác định tiêu chuẩn, định lượng được miễn thuế theo quy định tại Nghị định 73/CP ngày 30-7-1994 của Chính phủ, khoản 3 Điều 8 và Điều 16 Pháp lệnh về quyền ưu đãi miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Điều 36 Công ước Viên về quan hệ ngoại giao năm 1961.
Trước khi kiểm tra phải báo cáo với trưởng Hải quan cửa khẩu hoặc lãnh đạo Cục hải quan tỉnh, thành phố về tình hình lô hàng và kế hoạch kiểm tra lô hàng: hàng hoá phải được tập trung đúng địa điểm quy định, phải phù hợp với giấy phép. Không được kiểm tra tại nhà riêng hoặc trụ sở của chủ hàng. Việc kiểm tra phải được tiến hành trước mặt chủ của lô hàng hoá, hành lý. Trường hợp nhận thay bắt buộc phải có giấy uỷ quyền hợp pháp. Nội dung trong giấy uỷ quyền phải ghi rõ "uỷ quyền khai báo hải quan và mở các kiện hàng hoá để hải quan kiểm tra; nếu có gì vi phạm luật hải quan, chủ hàng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm ...".
Tác phong, thái độ trong khi kiểm tra: nguyên tắc báo cáo, thỉnh thị trước và sau khi kiểm tra, nguyên tắc lập biên bản vi phạm và tạm giữ hàng hoá; công tác phối hợp với các ngành chức năng để giải quyết các vụ việc liên quan... thực hiện đúng theo một số quy định chính đã được nêu tại điểm 1 của Chỉ thị này.
3. Tại các cửa khẩu, các địa điểm trả hàng có hàng hoá hành lý của viên chức ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài thuộc loại phải kiểm tra nói trên yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố làm việc với các ngành chức năng tại các cửa khẩu, các địa điểm trả hàng hoá xuất nhập khẩu để tổ chức khảo sát và thống nhất vị trí lắp đặt các loại máy kiểm tra hải quan nhằm đảm bảo việc kiểm tra và giải phóng hàng được nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng và các cơ quan vận chuyển có liên quan. Sau khi khảo sát và thống nhất được với các ngành chức năng, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tổng hợp báo cáo Tổng cục cụ thể về vị trí lắp đặt máy, quy tình kiểm tra qua máy (có bản vẽ kèm theo); đề xuất mua sắm các loại máy, các loại thiết bị liên quan,...
Việc mua sắm đầy đủ các loại máy kiểm tra để trang bị cho tất cả các địa phương trong năm 1995 Tổng cục chưa đáp ứng được. Nhưng riêng cục Hải quan Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Hải quan Quảng Nam - Đà Nẵng, đề nghị phải tiến hành ngay việc khảo sát, đề xuất lắp đặt máy, xây dựng quy trình kiểm tra máy; dự kiến số lượng máy còn thiếu, loại máy phù hợp và tổng hợp báo cáo Tổng cục để có kế hoạch mua sắm và lắp đặt trong năm 1995.
4. Để đảm bảo cho lãnh đạo Tổng cục có đủ số liệu, tình hình làm việc với các ngành và báo cáo cấp trên kịp thời khi có yêu cầu, lãnh đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải có biện pháp cụ thể trong việc chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan lập hồ sơ, sổ sách để theo dõi tình hình, số liệu; đồng thời xây dựng chế độ báo cáo thỉnh thị về việc làm thủ tục khai báo, kiểm tra, tính và thu thuế, lập biên bản, tạm giữ... đối với hành lý, hàng hoá của các viên chức ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao. Những viên chức ngoại giao, những cơ quan đại diện ngoại giao thường hay có những vấn đề phức tạp, phải có biện pháp theo dõi riêng.
Sau khi nhận được Chỉ thị này, cục trưởng, Vụ trưởng các Cục, Vụ; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc cơ quan Tổng cục và Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện những quy định của Chỉ thị này.
| Phan Văn Dĩnh (Đã ký) |
File gốc của Chỉ thị 275/TCHQ-GSQL năm 1995 về việc làm thủ tục hải quan đối với hành lý, hàng hóa của viên chức ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam do Tổng Cục Hải Quan ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 275/TCHQ-GSQL năm 1995 về việc làm thủ tục hải quan đối với hành lý, hàng hóa của viên chức ngoại giao và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam do Tổng Cục Hải Quan ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 275/TCHQ-GSQL |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phan Văn Dĩnh |
Ngày ban hành | 1995-10-18 |
Ngày hiệu lực | 1995-10-18 |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu |
Tình trạng | Hết hiệu lực |