CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 327-CT | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 1992 |
VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỐNG, ĐỒI NÚI TRỌC, RỪNG, BÃI BỒI VEN BIỂN VÀ MẶT NƯỚC
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Để trong 10 - 15 năm tới, cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ được rừng, và môi trường sinh thái, sử dụng tiềm năng đất trống ở miền núi trung du, bãi bồi ven biển và mặt nước nhằm tăng thêm sản phẩm hàng hoá và nguyên liệu cho công nghiệp; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư, gắn kinh tế với xã hội, từng bước ổn định cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng kinh tế mới, đồng bào các dân tộc, góp phần tích luỹ cho Nhà nước và củng cố quốc phòng, an ninh.
QUYẾT ĐỊNH:
I- CHỦ TRƯƠNG:
Điều 1. Theo phương hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, các cấp, các ngành động viên cao độ sức lực, trí tuệ, tiền của của mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, tham gia các dự án về sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước. Các tỉnh có đất trống, đồi núi trọc xây dựng các dự án, sử dụng hết đất đai của tỉnh mình; những tỉnh không còn đất trống, đồi trọc xây dựng dự án chuyển dân tham gia các dự án ở ngoài tỉnh.
Điều 2. Việc xây dựng các dự án phải phù hợp với khả năng đầu tư của nhân dân và Nhà nước; lấy các dự án ở các vùng biên giới, định canh, định cư làm trọng điểm; ưu tiên thực hiện các dự án mang lại hiệu quả nhanh. Dựa vào các nông lâm trường hiện có kể cả nông, lâm trường quân đội làm nòng cốt; nơi chưa có nông, lâm trường, thì xây dựng các dự án mới với quy mô một xã, một bản. Các dự án về lâm nghiệp, cây công nghiệp, chăn nuôi đều phải hình thành một cơ cấu sản xuất phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các ngành lâm nghiệp, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phát triển sản xuất hàng hoá, gắn công nghiệp chế biến, gắn với thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Kết hợp chặt chẽ phát triển các cây, con chủ lực với cây, con hỗ trợ, cây dài ngày với cây ngắn ngày. Tăng thêm diện tích rừng cấm quốc gia, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; quy định rõ các nơi cấm khai thác, nơi được khai thác gỗ, củi hoặc lâm sản khác.
Điều 3. Lấy hộ gia đình làm đơn vị sản xuất, lấy doanh nghiệp quốc doanh hoặc đơn vị kinh tế tập thể làm chỗ dựa; xây dựng kinh tế vườn đối với hộ gia đình. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các hộ với cộng đồng, với các thành phần kinh tế tập thể quốc doanh trên địa bàn nhằm phát triển mạnh sản xuất, bảo đảm lợi ích của mỗi hộ, đồng thời làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước và tập thể; gắn phát triển kinh tế với mở rộng các phúc lợi xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.
Điều 4. ổn định các bản đã định canh, định cư; đồng thời xây dựng các dự án định canh định cư mới theo quy mô một bản; thực hiện dứt điểm, có hiệu quả việc chuyển đồng bào các bản còn du canh, du cư đốt phá rừng làm rẫy, sang định canh làm nghề rừng, trồng cây công nghiệp, cây lương thực, làm kinh tế vườn và chăn nuôi tạo ra sản phẩm hàng hoá.
Điều 5. Việc xây dựng và thực hiện các dự án sản xuất phải kết hợp ngay từ đầu việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái.
II- CHÍNH SÁCH
A. chính sách giao đất và giao rừng:
Điều 6. Đối với các dự án về trồng các loại rừng: phòng hộ, đặc dụng sản xuất trên đồi núi trọc, bãi cát ven biển và các dự án về bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng các loại, kể cả dự án bảo vệ rừng giàu, tuỳ theo thứ tự ưu tiên, quỹ đất đai, khả năng lao động từng hộ, điều kiện dân cư sinh sống tại chỗ hoặc mới đến và khả năng đầu tư của Nhà nước, khả năng vốn, lao động của các thành phần kinh tế, mỗi hộ (kể cả đồng bào định canh, định cư) được giao hoặc khoán một số diện tích để trồng mới rừng hoặc để bảo vệ, khoanh nuôi và tái sinh rừng. Quy mô mỗi dự án từ 5.000- 10. 000 ha tuỳ theo từng loại dự án, tương ứng một xã hoặc một bản đối với vùng cao để hình thành một đơn vị cơ sở về hành chính - kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, phù hợp khả năng đầu tư của Nhà nước và của nhân dân.
Đối với các dự án thuộc vùng rừng thông lấy nhựa (vừa là rừng, vừa là cây công nghiệp) cần xây dựng mỗi dự án có quy mô tối đa 3.500 ha; mỗi hộ được giao hoặc khoán một số diện tích phù hợp với khả năng lao động, vốn đầu tư để trồng mới hoặc quản lý, bảo vệ, chăm sóc và chuẩn bị khai thác.
Ngoài diện tích đất rừng được giao hoặc khoán nói trên, tuỳ theo quỹ đất nông nghiệp và khả năng lao động mà giao thêm cho mỗi hộ một diện tích đất có khả năng nông nghiệp để trồng cây công nghiệp ngắn ngày hoặc dài ngày, cây lương thực..., trong đó mỗi hộ gia đình được sử dụng tối đa 5.000 m2 đất để làm kinh tế vườn; và một diện tích bãi cỏ chăn nuôi.
Điều 7. Đối với các dự án trồng cây công nghiệp như cao su, dâu tằm, cà-phê, chè, mía, bông, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày quy mô mỗi dự án theo mức dân số một xã mới. Giao cho mỗi hộ để trồng các loại cây nói trên một số diện tích đất phù hợp với khả năng lao động và vốn đầu tư và được sử dụng ổn định, lâu dài trong đó có 3.000 m2 đất làm kinh tế vườn.
Trong những năm trước mắt, các dự án loại này cần dựa vào các nông, lâm trường theo hướng quốc doanh dịch vụ 2 đầu. Nơi đất trống còn nhiều, có thể xây dựng thêm dự án mới, nhưng phải chuẩn bị chu đáo.
Điều 8. Các dự án chuyên về chăn nuôi với quy mô dân số một xã, mỗi hộ được giao đất để trồng cây thức ăn gia súc hoặc bãi cỏ chăn nuôi. Đồng thời, mỗi hộ được giao một số đất sử dụng ổn định, lâu dài để trồng cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, các loại cây lương thực có hiệu quả và làm kinh tế vườn.
Điều 9. Đối với các dự án sử dụng bãi bồi, đất trống ven biển, mặt nước nuôi trồng thuỷ sản có quy mô khoảng 700 ha, ngang mức dân số một xã, mỗi hộ gia đình được giao một số đất để nuôi tôm, cua, rau câu và 700 m2 đất để làm vườn. Nhà nước đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng theo nguyên tắc hoàn vốn bằng khấu hao. Việc xây dựng công trình nội đồng, nuôi trồng thuỷ sản do hộ gia đình đầu tư bằng vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng. Các bãi bồi, mặt nước nhỏ dưới 700 ha do địa phương đầu tư hoặc giao các hộ tự làm.
B. chính sách đầu tư :
Điều 10. Vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho chương trình sử dụng đất trống, đồi trọc bao gồm: vốn ngân sách (đầu tư trồng rừng, bảo vệ rừng, quỹ định canh định cư, xây dựng kinh tế mới), thuế tài nguyên rừng, vốn viện trợ, vốn vay và hợp tác với nước ngoài trong đó, khuyến khích thật mạnh nguồn vốn của các đơn vị kinh tế, của tư nhân... Riêng tiền thuế tài nguyên rừng dành hoàn toàn để hỗ trợ vào đầu tư cho chương trình rừng. Dành khoảng 60% tổng vốn đầu tư để hỗ trợ cho xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở khoa học kỹ thuật, phúc lợi công cộng, trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, vườn giống quốc gia, hỗ trợ di chuyển dân, khai hoang sản xuất trong 6 tháng đầu. Vốn này đầu tư trực tiếp cho các chủ dự án theo phương thức không hoàn vốn. Khoảng 40% vốn còn lại dành cho các hộ gia đình vay theo nguyên tắc không lấy lãi. Việc hoàn trả vốn vay này bắt đầu thực hiện từ khi có sản phẩm; thời gian hoàn trả xong vốn và lãi được quy định thích hợp đối với từng loại cây, con.
Các công trình thuộc các dự án kinh tế mới, không phải thực hiện chính sách tiết kiệm 10% vốn đầu tư. Các Bộ chuyên ngành quản lý dự án được trích từ 5 - 6% tổng số vốn đầu tư dự án để chi cho công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ và quản lý.
Điều 11. Nhà nước khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp, Công ty cổ phần, Công ty và các hộ tư nhân, kể cả liên doanh giữa Công ty hoặc tư nhân với nước ngoài đầu tư vào việc trồng trọt, chăn nuôi ở vùng đất mới; các đơn vị kinh tế này được xét cho sử dụng đất trống, đồi trọc, bãi bồi ven biển, mặt nước phù hợp với quỹ đất ở từng vùng và khả năng đầu tư của từng doanh nghiệp, dưới nhiều hình thức, như đồn điền, trang trại, v.v.. kể cả cho tư nhân liên doanh với nước ngoài.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Từ nay đến năm 2000, hàng năm Nhà nước dành một khoản vốn thoả đáng cho chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Năm 1993 là năm vừa bắt đầu thực hiện, vừa chuẩn bị tích cực cho năm 1994, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần khẳng định sớm mức đầu tư dành cho chương trình này, trình Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội cuối năm 1992.
Điều 13. Giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội nghiên cứu và sớm trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về chính sách trợ cấp tiền di chuyển và lán trại, lương thực để khai hoang 6 tháng đầu nhằm khuyến khích trực tiếp cho hộ di dân, xây dựng vùng kinh tế mới.
Về chính sách giảm, miễn thuế, thực hiện theo luật pháp hiện hành. Bộ Tài chính chuẩn bị những điểm cần sửa đổi, bổ sung để đưa vào dự thảo Luật thuế nông nghiệp sửa đổi trình Hội đồng Bộ trưởng và Quốc hội.
Điều 14. Các cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý trực tiếp thực hiện dự án, làm công tác khuyến nông, chuyển giao công nghệ, được hưởng mức lương có tác dụng khuyến khích rõ rệt, nhất là ở vùng cao; nếu các dự án có hiệu quả thì được thưởng thêm một khoản tiền thoả đáng. Giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì cùng các Bộ hữu quan trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề này.
Việc xét duyệt các dự án phải chặt chẽ, tiết kiệm. Đối với các công trình đã có thiết kế chính thức, nay chỉ nâng cao cấp sửa chữa, công trình giản đơn, do cán bộ kỹ thuật thi công chịu trách nhiệm, không nhất thiết phải thiết kế lại.
Điều 16. Các Bộ: Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải sắp xếp, tuyển chọn Giám đốc, chọn chủ dự án, chuyển đổi một số nông, lâm trường hiện có sang doanh nghiệp quốc doanh dịch vụ theo Nghị định 388-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng xong trong quý I năm 1993 để làm chỗ dựa cho các hộ gia đình sản xuất.
Điều 17. Thẩm quyền xét duyệt các dự án:
- Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng xét duyệt các dự án quy mô lớn, có liên quan đến nhiều tỉnh.
- Các Bộ trưởng chuyên ngành xét duyệt các dự án thuộc phạm vi nông, lâm trường hiện có trực thuộc Bộ và dự án nuôi trồng thuỷ sản có quy mô 700 ha trở lên, thẩm tra có trọng điểm các dự án do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh duyệt.
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét duyệt các dự án trong phạm vi tỉnh và các dự án thuộc phạm vi nông, lâm trường hiện có do tỉnh quản lý, đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với tất cả các dự án trên địa bàn tỉnh.
- Hai trung tâm khoa học quốc gia, Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm thẩm tra phản biện các dự án về mặt khoa học.
Điều 19. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chịu trách nhiệm xây dựng chính sách điều động lao động, dân cư chính sách đối với cán bộ, v.v... và quản lý, phân bổ vốn sự nghiệp kinh tế mới đáp ứng yêu cầu của các loại dự án trên.
Điều 20. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước có liên quan theo trách nhiệm, quyền hạn được giao tuyển chọn cán bộ chuyên trách để phụ trách các dự án thuộc ngành mình, ban hành kịp thời các chính sách, các văn bản hướng dẫn; chỉ đạo cấp dưới và cơ sở thực hiện.
Đồng chí đặc phái viên của Hội đồng Bộ trưởng có trách nhiệm giúp Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong việc phối hợp giữa các ngành, các địa phương, kiểm tra, đôn đốc và đề xuất các biện pháp để thực hiện quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các Quyết định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
File gốc của Quyết định 327-CT năm 1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 327-CT năm 1992 về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 327-CT |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Võ Văn Kiệt |
Ngày ban hành | 1992-09-15 |
Ngày hiệu lực | 1992-09-15 |
Lĩnh vực | Bất động sản |
Tình trạng | Còn hiệu lực |