ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 185/KH-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 05 năm 2022 |
Thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, nhất là công tác kiểm tra, vận động, giao nộp, thu hồi, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là xảy ra nhiều vụ sử dụng công cụ hỗ trợ giải quyết mâu thuẫn cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng; hoạt động lợi dụng không gian mạng, hoạt động bưu chính để mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm.
Thực hiện Kế hoạch số 107/KH-BCĐ/CP ngày 11/3/2022 của Ban chỉ đạo 138 Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2022 với những nội dung cụ thể như sau:
1. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân.
2. Quản lý chặt chẽ các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang cấp theo quy định của pháp luật. Thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn trôi nổi ngoài xã hội, không để tội phạm lợi dụng, sử dụng gây án và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra.
3. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa và tấn công trấn áp tội phạm, kịp thời phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần giảm tội phạm bền vững, lâu dài.
4. Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
II. NHIỆM VỤ, PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đến công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị, ngành quản lý và nhân dân trên địa bàn với nội dung, hình thức phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền tập trung và tuyên truyền, vận động cá biệt, trực tiếp, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức ký cam đoan, cam kết tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Biên soạn tài liệu tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2019; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017); Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020; Nghị định số 79/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ; Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ,...; phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hậu quả, tác hại, tính chất nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý của lực lượng chức năng; phát động người dân tích cực vận động, phát hiện, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc điểm tình hình, đặc thù địa phương, đơn vị để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này. Trong đó:
- Hội đồng phổ biến pháp luật tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông các quy định về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật.
- Sở Thông tin và truyền thông tăng cường công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, định hướng cơ quan báo chí về thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật, tuyên truyền phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở; các doanh nghiệp, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trên địa bàn triển khai thực hiện các hoạt động truyền thông.
- Sở Văn hoá và Thể thao tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ có kế hoạch luyện tập, thi đấu thể dục thể thao, trưng bày, triển lãm, biểu diễn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật,... thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Xây dựng hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, trường học, các khu dân cư gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình nhằm phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Sở Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế chỉ đạo Phòng Giáo dục và đào tạo, các trường THPT, Đại học phối hợp với lực lượng Công an, Quân đội tổ chức tuyên truyền, vận động giáo viên, cán bộ, học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; cam đoan, cam kết không vi phạm, có hình thức xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh trong phạm vi, trách nhiệm của mình chỉ đạo các tổ chức thành viên phát động sâu rộng phong trào bảo vệ ANTQ, tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; tích cực vận động toàn dân giao nộp và phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
2. Tham mưu các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý Nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tiếp tục thực hiện tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổng kiểm tra, vận động thu hồi, phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; chủ động triển khai các phương án thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phối hợp điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc vi phạm về sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để răn đe, giáo dục chung (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện).
3. Tổ chức kiểm tra việc bảo quản, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trang cấp tại các cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn tỉnh; rà soát, trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với thực tiễn công tác của từng lực lượng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đặc biệt là trên không gian mạng và dịch vụ bưu chính. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các tuyến, địa bàn trọng điểm; rà soát, lập danh sách các đối tượng nghi vấn có khả năng, điều kiện phạm tội để kịp thời phát hiện, xử lý từ xa, từ sớm các hành vi vi phạm. Thực hiện nghiêm công tác chấp hành pháp luật trong giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố; điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).
4. Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; phát hiện sớm, giải quyết những mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân gắn với vận động Nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ còn tồn đọng ngoài xã hội, tự nguyện cam đoan, cam kết chấp hành nghiêm các quy định, không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm (Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Sở Tư pháp thực hiện).
5. Chỉ đạo các đơn vị chức năng tuyên truyền, vận động thu hồi và tổ chức tiếp nhận thu gom, phân loại, bảo quản, xử lý các loại bom, mìn, đầu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn pháo các loại còn sót lại sau chiến tranh do Nhân dân phát hiện, giao nộp. Chỉ đạo cơ quan Quân sự các cấp tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đơn vị được trang bị thuộc thẩm quyền được quản lý, nhất là các kho chứa vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác huấn luyện, chiến đấu. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo thẩm quyền (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp Công an tỉnh, sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).
6. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ cửa khấu, các tuyến đường mòn, khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ qua biên giới (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện).
7. Tăng cường công tác quản lý lĩnh vực công nghiệp và thương mại, quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan, tiến hành giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh hóa chất nguy hiểm, tiền chất sản xuất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Quản lý chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sơ hở thiếu sót trong việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Thực hiện hiệu quả Đề án phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Sở Công thương chủ trì, phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện trong Quý III/2022).
8. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng, lĩnh vực bưu chính đối với hoạt động mua bán, vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phục vụ hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên không gian mạng qua dịch vụ bưu chính; phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, các nhà mạng trên địa bàn thường xuyên rà soát, chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng internet (hành vi mua bán, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;...) đồng thời trao đổi thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng đấu tranh, xử lý theo đúng quy định của pháp luật (Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Giao thông vận tải thực hiện).
9. Tăng cường công tác quản lý cư trú người nước ngoài, kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế để trao đổi thông tin, phục vụ kịp thời có hiệu quả công tác kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua biên giới, trên không gian mạng và qua dịch vụ bưu chính (Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công thương, Sở Tài chính, Sở Ngoại vụ thực hiện).
10. Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Lựa chọn các vụ án điểm kịp thời đưa ra xét xử lưu động, phục vụ tích cực, hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông về kết quả xét xử nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân trong phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp thực hiện).
11. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để kịp thời khắc phục những sơ hở thiếu sót không để các đối tượng lợi dụng phạm tội và vi phạm pháp luật (Sở Tư pháp phối hợp Công an tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện).
1. Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Huế chủ động xây dựng kế hoạch chỉ đạo, triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn, chức năng, nhiệm vụ được giao. Định kỳ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo 138 tỉnh theo Quy chế hoạt động và quy định về chế độ báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo: Công an tỉnh) để tổng hợp.
2. Kinh phí: Kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành: nguồn kinh phí địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
3. Các đồng chí Thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh theo nhiệm vụ được phân công chỉ đạo, gắn công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao; xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội.
4. Giao Công an tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 138 tỉnh chủ trì, tổ chức theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này; tham mưu thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đánh giá thực trạng tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, những vấn đề nổi lên về cơ chế, chính sách, pháp luật, khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất Ban chỉ đạo giải quyết; kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch này của các sở, ban, ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo 138 tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo 138/CP./.
| KT. CHỦ TỊCH |
File gốc của Kế hoạch 185/KH-UBND về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành đang được cập nhật.
Kế hoạch 185/KH-UBND về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2022 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Số hiệu | 185/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Nguyễn Thanh Bình |
Ngày ban hành | 2022-05-12 |
Ngày hiệu lực | 2022-05-12 |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự |
Tình trạng |