TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2003/CT-TCHQ | Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2003 |
CHỈ THỊ
VỀ CHẤN CHỈNH VIỆC TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH HÀNG HÓA XUẤT NHẬP KHẨU
Thời gian vừa qua, tại Hải quan một số tỉnh, thành phố có tình trạng kiểm hóa viên và lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng phải đến các tổ chức giám định để trưng cầu giám định hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kể cả đối với những mặt hàng thông thường hoặc mặt hàng đã xuất, nhập khẩu nhiều lần qua cửa khẩu đó, làm chậm trễ việc thông quan hàng hóa, tăng chi phí cho doanh nghiệp và lỏng lẻo trong quản lý.
Vấn đề phân tích, phân loại và giám định hàng hóa đã được quy định tại Luật Hải quan, Nghị định 101/2001/NĐ-CP ngày 31/12/2001 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nhưng tình trạng trên vẫn tiếp tục tiếp diễn.
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố:
1. Sau khi kiểm tra (kiểm hóa) hàng hóa XNK, việc xác định tên hàng, số lượng, khối lượng, chất lượng... hàng hóa là trách nhiệm của kiểm hóa viên và Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu. Vì vậy, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu phải bố chí công chức hải quan có đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức làm nhiệm vụ kiểm hóa. Phải có những chuyên gia, những kiểm hóa viên giỏi, nhiều kinh nghiệm để kiểm hóa những mặt hàng khó xác định, mặt hàng có thuế xuất cao, mặt hàng nhạy cảm. Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan cửa khẩu phải chuyên môn hóa đội ngũ kiểm hóa viên đối với từng loại mặt hàng, mặt khác, phải thành lập bộ phận tư vấn để giúp cho lãnh đạo xác định những mặt hàng khó.
2. Đối với những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng mới được phép xuất nhập khẩu thì phải yêu cầu chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm tra chất lượng hàng hóa.
3. Đối với những mặt hàng mới (không thuộc danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng và những mặt hàng theo thông lệ buôn bán quốc tế phải thực hiện giám định), với điều kiện, phương tiện của mình, kiểm hóa viên và Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu không thể xác định được thì mới trưng cầu phân tích, phân loại tại Trung tâm phân tích, phân loại hàng hóa thuộc Tổng cục Hải quan (dưới đây gọi là Trung tâm). Kết quả phân tích, phân loại của Trung tâm là căn cứ để Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa. Trường hợp không nhất trí với kết luận của Trung tâm thì phải báo cáo Tổng cục Hải quan để được chỉ đạo.
4. Đối với những mặt hàng đã có kết luận của Trung tâm thì không trưng cầu phân tích, phân loại trong các lần xuất, nhập khẩu sau đó của tất cả các doanh nghiệp (trừ trường hợp phát hiện kết quả phân tích, phân loại lần trước là không chính xác).
5. Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Chi cục Hải quan cửa khẩu phải trang bị đầy đủ các thiết bị, công cụ cần thiết cho kiểm hóa viên và Chi cục Hải quan cửa khẩu để phục vụ nhiệm vụ kiểm hóa.
6. Các Trung tâm phân tích, phân loại phải đáp ứng kịp thời, chính xác các yêu cầu phân tích, phân loại của Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Chỉ thị này được quán triệt tới tất cả các công chức trong toàn ngành Hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Thủ ttrưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này.
| Trương Chí Trung (Đã ký) |
File gốc của Chỉ thị 02/2003/CT-TCHQ về việc chấn chỉnh việc trưng cầu giám định hàng hoá xuất nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành đang được cập nhật.
Chỉ thị 02/2003/CT-TCHQ về việc chấn chỉnh việc trưng cầu giám định hàng hoá xuất nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Hải quan |
Số hiệu | 02/2003/CT-TCHQ |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Người ký | Trương Chí Trung |
Ngày ban hành | 2003-09-19 |
Ngày hiệu lực | 2003-09-19 |
Lĩnh vực | Thương mại |
Tình trạng |