BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1918/BTP-TGPL | Hà Nội, ngày 10 tháng 6 năm 2022 |
Kính gửi: …………………………………………………………………
Ngày 22/02/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình). Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình như sau:
1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; có giải pháp duy trì các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và khắc phục, hỗ trợ các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hoặc có các tiêu chí, chỉ tiêu đạt kết quả còn hạn chế.
2. Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) với các nhiệm vụ trọng tâm:
a) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Luật PBGDPL và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các nhiệm vụ triển khai công tác PBGDPL theo Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW;
b) Lựa chọn nội dung PBGDPL trên cơ sở bám sát vào nhu cầu của người dân, yêu cầu nhiệm vụ chính trị, pháp lý và tình hình thực tiễn; tập trung PBGDPL gắn với quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; những vấn đề nóng về tình hình thi hành pháp luật đang xảy ra tại địa bàn cơ sở, vấn đề dư luận quan tâm và cần định hướng dư luận; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 407/2022/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”. Nội dung PBGDPL cần gắn với vận động, giáo dục người dân chủ động tìm hiểu, tuân thủ pháp luật;
c) Đổi mới hình thức PBGDPL theo hướng đa dạng hóa, triển khai các hình thức phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; truyền thông trên mạng xã hội; tăng thời lượng và nội dung PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở của địa phương; triển khai các mô hình, cách làm hay, hiệu quả tại cơ sở.
3. Tổ chức thực hiện hiệu quả quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành với các nhiệm vụ trọng tâm: truyền thông về vị trí, ý nghĩa công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức của người dân trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; xây dựng các mô hình hiệu quả trong hòa giải ở cơ sở; huy động, khuyến khích, thu hút lực lượng công an, bộ đội, luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật tham gia đóng góp cho hoạt động này.
4. Rà soát, kiện toàn, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực và kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật, Hòa giải viên ở cơ sở, công chức tư pháp hộ tịch và các công chức thực hiện công tác PBGDPL, đánh giá, công nhân xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản có liên quan với các nội dung như sau:
1. Nâng cao năng lực, kiến thức, hiểu biết điểm hoặc luân phiên theo địa bàn về trợ giúp pháp lý cho những người có uy tín trong cộng đồng và đội ngũ cán bộ ở cơ sở (công an xã, cán bộ tư pháp hộ tịch, ), tổ chức, đoàn thể của cấp xã để kịp thời giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người thuộc diện trợ giúp pháp lý liên hệ với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý/người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương;
2. Tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý của người dân vùng nông thôn nhằm kịp thời tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật: tổ chức các đợt truyền thông trực tiếp điểm hoặc luân phiên theo địa bàn để hướng dẫn người dân vùng nông thôn hiểu biết về trợ giúp pháp lý và tiếp cận trợ giúp pháp lý khi có tranh chấp, vướng mắc pháp luật;
3. Tăng cường thông tin, truyền thông rộng rãi về công tác trợ giúp pháp lý dưới nhiều hình thức tại vùng nông thôn ở các địa phương để nâng cao nhận thức về vai trò của công tác trợ giúp pháp lý nói chung và nhận thức về quyền được trợ giúp pháp lý của người dân vùng nông thôn nói riêng: đa dạng hóa các phương thức truyền thông về trợ giúp pháp lý phù hợp với từng đối tượng, đặc thù địa bàn vùng nông thôn, trình độ dân trí của người dân như: cung cấp các tài liệu về chính sách pháp luật trợ giúp pháp lý cho người dân vùng nông thôn; xây dựng các nội dung truyền thông về trợ giúp pháp lý với nhiều hình thức đa dạng trên các phương tiện thông tin đại chúng cho phù hợp với điều kiện người dân vùng nông thôn;
4. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, thu hút các nguồn lực tham gia vào hoạt động trợ giúp pháp lý tại vùng nông thôn;
5. Tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan, tổ chức hữu quan tại cơ sở ở các địa phương vùng nông thôn để thực hiện có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý;
6. Nghiên cứu để có thể thực hiện phối hợp các hoạt động trợ giúp pháp lý phù hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 nhưng bảo đảm không chồng chéo về đối tượng và nội dung hỗ trợ trên cùng địa bàn.
III. Tổ chức thực hiện
1. Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Bộ Tư pháp có trách nhiệm thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tham mưu đôn đốc thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm phù hợp với Quyết định số 263/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Căn cứ các nội dung hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại văn bản này, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp, các Sở ngành, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các nội dung 04 và 05 thuộc nội dung thành phần số 08 của Chương trình theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp kết quả thực hiện; hằng năm, chủ động cân đối, bố trí kinh phí được ngân sách trung ương giao thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện theo quy định.
Sở Tư pháp xây dựng dự toán kinh phí về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở để trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định và tổ chức triển khai thực hiện trên cơ sở kinh phí được phân bố; chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước xây dựng dự toán kinh phí về trợ giúp pháp lý để trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chủ động triển khai thực hiện nội dung về trợ giúp pháp lý trên cơ sở kinh phí được phân bổ.
Các mức chi được thực hiện theo đúng chế độ chi tiêu tài chính đối với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp theo quy định pháp luật hiện hành, theo hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân sách cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện các nội dung theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 1918/BTP-TGPL năm 2022 thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp ban hành đang được cập nhật.
Công văn 1918/BTP-TGPL năm 2022 thực hiện một số nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 do Bộ Tư pháp ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Số hiệu | 1918/BTP-TGPL |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Mai Lương Khôi |
Ngày ban hành | 2022-06-10 |
Ngày hiệu lực | 2022-06-10 |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
Tình trạng | Còn hiệu lực |