CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | |
Số: 14-CT | Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1986 |
CHỈ THỊ
VỀ CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỨU TẾ XÃ HỘI VÀ TỆ NẠN XÃ HỘI Đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội là một bộ phận quan trọng của cuộc cách mạng văn hoá và tư tưởng.Trong thời gian qua, một số ngành, một số địa phương dã đạt được một số kết quả bước đầu trong việc bài trừ các tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, gần đây tình hình tệ nạn xã hội vẫn có chiều hướng tăng lên, nhất là ở các thành phố lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đầy đủ đến công tác này, chưa có những biện pháp kiên quyết và đồng bộ.
Để khắc phục tình hình trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các ngành, các cấp phải làm tốt các việc sau đây:
1. Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương phải nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc quản lý xã hội và đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội ở địa phương, tăng cường lãnh đạo và có chương trình hành động, có những biện pháp thích hợp, đồng bộ; cấp kinh phí, vật tư, phương tiện vật chất cần thiết; tổ chức, chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh, thành phố đến cơ sở.
2. Bộ Thương binh và Xã hội cần hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương tổ chức chấn chỉnh các cơ sở cứu tế xã hội sẵn có của địa phương hoặc thành lập thêm các cơ sở mới để tiếp nhận hết số người lang thang xin ăn thuộc diện cứu tế xã hội và để quản lý, giáo dục, tổ chức họ lao động, tạo điều kiện cho họ trở lại cuộc sống bình thường theo đúng chính sách nhân đạo của Nhà nước.
3. Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương củng cố và mở rộng các bệnh viện tâm thần, các khoa tâm thần ở các bệnh viện đa khoa, các khu chữa bệnh cho những người bị phong, để thu nhận và điều trị cho những người bị bệnh nói trên, không để họ sống lang thang, gây ảnh hưởng không tốt về vệ sinh môi trường và trật tự xã hội.
4. Các Bộ Lao động, Nội thương, Giáo dục, Tổng cục Dạy nghề và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có kế hoạch phối hợp mở rộng các trường vừa học, vừa làm; phát triển rộng rãi các trường lớp dạy nghề sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công, mỹ nghệ, dịch vụ, nhằm tiếp nhận con em cán bộ, nhân dân lao động đã thôi học, nhưng chưa có việc làm, vừa để họ có thu nhập bảo đảm đời sống, vừa giúp vào việc giáo dục và quản lý thanh niên, thiếu niên.
5. Bộ Văn hoá cần hướng dẫn kế hoạch, nội dung và hình thức thích hợp, có hiệu quả đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội và mê tín dị đoan, xây dựng các mô hình về nếp sống mới như ăn; ở, sinh hoạt, giao tiếp, cưới xin, ma chay... theo nếp sống văn minh; phối hợp với ngành công an kiểm tra và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với những cơ quan, tập thể và cá nhân sản xuất, sử dụng, buôn bán truyền bá các văn hoá phẩm đồi truỵ, phản động.
6. Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục kết hợp với Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cải tiến nội dung, phương pháp giáo dục và tăng cường chỉ đạo để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, đạo đức trong các trường học, phối hợp với Bộ Nội vụ có kế hoạch thực hiện giảng dạy ngoại khoá ở các trường phổ thông các môn luật lệ về trật tự giao thông, trật tự công cộng, nếp sống xã hội chủ nghĩa.
7. Bộ Nội vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương phát hiện và xử lý kịp thời những đối tượng có hành động vi phạm pháp luật như:
- Lập hồ sơ đưa ra truy tố hoặc bắt tập trung cải tạo đối với những tên chủ chứa hoặc chuyên nghề môi giới gái điếm, cờ bạc, buôn bán thuốc phiện, ma tuý; những tên chuyên nghề bói toán, mê tín, dị đoan đã được giáo dục mà vẫn lén lút hành nghề gây hậu quả nghiêm trọng.
- Đưa đi tập trung cải tạo, hoặc lao động bắt buộc đối với những người có sức lao động mà không chịu lao động, chuyên sống lang thang, làm những việc bất chính; bọn đầu cơ buôn lậu, lưu manh côn đồ, gái điếm chuyên nghiệp, những tên chuyên đánh bạc, nghiện hút.
Đối với những tên tuy tội trạng chưa đến mức nghiêm trọng đáng đưa đi tập trung cải tạo hoặc lao động bắt buộc, thì công an địa phương phải phối hợp với các đoàn thể, với các cơ quan khác có liên quan và gia đình họ để giáo dục, giúp họ tự cải tạo và bố trí cho họ có công ăn việc làm thích hợp.
8. Bộ Tài chính hàng năm cần chú ý dành số kinh phí cần thiết để bảo đảm giải quyết tốt các vấn đề cứu tế xã hội và tệ nạn xã hội, cấp phát kịp thời cho các Bộ, các ngành, các địa phương.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Y tế quy định các tiêu chuẩn về tiền ăn, lương thực, thuốc men, đồ dùng cho các người ở trong các cơ quan nuôi dưỡng, chữa bệnh, giáo dục, cải tạo, về tệ nạn xã hội.
9. Yêu cầu Tổng Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có kế hoạch tổ chức sinh hoạt văn hoá, thể thao, thể dục, vui chơi lành mạnh cho thanh niên, thiếu niên ở cơ sở và tăng cường giáo dục cán bộ, công nhân viên chức tích cực đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, vệ sinh, trật tự.
Nhận được chỉ thị này, các ngành, các cấp, các đoàn thể tổ chức phổ biến nhằm quán triệt tới cơ sở và có kế hoạch thực hiện cụ thể để bảo đảm thu kết quả tốt, tạo ra chuyển biến có ý nghĩa trong việc giải quyết các tệ nạn xã hội.
Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng cùng với Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp thực hiện Chỉ thị này.
| Đỗ Mười (Đã ký)
|
File gốc của Chỉ thị 14-CT năm 1986 về các biện pháp giải quyết vấn đề cứu tế xã hội và tệ nạn xã hội do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 14-CT năm 1986 về các biện pháp giải quyết vấn đề cứu tế xã hội và tệ nạn xã hội do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng |
Số hiệu | 14-CT |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Đỗ Mười |
Ngày ban hành | 1986-01-16 |
Ngày hiệu lực | 1986-01-31 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |