BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8321/BC-BKHĐT | Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2023 |
Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà
Thực hiện nhiệm vụ Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao tại văn bản số 3133/VPCP-QHQT ngày 01 tháng 9 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Đoàn công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Liên bang Nga) từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin báo cáo Phó Thủ tướng kết quả chuyến công tác như sau:
1. Mục đích, nội dung làm việc và thành phần Đoàn công tác
Diễn đàn Kinh tế Phương Đồng là một sự kiện kinh tế quan trọng của Liên bang Nga được tổ chức thường niên tại thành phố Vladivostok từ năm 2015 với mục tiêu thu hút đầu tư và phát triển kinh tế vùng Viễn Đông Nga. Đây là sự kiện có quy mô lớn, thu hút hàng nghìn đại biểu lãnh đạo các nước và doanh nghiệp trên khắp thế giới tham dự.
Năm nay, Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) được tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023 với chủ đề “Con đường dẫn tới mối quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng”. Diễn đàn đã thu hút hơn 7.000 đại biểu từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 1.700 đại biểu doanh nghiệp. Hơn 100 sự kiện đã được tổ chức với hơn 750 diễn giả. Một số lượng kỷ lục các thỏa thuận đầu tư, biên bản ghi nhớ và thỏa thuận về ý định hợp tác đã được ký kết tại Diễn đàn. Tổng cộng, 296 thỏa thuận đã được ký kết với tổng trị giá 3 nghìn 272 tỷ rúp, bao gồm các thỏa thuận về các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông, khai thác các mỏ khoáng sản lớn, cũng như trong lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp. (Chi tiết về Diễn đàn tại Phụ lục đính kèm).
Việc Việt Nam cử lãnh đạo tham dự Diễn đàn đã được cam kết tại Biên bản kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Việt - Nga lần thứ 24 tổ chức vào tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội. Mục đích chính của Đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn là: (1) Tham gia các hội thảo/thảo luận có nội dung liên quan đến hợp tác đầu tư giữa Nga với khu vực ASEAN, phiên họp toàn thể; (2) Trao đổi, chia sẻ thông tin và tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tìm hiểu môi trường, chính sách và cơ hội hợp tác đầu tư với vùng Viễn Đông Nga; (3) Trao đổi, tiếp xúc với cơ quan chính quyền địa phương để tạo quan hệ và tìm kiếm khả năng hợp tác đầu tư.
Để chuẩn bị cho chuyến công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi, phối hợp Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok và Thương vụ Việt Nam tại Vladivostok để xây dựng chương trình làm việc, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung làm Trưởng đoàn với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan trong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cán bộ Lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok và Thương vụ Việt Nam tại Vladivostok cùng tham gia các hoạt động của Đoàn.
2. Kết quả làm việc của Đoàn công tác
2.1. Tham dự các cuộc thảo luận, hội thảo, phiên họp toàn thể
a. Phiên toàn thể:
Phiên toàn thể họp vào chiều ngày 12 tháng 9 với sự hiện diện và phát biểu của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin và sự tham dự của lãnh đạo các nước. Phát biểu tại phiên toàn thể, Tổng thống Putin cho biết vùng Viễn Đông chiếm khoảng 40% lãnh thổ Nga, gần một nửa tài nguyên rừng và vàng, hơn 70% sản lượng cá, tài nguyên kim cương và hơn 30% các kim loại titan, đồng... Các doanh nghiệp, cảng biển, tuyến đường sắt chiến lược đặc biệt quan trọng đều đặt tại đây. Vai trò của vùng Viễn Đông đối với quốc gia, vị thế của Nga trên thế giới trong tương lai là rất lớn, do đó, khẳng định việc phát triển khu vực này là ưu tiên của Chính phủ Nga trong thế kỷ 21, là trách nhiệm của toàn bộ chính quyền và cả các doanh nghiệp lớn của Nga (cả tư nhân và nhà nước).
b. Phiên thảo luận với chủ đề: Vùng Viễn Đông mở trong nền kinh tế thế giới: Các thành tựu và kế hoạch tương lai
Phiên thảo luận có bài phát biểu chào mừng của ông Andrey Bystritskiy, Chủ tịch điều hành Quỹ Phát triển và hỗ trợ Valdai Discussion Club13. Nhận xét
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra. Đoàn đã thu nhận nhiều thông tin hữu ích về tình hình và triển vọng của khu vực Viễn Đông, tiềm năng cơ hội và giải pháp tăng cường, thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa khu vực này với Việt Nam cũng như khu vực ASEAN.
Từ các nội dung trên, để triển khai kết quả chuyến công tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và phổ biến thông tin về môi trường đầu tư tại vùng Viễn Đông Nga đến các doanh nghiệp Việt Nam có quan tâm.
- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam quy trình, thủ tục đầu tư ra nước ngoài trong trường hợp triển khai hoạt động đầu tư tại vùng Viễn Đông Nga, trong đó có hướng dẫn, lưu ý nhà đầu tư các vấn đề khó khăn, vướng mắc khi đầu tư tại Nga trong bối cảnh cấm vận của Hoa Kỳ và phương Tây.
2. Giao Bộ Công Thương:
- Nghiên cứu, tìm hiểu các cơ hội thúc đẩy hợp tác thương mại với Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng và các nhà nước thuộc Nga, trong đó có nhà nước Sakha.
- Nghiên cứu việc hợp tác kết nối giao thông thuận lợi đến Nga nói chung và vùng Viễn Đông nói riêng để góp phần tăng cường thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Nga.
- Nghiên cứu, giới thiệu các tiềm năng đầu tư trong lĩnh vực năng lượng (nhất là than đá), công nghiệp khai khoáng (nhất là kim loại quý), du lịch, khoa học, giáo dục, thương mại tại vùng Viễn Đông nói chung và nhà nước Sakha nói riêng tới các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
3. Giao Bộ Ngoại giao:
- Phối hợp với Tổng Lãnh sự quán tại Vladivostok thường xuyên cung cấp thông tin về môi trường, chính sách và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại của vùng Viễn Đông đến các cơ quan chức năng trong nước để phổ biến tới các doanh nghiệp trong nước.
- Giao Tổng Lãnh sự quán tại Vladivostok hỗ trợ, xúc tiến các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại vùng Viễn đông.
Trên đây là báo cáo về kết quả Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8, kính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho ý kiến chỉ đạo./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
TỔNG QUAN VỀ DIỄN ĐÀN KINH TẾ PHƯƠNG ĐÔNG LẦN THỨ 8 (EEF 2023)
(Đính kèm Báo cáo số 8321/BC-BKHĐT ngày 06 tháng 10 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông là một chương trình được thành lập theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Putin vào ngày 19/5/2015 nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế của vùng Viễn Đông Nga và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Diễn đàn được tổ chức thường niên tại thành phố Vladivostok (Liên bang Nga) và là một trong hai diễn đàn lớn nhất về kinh tế của Liên bang Nga được tổ chức hàng năm, thu hút hàng nghìn đại biểu tham dự là giới lãnh đạo và doanh nghiệp của các nước, là nền tảng quốc tế quan trọng để tạo dựng và tăng cường mối quan hệ giữa cộng đồng đầu tư Nga và toàn cầu, là sự đánh giá toàn diện của chuyên gia về tiềm năng kinh tế của vùng Viễn Đông Nga và là cơ hội để giới thiệu môi trường, chính sách đầu tư của các khu kinh tế đặc biệt của vùng đến các nhà đầu tư nước ngoài.
Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 8 (EEF 2023) được tổ chức từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023 tại Đại học Liên bang vùng Viễn Đông Nga với chủ đề “Con đường dẫn tới mối quan hệ đối tác, hòa bình và thịnh vượng”. Chương trình nghị sự xoay quanh 6 chủ đề: (1) Hợp tác quốc tế trong một thế giới đã thay đổi, (2) Hậu cần (Logistics) cho sự thay đổi, (3) Vùng Viễn Đông trong thập kỷ qua: những gì đã thành công và những gì cần phải làm?, (4) Phát triển công nghệ như một sự đảm bảo cho chủ quyền, (5) Vùng Viễn Đông của tương lai, và (6) Giáo dục và nuôi dưỡng là nền tảng của sự tự chủ. Diễn đàn đã thu hút hơn 7.000 đại biểu và báo chí từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 1.700 đại biểu đến từ 700 doanh nghiệp. Hơn 100 sự kiện đã được tổ chức như một phần của chương trình chính, trong đó có hơn 70 sự kiện tại các địa điểm chuyên đề. Hơn 750 diễn giả và người điều hành đã tham gia vào các sự kiện được tổ chức dưới hình thức phiên họp, đối thoại kinh doanh và bàn tròn.
Theo truyền thống, hầu hết các cuộc thảo luận đều tập trung vào các vấn đề thương mại, kinh doanh và đầu tư có lợi cho Nga và thế giới. Nhưng với tình hình địa chính trị hiện tại, Nga phần lớn đang chuyển hướng sang khu vực Âu Á, châu Á và Thái Bình Dương.
Phó Thủ tướng Nga Yury Trutnev, Đặc phái viên toàn quyền tại vùng Viễn Đông cho biết: "Về chương trình, chúng tôi đã điều chỉnh định hướng cho phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay, giải quyết cả những thách thức hiện tại và vai trò của Viễn Đông đối với đất nước".
Với mô hình kinh tế và chính trị mới đang phát triển trên khắp thế giới, và nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt của phương Tây và châu Âu, ông Yury Trutnev khẳng định trong một tuyên bố trước diễn đàn rằng Nga cũng đang phát triển các công cụ mới và định dạng mới để kết nối.
“Diễn đàn này thường đưa ra các giải pháp chiến lược cho sự phát triển toàn diện của vùng Viễn Đông. Sự tham gia chung của đại diện chính phủ và doanh nghiệp, cộng đồng chuyên gia và các nhà kinh tế hàng đầu giúp chúng ta có thể tìm ra những cách tiếp cận mới nhằm giải quyết những thách thức hiện tại" theo Anton Kobykov, Cố vấn của Tổng thống Nga kiêm Thư ký Điều hành Ban tổ chức EEF 2023.
Các chương trình thảo luận chính
Phần đầu tiên – ‘Hợp tác quốc tế trong một thế giới đã thay đổi' –thảo luận về vị trí của vùng Viễn Đông Nga trong nền kinh tế Đại Âu Á, triển vọng của khối SCO và BRICS, các vấn đề trọng tài thương mại quốc tế, việc thiết lập ngoại giao mang tính khoa học ở châu Á và triển vọng kinh doanh của Trung Quốc ở Nga.
Phần 'Logistics cho thay đổi' bao gồm các cuộc thảo luận về những giải pháp hậu cần mới ở Viễn Đông, cũng như sự phát triển bền vững của Tuyến đường biển phía Bắc như một huyết mạch vận tải toàn cầu mới. Các phiên họp tập trung về các chủ đề như hợp tác xuyên biên giới, hậu cần hàng hải và đường sắt, các giải pháp số cho hậu cần nội địa và quốc tế cũng như sự phát triển của một hãng hàng không Viễn Đông.
Các đại biểu tham gia các phiên thảo luận của chuyên đề "Viễn Đông trong thập kỷ qua: những gì đã thành công và những việc cần làm?" tổng hợp những kết quả hiện tại và nói về triển vọng phát triển của Đặc khu Liên bang Viễn Đông.
Phần 'Phát triển công nghệ như một sự đảm bảo chủ quyền' giải quyết các vấn đề an ninh nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và việc mở rộng sử dụng máy bay không người lái trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Các chuyên gia đề cập đến việc phát triển các mô hình tương tác mới giữa các doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư và công ty công nghệ.
Phần "Vùng Viễn Đông của tương lai" thảo luận về việc triển khai các dự án tạo diện mạo mới cho vùng Viễn Đông, trong đó có hơn 20 quy hoạch tổng thể. Các chủ đề khác bao gồm cung cấp cho người dân nhà ở chất lượng cao và giá cả phải chăng, tạo điều kiện phát triển nhà cho thuê, hệ thống chăm sóc sức khỏe và bảo tồn lối sống truyền thống của các dân tộc thiểu số bản địa phía Bắc.
Chương trình diễn đàn cũng có nhiều cuộc đối thoại kinh doanh với các đối tác nước ngoài đến từ Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ và ASEAN.
Năm nay, ban tổ chức đặc biệt chú trọng đến việc phát triển hợp tác song phương và đa phương ở nhiều cấp độ. Theo các báo cáo chính thức, Nga có truyền thống sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia quan tâm ở châu Á-Thái Bình Dương và sẵn sàng đưa ra các hình thức hợp tác, có tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các đối tác./.
File gốc của Báo cáo 8321/BC-BKHĐT về kết quả Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Liên bang Nga) từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023 đang được cập nhật.
Báo cáo 8321/BC-BKHĐT về kết quả Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Diễn đàn Kinh tế Phương Đông tại Vladivostok (Liên bang Nga) từ ngày 10 đến 13 tháng 9 năm 2023
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Số hiệu | 8321/BC-BKHĐT |
Loại văn bản | Báo cáo |
Người ký | Đỗ Thành Trung |
Ngày ban hành | 2023-10-06 |
Ngày hiệu lực | 2023-10-06 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng |