HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/NQ-HĐND | Điện Biên, ngày 22 tháng 8 năm 2021 |
NGHỊ QUYẾT
KẾT QUẢ GIÁM SÁT “VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND TỈNH VỀ CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN”
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 156/BC-HĐND ngày 5 tháng 8 năm 2021 của Đoàn giám sát về “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016 - 2020”; ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo kết quả giám sát chuyên đề: “Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên” với một số nội dung chủ yếu sau:
1. Kết quả đạt được: Trong giai đoạn 2016-2020, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng có tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ và người dân. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 11,86 tiêu chí/xã, vượt 0,56 tiêu chí/xã so với mục tiêu Nghị quyết; không còn xã dưới 05 tiêu chí, đạt so với mục tiêu Nghị quyết, nhờ đó, diện mạo nông thôn 114Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 37 xã đạt chuẩn và cơ bản chuẩn nông thôn mới, đạt 105,71% so với Nghị quyết, trong đó, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
2. Hạn chế, vướng mắc: Chất lượng đạt chuẩn nông thôn mới, một số tiêu chí, chỉ tiêu nghị quyết đạt thấp. Quy hoạch nông thôn mới cấp xã được phê duyệt đã lâu nên một số nội dung không còn phù hợp với điều kiện phát triển KTXH hiện tại, nhưng chưa rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM tại một số địa phương, cơ sở có lúc, có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả, chưa tạo thành phong trào rộng khắp; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Chính sách huy động vốn và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tạo được động lực thu hút đối với các doanh nghiệp, tổ chức và người dân tham gia đầu tư nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Việc áp dụng cơ chế đặc thù trong thực hiện đầu tư các công trình thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ còn nhiều khó khăn, hạn chế đối với các xã ở các huyện nghèo vùng cao. Công tác quản lý đầu tư, năng lực thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở cấp xã chưa đáp ứng được. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà thầu theo hình thức các tổ, nhóm thợ thi công gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, tài chính, máy móc thiết bị thi công theo yêu cầu gói thầu. Nhiều xã còn lúng túng trong việc lựa chọn mô hình sản xuất, tạo sản phẩm OCOP mang lại hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm OCOP được công nhận có quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh còn hạn chế.
3. Nguyên nhân chủ yếu: Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn chia cắt, dân cư sống phân tán, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến phong trào xây dựng nông thôn mới. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở và một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình, chưa chủ động, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện. Việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở chưa thường xuyên của các cơ quan chuyên môn. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, cán bộ làm công tác xây dựng NTM các cấp chủ yếu là kiêm nhiệm; năng lực còn hạn chế; sau đại hội kiện toàn cán bộ mới chưa nắm được nội dung, phương pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới.
4. Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, các sở, ngành: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (Cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo), Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Công thương, Sở Thông tin truyền thông, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Liên minh Hợp tác xã và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc các kiến nghị đã nêu trong báo cáo giám sát và thống nhất tổ chức thực hiện một số chủ trương, nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, hướng dẫn cơ sở cấp xã thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo điều tra thu nhập hằng năm trên địa bàn tỉnh.
2. Tập trung đầu tư đối với các xã khó khăn, xã biên giới mà chỉ tiêu còn thấp (dưới 10 tiêu chí).
3. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình; làm tốt công tác huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư, động viên khuyến khích nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
4. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với lợi thế về chất lượng, thị trường, phát huy vai trò cộng đồng, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình và kinh tế nông thôn. Tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và có chính sách hỗ trợ để duy trì, phát triển sản phẩm OCOP.
5. Đổi mới công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác XDNTM, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung các nghề thế mạnh của địa phương, cơ sở.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
2. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
3. HĐND tỉnh đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các Đoàn thể chính trị xã hội quan tâm phối hợp theo dõi, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
4. Đề nghị HĐND các huyện, thị xã, thành phố giám sát thường xuyên đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV, kỳ họp thứ hai thông qua ngày 18 tháng 8 năm 2021./.
| CHỦ TỊCH |
File gốc của Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2021 về kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết của Hội đông nhân dân tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên” đang được cập nhật.
Nghị quyết 29/NQ-HĐND năm 2021 về kết quả giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết của Hội đông nhân dân tỉnh về Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên”
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Điện Biên |
Số hiệu | 29/NQ-HĐND |
Loại văn bản | Nghị quyết |
Người ký | Lò Văn Phương |
Ngày ban hành | 2021-08-22 |
Ngày hiệu lực | 2021-08-18 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Còn hiệu lực |