BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1666/TCT-TTr | Hà Nội, ngày 03 tháng 5 năm 2007 |
Kính gửi: | Công ty TNHH ôtô Trường Hải |
Trả lời công văn số 285/2006VB/TCKT ngày 28/12/2006 của Công ty TNHH ôtô Trường Hải (Địa chỉ: Số 19 đường 2A-KCN Biên Hoà II, tỉnh Đồng Nai) về việc: ''chính sách thuế & chế độ kế toán'', Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Vấn đề 1: Khoản chi phí lãi vay trong kỳ Đội kiểm tra phân bổ cho khoản vốn đưa đi góp vốn liên doanh và đầu tư TSCĐ (đầu tư mua đất):
Tại Điểm 15, Mục III, Phần B Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/2/2002 hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 4/6/2001 của Chính phủ và Nghị định số 30/1998/NĐ-Cp ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp: ''Doanh nghiệp không được tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế các khoản chi phí sau đây:
...
d, Các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương (trừ trường hợp đã có quy định của Chính phủ cho tính vào chi phí kinh doanh); chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Và tại mục IV, phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế TNDN quy định: ''IV. các khoản chi không được tính vào chi phí hợp lý:
...
6, Các khoản chi không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế như: chi về đầu tư xây dựng cơ bản, chi ủng hộ các đoàn thể, tổ chức xã hội và ủng hộ địa phương, chi từ thiện và các khoản chi khác không liên quan đến doanh thu, thu nhập chịu thuế.
Do vậy các khoản chi liên quan đến góp vốn liên doanh, đầu tư TSCĐ (đầu tư mua đất) không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế không được tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế.
Toàn bộ vốn của đơn vị (kể cả vốn vay) phục vụ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của đơn vị, trong đó có cả hoạt động không liên quan đến doanh thu và thu nhập chịu thuế. Vì vậy, trong trường hợp đơn vị có đi vay vốn thì tất các các hoạt động đều phải gánh chịu (bị phân bổ) khoản trả lãi tiền vay. Đội kiểm tra thực hiện phân bổ lãi vay phải trả trong kỳ (các năm 2003, 2004, 2005) theo phương pháp bình quân: lãi vay bình quân cho một đồng vốn sử dụng trong kinh doanh (gồm tổng vốn vay bình quân năm và vốn chủ sở hữu bình quân năm) để xác định chi phí lãi vay phân bổ cho các hoạt động trên là hợp lý và đúng quy định.
2. Vấn đề 2: Khoản thu nhập khác phát sinh năm 2005 :
Tại điểm 1, 2, mục II, phần B Thông tư số 128/2003/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 164/2003/NĐ-CP ngày 22/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định việc xác định doanh thu tính thuế TNDN:
“1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đươc xác định như sau:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà cơ sở kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
...
2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
2.1- Đối với hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá hoặc xuất hoá đơn bán hàng.
2.2- Đối với dịch vụ là thời điểm dịch vụ hoàn thành hoặc xuất hoá đơn bán hàng.”
Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên thì khoản doanh thu phát sinh kỳ nào đều phải phản ánh vào kỳ đó đảm bảo doanh thu phải phù hợp với chi phí để tính thu nhập chịu thuế nhằm xác định đúng nghĩa vụ về thuế của Công ty đối với NSNN trong năm.
3. Vấn đề 3: Về khoản chi phí quảng cáo, khuyến mãi, tiếp khách... được đưa vào chi phí hợp lý trong kỳ:
Tổng số Chi phí hợp lý kinh doanh trong kỳ đã trừ giá vốn của Công ty; tổng chi phí quảng cáo, khuyến mại, tiếp khách của Công ty do Công ty báo cáo và Đội kiểm tra đã kiểm tra và ghi nhận theo số báo cáo của Công ty. Theo hướng dẫn tại Điểm 11, Mục III, Phần B Thông tư số 18/2002/TT-BTC ngày 20/2/2002 hướng dẫn thi hành Nghị định số 26/2001/NĐ-CP ngày 04/6/2001 của Chính phủ và Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có quy định việc xác định chi phí bị khống chế để tính thu nhập chịu thuế TNDN:
“1. Chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, tiếp tân, khánh tiết, chi phí giao dịch, đối ngoại, chi hoa hồng môi giới, chi phí hội nghị và các khoản chi phí khác phải có chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, gắn với kết quả kinh doanh, không vượt mức khống chế qui định dưới đây:
...
b, Đối với cơ sở hoạt động kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ không quá 7% trên tổng chi phí đã liệt kê trên (đối với thương nghiệp trừ giá mua vào của hàng bán ra)
...
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, do Công ty hạch toán riêng doanh thu kinh doanh Thương mại và doanh thu dịch vụ sửa chữa nên Đội kiểm tra đã phân bổ chi phí hợp lý và chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi.... của từng hoạt động Thương mại và Dịch vụ riêng và tính lại mức khống chế theo quy định đối với hoạt động kinh doanh Thương mại (tỷ lệ khống chế trên tổng chi phí hợp lý không gồm giá vốn hàng bán) và loại trừ khỏi chi phí khoản chi vượt mức khống chế 7%. Do khi tính tổng chi phí khống chế Công ty đã không trừ giá vốn hàng bán Thương mại nên chi phí khống chế theo cách tính của Công ty cao hơn của Đội kiểm tra.
Tổng cục thuế trả lời để Công ty được biết./.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
File gốc của Công văn 1666/TCT-TTr trả lời Công văn 285/2006VB/TCKT do Tổng cục Thuế ban hành đang được cập nhật.
Công văn 1666/TCT-TTr trả lời Công văn 285/2006VB/TCKT do Tổng cục Thuế ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tổng cục Thuế |
Số hiệu | 1666/TCT-TTr |
Loại văn bản | Công văn |
Người ký | Phạm Duy Khương |
Ngày ban hành | 2007-05-03 |
Ngày hiệu lực | 2007-05-03 |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí |
Tình trạng | Còn hiệu lực |