BỘ VĂN HOÁ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA ******** |
Số: 2067-VH/TC | Hà Nội, ngày 15 tháng 04 năm 1960 |
QUY ĐỊNH TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ VÀ SỰ QUAN HỆ CỦA CÁC CƠ QUAN PHÁT HÀNH SÁCH TỈNH, THÀNH PHỐ
Dựa vào đề án tổ chức biên chế các cơ quan văn hóa địa phương số 404 ngày 05-3-1960 của Bộ Văn hóa.
Căn cứ Quyết định số 501 ngày 30-3-1960 của Bộ Văn hóa về việc đổi tên Sở Phát hành sách trung ương ra Quốc doanh phát hành sách trung ương.
Xét tình hình công tác của ngành phát hành sách hiện nay Bộ quy định cụ thể về nhiệm vụ, tổ chức biên chế và quan hệ các ngành của các cơ quan phát hành sách tỉnh và thành phố như sau:
I. NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN PHÁT HÀNH SÁCH TỈNH VÀ THÀNH PHỐ
Cơ quan phát hành sách địa phương vừa là một cơ quan phục vụ công tác văn hóa vừa là một doanh nghiệp của tỉnh hay thành phố, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở, Ty văn hóa.
Cơ quan phát hành sách địa phương sau khi phân cấp quản lý là một đơn vị kinh doanh hạch toán độc lập hoàn chỉnh có nhiệm vụ:
1. Tổng phát hành các loại sách và văn hóa phẩm của các nhà xuất bản, các cơ quan chính quyền, đoàn thể trong nước (cả Trung ương và địa phương) và sách quốc văn, ngoại văn nhập của nước ngoài (trừ thành phố Hà nội có cơ quan phát hành sách ngoại văn riêng) để đảm bảo yêu cầu phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa thường xuyên và đột xuất.
2. Thực hiện tốt nhiệm vụ của một doanh nghiệp Nhà nước ở địa phương: tổ chức và chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các ngành để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sự nghiệp, kế hoạch kinh doanh tài vụ v .v… chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách chế độ kinh doanh của Chính phủ, của Bộ Văn hóa ban hành.
II. PHẦN TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN PHÁT HÀNH SÁCH TỈNH VÀ THÀNH PHỐ
a) Tên gọi: Các Chi sở phát hành sách tỉnh và thành phố nay thống nhất đều đổi tên là: “Quốc doanh phát hành sách tỉnh hay thành phố”; nếu nơi nào chưa đủ điều kiện chuyển sang hạch toán kinh doanh thì cũng xây dựng chuẩn bị điều kiện để tiến tới thực hiện.
b) Tổ chức: Tổ chức mỗi quốc doanh phát hành sách tỉnh hay thành phố có một chủ nhiệm phụ trách và nếu cần có một phó chủ nhiệm giúp việc (chủ nhiệm và phó chủ nhiệm là do các Sở, Ty văn hóa đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố xét và ra quyết định bổ nhiệm)
Dưới chủ nhiệm thì tùy theo tình hình hoạt động, khối lượng công tác và số lượng cán bộ nhân viên của từng địa phương, nơi nào lớn thì có thể tổ chức làm 2 phòng, nơi nào nhỏ thì chia làm 2 bộ phận, phân công nhiệm vụ như sau:
1. Bộ phận quản lý tài vụ:
Có nhiệm vụ giúp chủ nhiệm lãnh đạo công tác quản lý kinh doanh và công tác hành chính gồm có các cán bộ: kế toán, kho, văn thư, đánh máy.
2. Bộ phận nghiệp vụ:
Có nhiệm vụ giúp chủ nhiệm lãnh đạo công tác nghiệp vụ như: đặt sách, xây dựng bồi dưỡng lực lượng, tuyên truyền quảng cáo v .v… gồm các cán bộ nghiệp vụ: thống kê, bán hành, cung cấp, tuyên truyền huấn luyện cho các huyện và thị xã v .v…
Trường hợp nơi nào có điều kiện thành lập phòng, thì mỗi phòng có một trưởng phòng phụ trách. Nhưng việc thành lập phòng và đề bạt trưởng phòng phải do Sở, Ty văn hóa xét và đề nghị Ủy ban hành chính quyết định.
Đối với các địa phương chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì việc phân công bộ phận là do các chủ nhiệm phân công lấy và báo cáo cho Sở, Ty văn hóa biết.
III. TỔ CHỨC PHÁT HÀNH SÁCH Ở HUYỆN
Bộ có chủ trương về tổ chức phát hành sách ở huyện như sau:
- Mỗi huyện có một cán bộ phát hành sách (thuộc biên chế của quốc doanh phát hành sách tỉnh)
- Mỗi huyện mở một cửa hành quốc doanh lấy tên là: “Hiệu sách Nhân dân” nhưng việc tổ chức thì tùy theo yêu cầu của mỗi địa phương, nơi nào có điều kiện tổ chức trước, nơi nào chưa có điều kiện thì nghiên cứu tổ chức sau.
Những điều kiện để mở hiệu sách Nhân dân là:
- Tùy theo yêu cầu của cán bộ và nhân dân
- Địa điểm nhà cửa
- Đảm bảo kinh doanh
Mỗi huyện có 1 tổ lưu động từ 2 đến 4 người (tổ này hướng theo chế độ hợp đồng hay phụ động như đã quy định trước).
Còn về mặt quan hệ lãnh đạo thì cán bộ phát hành huyện chịu sự lãnh đạo của phòng văn hóa thông tin huyện và phòng văn hóa thông tin chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính huyện. Nhưng đồng thời cũng chịu sự hướng dẫn về mặt nghiệp vụ của Quốc doanh phát hành sách tỉnh hay thành phố về toàn bộ công tác phát hành trong huyện.
Phòng văn hóa thông tin huyện giúp cho huyện ủy và Ủy ban hành chính huyện lãnh đạo về mặt chính trị, tư tưởng và mặt sinh hoạt, hướng dẫn đường lối chính sách trong công tác phát hành.
- Quốc doanh phát hành sách tỉnh phối hợp với huyện để hướng dẫn công tác nghiệp vụ, công tác quản lý kinh doanh (đặt sách, xây dựng lực lượng, thi hành các chế độ kinh doanh, bồi dưỡng nghiệp vụ v .v…)
- Cán bộ phát hành huyện phải xuống xã xây dựng củng cố bồi dưỡng lưới phát hành và cùng bán sách với lực lượng cơ sở, ở huyện nào có cửa hàng sách rồi thì cán bộ phát hành có nhiệm vụ phải giúp đỡ của hàng đó về nghiệp vụ và quản lý.
IV. QUAN HỆ LÃNH ĐẠO NGHIỆP VỤ
Thông tư Liên Bộ Văn hóa, Tài chính và Ngân hàng số 1421-TTLB ngày 28-9-1959 đã quy định nguyên tắc chung như sau:
- Các chi sở và phòng phát hành sách là đơn vị doanh nghiệp của các Sở, Ty văn hóa, Sở, Ty văn hóa chịu trách nhiệm trước Ủy ban hành chính địa phương trực tiếp chỉ đạo các chi sở và phòng phát hành sách về mọi mặt.
- Các chi nhánh Ngân hàng có nhiệm vụ qua công tác tín dụng ngắn hạn góp ý kiến và Giám đốc tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh, tài vụ v .v…
- Các Sở, Ty Tài chính có nhiệm vụ tham gia góp ý kiến xét duyệt kế hoạch tài vụ của chi sở và phòng phát hành sách.
- Sở Phát hành sách trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật phát hành.
Dựa vào những nguyên tắc trên Bộ quy định thêm một số điểm, ngoài những điểm đã có văn bản quy định chính thức:
a) Quan hệ giữa Sở, Ty văn hóa với Quốc doanh phát hành sách tỉnh và thành phố.
Quan hệ giữa Sở, Ty văn hóa với Quốc doanh phát hành sách tỉnh và thành phố như sau:
- Quốc doanh phát hành sách của tỉnh hay thành phố là một đơn vị trực thuộc của các Sở, Ty văn hóa của tỉnh hay thành phố đó. Cho nên kế hoạch hàng năm, từng quý, của Quốc doanh phát hành sách xây dựng xong phải đưa vào kế hoạch chung của Sở, Ty văn hóa báo cáo lên Ủy ban hành chính xét duyệt (kế hoạch thu, chi, vay, Ngân hàng cũng phải báo cáo hoạch thu, chi vay Ngân hàng cũng phải báo cáo cho Sở, Ty văn hóa xét và có sự tham gia ý kiến của các cơ quan tài chính, Ngân hàng trước khi đưa lên Ủy ban duyệt).
- Việc đặt sách thường lệ do Quốc doanh phát hành quyết định, trừ sách giáo khoa và sách phục vụ các cuộc vận động lớn, khi đặt phải có ý kiến của Sở, Ty văn hóa.
- Mỗi khi nhận được chủ trương nghiệp vụ của ngành dọc trước khi thi hành phải xin ý kiến của Sở, Ty văn hóa.
Về mặt tổ chức kinh doanh: các Quốc doanh phát hành sách tỉnh hay thành phố phải chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Sở, Ty văn hóa. Nhưng quốc doanh phát hành sách là đơn vị kinh doanh (hạch toán kinh tế) được Nhà nước cấp vốn, có tư cách pháp nhân trong việc quản lý vốn, giao dịch ký hợp đồng với các đơn vị kinh doanh khác được tổ chức công việc kinh doanh theo kế hoạch và chế độ chung Bộ đã ban hành và được hưởng tiền thưởng xí nghiệp khi hoàn thành kế hoạch.
Sở, Ty văn hóa tham gia ý kiến xây dựng các chỉ tiêu và đôn đốc, giám sát thực hiện.
b) Quan hệ giữa các Sở, Ty Tài chính và chi nhánh Ngân hàng với Quốc doanh phát hành sách tỉnh và thành phố:
- Các cơ quan Tài chính, Ngân hàng có nhiệm vụ tham gia góp ý kiến xét duyệt kế hoạch tài vụ và giám đốc tình hình thực hiện kế hoạch kinh doanh tài vụ của Quốc doanh phát hành sách . Khi được Ủy ban hành chính ủy nhiệm các Sở, Ty Tài chính và chi nhánh Ngân hàng có thể xem xét sổ sách, kho quỹ, xét duyệt dự toán, quyết toán phát hiện lãng phí tham, ô v .v…
Báo cáo về kinh doanh tài vụ, kho tàng hàng kỳ gửi lên cấp trên đồng gửi cho cơ quan Tài chính và Ngân hàng để theo dõi giúp đỡ.
c) Quan hệ giữa Quốc doanh phát hành sách trung ương với Quốc doanh phát hành sách tỉnh hay thành phố.
- Quốc doanh phát hành sách trung ương có nhiệm vụ hướng dẫn Quốc doanh phát hành sách địa phương về nghiệp vụ và kỹ thuật , xây dựng các loại kế hoạch và theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch, tổng hợp tình hình báo cáo lên Bộ, giúp Bộ hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ của ngành từ huyện trở lên. Mỗi khi có chủ trương của Bộ hay địa phương về phục vụ các nhiệm vụ chính trị, Quốc doanh phát hành sách trung ương hướng dẫn các địa phương thi hành, phối hợp với Ty Tài chính và chi nhánh Ngân hàng để giúp đỡ về mặt kinh doanh, nghiên cứu đề nghị với Bộ ban hành các chủ trưởng về nghiệp vụ, các chế độ kế toán và nguyên tắc quản lý kinh doanh thống nhất trong toàn quốc, thay mặt cho các Quốc doanh phát hành sách địa phương ký hợp đồng về kinh doanh với cơ quan trung ương.
- Quốc doanh phát hành sách địa phương phải chấp hành đúng những chủ trương chế độ, nguyên tắc về ngành và kinh doanh như: chế độ đối với các lực lượng phát hành, kế toán, thống kê, đặt sách thanh toán v .v… do Bộ ban hành (các địa phương không được sửa đổi, phải chờ ý kiến của Bộ mới thi hành)
- Báo cáo hàng tháng, quý, năm và bất thường đều phải gửi cho Quốc doanh phát hành sách trung ương đúng mẫu mực và thời gian.
Năm 1959 biên chế của các tỉnh và thành phố vì duyệt chậm và một phần vì nguồn cung cấp cán bộ của địa phương cũng ít, nhất là đối với các tỉnh miền núi, nên các địa phương chuyên tuyển đủ số đã được duyệt, chưa đủ mỗi huyện một cán bộ.
Do yêu cầu tình hình và chủ trương tăng cường công tác phát hành từ huyện xuống xã, dần dần ổn định lực lượng chuyên nghiệp. Năm 1960 Quốc doanh phát hành sách địa phương cần được tăng cường thêm biên chế để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng thời cũng là chuẩn bị điều kiện để thực hiện kế hoạch 5 năm. Nên biên chế năm 1960 cần xác định mấy điểm sau đây:
- Khối lượng công tác phải bảo đảm cụ thể là xét chỉ tiêu kế hoạch năm 1960 tăng so với năm 1959 là bao nhiêu, xét những bộ phận cần thiết phải tăng, còn bộ phận nào có thể sử dụng được các lực lượng xã hội thì không nên tăng.
- Yêu cầu phục vụ chính trị, xét tình hình đặc điểm của địa phương như số huyện, xã trong tỉnh, địa dư, dân số, số lực lượng phải quản lý, khả năng cán bộ của địa phương.
Ngoài những yếu tố trên phải quán triệt chính sách của Đảng, Chính phủ về biên chế lao động tiền lương năm 1960. Sau đây là một số hướng cụ thể:
1. Tăng cán bộ huyện ở những nơi mà năm 1959 chưa được duyệt đủ mỗi huyện một người .
2. Tăng nhân viên bán hành ở các cửa hàng huyện và các quán sách khác (Đối với các cửa hàng quốc doanh huyện theo kế hoạch được duyệt phải là trong biên chế).
3. Tăng nhiên viên kế toán, kho, khối lượng hai loại công việc trên, năm 1960 tăng hơn 1959 nhiều. Do đó, cần tăng biên chế kế toán và kho. (Những nơi tăng thêm một người chưa đủ tiêu chuẩn có thể kiêm thêm việc khác) ví dụ: kho kiêm thêm thống kê, kế hoạch v .v…
4. Ở những tỉnh, thành phố lớn có nhiều cửa hàng cần tăng thêm một người làm tuyên truyền quảng cáo.
(Việc tăng cán bộ cho các cửa hàng nói trên là tùy theo tình hình của mỗi địa phương, không nhất thiết tỉnh nào cũng tăng như nhau có tỉnh cao hơn một ít, có tỉnh thấp hơn một ít, còn các tổ lưu động thì chưa nên đưa vào biên chế, nhân viên hành chính khác vẫn giữ như cũ)
Tỷ lệ tăng cường và hướng tăng như vậy, đối với một số tỉnh có thể chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phát triển, nhưng nếu tăng biên chế nhiều tình hình không cho phép, vả lại có tỉnh không có người để tuyển.
Dựa vào những phương hướng trên căn cứ vào đặc điểm riêng từng tỉnh,Quốc doanh phát hành sách các địa phương sẽ xây dựng biên chế năm 1960 báo cáo với Sở, Ty và đề nghị với Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt.
| BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA |
File gốc của Thông tư 2067-VH/TC năm 1960 quy định tổ chức, nhiệm vụ và sự quan hệ của các cơ quan phát hành sách tỉnh, thành phố do Bộ Văn hoá ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 2067-VH/TC năm 1960 quy định tổ chức, nhiệm vụ và sự quan hệ của các cơ quan phát hành sách tỉnh, thành phố do Bộ Văn hoá ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá |
Số hiệu | 2067-VH/TC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Hoàng Minh Giám |
Ngày ban hành | 1960-04-15 |
Ngày hiệu lực | 1960-04-30 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |