ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 05 năm 1993 |
CHỈ THỊ
VỀ PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM – MA TÚY VÀ NGĂN CHẶN SIDA Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
Trong những năm qua ở thành phố, các ngành, các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vận động nhân dân thực hiện liên tục công tác phòng chống, bài trừ các tệ nạn xã hội nhất là tệ nạn ma túy, mại dâm, nhưng nhìn chung kết quả đạt được còn hạn chế.
Các năm gần đây tình hình mại dâm – ma túy phát triển mạnh. Đây là nguy cơ làm bùng nổ Sida ở thành phố, trở thành căn bệnh xã hội trầm trọng, đang là nổi lo của tất cả các cấp Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, đòi hỏi toàn xã hội phải tập trung giải quyết.
Căn cứ Nghị định số 16/CP ngày 18 tháng 12 năm 1992 của Chính phủ quy định một số vấn đề về phòng chống nhiễm HIV và SIDA; Nghị quyết số 05/CP ngày 29 tháng 1 năm 1993 của Chính phủ về tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy và chỉ thị số 16/CT-TW ngày 7 tháng 4 năm 1993 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lãnh đạo thực hiện chủ trương, chống tệ nạn mại dâm và ma túy; Nghị quyết của Thành ủy về phòng chống mại dâm, ma túy và bệnh SIDA.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 02/CT-UB ngày 4 tháng 1 năm 1993 của Ủy ban nhân dân thành phố, kiên quyết ngăn chặn và giảm tối đa – nhất là dịch bệnh SIDA, tệ nạn mại dâm và ma túy, nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương nêu trên của Đảng và Chính phủ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:
A. MỤC TIÊU. YÊU CẦU TỪ NGAY ĐẾN NĂM 1995:
1- Triển khai các biện pháp quản lý, giáo dục cải tạo toàn bộ số chủ chứa mãi dâm, ma túy hiện có tại thành phố.
2- Đưa tất cả số người là gái mại dâm chuyên nghiệp, người nghiện ma túy nặng vào trị bệnh và lao động, học nghề tại các cơ sở của ngành Lao động – Thương binh xã hội; số còn lại giao phường, xã tổ chức giáo dục, giúp tìm việc làm tại chổ theo địa bàn dân cư.
3- Ngăn chặn và loại trừ tệ nạn mại dâm, ma túy hoạt động ở các tụ điểm công cộng, loại trừ tệ mại dâm trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, hàng quán đèn mờ trá hình.
4- Ngăn chặn và làm giảm tối đa tình hình lây nhiễm HIV/ SIDA ở thành phố.
B. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
- Phải kết hợp và dựa vào thực hiện chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, truy quét tội phạm hình sự, lập lại trật tự quản lý đô thị.
- Phải kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn với biện pháp xử lý hành chánh, xử lý theo pháp luật, nhằm hạn chế tối đa các tệ nạn xã hội phát sinh, phát triển.
- Hành động đồng bộ có chỉ huy thống nhất (lập Ban chỉ đạo từ thành phố đến quận huyện và phường xã).
C.TỔ CHỨC VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN CÁC MẶT CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG TỆ NẠN XÃ HỘI NHƯ SAU:
1- Công tác thông tin, giáo dục truyền thông:
Tuyên truyền giáo dục rộng rãi về tác hại của tệ nạn mãi dâm, ma túy làm cho mọi người dân thấy rõ tệ nạn này là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa SIDA, để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và tích cực tham gia giải quyết, loại trừ các tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Ủy ban nhân dân thành phố giao:
- Sở Văn hóa thông tin chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan (Sở Lao động – Thương binh xã hội, Sở Y tế, Ban Khoa học xã hội, các đoàn thể nhân dân…) biên soạn nội dung tuyên truyền và kế hoạch tuyên truyền giáo dục rộng rãi trong cán bộ, nhân dân chống các tệ nạn mại dâm, ma túy, SIDA.
Cần sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền lưu động, phát hành tài liệu để sinh hoạt trong tổ dân phố, tổ nhân dân, trong cơ quan, xí nghiệp; tổ chức các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, dựng panô, áp phích ở các khu vực công cộng. Công tác tuyên truyền phải làm thường xuyên, liên tục.
Các phương tiện truyền thông đại chúng (báo, đài) của thành phố có trách nhiệm dành chương mục riêng đăng bài, hàng tuần với các loại đa dạng để tuyên truyền tác hại củabệnh SIDA và công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy.
- Giao Sở Giáo dục đào tạo chủ trì cùng các ngành chức năng nghiên cứu nội dung giáo dục trong nhà trường về phòng chống bệnh SIDA, tệ nạn mại dâm, ma túy.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội có biện pháp tuyên truyền giáo dục hội viên về tác hại của bệnh SIDA và tệ nạn mại dâm, ma túy. Vận động xây dựng lối sống lành mạnh, có văn hóa; động viên các tầng lớp nhân dân đấu tranh ngăn chặn và xóa bỏ các loại tệ nạn này.
- Ủy ban nhân dân các phường xã hướng dẫn các tổ dân phố, tổ nhân dân thông quan các cuộc họp Tổ, phổ biến tình hình, tác hại của SIDA, của tệ nạn mại dâm, ma túy để nhân dân phòng ngừa và ngăn chặn.
2- Công tác điều tra nắm đối tượng:
- Giao Sở Lao động – Thương binh xã hội chủ trì phối hợp cùng với Công an thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường xã phối hợp với Công an Phường xã tổ chức điều tra nắm tình hình và danh sách cụ thể từng đối tượng: mua – bán dâm và ma túy. Chủ chứa mại dâm, người tàng trữ ma túy trong phường xã để báo cáo lên Ban chỉ đạo quận huyện và Ban chỉ đạo thành phố.
- Sở Kinh tế đối ngoại, Sở Thương nghiệp, Sở Văn hóa Thông tin, Công ty Du lịch thành phố phối hợp kiểm tra chấn chỉnh hoạt động các vũ trường, khách sạn, nhà hàng. Nơi nào có biểu hiện hoạt động mại dâm, phải xử lý nghiêm minh, truy cứu trách nhiệm hình sự những chủ chứa, người chuyên nghề dắt mối và người sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
3- Công tác truy quét thu gom, phân loại và xử lý:
- Công an thành phố tổ chức điều tra truy quét và xử lý theo pháp luật đối với bọn sản xuất, mua – bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; chủ chứa và người môi giới mại dâm, ma túy (truy cứu trách nhiệm hình sự, hoặc tập trung cải tạo, cưỡng bức lao động, cưỡng bức cư trú theo luật định).
- Công an thành phố phối hợp với ngành Lao động – Thương binh xã hội và chính quyền quận, huyện, phường xã tổ chức truy quét, thu gom những người hành nghề mại dâm, tiêm chích xì ke ma túy để xem xét và xử lý như sau:
a) Số gái mại dâm chuyên nghiệp, số nghiện ma túy nặng đưa vào cơ sở của ngành Lao động – Thương binh xã hội để chữa trị giáo dục và dạy nghề.
b) Những người mới hành nghề mại dâm (bán chuyên nghiệp), người mới tiêm chích ma túy chưa nghiện nặng thì giao phường xã phê bình, giáo dục. Bản thân phải làm cam kết, gia đình bảo lãnh, đoàn thể quần chúng cùng tổ cân phố quản lý, giáo dục. Nếu đối tượng có khó khăn trong cuộc sống thì chính quyền địa phương trợ vốn làm kinh tế gia đình theo chương trình xóa đói giảm nghèo của địa phương hoặc giúp đỡ giải quyết việc làm.
4- Giao cho Sở Y tế:
- Tổ chức thực hiện biện pháp chuyên môn về xử lý nhiễm HIV/ SIDA (theo quyết định 265 của Bộ Y tế), kiểm tra quản lý khu vực y tế tư nhân, thực hiện nghiêm ngặt các quy định khử trùng, vô trùng các dụng cụ y tế.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền giáo dục về phòng chống lây nhiễm HIV/ SIDA.
- Cùng Sở Lao động – Thương binh xã hội và các ngành liên quan tổ chức việc quản lý và giám sát, tham vấn, chữa trị số bị nhiễm HIV/SIDA.
5- Sở Lao động – Thương binh xã hội tổ chức thực hiện việc mở rộng, xây dựng Trường – Trại chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng tệ nạn xã hội (mại dâm – ma túy). Thành lập khu vực cư trú bắt buộc hoặc cưỡng bức lao động đối với chủ chứa mại dâm – ma túy.
6- Sở Tài chánh giải quyết kinh phí năm 1993 và các năm sau cho việc tổ chức thực hiện chương trình phòng chống SIDA, tệ nạn mại dâm – ma túy thành phố.
7- Thành lập Ban Chỉ đạo bài trừ tệ nạn xã hội thành phố (trọng tâm là phòng chống bệnh SIDA – tệ nạn mại dâm – ma túy) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban; các thành viên gồm Giám đốc Sở Lao động – Thương binh xã hội, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Tài chánh, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo, Giám đốc Công ty Du lịch thành phố, Bí thư Thành đoàn TNCS, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ để giúp Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức thực hiện chỉ thị này.
Ở quận, huyện, phường xã cũng thành lập Ban chỉ đạo bài trừ tệ nạn xã hội, thành viên, nhiệm vụ tương tự như ở cấp thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố giao Giám đốc Sở Lao động – Thương binh xã hội phối hợp Công an thành phố, Sở Y tế có kế hoạch hướng dẫn thực hiện chỉ thị này.
| T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
File gốc của Chỉ thị 23/CT-UB năm 1993 về phòng chống tệ nạn mại dâm – ma túy và ngăn chặn sida ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 23/CT-UB năm 1993 về phòng chống tệ nạn mại dâm – ma túy và ngăn chặn sida ở thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Số hiệu | 23/CT-UB |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Trương Tấn Sang |
Ngày ban hành | 1993-05-11 |
Ngày hiệu lực | 1993-05-11 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Hết hiệu lực |