CHÍNH PHỦ ******** | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ******** |
Số: 34/2002/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2002 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 34/2002/NĐ-CP NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 2002 QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục và chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý (sau đây gọi tắt là người nghiện) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 28 và các khoản 1 và 2 Điều 29 của Luật Phòng, chống ma tuý.
Điều 2. Cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định trong Nghị định này là cơ sở chữa bệnh được thành lập theo Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995.
Chương 2:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN BỊ ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi người nghiện cư trú hoặc nơi người nghiện có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý đối với người không có nơi cư trú nhất định, lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện).
Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ này.
Điều 4. Hồ sơ xét đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bao gồm:
1. Sơ yếu lý lịch của người nghiện.
2. Các biện pháp cai nghiện đã áp dụng.
3. Những tài liệu khác có liên quan đến nhân thân người nghiện (nếu có).
4. Nhận xét của Công an cấp xã, ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể, tổ chức xã hội mà người đó là thành viên.
Điều 5. Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cùng cấp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tiếp nhận và thẩm định hồ sơ.
Điều 6.
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn để giúp việc xét duyệt hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Thành phần Hội đồng Tư vấn gồm: Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là thường trực Hội đồng; Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Y tế và Trưởng Công an cấp huyện là các ủy viên của Hội đồng.
Thường trực Hội đồng Tư vấn có trách nhiệm tổ chức chủ trì phiên họp và làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng Tư vấn và triệu tập họp Hội đồng Tư vấn.
4. Hội đồng Tư vấn làm việc theo chế độ tập thể, xem xét và biểu quyết từng trường hợp cụ thể, kết luận theo đa số. Nếu người nghiện là người chưa thành niên, Hội đồng Tư vấn mời đại diện cơ quan bảo vệ và chăm sóc trẻ em cùng cấp tham gia phiên họp.
Biên bản họp Hội đồng Tư vấn phải ghi rõ ý kiến phát biểu của từng đại biểu tham dự .
Điều 7. Kinh phí lập hồ sơ, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và hoạt động của Hội đồng Tư vấn được trích từ kinh phí phòng, chống ma tuý hàng năm của địa phương.
Điều 8.
1. Trong thời hạn 04 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Hội đồng Tư vấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét và quyết định việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Quyết định được gửi cho cá nhân và gia đình người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ và cơ sở cai nghiện bắt buộc.
3. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
Điều 9.
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, cơ quan công an cấp huyện có trách nhiệm đưa người phải chấp hành quyết định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Thời hạn thi hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tính từ thời điểm cơ sở cai nghiện bắt buộc làm thủ tục tiếp nhận.
Điều 10. Chế độ cai nghiện đối với người nghiện ma tuý bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995.
Điều 11. Người nghiện ma tuý tự nguyện xin cai nghiện được nhận vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Hồ sơ của người nghiện tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gồm:
1. Đơn xin vào cơ sở cai nghiện của cá nhân hoặc gia đình người tự nguyện cai nghiện, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Đối với người nghiện dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp.
2. Bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận tạm trú dài hạn (kèm theo bản chính để đối chiếu).
3. Bản cam kết cai nghiện của người tự nguyện hoặc người đại diện hợp pháp với cơ sở cai nghiện.
Hồ sơ được nộp cho người đứng đầu cơ sở cai nghiện.
Điều 12. Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện, người đứng đầu cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét hồ sơ và căn cứ vào khả năng của cơ sở ra quyết định tiếp nhận. Thời hạn cai nghiện tại cơ sở ít nhất là 6 tháng.
Quyết định được gửi cho cá nhân và gia đình người nghiện tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú.
Điều 13. Chế độ cai nghiện đối với người nghiện tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định của Nghị định số 20/CP ngày 13 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ ban hành Quy chế về cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1995.
Điều 14. Người nghiện tự nguyện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải đóng góp các chi phí trong thời gian ở cơ sở cai nghiện, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật. Tùy vào tình hình thực tế của điạ phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu phí chữa trị, phục hồi sức khoẻ tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Chương 4:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ CHẾ ĐỘ CAI NGHIỆN ĐỐI VỚI NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ CHƯA THÀNH NIÊN VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC
Điều 15. Người chưa thành niên được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi và không coi là bị xử lý vi phạm hành chính.
Điều 16. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ đối với người chưa thành niên nghiện ma tuý để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Chương I Nghị định này.
Điều 17. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ và thời hạn cai nghiện đối với người nghiện chưa thành niên tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Chương III Nghị định này.
Điều 18. Những người nghiện chưa thành niên cai nghiện trong cơ sở cai nghiện bắt buộc được bố trí khu vực riêng, được chia thành đội, lớp, được sắp xếp chỗ ở tập thể phù hợp với độ tuổi, giới tính, trình độ văn hoá, tính chất và mức độ nghiện.
Phòng ở phải đảm bảo thoáng mát về mùa hè, kín gió về mùa đông, hợp vệ sinh môi trường.
Điều 19. Người nghiện chưa thành niên cai nghiện trong cơ sở cai nghiện bắt buộc phải chịu sự quản lý, giáo dục và phân công lao động của cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Điều 20. Người nghiện chưa thành niên cai nghiện trong cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa phổ cập giáo dục tiểu học phải học văn hoá theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với những người nghiện có trình độ khác thì tùy vào khả năng và điều kiện thực tế, cơ sở cai nghiện có thể tổ chức học tập văn hoá theo quy định.
Điều 21.
1. Ngoài giờ chữa trị, học tập, người nghiện chưa thành niên phải tham gia lao động do cơ sở cai nghiện tổ chức. Cơ sở cai nghiện có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khoẻ để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ và đạo đức cho họ.
2. Không được sử dụng người nghiện chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.
3. Thời gian lao động của người nghiện chưa thành niên không được nhiều hơn thời gian học tập, chữa bệnh. Thời gian lao động, học tập không quá 7 giờ trong một ngày. Chỉ được sử dụng người nghiện chưa thành niên làm thêm giờ, làm việc ban đêm trong những trường hợp thật cần thiết và theo quy định của pháp luật về lao động.
Điều 22. Người nghiện chưa thành niên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được trợ cấp tiền học phí, tiền thuốc điều trị, tiền học nghề và các chi phí khác trong thời gian chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện.
Điều 23. Cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của người nghiện chưa thành niên có trách nhiệm đóng góp tiền ăn hàng tháng; trường hợp gia đình thuộc diện nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật hoặc người không có nơi cư trú nhất định thì được xét trợ cấp tiền ăn hàng tháng.
Điều 24. Chế độ cai nghiện đối với người chưa thành niên nghiện ma tuý tự nguyện xin vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quy định tại chương này.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 26. Người nghiện ma tuý bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền về việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thẩm quyền, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo các quy định của pháp luật về khiếu nại tố cáo.
Điều 27. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công an, Tài chính, Y tế hướng dẫn việc thực hiện Nghị định này.
Điều 28. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.