THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 117-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 1963 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC BẢO VỆ VÀ QUẢN LÝ NHỮNG SÁCH VÀ TÀI LIỆU VĂN HOÁ BẰNG CHỮ HÁN, CHỮ NÔM
Việc bảo vệ những sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm là một công tác quan trọng, góp phần xây dựng nền văn hoá dân tộc của ta. Ngày 29 tháng 10 năm 1957, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 519/TT về việc bảo vệ những di tích và di vật lịch sử; ngày 31 tháng 12 năm 1962, Bộ Văn hoá đã ra Thông tư số 1136/VH- TT hướng dẫn các cơ quan có trách nhiệm về việc quản lý các sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm.
Ở một số nơi đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân đã phát hiện được nhiều sách và tài liệu có giá trị. Ở Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, nhiều người đã tặng hoặc cho Nhà nước mượn để sao chép những tài liệu rất quý. Có gia đình đã tặng hàng nghìn cổ thư chữ Hán, chữ Nôm. Tuy vậy, những hiện tượng nói trên còn ít, nhiều nơi chưa làm tốt, thậm chí chưa chú ý làm công tác này. Các cơ quan có trách nhiệm chưa nắm được những sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm có giá trị nằm trong nhân dân. Hiện nay vẫn còn những hiện tượng phổ biến và nghiêm trọng như huỷ hoại, để mục nát hoặc dùng những sách và tài liệu ấy làm nguyên liệu làm giấy, bồi tranh, bồi quạt ... Nếu cứ để tình hình đó kéo dài thì chẳng bao lâu nhiều sách và tài liệu văn hoá quý bằng chữ Hán, chữ Nôm sẽ mất rất nhiều.
Vì vậy, Phủ thủ tướng yêu cầu các Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố với sự góp sức của cơ quan văn hoá thông tin xúc tiến gấp công tác quản lý các sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm. Nội dung công tác này gồm những việc sau đây:
1- Cần làm cho cán bộ và nhân dân nhận rõ:
a) Công tác bảo vệ sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm tiến hành theo nguyên tắc Nhà nước bảo quản kết hợp với nhân dân bảo quản. Nhà nước sẽ tập trung và bảo quản một số loại sách và tài liệu tại các thư viện và nhà bảo tàng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu. Số còn lại nằm trong nhân dân do nhân dân bảo quản. Các Ty, Sở văn hoá - thông tin sẽ giúp nhân dân hiểu rõ giá trị của từng thứ và hướng dẫn cách bảo quản. Nhân dân có nhiệm vụ cho Nhà nước biết những thứ mình còn giữ được đối với những sách và tài liệu có giá trị, cần giữ gìn cẩn thận, không để hư hỏng mất mát, và sẵn sàng cho Nhà nước mượn để nghiên cứu hoặc sao chép khi cần thiết.
b) Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu của người có sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm.
Đối với những sách và tài liệu của tư nhân mà Nhà nước xét cần tập trung để bảo quản thì cơ quan văn hoá sẽ thương lượng với ngưòi có những thứ ấy vui lòng giao cho Nhà nước một giá thoả đáng. Những người tặng sách hoặc tài liệu quý cho Nhà nước sẽ được ghi tên vào một sổ vàng của thư viện hay của nhà bảo tàng. Nếu người có sách hoặc tài liệu muốn giữ những thứ ấy để dùng hoặc làm kỷ niệm thì Nhà nước chỉ mượn để sao chép hoặc chụp phim.
Nếu là sách hoặc tài liệu thuộc quyền sở hữu công cộng (như các thần phả, địa bạ, địa chí ...) hoặc thuộc các đoàn thể đã giải tán thì những ngưòi giữ những thứ ấy có nhiệm vụ giao cho các thư viện hoặc nhà bảo tàng của Nhà nước bảo quản khi Bộ Văn hoá hoặc Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố yêu cầu.
2- Các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố cần có biện pháp thích hợp để quản lý việc mùa bán và sử dụng những sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm. Cần chú trọng tuyên truyền giải thích đối với những người làm nghề thu mùa giấy cũ và những công nhân, thợ thủ công làm các nghề sản xuất giấy bản, giấy bồi, đồ mã, quạt ... để những người này cũng có ý thức bảo vệ tài liệu văn hoá cũ; nếu trong những giấy cũ mua được có những sách và tài liệu bằng chữ Hán, chữ Nôm, thì họ có nhiệm vụ báo ngay cho chính quyền địa phưong biết để lập tức phái người đến lựa chọn những thứ cần phải giữ. Nhà nước sẽ mua lại những thứ cần phải giữ đó và bồi hoàn mọi chi phí. Các cơ quan chính quyền cần tránh không để nhân dân phải chờ đợi lâu ngày, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của ngưòi sản xuất.
3- Bộ Văn hoá có trách nhiệm chỉ đạo các Uỷ ban hành chính tỉnh, thành phố làm tốt công việc này với sự cộng tác của Viện Sử học và Thư viện khoa học Nhà nước.
Để làm công việc này, các uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố sẽ sử dụng bộ máy của các cơ sở và Ty Văn hoá - thông tin và dựa vào sự giúp sức của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và Liên hiệp hợp tác xã tiểu thủ công, đồng thời trong phạm vi và thời gian cần thiết, có thể tuyển dụng tạm thời người biết chữ hán, chữ Nôm để giúp việc. Về kinh phí phải dành cho công việc này số tiền thật cần thiết.
Căn cứ chỉ thị này và thông tư giải thích của Bộ Văn hoá, Uỷ ban hành chính các tỉnh và thành phố cần có kế hoạch cụ thể hướng dẫn và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thi hành trong một thời gian nhất định. Sau khi đã liệt kê được những sách và tài liệu chữ Hán, chữ Nôm mà Nhà nước cần quản lý, thì các Ty, Sở Văn hoá - thông tin sẽ phụ trách việc quản lý thường xuyên dưới sự lãnh đạo của Bộ Văn hoá và Uỷ ban hành chính tỉnh và thành phố.
| Phạm Văn Đồng (Đã ký) |
File gốc của Chỉ thị 117-TTg năm 1963 về việc bảo vệ và quản lý những sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm do Thủ tướng Chính ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 117-TTg năm 1963 về việc bảo vệ và quản lý những sách và tài liệu văn hoá bằng chữ Hán, chữ Nôm do Thủ tướng Chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Số hiệu | 117-TTg |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Phạm Văn Đông |
Ngày ban hành | 1963-12-13 |
Ngày hiệu lực | 1963-12-28 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Đã hủy |