BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/2018/TT-BTC | Hà Nội, ngày 17 tháng 8 năm 2018 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, MỨC CHI XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BIÊN SOẠN GIÁO TRÌNH MÔN HỌC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC, GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định nội dung, mức chi ngân sách nhà nước để thực hiện việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.
Trình độ đào tạo thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi tắt là đơn vị) có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học.
Điều 2. Nguồn kinh phí chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học
1. Các đơn vị sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao để xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.
2. Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, Nhà nước khuyến khích các đơn vị sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học.
Các đơn vị được vận dụng các quy định tại Thông tư này trong việc sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác khi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học. Mức chi cụ thể do thủ trưởng đơn vị quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ, bảo đảm phù hợp với khả năng kinh phí của đơn vị.
Điều 3. Các nội dung và mức chi chung
1. Chi hội nghị, hội thảo, tập huấn triển khai nhiệm vụ, công tác phí để phục vụ cho hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình: nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị, Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 1 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 01/2010/TT-BTC).
2. Các nội dung chi cho các hoạt động điều tra khảo sát xác định nhu cầu đào tạo: áp dụng theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 109/2016/TT-BTC).
3. Chi dịch và hiệu đính tài liệu:
a) Chi dịch nói từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và ngược lại: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 01/2010/TT-BTC;
b) Chi phiên dịch (dịch nói) từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc thiểu số và ngược lại: Mức tiền công áp dụng bằng mức chi thuê người dẫn đường kiêm phiên dịch tiếng dân tộc quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC;
c) Chi dịch và hiệu đính tài liệu: Mức chi theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;
d) Trường hợp các cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ của các cơ quan, đơn vị để tham gia công tác dịch và hiệu đính tài liệu thì được thanh toán tối đa bằng 50% mức chi thuê ngoài quy định tại điểm a, b và c Khoản 3 Điều 3 Thông tư này.
4. Chi xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử về chương trình đào tạo, giáo trình: áp dụng theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước và các quy định khác về xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu của Nhà nước.
5. Chi in ấn tài liệu, mua văn phòng phẩm phục vụ cho hoạt động xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình: mức chi căn cứ vào nhu cầu thực tế phát sinh do thủ trưởng đơn vị quyết định và hóa đơn chứng từ chi tiêu hợp pháp.
Điều 4. Chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học
Căn cứ nhiệm vụ được giao hoặc nhu cầu của đơn vị; căn cứ nguồn kinh phí của đơn vị, thủ trưởng đơn vị quyết định việc xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học (bao gồm xây dựng mới, chỉnh sửa, bổ sung) bảo đảm phù hợp với yêu cầu chuyên môn và thực tế hoạt động của đơn vị.
Các đơn vị căn cứ quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước để quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị thành các yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn, nội dung công việc và các mức chi cụ thể theo công lao động cho các thành viên tham gia xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình tương ứng với nhiệm vụ chuyên môn, sản phẩm đầu ra cụ thể được giao.
Điều 5. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
Kinh phí xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được quản lý, sử dụng và quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật hiện hành.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 10 năm 2018 và thay thế Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định nội dung chi, mức chi xây dựng chương trình khung và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học đối với các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp.
2. Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa, thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo và biên soạn giáo trình căn cứ vào quy định tại Thông tư này để xây dựng mức chi cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.
3. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
4. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 76/2018/TT-BTC hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 76/2018/TT-BTC hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 76/2018/TT-BTC |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Trần Văn Hiếu |
Ngày ban hành | 2018-08-17 |
Ngày hiệu lực | 2018-10-03 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Còn hiệu lực |