BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 08-CT/TW | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1992 |
CHỈ THỊ
CỦA VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO VÀ QUẢN LÝ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BÁO CHÍ, XUẤT BẢN
Trong thời kỳ đổi mới, sách báo ở nước ta có những tiến bộ rõ rệt.
Báo chí (bao gồm báo viết, báo nói, báo hình) đã thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, nhiều chiều theo định hướng chính trị của Đảng, đã phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đồng thời phản ánh nguyện vọng chính đáng và ý kiến xây dựng của nhân dân. Báo chí đã giới thiệu những nhân tố tích cực, khẳng định những thành tựu đổi mới và con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn, chống những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, buôn lậu, những hành vi ức hiếp nhân dân, phê phán những quan điểm sai trái, chống những luận điệu thù địch.
Công tác xuất bản sách đã đáp ứng một phần nhu cầu nhiều mặt trong đời sống tinh thần, góp phần làm sáng tỏ và tuyên truyền lý luận về chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới, nâng cao dân trí, đã quan tâm hơn đến các sách phục vụ học tập, sách chính trị, xã hội, các sách khoa học kỹ thuật, quản lý kinh tế.
Phần lớn cơ quan báo chí, xuất bản đã khắc phục một bước tình trạng bao cấp tràn lan, đi vào hạch toán, cố gắng tiếp cận bạn đọc, cải tiến hình thức và nội dung. Phương tiện in ấn được tăng cường, có tiến bộ nhanh về kỹ thuật.
Song, bên cạnh những ưu điểm cơ bản nói trên, công tác báo chí, xuất bản còn nhiều khuyết điểm, nhược điểm trong đó có những khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài.
Báo, đài còn nặng phê phán mặt tiêu cực, chưa tuyên truyền đúng mức cho những nhân tố mới, nhiều bài viết về nhân tố mới chưa sâu sắc, thiếu sức thuyết phục; một số sự việc nêu lên trên báo, đài, nhất là về chống tiêu cực chưa chính xác, thiếu thận trọng, khi sai không cải chính. Tính chiến đấu trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội chưa được coi trọng đúng mức. Trong thông tin, có lúc mất cảnh giác, để lộ bí mật. Nhiều báo, đài ở trung ương chưa phản ánh được cái chung cả nước; nhiều báo ở địa phương chất lượng yếu, số lượng phát hành quá ít.
Xuất bản sách vẫn còn lộn xộn. Nhiều cơ quan không được phép tổ chức xuất bản chuyên nghiệp in sách bán rộng rãi. Một số ít sách có nội dung độc hại đã và đang được lưu hành. Có tình trạng in tràn lan bài viết, tranh ảnh và cuốn sách giải trí có chất lượng thấp hoặc kích thích những thị hiếu không lành mạnh. Không ít sách báo thường xuyên khai thác những chuyện tình dục, moi móc đời tư, đăng quá nhiều vụ án, miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, bạo lực, in nhiều hình ảnh thiếu thẩm mỹ, tuyên truyền mê tín dị đoan, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Sử dụng thông tin của nước ngoài thiếu chọn lọc; sách dịch tràn lan, có cuốn không phù hợp với cách nghĩ, lối sống và đạo đức của dân tộc Việt Nam.
Có những số báo, cuốn sách được xuất bản không đúng tôn chỉ, mục đích, không đúng Luật; thậm chí có ấn phẩm lưu hành trong xã hội không ghi rõ cơ quan xuất bản, nhà in. Việc quản lý các phương tiện in còn lỏng lẻo. Công tác phát hành sách báo còn yếu, nhất là đưa sách báo tới vùng nông thôn, miền núi. Hệ thống các thư viện bị sa sút.
Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần khá nặng nề dẫn tới đua nhau đăng và phát những tin, bài, hình ảnh giật gân, câu khách. Cũng có một số bài báo, quyển sách có khuynh hướng chính trị lệch lạc, phủ định quá khứ tốt đẹp, miêu tả đen tối thực trạng, tuyên truyền cho lối sống theo chủ nghĩa thực dụng. Những khuynh hướng sai lầm đó đã được các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo uốn nắn, nhắc nhở, đã bị dư luận lên án nhưng chưa sửa chữa được nhiều.
Sự lãnh đạo, quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng trung ương, của nhiều cấp ủy đảng, cấp chính quyền, cơ quan chủ quản có báo và nhà xuất bản là nguyên nhân quan trọng của tình trạng nói trên. Đồng thời cần thấy trách nhiệm trực tiếp của một số tổng biên tập báo, đài, giám đốc nhà xuất bản, nhà in và cơ quan phát hành.
Để chấp hành nghiêm túc những quan điểm bản của Đại hội VII của Đảng về công tác báo chí, xuất bản, nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu quả xã hội to lớn của hoạt động báo chí, xuất bản, Ban Bí thư yêu cầu các ngành, các cấp thực hiện những việc sau đây:
1- Ngay sau khi nhận được chỉ thị này, các cấp ủy, các đồng chí phụ trách công tác báo chí, xuất bản đánh giá thực trạng báo chí, xuất bản ở địa phương và ngành mình, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, trách nhiệm; kiểm điểm sâu sắc việc chỉ đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản trong thời gian qua, đề ra những việc làm cụ thể nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả báo chí, xuất bản, chấn chỉnh những lệch lạc, lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực này. Những phương hướng cần nắm vững là:
Báo chí, xuất bản dù là cơ quan của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hay của tổ chức xã hội đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và hoạt động theo pháp luật. Thông tin cần kịp thời, chính xác, phong phú, đa dạng, bảo đảm quyền được thông tin của nhân dân, nhưng phải có định hướng đúng, giữ gìn bí mật, bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa có chọn lọc của nhân dân.
Báo chí, xuất bản có trách nhiệm góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, động viên toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn thử thách, năng động sáng tạo trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển sự nghiệp thông tin, báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thông tin và nâng cao kiến thức mọi mặt cho nhân dân; cổ vũ mạnh mẽ các nhân tố mới, đồng thời tích cực đấu tranh chống tiêu cực; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm cao đẹp của con người Việt Nam, đề cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, cần kiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; biểu dương tính trung thực, lòng nhân ái, tinh thần dũng cảm, tình yêu cái đẹp chân chính, phê phán những thói hư, tật xấu, mọi biểu hiện của sự giả dối, độc ác, chạy theo những thị hiếu thấp kém.
Thực hiện vai trò vừa là tiếng nói của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể vừa là diễn đàn của nhân dân, sách báo cần tăng cường phản ánh ý kiến, thu hút trí tuệ của nhân dân đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước, đồng thời phê phán những quan điểm lệch lạc, đề cao cảnh giác, chống lại những âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của các thế lực thù địch.
2- Ban Bí thư giao cho Ban Tư tưởng - văn hóa Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp hướng dẫn các cơ quan báo chí, xuất bản xây dựng và thực hiện kế hoạch đề tài nội dung sách báo phục vụ các nhiệm vụ đã ghi trong văn kiện Đại hội VII của Đảng cùng các văn kiện quan trọng khác của Đảng và Nhà nước từ sau Đại hội. Đề nghị Hội đồng Bộ trưởng sớm ban hành các văn bản về công tác báo chí, xuất bản. Xúc tiến hoàn thành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật báo chí. Chuẩn bị trình Quốc hội Luật xuất bản.
Các cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm chính trị về những ấn phẩm của các cơ quan báo chí, xuất bản do mình phụ trách. Các cấp ủy đảng, các đồng chí phụ trách chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản ở địa phương và ngành mình thực hiện đúng chỉ thị của Đảng và Luật pháp của Nhà nước, có quy chế làm việc cụ thể, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, xuất bản làm tốt nhiệm vụ bằng cách tăng cường cung cấp thông tin, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, lựa chọn và bồi dưỡng cán bộ, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh … Là người chịu trách nhiệm trực tiếp. Tổng biên tập báo, Giám đốc nhà xuất bản phải là người có trình độ chính trị, văn hóa và nghiệp vụ cần thiết, tuyệt đối không thể bố trí tùy tiện, thiếu cân nhắc.
Hoạt động báo chí, xuất bản cần giữ vững định hướng chỉ đạo, hấp dẫn người đọc trước hết bằng việc thỏa mãn những yêu cầu về thông tin bổ ích, nâng cao hiểu biết và đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của nhân dân, hướng dẫn, hình thành dư luận đúng đắn và thị hiếu lành mạnh. Theo đúng tôn chỉ mục đích đã định, hoạt động đúng pháp luật, tuân theo sự quản lý về mặt Nhà nước phải trở thành nền nếp làm việc của các cơ quan báo chí, xuất bản.
3- Đến hết tháng 6-1992, các cấp ủy đảng, các đồng chí phụ trách ngành phải lãnh đạo thực hiện xong việc sắp xếp lại hệ thống báo chí, xuất bản theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả chính trị, tư tưởng, văn hóa. Sắp xếp lại một số báo chí, nhà xuất bản xét thấy không cần thiết và không đủ điều kiện hoạt động, có chức năng trùng nhau. Không tổ chức thêm, ra thêm kỳ khi các điều kiện không cho phép. Không nhất thiết ngành nào cũng có báo và nhà xuất bản. Không nhất thiết địa phương nào cũng có nhà xuất bản và báo Văn nghệ. Giảm bớt báo công an bán công khai; những thông tin bài viết về vụ án cần giảm nhiều và định hướng lại cách viết sao cho không gây phản tác dụng. Sắp xếp hệ thống phát thanh, truyền hình trong toàn quốc.
Hệ thống báo chí và nhà xuất bản của Đảng và của cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản phải nêu gương trong việc sắp xếp lại trật tự và định hướng nội dung.
5- Xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí, xuất bản đến năm 2000, bảo đảm đội ngũ này vững vàng về chính trị và tư tưởng, trong sạch về phẩm chất đạo đức và tinh thông nghề nghiệp; chuẩn bị tốt đội ngũ cán bộ kế cận; viết lại các giáo trình về nghiệp vụ phóng viên, biên tập viên, biên soạn giáo trình cho cán bộ chính quyền và cán bộ Đảng được phân công theo dõi, quản lý công tác báo chí, xuất bản; tổ chức các lớp nghiên cứu quán triệt các văn kiện Đại hội Đảng VII cho cán bộ phụ trách báo chí, xuất bản, in và phát hành. Đặc biệt coi trọng bồi dưỡng các tổng biên tập báo, đài và giám đốc nhà xuất bản bảo đảm có đủ bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Người phụ trách cơ quan chủ quản không kiêm tổng biên tập báo, giám đốc nhà xuất bản. Một đồng chí tổng biên tập không phụ trách nhiều tờ báo. Sắp xếp việc tổ chức các cơ quan nghiên cứu, đào tạo cán bộ báo chí, xuất bản, bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ về tư tưởng chính trị và thống nhất trong cả nước về mặt này.
6- Kiện toàn cơ quan chỉ đạo của Đảng và cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản.
- Ban Tuyên giáo các cấp và các cơ quan có chức năng quản lý báo chí, xuất bản tương ứng cần được bổ sung các cán bộ thật sự am hiểu và có năng lực quản lý báo chí, xuất bản; thường xuyên biểu dương, phê bình, rút kinh nghiệm công tác quản lý, không để xảy ra những sơ hở, tiêu cực.
- Tiếp tục hoàn chỉnh và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật về báo chí, xuất bản.
- Chỉ đạo chặt chẽ việc cấp giấy phép ra báo, sách và kiểm tra việc thực hiện các giấy phép đó.
- Cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng quy định hoạt động của các nhà in, tăng cường kiểm tra, biểu dương nơi làm tốt, xử lý những nơi vi phạm pháp luật. Có quy chế quản lý các cơ sở in nhỏ.
- Khôi phục, củng cố và phát triển hệ thống thư viện, trước hết ở các huyện, quận và cơ quan, trường học…
- Tăng cường chỉ đạo công tác phát hành, phối hợp mạng lưới phát hành quốc doanh và tư nhân, đưa sách báo nhanh chóng và đều đặn đến các vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc ít người. Mỗi chi bộ ít nhất cũng có một tờ báo Nhân dân và một tờ báo của đảng bộ tỉnh hoặc thành phố.
- Củng cố và tăng cường cơ quan xuất, nhập khẩu sách báo, thực hiện đúng chức năng, bảo đảm lưu thông sách báo. Ngành giao thông, bưu chính cần có chính sách ưu đãi đối với giá cước sách báo nói chung, nhất đối với sách báo cho thiếu nhi, cho miền núi.
Ban Bí thư sẽ có chỉ thị riêng về công tác thông tin đối ngoại và báo chí, ấn phẩm đối ngoại.
Trong tình hình mới, công tác báo chí, xuất bản đặc biệt quan trọng. Các cấp ủy đảng và lãnh đạo các đoàn thể, các đồng chí phụ trách các ngành, các cơ quan chức năng cần căn cứ vào nội dung chỉ thị này để kiểm điểm công tác lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xuất bản; có những quyết định cụ thể kịp thời chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức và hoạt động, tăng cường kỷ luật, trật tự và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động báo chí, xuất bản.
| T/M BAN BÍ THƯ |
File gốc của Chỉ thị 08-CT/TW năm 1992 về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 08-CT/TW năm 1992 về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản do Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Ban Bí thư |
Số hiệu | 08-CT/TW |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Đào Duy Tùng |
Ngày ban hành | 1992-03-31 |
Ngày hiệu lực | 1992-03-31 |
Lĩnh vực | Văn hóa |
Tình trạng | Còn hiệu lực |