HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 72-TTG-NN | Hà Nội, ngày 23 tháng 07 năm 1964 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO LÀM THỦY LỢI HAI NĂM
Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 16-07-1964, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi báo cáo kết quả phong trào làm thủy lợi hai năm trong 6 tháng đầu năm 1964, đã nhận định:
1. Đến nay 31 tỉnh và thành đã phát động phong trào. Hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du, liên khu 4 cũ và một số tỉnh miền núi đã phát động phong trào đến huyện, một số nơi và đang phát động đến xã.
Một số tỉnh trước đây vào loại tương đối khá như: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng nay phong trào đang phát triển toàn diện và tiến dần vào bể sâu.
Một số tỉnh trước đây vào loại thường hoặc kém, nay đang trên đà vươn lên loại khá như: Hà Đông, Thanh Hóa, Hà Bắc, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh…
Nhưng bên cạnh những tỉnh khá, còn có những tỉnh kém, trong đó có những tỉnh lớn về dân số và diện tích; phong trào ở miền núi còn yếu nhiều so với yêu cầu chung.
2. Về tưới cho vụ đông xuân vừa qua, do chuẩn bị tốt ngay từ đầu vụ và có nhiều cố gắng tận dụng thuận lợi của thời tiết, nên lúa chiêm không thiếu nước, hoa màu và cây công nghiệp có đủ độ ẩm, do đó đã góp phần thắng lợi của một vụ kế hoạch vượt kế hoạch Nhà nước về diện tích và sản lượng. Một số nơi bước đầu đã chú ý tưới cho hoa mầu và cây công nghiệp; và nâng cao chất lượng tưới cho lúa; diện tích được tưới theo phương pháp khoa học tăng ba lần rưỡi so với diện tích được tưới trong vụ đông xuân năm 1963.
3. Về thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản; so với chỉ tiêu cả năm: đại thủy nông trong 6 tháng đạt 57% về vốn đầu tư và 71% về đất, tăng gần ba lần so với 6 tháng đầu năm 1963; trung thủy nông tính đến 31-05-1964 đạt 41% về vốn đầu tư và 63% về đất, tăng gần hai lần, tiểu thủy nông đạt 45% về đất, chỉ tăng một lần rưỡi. Nhiều công trình làm nhanh, gọn, vượt kế hoạch thời gian; đặc biệt đã tập trung lực lượng đẩy mạnh tốc độ xây dựng một số công trình chống úng tranh thủ phục vụ một phần cho vụ mùa trước mắt.
Tuy nhiên phải nhấn mạnh những chỗ yếu và chỗ kém sau đây: tiểu thủy nông phát triển chậm hơn trung và đại thủy nông; việc sửa chữa và mở rộng màng lưới kênh mương nhỏ để hoàn thiện các hệ thống nông giang cũ và phát huy hiệu quả của các công trình mới xây dựng làm còn yếu. Điều đó chứng tỏ phong trào làm thủy lợi chưa thực sự là phong trào mạnh mẽ của đông đảo hợp tác xã nông nghiệp, đồng thời chứng tỏ rằng phương châm công tác thủy lợi do “Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng đi đôi với khai thác sử dụng” chưa được quán triệt sâu sắc trong nhiều cấp lãnh đạo.
4. Về xây dựng quy hoạch thủy lợi xã, đã thực hiện trong 2.902 xã, chiếm tỷ lệ 50% số xã trong toàn miền Bắc. Quy hoạch thủy lợi ở những nơi được cấp ủy Đảng và Ủy ban hành chính trực tiếp lãnh đạo xây dựng, có phối hợp với các ngành liên quan: nông nghiệp, giao thông vận tải, lâm nghiệp, thủy sản… thì vừa toàn diện, vừa có chất lượng tốt, được nhân dân hăng hái thực hiện. Nhưng nhiều nơi vì chưa quan tâm chỉ đạo đúng mức, nên không những việc lập quy hoạch ở đó chậm, chất lượng kém, mà phong trào thủy lợi ở đó phát triển không mạnh.
5. Tính đến 30-06-1964, các tỉnh đồng bằng và trung du đã tổ chức được 14.199 đội làm thủy lợi (gần 80% tổng số hợp tác xã có điều kiện tổ chức) và một số tỉnh miền núi đã tổ chức được 85 đội. Đi đôi với việc sử dụng các đội làm thủy lợi trên công trường, đã xuất hiện những điển hình tốt về cải tiến công cụ lao động; do đó năng suất lao động có tăng rõ rệt. Tính chung trên các công trường, năng suất lao động tăng 30% so với định mức, cá biệt có công trường năng suất lao động vượt trên hai lần so với định mức. Những đội có công cụ cải tiến khá đều có năng suất lao động vượt trên hai lần định mức.Tuy nhiên việc củng cố các đội về tư tưởng, về tổ chức và quản lý chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Một số tỉnh thực hiện chỉ tiêu thành lập đội còn quá thấp. Tư tưởng xem nhẹ hoặc ngại khó trong việc thực hiện cải tiến công cụ lao động ở nhiều địa phương và trong bản thân một số đội là một trở ngại cần khắc phục.
6. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo, ở những nơi cấp ủy và Ủy ban ra tay chỉ đạo phong trào, động viên đến cơ sở, các Ty Thủy lợi đảm nhiệm đầy đủ chức năng của mình, thì phong trào phát triển khá mạnh, ngược lại còn có địa phương trong cấp lãnh đạo chưa thật nhất trí về chủ trương phát động và chỉ đạo phong trào, động viên chưa sâu rộng, hoặc thiếu kiểm tra đôn đốc cấp dưới thực hiện, thì phong trào không phát triển được.
Việc nắm tình hình chỉ đạo phong trào của Bộ Thủy lợi gần đây có tiến bộ hơn trước.Nhưng việc theo dõi và đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch tiểu và trung thủy nông còn thiếu chặt chẽ, nắm tình hình phong trào quần chúng làm thủy lợi đến tận hợp tác xã chưa tốt. Việc chỉ đạo thủy lợi miền núi còn chưa chặt, đấu tranh tư tưởng với lãnh đạo ở các tỉnh chưa đầy đủ, biện pháp cụ thể hướng dẫn miền núi chưa chu đáo. Đây là một chỗ yếu cần khắc phục nhanh chóng và mạnh mẽ.
Sự kết hợp công tác giữa các ngành có liên quan ở Trung ương có tiến bộ một phần, nhưng một số ngành còn thiếu tích cực đóng góp phần mình vào việc đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi.
Qua tình hình thực hiện kế hoạch phát động phong trào làm thủy lợi 6 tháng đầu năm, chúng ta thấy rất rõ mấy điểm sau đây:
- Phong trào đang trên đà chuyển biến tốt. Những kế quả bước đầu về tổ chức đội thủy lợi, cải tiến công cụ lao động, xây dựng quy hoạch xã, hợp tác xã và nhất là quyết tâm phấn đấu của nhiều cấp lãnh đạo địa phương là cơ sở tốt cho phong trào phát triển mạnh mẽ. Trong thực tiễn hoạt động từ tỉnh đến huyện, xã và hợp tác xã đã xuất hiện nhiều điển hình tốt và kinh nghiệm tốt. Nếu kịp thời bồi dưỡng và phát huy những nhân tố tích cực, những điển hình tốt và kinh nghiệm tốt đó, thì khả năng phát triển của phong trào còn rất lớn.
Tuy nhiên nhìn chung phong trào phát triển chưa đều, chưa toàn diện, và chưa đi vào bề sâu. Đặc biệt phải nhấn mạnh mấy khâi còn yếu: tiểu thủy nông còn yếu, thủy lợi miền núi còn yếu, việc khai thác và sử dụng các hệ thống nông giang còn kém.
- Việc nâng cao nhận thức đối với tầm quan trọng của công tác thủy lợi bằng đấu tranh tư tưởng và hoạt động thực tiễn, trước tiên là ở các cấp lãnh đạo, rồi làm thấu đến tận cán bộ cơ sở và đông đảo xã viên, là việc có tác dụng quyết định để chuyển biến phong trào.
- Phong trào làm thủy lợi phải là phong trào sâu rộng của các xã và hợp tác xã nông nghiệp. Cơ quan có trách nhiệm ở trung ương cũng như các cấp lãnh đạo địa phương phải nắm sát tình hình từng mặt của phong trào thủy lợi ở xã và hợp tác xã.
Từ nhận định trên, Hội nghị thường vụ của Hội đồng Chính phủ đã quyết định những việc dưới đây nhằm thúc đẩy phong trào làm thủy lợi hai năm phát triển mạnh mẽ hơn nữa:
1. Phải tiếp tục giáo dục tư tưởng cho cán bộ và nhân dân quán triệt sâu sắc ý nghĩa quan trọng của phong trào làm thủy lợi hai năm, tạo chuyển biến sâu rộng về nhận thức, trên cơ sở đó động viên phong trào liên tục phát triển mỗi ngày thêm mạnh hơn, nơi nào đã có phong trào phải tiếp tục đưa phong trào đi vào bề sâu và toàn diện; nơi nào phong trào còn yếu phải đẩy phong trào còn yếu lên mạnh; nơi nào chưa có phong trào phải có chuyển biến vượt bực để tiến kịp phong trào chung.
2. Trước mắt phải phục vụ tốt vụ thu và vụ mùa. Ngoài việc thực hiện chu đáo công tác phòng và chống lụt, bão, phải tranh thủ hoàn thành gấp các loại công trình chống úng và tưới nước cho vụ mùa, đặc biệt là việc khoanh vùng, đắp bờ (đây là một biện pháp rất trọng yếu, quyết phải làm tốt), phát triển màng lưới kênh mương nhỏ trong các hệ thống nông giang sẵn có và mới xây dựng để phát huy đến mức tối đa hiệu quả của các công trình. Đồng thời phải chuẩn bị mọi mặt để phục vụ tốt cho vụ đông xuân sắp đến. Đẩy mạnh tốc độ xây dựng, hoàn thành vượt mức toàn bộ kế hoạch một cách cân đối các loại công trình trung và đại thủy nông.
3. Phải đi sâu chỉ đạo từng xã, từng hợp tác xã nông nghiệp, có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh phong trào thủy lợi về các mặt chủ yếu sau đây:
- Tổ chức đội làm thủy lợi của hợp tác xã, đi đôi với việc cải tiến công cụ lao động;
- Xây dựng quy hoạch thủy lợi xã và hợp tác xã;
- Xây dựng và thực hiện chỉ tiêu đào đắp tiểu thủy nông trong xã và hợp tác xã;
- Xây dựng và thực hiện chỉ tiêu chống hạn, chống úng, phát triển diện tích và nâng cao chất lượng tưới nước và tiêu nước, phục vụ thâm canh tăng năng suất.
Tùy theo điều kiện cụ thể từng nơi; tỉnh và huyện phải giao trách nhiệm cụ thể cho xã, định rõ chỉ tiêu và kiểm tra đôn đốc việc thực hiện của mỗi hợp tác xã trong từng thời gian, từng vụ.
Tổ chức đội thuỷ lợi phải đi đôi với củng cố đội về tư tưởng, về tổ chức và quản lý, không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và kỹ thuật. Đội thủy lợi phải gắn liền với hợp tác xã, không thoát ly sản xuất nông nghiệp trong hợp tác xã. Đặc biệt coi trọng việc trang bị công cụ cải tiến để các đội có điều kiện không ngừng tăng năng suất trên công trường, đồng thời làm nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến kỹ thuật mới trong nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm 1964 toàn bộ các đội đều có công cụ cải tiến thông thường và mỗi tỉnh có từ 30 đến 50% số đội có công cụ cải tiến có năng suất cao. Ở các tỉnh đồng bằng, trung du và liên khu 4 cũ phải hoàn thành tổ chức đội thủy lợi trong tất cả các hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Bộ nông nghiệp và Bộ Thủy lợi. Các tỉnh miền núi cần tiến hành ngay việc sơ kết tổ chức thí điểm để phát triển tổ chức dần ở những xã và hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Bộ Thủy lợi.
Quy hoạch thủy lợi phải gắn liền với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch nuôi cá, trồng cây… nhằm làm cho các công trình thủy lợi có thể sử dụng tổng hợp một cách có lợi nhất về mọi mặt.
Kết quả công tác thủy lợi xã và hợp tác xã phải thể hiện cụ thể trong việc tăng diện tích và nâng cao chất lượng tưới nước, tiêu nước, tăng thêm thu hoạch từng vụ.
4. Phải có cố gắng vượt bực để đẩy thật mạnh công tác thủy lợi miền núi. Các cấp lãnh đạo địa phương phải khắc phục mọi khó khăn, giáo dục và động viên nhân dân trong địa phương mình tích cực làm thủy lợi. Bộ Thủy lợi phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và giúp đỡ cụ thể. Các ngành có liên quan như: Nông nghiệp, Nông trường, Khai hoang, Lâm nghiệp phải cộng tác chặt chẽ với ngành Thủy lợi trong việc đẩy mạnh công tác thủy lợi ở miền núi, để giải quyết những khó khăn về nước cho sản xuất nông nghiệp không những cho đồng bào địa phương, mà cả cho đồng bào miền xuôi lên phát triển kinh tế ở miền núi.
5. Các tỉnh và thành phải tăng cường và củng cố các Ty Thủy lợi, các Ban quản trị nông giang, cán bộ thủy lợi huyện.
Các Ban chỉ đạo phong trào thủy lợi hai năm của tỉnh và thành phải có sinh hoạt thường kỳ, báo cáo hàng tháng kết quả công tác về Bộ Thủy lợi và hàng quý về Phủ Thủ tướng.
Bộ Thủy lợi cần tăng cường mọi mặt công tác còn yếu như thiết kế, chỉ đạo tiểu và trung thủy nông, thủy lợi miền núi, quản lý máy thi công và máy bơm nước, sử dụng với mức cao các công trình thủy lợi.
Các ngành có liên quan ở trung ương, căn cứ vào nhiệm vụ đã ghi trong nghị quyết số 197-CP ngày 31-12-1963 của Hội đồng Chính phủ về kế hoạch phát động phong trào làm thủy lợi hai năm, phải có kế hoạch phục vụ trong 6 tháng cuối năm 1964. Kế hoạch ấy phải gửi Phủ Thủ tướng và Bộ Thủy lợi trong tháng 08 năm 1964.
Cuối cùng phải nhấn mạnh sự cần thiết tập trung lực lượng: lực lượng chỉ đạo, lực lượng lao động và lực lượng vật chất ở những nơi, ở những vùng, ở những công trình có tác dụng đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp.
Nhiệm vụ công tác thủy lợi 6 tháng cuối năm 1964 không những phải đảm bảo thực hiện vượt mức kế hoạch năm 1964, mà còn có tính chất quyết định cho việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của phong trào làm thuỷ lợi hai năm, tạo điều kiện đảm bảo hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất nông nghiệp 5 năm lần thứ nhất, Hội đồng Chính phủ mong rằng Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh, các ngành ở trung ương nhận rõ ý nghĩa quan trọng đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình, tăng cường lãnh đạo, ra sức giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân, với tinh thần thi đua mỗi người làm việc bằng hai, đưa phong trào thủy lợi giành được thắng lợi to lớn hơn.
| TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Chỉ thị 72-TTg-NN năm 1964 về đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi hai năm do Hội đồng Chính phủ ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 72-TTg-NN năm 1964 về đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi hai năm do Hội đồng Chính phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Số hiệu | 72-TTg-NN |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phạm Văn Đông |
Ngày ban hành | 1964-07-23 |
Ngày hiệu lực | 1964-08-07 |
Lĩnh vực | Xây dựng |
Tình trạng | Đã hủy |