ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 06 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC SINH HOẠT HÈ CHO HỌC SINH NĂM 1992 “HÈ VỀ NGUỒN” .
Hè năm nay diễn ra trong thời điểm toàn thành phố phát động những hoạt động thực hiện Công ước “Quyền trẻ em” của Liên hiệp quốc, thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật giáo dục phổ cập tiểu học và đang tập trung thực hiện chương trình hành động 7 mục tiêu vì trẻ em Việt Nam.
Phát huy thành quả năm 1991, năm nay tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, các đoàn thể quần chúng để chăm sóc các cháu trong hè được tốt hơn, đồng thời quan tâm hướng dẫn gia đình có kế hoạch hè cho con, không để trẻ lang thang trên đường phố. Do đó, Ủy ban nhân dân thành phố phân công trách nhiệm từng ngành và chỉ đạo việc tổ chức hoạt động hè năm 1992 như sau:
I. XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG:
Đối tượng tham gia sinh hoạt hè là các cháu học sinh (phổ thông, phổ cập, lớp học tình thương, các cháu trên địa bàn dân cư trong độ tuổi từ 6 tuổi đến hết tuổi 15).
II. NỘI DUNG VÀ LOẠI HÌNH HOẠT ĐỘNG:
Yêu cầu: Các hoạt động cần tổ chức sao cho nhẹ nhàng, vui tươi và bổ ích hướng theo chủ đề “Về nguồn” để giúp các cháu vui chơi rèn luyện sức khỏe, vừa lao động công ích xã hội, phụ giúp gia đình và ôn tập văn hóa và năng khiếu không để trẻ lang thang ngoài đường phố.
1- Hoạt động vui chơi giải trí:
Vận động hướng dẫn đông đảo các em tham gia các loại hình sinh hoạt như: Hội khỏe Phù Đổng, các trò chơi dân gian, dã ngoại, tập luyện văn nghệ, các bài hát dân ca, sinh hoạt Đội, nhóm hoặc có kế hoạch về thăm quê.
2- Hoạt động lao động:
Lao động phụ giúp gia đình, lao động công ích xã hội: làm sạch đẹp đường phố, xóm ấp, vệ sinh cống rãnh, tổ chức đi thăm chăm sóc các em mồ côi, khuyết tật. Tìm địa chỉ văn hóa thành phố, giúp gia đình nghèo khó khăn, neo đơn, giúp bạn vượt khó...
3- Hoạt động học tập:
Tham gia học các lớp năng khiếu, tích cực ôn tập văn hóa theo các đội, nhóm, trường lớp và gia đình...
III. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG:
Tùy theo chức năng của từng đơn vị, các ngành, các cấp đề ra kế hoạch hoạt động cụ thể nhằm thu hút và hướng dẫn đông đảo các cháu tham gia sinh hoạt hè tùy từng hoàn cảnh của từng em vẫn đảm bảo tự nguyện có định hướng tránh hình thức gò bó, ép buộc. Tùy điều kiện từng nơi mà tổ chức các loại hình phù hợp nhằm thu hút đông đảo các cháu tham gia. Lưu ý hướng dẫn gia đình quan tâm, sắp xếp kế hoạch hè cho con.
IV. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO:
Ban Thường trực Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các cấp là Ban chỉ đạo sinh hoạt hè, đồng chí Phó Chủ tịch Văn xã là Trưởng ban, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em là Phó ban Thường trực, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Đội, Phó ban hoạt động ; các ngành khác là thành viên như: Văn hóa thông tin, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, công an và các đoàn thể Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Chữ thập đỏ...
V. PHÂN CÔNG:
1- Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em:
Phó ban thường trực hè, cử cán bộ tham gia chuyên trách hè, vận động, kiểm tra, phối hợp các ngành thực hiện kế hoạch hè.
2- Đoàn Thanh niên:
Phó ban hoạt động, cử cán bộ tham gia hè, bồi dưỡng cán bộ phụ trách Đội, các nhà thiếu nhi, các trung tâm mở rộng các loại hình hoạt động, tổ chức các hoạt động như: tuyên truyền hoạt động năng khiếu ở các đội, nhóm phát động các em hưởng ứng đợt thi “Trẻ em với quyền trẻ em”. Hướng dẫn trẻ em hát dân ca, tổ chức sinh hoạt dã ngoại tìm địa chỉ văn hóa thành phố, trại “Bút sáng miền Tây”.
3- Ngành Giáo dục:
Phát động học sinh tham gia cuộc thi “Trẻ em với quyền trẻ em” tổ chức các lớp dạy thêm, phụ đạo cho học sinh yếu phải thi lại, mở cửa các trường dành sân trường, thư viện cho các cháu sinh hoạt.
4- Ngành Thể dục thể thao:
Đẩy mạnh hoạt động thể dục thể thao tại các trung tâm, câu lạc bộ, lớp năng khiếu, cấp cơ sở, quận huyện tổ chức hội thi một số trò chơi dân gian cấp thành phố.
5- Ngành Văn hóa thông tin:
Khai mạc sinh hoạt hè, Công ty Tổ chức biểu diễn thành phố tổ chức “Tuần lễ văn hóa thiếu nhi” miễn phí tại một rạp, Đoàn múa rối thành phố và 10 đội của quận, huyện có kế hoạch phục vụ các cháu, nhất là các nơi vùng xa ngoại thành, các rạp chiếu bóng giảm 50% giá vé vào sáng thứ năm và chủ nhật hàng tuần, tổ chức hội diễn văn nghệ thiếu nhi.
6- Sở Giao thông công chánh:
Các công viên và những nơi tổ chức vui chơi giải trí miễn phí vé vào cửa cho các cháu vào vui chơi, sinh hoạt, tham quan, cắm trại (đi tập thể, có giấy giới thiệu của Ban chỉ đạo hè quận, huyện, phường, xã và thành phố).
7- Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ:
Tăng cường công tác BVCSGD con em trong gia đình, động viên và hướng dẫn gia đình có kế hoạch hè và tạo điều kiện cho các cháu tham gia sinh hoạt hè hoặc về quê... tổ chức cho các cháu thiếu niên nữ tìm hiểu về “Tứ đức mới”, tâm lý tuổi dậy thì phối hợp với y tế, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em tổ chức tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em để ý thức việc tiêm chủng 6 loại bệnh cho trẻ.
8- Đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố:
Tổ chức trại hè cho 1.500 cháu học sinh giỏi tại nhà nghỉ Thanh Đa, chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận, huyện, cơ quan, xí nghiệp, công ty... chăm lo hè cho con em cán bộ công nhân viên.
9- Đề nghị Hội làm vườn:
Tiếp tục chương trình V.A.C dinh dưỡng trong từng gia đình. Giúp đỡ, hỗ trợ các nhà trẻ, mẫu giáo bán trú, trường phổ thông ở ngoại thành và quận ven trồng cây, chăn nuôi, tạo thêm nguồn thực phẩm và giáo dục ý thức lao động cho các cháu.
10- Công an:
Có kế hoạch chăm sóc các cháu trên địa bàn dân cư nhất là các cháu chưa ngoan, tổ chức tìm hiểu luật lệ giao thông, trật tự đô thị.
11- Chữ thập đỏ và ngành Y tế:
Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho các cháu ở những vùng xa, khó khăn.
Phát động phong trào rộng khắp, vệ sinh xóm ấp, khu phố, cống rãnh môi trường...
Tổ chức tìm hiểu và hội thi sơ cấp cứu, tổ chức đợt tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em rộng rãi đến khu phố, xóm ấp đến từng hộ gia đình.
12- Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện, nhân dân có lòng hảo tâm ủng hộ kinh phí và tạo cơ sở vật chất cho trẻ em sinh hoạt hè, các Hội phụ lão, câu lạc bộ ông bà và trẻ thơ, mở rộng nhiều hình thức hoạt động chăm sóc giáo dục các cháu trong dịp hè.
VI. KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG HÈ:
Sở Tài chánh có văn bản hướng dẫn Phòng Tài chánh quận, huyện cấp kinh phí hoạt động hè tối thiểu 100 đ/1 cháu/tháng theo tổng số học sinh trong 3 tháng hè.
Các ngành thành phố có nhiệm vụ phục vụ sinh hoạt hè cho học sinh có dự trù kinh phí riêng từ đầu năm, Sở Tài chánh cấp chung kinh phí hoạt động của ngành.
VII. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:
Sau khi đã triển khai kế hoạch hè của ngành đến cơ sở, chuẩn bị cán bộ hướng dẫn, cán bộ phụ trách trong tháng 5/1992:
- 1/6/1992: Khai mạc sinh hoạt hè.
- Cuối tháng 6/1992: Kiểm tra bước đầu thực hiện kế hoạch hè.
- Tháng 7 và 8/1992: Hoạt động hè.
- Cuối tháng 8/1992: Kiểm tra hoạt động hè.
- Đầu tháng 9/1992: Tổng kết hè thành phố./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 24/CT-UB về việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh năm 1992 “hè về nguồn” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 24/CT-UB về việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh năm 1992 “hè về nguồn” do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 24/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Trang Văn Quý |
Ngày ban hành | 1992-06-04 |
Ngày hiệu lực | 1992-06-04 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |