Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định 83/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Điều 10. Quy định chung về khai thuế, tính thuế
1. Nguyên tắc tính thuế, khai thuế
a) Người nộp thuế phải tính, xác định số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cơ quan thuế ấn định thuế hoặc tính thuế theo quy định tại Điều 37, Điều 38 của Luật Quản lý thuế.
b) Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế với cơ quan thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế.
c) Đối với loại thuế khai theo tháng, quý, tạm tính theo quý hoặc năm, nếu trong kỳ tính thuế không phát sinh nghĩa vụ thuế hoặc người nộp thuế đang thuộc diện được hưởng ưu đãi, miễn giảm thuế thì người nộp thuế vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế theo đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp đã chấm dứt hoạt động kinh doanh và trường hợp tạm ngừng kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm đ khoản 1 Điều này và các trường hợp không phải nộp hồ sơ khai thuế theo hướng dẫn tại Điều 16, Điều 17, Điều 18 Thông tư này.
d) Đối với loại thuế khai theo tháng hoặc khai theo quý, kỳ tính thuế đầu tiên được tính từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh đến ngày cuối cùng của tháng hoặc quý, kỳ tính thuế cuối cùng được tính từ ngày đầu tiên của tháng hoặc quý đến ngày kết thúc hoạt động kinh doanh. Kỳ tính thuế năm của thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên được tính theo năm dương lịch hoặc năm tài chính của người nộp thuế. Kỳ tính thuế năm của các loại thuế khác là năm dương lịch.
đ) Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh và không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế nghỉ kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.
Trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế.
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng.
- Lý do tạm ngừng kinh doanh.
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh, của chủ hộ kinh doanh.
Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định.
*Điểm này được sửa đổi bởi Điều 14 Thông tư 151/2014/TT-BTC
Điều 14. Sửa đổi điểm đ, Khoản 1, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22/7/2013 của Chính phủ (gọi chung là Thông tư số 156/2013/TT-BTC) như sau:
“đ) Người nộp thuế trong thời gian tạm ngừng kinh doanh không phát sinh nghĩa vụ thuế thì không phải nộp hồ sơ khai thuế của thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh không trọn năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ quyết toán thuế năm.
đ.1) Đối với người nộp thuế thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản về việc tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại với cơ quan đăng ký kinh doanh nơi người nộp thuế đã đăng ký theo quy định.
Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo cho cơ quan thuế biết về thông tin người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh trở lại chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của người nộp thuế. Trường hợp người nộp thuế đăng ký tạm ngừng kinh doanh, cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh về nghĩa vụ thuế còn nợ với ngân sách nhà nước của người nộp thuế chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin từ cơ quan đăng ký kinh doanh.
đ.2) Đối với người nộp thuế thuộc đối tượng đăng ký cấp mã số thuế trực tiếp tại cơ quan thuế thì trước khi tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 15 (mười lăm) ngày trước khi tạm ngừng kinh doanh. Nội dung thông báo gồm:
- Tên, địa chỉ trụ sở, mã số thuế.
- Thời hạn tạm ngừng kinh doanh, ngày bắt đầu và ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng.
- Lý do tạm ngừng kinh doanh.
- Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, đại diện của nhóm cá nhân kinh doanh, của chủ hộ kinh doanh.
Hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, người nộp thuế phải thực hiện kê khai thuế theo quy định. Trường hợp người nộp thuế ra kinh doanh trước thời hạn theo thông báo tạm ngừng kinh doanh thì phải có thông báo bằng văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo quy định”.*
e) Đồng tiền khai thuế là Đồng Việt Nam. Trường hợp khai các loại thuế liên quan đến hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô, khí thiên nhiên thì đồng tiền khai thuế là Đô la Mỹ.
2. Hồ sơ khai thuế
Hồ sơ khai thuế bao gồm tờ khai thuế và các tài liệu liên quan làm căn cứ để người nộp thuế khai thuế, tính thuế với cơ quan thuế.
Người nộp thuế phải sử dụng đúng mẫu tờ khai thuế và các mẫu phụ lục kèm theo tờ khai thuế do Bộ Tài chính quy định, không được thay đổi khuôn dạng, thêm, bớt hoặc thay đổi vị trí của bất kỳ chỉ tiêu nào trong tờ khai thuế. Đối với một số loại giấy tờ trong hồ sơ thuế mà Bộ Tài chính không ban hành mẫu thì thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
a) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng chậm nhất là ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
b) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quý, tạm tính theo quý chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
c) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế năm chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của tháng đầu tiên của năm dương lịch.
d) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười), kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
đ) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
e) Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp doanh nghiệp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm), kể từ ngày có quyết định về việc doanh nghiệp thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động.
g) Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thu khác liên quan đến sử dụng đất theo cơ chế một cửa liên thông thì thực hiện theo thời hạn quy định tại văn bản hướng dẫn về cơ chế một cửa liên thông đó.
4. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế
a) Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng hạn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
b) Thời gian gia hạn không quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế quý, khai thuế tạm tính theo quý, khai thuế năm, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế. không quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế.
c) Người nộp thuế phải gửi đến cơ quan thuế nơi nhận hồ sơ khai thuế văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trước khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế, trong đó nêu rõ lý do đề nghị gia hạn có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an xã, phường, thị trấn nơi phát sinh trường hợp được gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.
d) Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phải trả lời bằng văn bản cho người nộp thuế về việc chấp nhận hay không chấp nhận việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. nếu cơ quan thuế không có văn bản trả lời thì coi như đề nghị của người nộp thuế được chấp nhận.
5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế
a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế.
Đối với loại thuế có kỳ quyết toán thuế năm: Trường hợp chưa nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế tạm nộp của tháng, quý có sai sót, đồng thời tổng hợp số liệu khai bổ sung vào hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm. Trường hợp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế năm làm giảm số thuế phải nộp nếu cần xác định lại số thuế phải nộp của tháng, quý thì khai bổ sung hồ sơ khai tháng, quý và tính lại tiền chậm nộp (nếu có).
Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. nếu cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế sau kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh:
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót nhưng không liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ đã kiểm tra, thanh tra nhưng không thuộc phạm vi đã kiểm tra, thanh tra thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và phải nộp tiền chậm nộp theo quy định.
- Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp còn sai sót liên quan đến thời kỳ, phạm vi đã kiểm tra, thanh tra dẫn đến phát sinh tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế đã được hoàn, giảm số thuế được khấu trừ, giảm số thuế đã nộp thừa thì người nộp thuế được khai bổ sung, điều chỉnh và bị xử lý theo quy định như đối với trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện.
Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành kết luận, quyết định xử lý về thuế liên quan đến tăng, giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ thì người nộp thuế thực hiện khai điều chỉnh vào hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế nhận được kết luận, quyết định xử lý về thuế theo kết luận, quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền (người nộp thuế không phải lập hồ sơ khai bổ sung).
b) Hồ sơ khai bổ sung
- Tờ khai thuế của kỳ tính thuế bị sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS ban hành kèm theo Thông tư này (trong trường hợp khai bổ sung, điều chỉnh có phát sinh chênh lệch tiền thuế).
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh.
c) Các trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế
c.1) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS.
c.2) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung và tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.
Ví dụ 1: Công ty A vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng, thì Công ty A nộp số tiền thuế tăng thêm 100 triệu đồng, đồng thời tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định để nộp vào NSNN.
Hồ sơ Công ty A nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh làm tăng thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong tờ khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Ví dụ 2: Công ty B vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2013 làm tăng số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng, trường hợp này Công ty B nộp số tiền thuế tăng thêm 100 triệu đồng, đồng thời tự xác định số tiền chậm nộp theo quy định để nộp vào NSNN.
Hồ sơ Công ty B nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2013 đã điều chỉnh tăng số thuế TNDN phải nộp của năm 2013 là 100 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm tăng số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng của kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2013.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
c.3) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung. Số tiền thuế điều chỉnh giảm được tính giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, nếu đã nộp NSNN thì được bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ sau hoặc được hoàn thuế.
Ví dụ 3: Công ty C vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tháng 01/2014 làm giảm số thuế TTĐB phải nộp 100 triệu đồng, thì người nộp thuế xác định là số tiền thuế nộp thừa của tháng 01/2014, được bù trừ vào số thuế TTĐB phải nộp của kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế.
Hồ sơ Công ty C nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai thuế TTĐB tháng 01/2014 đã điều chỉnh giảm số thuế TTĐB phải nộp 100 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm giảm số thuế TTĐB phải nộp 100 triệu đồng của kỳ tính thuế TTĐB tháng 01/2014.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Ví dụ 4: Công ty D vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm giảm số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng thì số thuế điều chỉnh giảm được bù trừ vào số thuế GTGT phải nộp của kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế.
Hồ sơ Công ty D nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh giảm số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm giảm số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Ví dụ 5: Công ty E vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2013 làm giảm số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng (kê khai nộp thuế TNDN 200 triệu đồng, nay điều chỉnh còn phải nộp 100 triệu đồng), thì người nộp thuế xác định là số tiền thuế nộp thừa của năm 2013, được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp của kỳ sau hoặc làm thủ tục hoàn thuế.
Hồ sơ Công ty E nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2013 đã điều chỉnh giảm số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu số 01/KHBS làm giảm số thuế TNDN phải nộp 100 triệu đồng của kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2013.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế chưa nộp đối với số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán thuế năm 2013, thì khi nộp hồ sơ khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2013, người nộp thuế được lập hồ sơ khai bổ sung thuế TNDN từng quý trong năm 2013, để xác định lại số thuế TNDN phải nộp theo từng quý, tính lại số tiền chậm nộp tiền thuế của các quý trong năm 2013.
c.4) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế chỉ làm tăng số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của kỳ tính thuế có sai sót thì lập hồ sơ khai bổ sung, số tiền thuế điều chỉnh tăng khấu trừ của kỳ sai sót khai vào chỉ tiêu “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ lập hồ sơ khai thuế hiện tại.
Ví dụ 6: Công ty G vào tháng 8/2014 lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 chỉ làm tăng số thuế GTGT chưa khấu trừ hết là 500 triệu đồng:
Hồ sơ Công ty G nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh tăng số thuế GTGT chưa khấu trừ thêm 500 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu 01/KHBS làm tăng số thuế GTGT chưa khấu trừ thêm 500 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014.
- Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
Số tiền điều chỉnh tăng 500 triệu đồng, Công ty G khai vào chỉ tiêu “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT tháng 7/2014 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 8/2014.
c.5) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của kỳ tính thuế có sai sót thì lập hồ sơ khai bổ sung:
- Trường hợp người nộp thuế chưa dừng khấu trừ chưa đề nghị hoàn thuế thì số tiền thuế điều chỉnh giảm khấu trừ của kỳ sai sót khai vào chỉ tiêu “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ lập hồ sơ khai thuế hiện tại.
Ví dụ 7: Công ty H vào tháng 8/2014 lập hồ sơ khai bổ sung của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết từ 200 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng thì người nộp thuế không phải nộp số thuế GTGT 100 triệu đồng và không phải tính chậm nộp, mà điều chỉnh giảm số thuế GTGT không được khấu trừ của tháng 01/2014 là 100 triệu đồng vào tờ khai thuế GTGT của tháng 7/2014 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 8/2014, tháng lập hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh (kê khai vào chỉ tiêu - Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước).
Hồ sơ Công ty H nộp cho cơ quan thuế:
+ Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết 100 triệu đồng.
+ Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu 01/KHBS làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết 100 triệu đồng của kỳ tính thuế GTGT tháng 01/2014.
+ Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
- Trường hợp người nộp thuế đã dừng khấu trừ thuế và lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế gửi cơ quan thuế nhưng chưa được hoàn thuế thì cơ quan thuế xét hoàn thuế theo hồ sơ đề nghị hoàn thuế và hồ sơ khai bổ sung theo quy định.
Ví dụ 8: Trên tờ khai thuế GTGT tháng 01/2015, Công ty H đã dừng khấu trừ thuế và lập hồ sơ đề nghị hoàn 900 triệu đồng. Tháng 3/2015, Công ty H lập hồ sơ khai bổ sung của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2015 làm giảm số thuế GTGT đã dừng khấu trừ đề nghị hoàn từ 900 triệu đồng xuống còn 800 triệu đồng do 100 triệu đồng không đủ điều kiện được khấu trừ thuế, cơ quan thuế chưa có quyết định hoàn thuế GTGT thì người nộp thuế không phải nộp số thuế GTGT 100 triệu đồng và không phải tính chậm nộp. Cơ quan thuế căn cứ hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT của kỳ hoàn thuế GTGT tháng 01/2015 và hồ sơ khai bổ sung ra quyết định hoàn thuế GTGT với số thuế được hoàn sau khi khai bổ sung là 800 triệu đồng.
- Trường hợp người nộp thuế đã được cơ quan thuế giải quyết hoàn thuế thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế đã được hoàn sai và tính tiền chậm nộp kể từ ngày cơ quan Kho Bạc Nhà nước ký xác nhận trên Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN hoặc Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu NSNN đến ngày người nộp thuế kê khai bổ sung. Trường hợp người nộp thuế chưa nộp đủ số tiền thuế đã hoàn sai hoặc tính tiền chậm nộp không đúng quy định, cơ quan thuế sẽ tính tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế.
Ví dụ 9: Công ty H vào tháng 8/2014 lập hồ sơ khai bổ sung của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết từ 200 triệu đồng xuống còn 100 triệu đồng, số tiền thuế GTGT này người nộp thuế đã đề nghị hoàn và đã được cơ quan KBNN ký xác nhận trên Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN số 123, ngày 25/04/2014 thì người nộp thuế phải nộp lại số thuế GTGT 100 triệu đồng vào Tài khoản thu hồi hoàn thuế GTGT và tự tính tiền chậm nộp từ ngày 25/04/2014 đến ngày kê khai bổ sung để nộp vào Tài khoản thu ngân sách nhà nước.
c.6) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết đồng thời làm tăng số thuế GTGT phải nộp của kỳ tính thuế có sai sót thì lập hồ sơ khai bổ sung.
Người nộp thuế tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định đồng thời khai số tiền thuế còn được khấu trừ điều chỉnh giảm của kỳ sai sót vào chỉ tiêu “Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ lập hồ sơ khai thuế hiện tại.
Ví dụ 10: Công ty I vào tháng 8/2014 lập hồ sơ khai bổ sung của hồ sơ khai thuế GTGT tháng 01/2014 làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết, chuyển sang kỳ sau là 200 triệu đồng, đồng thời làm phát sinh số thuế GTGT phải nộp tăng 100 triệu đồng (tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 có số thuế GTGT chưa được khấu trừ hết, chuyển sang kỳ sau là 200 triệu, nay điều chỉnh giảm số thuế GTGT không được khấu trừ là 300 triệu, dẫn tới tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 phát sinh số thuế GTGT phải nộp là 100 triệu) thì đối với số thuế GTGT phải nộp tăng thêm 100 triệu, người nộp thuế phải nộp thuế, tính tiền nộp chậm. đối với số thuế GTGT 200 triệu đồng không được khấu trừ được điều chỉnh vào vào tờ khai thuế GTGT của tháng 7/2014 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 8/2014 (kê khai điều chỉnh vào chỉ tiêu - Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước).
Hồ sơ Công ty I nộp cho cơ quan thuế:
- Đối với việc điều chỉnh làm tăng số thuế GTGT phải nộp của tháng 01/2014 là 100 triệu đồng: Tại thời điểm phát hiện ra sai lệch, Công ty I thực hiện kê khai bổ sung, điều chỉnh để nộp thuế 100 triệu đồng và tính nộp chậm. Hồ sơ kê khai bổ sung, điều chỉnh nộp cho cơ quan thuế gồm:
+ Tờ khai thuế GTGT tháng 01/2014 đã điều chỉnh tăng số thuế GTGT phải nộp 100 triệu đồng.
+ Bản giải trình bổ sung, điều chỉnh mẫu 01/KHBS của kỳ kê khai thuế GTGT điều chỉnh tháng 01/2014.
+ Tài liệu kèm theo giải thích số liệu trong Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (nếu có).
- Đối với việc điều chỉnh làm giảm số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng 01/2014 là 200 triệu đồng: Công ty I thực hiện khai điều chỉnh vào chỉ tiêu Điều chỉnh giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước của tờ khai thuế GTGT của tháng 7/2014 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 8/2014.
c.7) Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số thuế GTGT chưa khấu trừ hết đồng thời làm giảm số thuế GTGT phải nộp của kỳ tính thuế có sai sót thì lập hồ sơ khai bổ sung.
Người nộp thuế khai số tiền thuế còn được khấu trừ điều chỉnh tăng của kỳ sai sót vào chỉ tiêu “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ lập hồ sơ khai thuế hiện tại. Đối với số thuế GTGT được điều chỉnh giảm số thuế phải nộp, người nộp thuế khai điều chỉnh như trường hợp c.3 khoản 5 Điều này.
c.8) Người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với chỉ tiêu đề nghị hoàn trên tờ khai GTGT khấu trừ trong trường hợp điều chỉnh giảm số thuế đã đề nghị hoàn trên tờ khai do chưa đảm bảo trường hợp được hoàn và chưa làm hồ sơ đề nghị hoàn thì lập hồ sơ khai bổ sung đồng thời khai số tiền đề nghị hoàn điều chỉnh giảm vào chỉ tiêu “Điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước” trên tờ khai thuế GTGT của kỳ lập hồ sơ khai thuế hiện tại.
Ví dụ 11: Công ty K đã kê khai số thuế GTGT đề nghị hoàn vào Tờ khai thuế GTGT tháng 6/2014 là 200 triệu đồng nhưng chưa lập hồ sơ hoàn thuế GTGT. Tháng 8/2014, Công ty K phát hiện số thuế khai đề nghị hoàn nêu trên chưa đảm bảo trường hợp được hoàn thì Công ty được điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khai đề nghị hoàn chưa đảm bảo trường hợp được hoàn tại tờ khai thuế GTGT tháng 6/2014 và được khai điều chỉnh tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ của các kỳ trước tương ứng trên tờ khai thuế GTGT tháng 7/2014 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 8/2014.
Hồ sơ Công ty K nộp cho cơ quan thuế:
- Tờ khai thuế GTGT tháng 6/2014 đã điều chỉnh giảm số thuế GTGT đề nghị hoàn, tăng số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau là 200 triệu đồng.
- Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh mẫu 01/KHBS.
6. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế, phí, lệ phí và khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Một số trường hợp cụ thể địa điểm nộp hồ sơ khai thuế quy định như sau:
a) Hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh ngoại tỉnh và hồ sơ khai thuế theo phương pháp khoán được nộp theo hướng dẫn tại Điều 11, Điều 16, Điều 18, Điều 19 và Điều 21 Thông tư này.
b) Hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác tài nguyên mà người nộp thuế có trụ sở chính ở cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi doanh nghiệp có hoạt động khai thác tài nguyên được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế). Trường hợp người nộp thuế có trụ sở chính tại tỉnh, thành phố này nhưng có hoạt động khai thác tài nguyên tại tỉnh, thành phố khác thì nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế do Cục trưởng Cục Thuế nơi phát sinh hoạt động khai thác tài nguyên quy định.
c) Hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản mà người nộp thuế có trụ sở chính ở cùng địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng bất động sản được nộp tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế). Trường hợp người nộp thuế có trụ sở chính tại tỉnh, thành phố này nhưng có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại tỉnh, thành phố khác thì nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế do Cục trưởng Cục Thuế nơi phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản quyết định.
d) Hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đối với trường hợp người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt có cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với trụ sở chính được nộp tại nơi có cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
đ) Trường hợp các cơ quan quản lý nhà nước trên cùng một địa phương có quy định việc phối hợp, giải quyết thủ tục hành chính mà trong đó có quy định thủ tục, hồ sơ khai thuế theo cơ chế một cửa liên thông thì địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định đó.