THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******** |
Số: 464-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 1957 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC VÙNG CAO
I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH VÙNG CAO
Vùng cao của miền Bắc nước ta rải rác khắp nơi, nhưng phần nhiều ở dọc biên giới Việt-Trung, Việt-Lào, dài trên 2.900 cây số, nằm trong các căn cứ địa cũ của cách mạng, của kháng chiến; do đó có vị trí rất quan trọng về quốc phòng, chính trị và kinh tế.
Vùng cao có độ 50 vạn người (1/3 dân số vùng dân tộc thiểu số miền Bắc) gồm khoảng 31 dân tộc ở xen kẽ nhau và thường là các dân tộc ít người, quan hệ dân tộc phức tạp, giai cấp chưa phân hóa rõ rệt, trình độ văn hóa còn thấp kém.
Sản xuất ở vùng cao có điều kiện khó khăn; đói rách, bệnh tật nhiều; các dân tộc càng ít người, càng ở các vùng xa xôi hẻo lánh, các vùng cao núi đá lại càng cực khổ hơn. Đời sống của nhân dân vùng cao so với vùng thấp còn nhiều chênh lệch.
Thi hành chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ, từ trước đến nay và nhất là từ sau hòa bình lập lại, ta đã chú ý đến vùng cao, đã làm nhiều công tác và đã đạt nhiều thành tích về các mặt như: đã phá được âm mưu gây phỉ của đế quốc, bước đầu xây dựng cơ sở và bảo vệ biên giới, đã nâng cao được giác ngộ của nhân dân tăng cường đoàn kết dân tộc lên một bước; đã giúp đỡ nhân dân phục hồi sản xuất giải quyết một số khó khăn trước mắt, cải thiện một phần đời sống vật chất và nâng cao một phần trình độ văn hóa của nhân dân; đã bồi dưỡng nhiều phần tử tích cực, cốt cán có tác dụng đối với việc xây dựng cơ sở, lãnh đạo nhân dân; đã chú ý thực hiện dần dần quyền tham chính của các dân tộc vùng cao.
Tuy nhiên hiện nay ở vùng cao cơ sở còn yếu, cán bộ địa phương còn ít và non, trình độ giác ngộ của nhân dân nói chung còn thấp kém, mê tín còn nặng nề, mâu thuẫn dân tộc vẫn tồn tại sâu sắc, đời sống còn thiếu thốn khổ cực. Một vài nơi thổ phỉ vẫn quấy rối, vấn đề “xưng vua đón vua” đã xảy ra ở nhiều nơi trong các vùng cao gây cho nhân dân nhiều thiệt hại.
Nguyên nhân tình hình trên là do bản thân vùng cao có nhiều khó khăn, sự chú ý của ta còn chưa đúng mức, chưa liên tục; mặt khác địch đã và đang hết sức lợi dụng trình độ non kém của nhân dân vùng cao, lợi dụng mâu thuẫn dân tộc, lợi dụng sơ hở của ta để chia rẽ phá hoại.
II. NHIỆM VỤ CÔNG TÁC VÙNG CAO
Tăng cường công tác đối với vùng cao là khâu trọng yếu hiện nay và cả về lâu dài trong toàn bộ công tác dân tộc của Đảng và Chính phủ
Vì vậy, phải chú ý đến quyền lợi các dân tộc ít người, giúp đỡ họ cải thiện đời sống, khắc phục dần tình trạng chênh lệch quá đáng giữa vùng cao và vùng thấp, giúp đỡ họ phát triển mọi mặt để tăng cường đoàn kết dân tộc.
Từ nay về sau trong toàn bộ công tác ở vùng dân tộc, cần phải tăng cường công tác đối với vùng cao: đây là một nhiệm vụ lâu dài, khó khăn, bao gồm nhiều mặt công tác mà nội dung căn bản là thực hiện đúng đắn chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ
1) Ra sức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ của nhân dân:
Nhằm mục đích nâng cao không ngừng trình độ giác ngộ của nhân dân tùy nơi tùy lúc sẽ định nội dung phương châm cụ thể tuyên truyền giáo dục cho thích hợp.
Công tác tuyên truyền giáo dục ở vùng cao có nhiều khó khăn, cần phải linh hoạt vận dụng mọi khả năng, mọi hình thức thích hợp với hoàn cảnh và trình độ quần chúng, phải chú trọng tuyên truyền giáo dục đi đôi với việc làm thực tế dùng nhiều hình ảnh cụ thể dễ hiểu; tùy nơi tùy lúc cần thiết phải chịu tốn kém.
2) Tăng cường đoàn kết dân tộc nội bộ các dân tộc:
Cần hết sức xem trọng đoàn kết dân tộc và đoàn kết nội bộ dân tộc vùng cao vì giữa các dân tộc và trong nội bộ mỗi dân tộc có nhiều vấn đề phức tạp, địch thì ra sức lợi dụng để chia rẽ, phá hoại.
Trên cơ sở tuyên truyền giáo dục, giác ngộ nhân dân, phải chú trọng tích cực giải quyết một cách thỏa đáng những xích mích mâu thuẫn hiện đang trở ngại cho đoàn kết sản xuất, bằng phương pháp bàn bạc, nhân nhượng, tôn trọng lẫn nhau.
Chú trọng tăng cường đoàn kết giữa các họ, các chi nhánh trong một dân tộc.
Mọi mặt công tác phải nhằm đạt đến yêu cầu chung: “Đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, bảo vệ xóm làng, xây dựng đất nước”.
3) Đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân:
Cần nhận rõ chỉ có đẩy mạnh sản xuất mới cải thiện được từng bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; đồng thời mới tạo điều kiện củng cố được cơ sở vùng cao vững chắc.
Đẩy mạnh sản xuất ở vùng cao là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo phương châm: “Lấy sản xuất lương thực làm chính; đồng thời coi trọng chăn nuôi, lâm nghiệp, nghề phụ gia đình; hết sức chú ý công tác mậu dịch và giao thông vận tải để cung ứng hàng hóa, thu mua lâm thổ sản, thúc đẩy sản xuất cải thiện đời sống nhân dân”.
Để đẩy mạnh sản xuất phải chú trọng vận động quần chúng giúp đỡ lẫn nhau, các dân tộc giúp đỡ lẫn nhau, kết hợp với sự giúp đỡ tích cực của Đảng và Chính phủ. Việc giúp đỡ nhân dân phải nhằm thiết thực tăng thêm điều kiện khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, tránh lối cứu tế từng lúc có tính chất nhất thời ban ơn.
Công tác mậu dịch cần được tăng cường. Giá cả cần điều chỉnh theo phương châm “lấy lãi bù lỗ, lấy gần bù xa”, sửa đổi tình hình giá cả chưa được hợp lý hiện nay. Đối với vùng xa xôi hẻo lánh quá, cần có sự chiếu cố hơn thì áp dụng phương châm “tranh thủ lỗ ít, tranh thủ hòa vốn”. Thành lập các Công ty riêng cho các Khu Tự trị, cho các khu, tỉnh có miền núi để thuận tiện cho việc tổ chức kinh doanh.
Cần phải đặc biệt coi trọng giao thông vận tải, nhất là từ vùng thấp lên vùng cao, coi nó là mấu chốt để phát triển công tác mậu dịch.
Chú ý phát triển các công tác giáo dục, văn nghệ, y tế…lên vùng cao và cần quy định những điều chiếu cố thích đánh đối với vùng cao.
Các chính sách thuế, dân công…cần theo phương châm: “Động viên hợp lý và nhằm phục vụ cho lợi ích dân tộc địa phương là chính” mà tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cho thích hợp.
4) Tăng cường công tác trị an, tích cực chống mọi âm mưu hoạt động phá hoại của địch:
Phải thường xuyên đề cao cảnh giác, theo dõi nắm vững tình hình hoạt động của bọn phản động; phát giác và đối phó kịp thời với những âm mưu hoạt động của chúng.
Nơi có những hiện tượng hoạt động phá hoại đang xảy ra như vấn đề “xưng vua, đón vua” cần tích cực giải quyết để ổn định tình hình đảm bảo trật tự an ninh trong nhân dân. Trong khi giải quyết lấy việc giáo dục cán bộ và nhân dân làm chủ yếu. Việc bắt bờ trấn áp phải rất thận trọng và hết sức hạn chế;
5) Ra sức bồi dưỡng và đào tạo cán bộ địa phương:
Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ địa phương là mấu chốt để tăng cường công tác đoàn kết dân tộc. Cán bộ vùng cao của ta hiện quá ít, chất lượng còn non kém. Do đó trong toàn bộ chủ trương kế hoạch đào tạo cán bộ dân tộc, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú ý bồi dưỡng đào tạo nhiều cán bộ vùng cao.
Nơi cần thiết có thể định kinh phí riêng cho việc đào tạo cán bộ vùng cao.
Về mặt đãi ngộ vật chất và tinh thần cần có sự chiếu cố đặc biệt với cán bộ biên giới và cán bộ vùng cao.
6) Xây dựng chính quyền, nắm vững dân quân và công an địa phương:
Các cấp cần chú ý công tác này vì có xây dựng chính quyền được tốt, nắm vững được dân quân và công an địa phương thì mới đảm bảo được việc củng cố cơ sở, giữ vững trị an, lãnh đạo quần chúng.
Các tổ chức trên cần gọn, nhẹ, thích hợp với hoàn cảnh thực tế và trình độ quần chúng.
Trong mọi công tác ở vùng cao cần nắm vững phương châm:
- Kiên nhẫn, thận trọng, chắc chắn;
- Ra sức giúp đỡ nhân dân, hết sức dựa vào nhân dân phát huy mọi khả năng và tinh thần tự lực cánh sinh của nhân dân;
- Mọi công tác đều nhằm tăng cường đoàn kết, đẩy mạnh sản xuất cải thiện đời sống nhân dân.
IV. TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC VÙNG CAO
Để tăng cường việc lãnh đạo công tác ở vùng cao, ngoài việc làm cho cán bộ các ngành các cấp nhận rõ tầm quan trọng của vùng cao, thì về mặt tổ chức cũng cần phải được chấn chỉnh.
Các ngành có liên quan công tác đến vùng dân tộc thiểu số cần phân công cán bộ (trong số cán bộ nghiên cứu công tác dân tộc của ngành mình) theo dõi công tác vùng cao. Các Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, huyện căn cứ vào nhu cầu của địa phương mà lập bộ phận hoặc cử cán bộ chuyên trách công tác vùng cao, do một ủy viên hành chính chỉ đạo. Trong các cuộc họp Hội đồng nhân dân khu tự trị cần làm thời lập ra tiểu ban vùng cao để giúp Hội đồng nhân dân nghiên cứu các vấn đề thuộc vùng cao.
Trên đây là căn cứ vào yêu cầu của tình hình vùng cao, Thủ tướng đề ra những nhiệm vụ, phương châm chung về việc tăng cường công tác đối với vùng cao, Ủy ban Hành chính các khu, tỉnh miền núi, các ngành chuyên môn có liên quan ở trung ương và địa phương cần đối chiếu kiểm điểm lại công tác đang làm xem có những vấn đề gì còn thiếu sót thì bổ khuyết ngay; những vấn đề gì cần thiết phải có chủ trương chính sách mới thì tiến hành nghiên cứu để trình Chính phủ thông qua để ban hành kịp thời. Quá trình tiến hành những việc đó, các ngành liên quan cần liên lạc phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc, Ban Dân tộc có trách nhiệm giúp Thủ tướng phủ theo dõi chung vấn đề này.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
File gốc của Thông tư 464-TTg năm 1957 về việc tăng cường công tác vùng cao do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 464-TTg năm 1957 về việc tăng cường công tác vùng cao do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 464-TTg |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Phan Kế Toại |
Ngày ban hành | 1957-10-09 |
Ngày hiệu lực | 1957-10-24 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |