BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/2004/TT-BTC | Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2004 |
Căn cứ Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào ký ngày 16 tháng 1 năm 2004, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc giảm thuế nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào như sau:
Hàng hoá sản xuất tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam nhập khẩu vào Việt Nam được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi (trừ hàng hoá cấm nhập khẩu vào Việt Nam và hàng hoá nằm trong danh mục loại trừ hoàn toàn của Việt Nam thực hiện CEPT/AFTA), nếu thoả mãn các điều kiện sau:
1. Có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) do cơ quan có thẩm quyền của Lào cấp. Việc quy định cụ thể về giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) do Bộ Thương mại Lào và Việt Nam cùng trao đổi thống nhất áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu từ mỗi nước.
2. Hàng hoá được nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hoá vào Việt Nam qua các cửa khẩu được mở chính thức trên biên giới Việt Nam - Lào.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu có đủ điều kiện để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi, đồng thời có đủ điều kiện được hưởng theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT thì được áp dụng theo mức thuế suất thấp hơn trong hai mức thuế suất này.
I. Giá tính thuế nhập khẩu để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với hàng hoá có xuất xứ từ Lào nhập khẩu vào Việt Nam là giá mua hàng hoá nhập khẩu dựa trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hoá (viết tắt là giá mua hàng hoá nhập khẩu) theo hướng dẫn dưới đây:
1. Xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu:
1.1. Cơ sở xác định:
Giá mua hàng hoá nhập khẩu được xác định dựa trên cơ sở hợp đồng mua bán hàng hoá phù hợp với các chứng từ hợp pháp, hợp lệ có liên quan đến việc mua bán hàng hoá. Giá mua hàng hoá nhập khẩu bao gồm cả phí bảo hiểm (I) và chi phí vận tải (F).
1.2. Giá mua hàng hoá nhập khẩu được xác định theo giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá phải cộng và được trừ các khoản điều chỉnh theo hướng dẫn sau đây:
1.2.1. Các khoản phải cộng vào giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu:
1.2.1.1. Trường hợp trong giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá chưa bao gồm chi phí vận tải (F) và phí bảo hiểm (I) thì phải cộng chi phí vận tải và phí bảo hiểm vào giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu. Nếu không có các chứng từ hợp pháp, hợp lệ để xác định chi phí vận tải và phí bảo hiểm thì chi phí vận tải được tính bằng 15% giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá và phí bảo hiểm được tính bằng 0,3% của (giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá + chi phí vận tải) để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu.
Trường hợp đối tượng nhập khẩu tự vận chuyển hàng hoá thì đối tượng nhập khẩu phải có bảng kê khai chi tiết về chi phí vận tải. Nếu chi phí vận tải liên quan đến nhiều loại hàng hoá khác nhau thì đối tượng nhập khẩu phải phân bổ chi phí vận tải trên cơ sở đơn giá vận tải từng loại hàng hoá hoặc theo thể tích, trọng lượng của từng loại hàng hoá hoặc theo trị giá của từng loại hàng hoá trong lô hàng hoá nhập khẩu.
1.2.1.2. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu có bao gồm hàng hoá bảo hành theo hợp đồng mua bán hàng hoá (kể cả trường hợp hàng hoá gửi sau) nhưng giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá không tính thanh toán riêng đối với số hàng hoá bảo hành thì giá mua hàng hoá nhập khẩu là giá bao gồm cả trị giá hàng hoá bảo hành.
1.2.2. Các khoản được trừ ra khỏi giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu:
1.2.2.1. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu được thanh toán theo phương thức trả tiền chậm thì khoản lãi suất trả chậm được trừ ra khỏi giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu, nếu có đủ các điều kiện sau:
1.2.2.1.1. Khoản lãi suất trả chậm này được thể hiện tại hợp đồng mua bán hàng hoá;
1.2.2.1.2. Khoản lãi suất trả chậm chỉ liên quan đến chính lô hàng hoá nhập khẩu đang xác định giá, không liên quan tới các lô hàng hoá khác.
1.2.2.2. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu được bán giảm giá thì khoản giảm giá được trừ ra khỏi giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu, nếu có đủ các điều kiện sau:
1.2.2.2.1. Việc thoả thuận giảm giá phải được thực hiện trước khi xếp hàng hoá lên phương tiện vận chuyển ở Lào, được lập thành văn bản và nộp cùng với tờ khai hàng hoá nhập khẩu.
1.2.2.2.2. Việc giảm giá được thực hiện cho chính lô hàng hoá nhập khẩu đang xác định giá, không liên quan tới các lô hàng hoá khác.
1.2.2.3. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu được các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cung cấp dịch vụ bảo hiểm và vận tải hàng hoá thì khoản thuế giá trị gia tăng đối với các khoản phí bảo hiểm (I) và chi phí vận tải (F) được trừ ra khỏi giá ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá để xác định giá mua hàng hoá nhập khẩu.
2. Giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu là giá mua hàng hoá nhập khẩu, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
2.1. Điều kiện (1): Hàng hoá nhập khẩu phải theo hợp đồng mua bán hàng hoá.
Hợp đồng mua bán hàng hoá phải có đầy đủ nội dung chủ yếu của một bản hợp đồng theo quy định tại Luật Thương mại.
Các hình thức điện báo, telex, fax, thư điện tử và các hình thức thông tin điện tử khác được in ra giấy cũng được coi là hình thức văn bản. Chào hàng và chấp nhận chào hàng bằng các hình thức văn bản có hiệu lực như một hợp đồng mua bán hàng hoá nếu có đầy đủ nội dung chủ yếu của một bản hợp đồng theo quy định tại Luật Thương mại thì cũng được coi như hợp đồng mua bán hàng hoá.
Trường hợp có sự sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong hợp đồng mua bán hàng hoá đã ký kết thì phải được kết thúc trước khi xếp hàng hoá lên phương tiện vận chuyển ở Lào và nộp cùng với tờ khai hàng hoá nhập khẩu.
2.2. Điều kiện (2): Thực hiện thanh toán toàn bộ trị giá lô hàng hoá nhập khẩu qua Ngân hàng bằng một loại đồng tiền được hai bên thỏa thuận.
Trường hợp đã thực hiện thanh toán toàn bộ trị giá lô hàng hoá nhập khẩu qua Ngân hàng trước khi đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu thì chứng từ thanh toán cho lô hàng hoá phải được nộp cùng với tờ khai khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá để chứng minh với cơ quan hải quan là người mua đã thực thanh toán toàn bộ trị giá lô hàng hoá nhập khẩu qua Ngân hàng.
Trường hợp thanh toán được thực hiện sau khi đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu thì trên hợp đồng mua bán hàng hoá phải thể hiện rõ thời hạn thanh toán và người mua phải cam kết với cơ quan hải quan khi thanh toán sẽ nộp bổ sung chứng từ thanh toán để chứng minh với cơ quan hải quan là đã thực thanh toán toàn bộ trị giá lô hàng hoá nhập khẩu qua Ngân hàng. Chứng từ thanh toán phải phù hợp với thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán ghi trên hợp đồng mua bán hàng hoá. Nếu quá thời hạn mà người mua đã cam kết với cơ quan hải quan nhưng vẫn không nộp bổ sung chứng từ thanh toán để chứng minh là đã thực thanh toán toàn bộ trị giá lô hàng hoá nhập khẩu qua Ngân hàng thì hàng hoá nhập khẩu trong trường hợp này được coi là không thoả mãn điều kiện 2 nêu tại điểm 2.2 này.
2.3. Điều kiện (3): Đối tượng nhập khẩu thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp khấu trừ. Khi làm thủ tục nhập khẩu, đối tượng nhập khẩu phải nộp (một lần) cho cơ quan hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) Bản sao Bản đăng ký áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế đã có ý kiến chấp nhận của cơ quan thuế nơi đối tượng đăng ký nộp thuế (Bản sao có đóng dấu sao y bản chính của đối tượng nhập khẩu).
3. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu thuộc Danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế thì giá tính thuế là giá được quy định tại Bảng giá tối thiểu. Trường hợp giá mua hàng hoá nhập khẩu cao hơn giá quy định tại Bảng giá tối thiểu thì tính theo giá mua hàng hoá nhập khẩu.
4. Trường hợp hàng hoá nhập khẩu không thuộc Danh mục các mặt hàng Nhà nước quản lý giá tính thuế và không đủ điều kiện áp dụng giá tính thuế là giá mua hàng hoá nhập khẩu theo hướng dẫn tại điểm 2 trên đây thì Cục Hải quan địa phương nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá sẽ căn cứ vào các phương pháp xác định trị giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của Hiệp định thực hiện Điều 7 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại quy định tại Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 6/6/2002 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 118/2003/TT/BTC ngày 8/12/2003 của Bộ Tài chính để xác định giá tính thuế hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ Lào.
II. Đồng tiền và tỷ giá để xác định giá tính thuế:
1. Giá tính thuế được tính bằng đồng Việt Nam.
2. Tỷ giá dùng để xác định giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu là tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại ngày người khai hải quan đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Trong trường hợp Ngân hàng không công bố tỷ giá hoặc thông tin không đến được cửa khẩu trong ngày thì áp dụng theo tỷ giá của ngày liền kề trước đó.
Đối với các đồng ngoại tệ không có giao dịch trên thị trường ngoại tệ liên Ngân hàng thì xác định theo nguyên tắc tỷ giá tính chéo giữa tỷ giá đồng đô la Mỹ (USD) với đồng Việt Nam mua, bán thực tế bình quân trên thị trường liên Ngân hàng và tỷ giá giữa đồng đô la Mỹ với các ngoại tệ khác trên thị trường Quốc tế do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
III. Thời điểm xác định giá tính thuế và thuế suất thuế nhập khẩu:
Thời điểm xác định giá tính thuế và thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu là ngày người khai hải quan đăng ký tờ khai hàng hoá nhập khẩu.
IV. Thủ tục xuất trình, kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O):
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá của Lào muốn được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi phải nộp cho cơ quan Hải quan bản chính Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) kèm theo bộ chứng từ nhập khẩu theo qui định khi làm thủ tục nhập khẩu.
Trường hợp doanh nghiệp chưa có C/O để nộp khi làm thủ tục nhập khẩu, khi tính thuế, cơ quan Hải quan tạm áp dụng theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT (nếu đủ điều kiện) và chấp nhận cho nợ C/O, thời hạn tối đa 30 ngày tính từ ngày nộp tờ khai hàng hoá nhập khẩu. Sau khi nộp C/O, doanh nghiệp sẽ được xem xét hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa (nếu có) (là phần chênh lệch giữa số thuế tính theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT đã nộp và số thuế tính theo thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi).
Doanh nghiệp nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, hợp lệ của C/O đã nộp. Nếu phát hiện có sự gian lận về C/O thì doanh nghiệp nhập khẩu sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật hiện hành.
Khi có sự nghi ngờ về tính trung thực và chính xác của C/O thì cơ quan Hải quan yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các tài liệu để chứng minh. Thời gian qui định tối đa để doanh nghiệp nộp bổ sung chứng từ là 30 ngày kể từ ngày nộp C/O. Trong khi chờ kết quả kiểm tra lại, tạm thời chưa giải quyết việc áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với lô hàng hoá đó và áp dụng theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT (nếu đủ điều kiện). Đồng thời tiếp tục thực hiện các thủ tục giải phóng hàng nếu các hàng hoá này không phải là hàng hoá cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có sự nghi ngờ man khai về hàng hoá. Trường hợp chủ hàng hoá có đủ tài liệu chứng minh tính trung thực và chính xác của C/O thì được xem xét hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa (nếu có) (là phần chênh lệch giữa số thuế tính theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT đã nộp và số thuế tính theo thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi qui định tại Biểu thuế thuế nhập khẩu ưu đãi).
V. Các qui định khác về căn cứ tính thuế, đăng ký kê khai nộp thuế, chế độ thu nộp thuế và chế độ báo cáo thuế, chế độ miễn giảm thuế, chế độ hoàn thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm và khiếu nại, được thực hiện theo các qui định hiện hành của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo và áp dụng cho các tờ khai hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 16/01/2004 trở đi (ngày Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào năm 2004 có hiệu lực thi hành). Những quy định tại các văn bản pháp quy trước đây trái với các hướng dẫn tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Các trường hợp nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào có tờ khai hàng hoá nhập khẩu đã đăng ký với cơ quan Hải quan kể từ ngày 16/01/2004 trở đi (được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và giá tính thuế để áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này), nếu đã nộp thuế theo mức thuế suất thông thường hoặc theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt CEPT (nếu đủ điều kiện) thì thuộc đối tượng hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa (nếu có). Số thuế đã nộp thừa được hoàn trả lại là số thuế chênh lệch giữa số thuế doanh nghiệp đã nộp với số thuế nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 50% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và giá tính thuế để áp dụng theo hướng dẫn tại Thông tư này. Các doanh nghiệp liên hệ với Cục Hải quan địa phương nơi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá để làm thủ tục hoàn thuế. Hồ sơ xin hoàn thuế gồm:
+ Công văn đề nghị xin được hoàn trả lại số thuế đã nộp thừa
+ Tờ khai hàng hoá nhập khẩu đã thanh khoản Hải quan
+ Hợp đồng mua bán hàng hoá và các chứng từ hợp pháp, hợp lệ có liên quan đến việc mua bán hàng hoá
+ Các tài liệu chứng minh tính trung thực và chính xác của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) theo hướng dẫn tại Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu hướng dẫn.
| Trương Chí Trung (Đã ký) |
File gốc của Thông tư 28/2004/TT-BTC hướng dẫn việc giảm thuế nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 28/2004/TT-BTC hướng dẫn việc giảm thuế nhập khẩu hàng hoá có xuất xứ từ Lào do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 28/2004/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành | 2004-03-31 |
Ngày hiệu lực | 2004-04-27 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng | Còn hiệu lực |