ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2008/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 08 tháng 5 năm 2008 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU QUY ĐỊNH VỀ QUY TRÌNH QUẢN LÝ, XỬ LÝ, XÁC ĐỊNH GIÁ KHỞI ĐIỂM VÀ CHUYỂN GIAO TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ĐỂ BÁN ĐẤU GIÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 55/2007/QĐ-UBND NGÀY 01/10/2007 CỦA UBND TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 06/3/1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ về quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Chỉ thị số 18/2006/CT-TTg ngày 15/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản;
Căn cứ Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá và Thông tư số 13/2007/TT-BTC ngày 06/3/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 34/2005/TT-BTC ngày 12/5/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá;
Căn cứ Thông tư số 112/2006/TT-BTC ngày 27/12/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý tài sản Nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập ban hành kèm theo Quyết định số 202/2006/QĐ-TTg ngày 31/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý tài sản Nhà nước đối với tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 21/2008/QĐ-UBND ngày 20/02/2008 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định việc phân cấp quản lý Nhà nước đối với tài sản Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 367/TTr-STC ngày 28/3/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định về quy trình quản lý, xử lý, xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận ban hành kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-UBND ngày 01/10/2007 của UBND tỉnh Bình Thuận (sau đây gọi tắt là Quyết định 55) như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 Quyết định 55 như sau:
a) Sửa đổi tại khoản 3 Điều 4 như sau:
Điều chỉnh lại cụm từ "Thành phần Hội đồng bán đấu giá của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập" thành “Thành phần Hội đồng định giá và bán đấu giá của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (cấp đơn vị)”;
b) Sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 4 như sau:
“4. Trong thành phần Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan công an tham gia với tư cách là thành viên Hội đồng bán đấu giá tài sản (trừ trường hợp cơ quan công an là chủ tài sản được bán đấu giá thì tham gia với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản). Trung tâm Mua tài sản công trực thuộc Sở Tài chính là cơ quan thường trực Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh.
Tùy theo tính chất, đặc điểm của tài sản, Chủ tịch Hội đồng mời một số thành viên khác tham gia Hội đồng định giá, bán đấu giá.”
2. Sửa đổi lại khoản 1 Điều 5 Quyết định 55 như sau:
“1. Việc xác định giá khởi điểm tài sản được thực hiện thông qua Hội đồng định giá (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp đơn vị) hoặc thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá bán đảm bảo phù hợp với giá trị còn lại thực tế của tài sản được bán. Giá trị tài sản do Hội đồng định giá xác định hoặc do tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật xác định là cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá. Thẩm quyền định giá tài sản Nhà nước thực hiện như sau:
a) Tài sản Nhà nước định giá thông qua Hội đồng định giá cấp tỉnh hoặc tổ chức có chức năng thẩm định giá (do Chủ tịch Hội đồng định giá và bán đấu giá cấp tỉnh thuê) gồm:
- Đất ở các khu dân cư (cả khu vực đô thị và nông thôn) có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh hoặc đất ở các khu dân cư có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách huyện nhưng thuộc thẩm quyền quyết định giao đất của UBND tỉnh;
- Đất sử dụng làm mặt bằng các dự án sản xuất kinh doanh khác;
- Mỏ tài nguyên khoáng sản;
- Tài sản là nhà thuộc trụ sở làm việc, các cơ sở hoạt động sự nghiệp; công trình kiến trúc và các tài sản khác xây dựng gắn liền với đất;
- Xe ô tô, xe chuyên dùng, phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện đường thủy (xe ô tô các loại);
- Tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh gồm:
+ Xe mô tô, xe gắn máy;
+ Tài sản Nhà nước khác do các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 100 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;
+ Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; công trình kiến trúc và các tài sản khác xây dựng gắn liền trên đất của các cơ quan cấp tỉnh được phép thanh lý để xây dựng công trình mới theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Tài sản Nhà nước khác tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện quản lý có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/01 đơn vị tài sản;
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước có giá trị định giá từ 10 triệu đồng trở lên/01 quyết định và các tài sản khác của Nhà nước không thuộc thẩm quyền định giá của Hội đồng định giá cấp huyện, cấp đơn vị.
b) Tài sản Nhà nước định giá thông qua Hội đồng định giá cấp huyện hoặc tổ chức có chức năng thẩm định giá (do Chủ tịch Hội đồng định giá và bán đấu giá cấp huyện thuê) gồm:
- Các căn nhà, thửa đất nằm riêng biệt, đất ở các khu dân cư (cả khu vực đô thị và nông thôn) có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách huyện, xã và thuộc thẩm quyền quyết định giao đất của UBND cấp huyện;
- Tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện gồm:
+ Xe mô tô, xe gắn máy;
+ Tài sản Nhà nước khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản;
+ Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; công trình kiến trúc và các tài sản khác xây dựng gắn liền trên đất của các cơ quan cấp huyện và cấp xã được phép thanh lý để xây dựng công trình mới theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Tang vật, phương tiện của 01 vụ vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước và tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng/01 quyết định do các đơn vị chức năng thuộc cấp huyện, xã bắt giữ, xử lý.
c) Tài sản Nhà nước định giá thông qua Hội đồng định giá cấp đơn vị hoặc tổ chức có chức năng thẩm định giá (do Chủ tịch Hội đồng định giá và bán đấu giá cấp đơn vị thuê) gồm: các loại tài sản do đơn vị quản lý có nguyên giá theo sổ sách kế toán dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản (trừ các loại tài sản thuộc thẩm quyền định giá của Hội đồng định giá cấp tỉnh, cấp huyện)”.
3. Sửa đổi điểm g và bỏ điểm h, i tại khoản 1, Điều 6, Quyết định 55 như sau:
“g) Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước còn lại (trừ các loại tài sản đã quy định tại khoản a, b, c, d, e, f điểm 1, Điều 6 Quy định này) chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá sau khi giá khởi điểm của tài sản đã được xác định. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước theo quy định tại Điều 61 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 để bán đấu giá được thực hiện như sau:
- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên/01 quyết định tịch thu: người ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu (cấp tỉnh và cấp huyện) có trách nhiệm chuyển giao tài sản cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá theo luật định;
- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng/01 quyết định tịch thu:
+ Do cơ quan cấp tỉnh ra quyết định tịch thu: người ra quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu có trách nhiệm chuyển giao tài sản cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá theo luật định;
+ Do cơ quan cấp huyện, cấp xã ra quyết định tịch thu: không thực hiện chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp để bán đấu giá. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện thông qua Hội đồng bán đấu giá cấp huyện.”
4. Bổ sung khoản 3 tại Điều 6 Quyết định 55 như sau:
“3. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu như lâm sản phụ (tre, nứa, lồ ô, song mây, lá buông, trụ tiêu, cây bất cập phân); các loại gỗ kém phẩm chất, mau hỏng thuộc nhóm 7 - nhóm 8 có giá trị thấp (vông đồng, cóc lột, da, trám trắng, gòn…); các loại gia súc kéo (trâu, bò, ngựa,..): không thực hiện chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp để bán đấu giá. Người ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu có trách nhiệm báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp quyết định việc bán thẳng số tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nói trên cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng. Giá bán không được thấp hơn mức giá khởi điểm do cấp có thẩm quyền phê duyệt theo phân cấp hiện hành.”
5. Sửa đổi các điểm a, b tại khoản 2 Điều 11 Quyết định 55 như sau:
“2. Việc tổ chức bán đấu giá tài sản Nhà nước được thực hiện thông qua Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp; Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh; Hội đồng bán đấu giá huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện); hoặc tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản được phép hoạt động theo quy định của pháp luật để bán đấu giá, cụ thể:
a) Tài sản Nhà nước đã có chủ trương bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá cấp tỉnh:
- Đất ở các khu dân cư (cả khu vực đô thị và nông thôn) có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách tỉnh hoặc đất ở các khu dân cư có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách huyện, xã nhưng thuộc thẩm quyền quyết định giao đất của UBND tỉnh;
- Đất sử dụng làm mặt bằng các dự án sản xuất kinh doanh khác;
- Mỏ tài nguyên khoáng sản;
- Tài sản là nhà thuộc trụ sở làm việc, các cơ sở hoạt động sự nghiệp; công trình kiến trúc và các tài sản khác xây dựng gắn liền với đất;
- Các loại tài sản Nhà nước khác đã có quyết định chuyển giao hoặc hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá nhưng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá từ chối bán theo phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản.
b) Tài sản Nhà nước đã có chủ trương bán đấu giá, tổ chức bán đấu giá thông qua Hội đồng bán đấu giá cấp huyện:
- Đất ở các khu dân cư (cả khu vực đô thị và nông thôn) có nguồn kinh phí đầu tư từ ngân sách huyện, xã và thuộc thẩm quyền quyết định giao đất của UBND cấp huyện;
- Tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp huyện quản lý gồm:
+ Xe mô tô;
+ Tài sản Nhà nước khác có giá trị mua sắm ban đầu dưới 500 triệu đồng;
+ Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; công trình kiến trúc và các tài sản khác xây dựng gắn liền trên đất của các cơ quan thuộc huyện, thị xã, thành phố quản lý đã có chủ trương của UBND tỉnh cho phép thanh lý dạng thu hồi vật liệu (hoặc phải thanh lý để xây dựng công trình mới theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt).
- Tang vật, phương tiện của 01 vụ vi phạm hành chính bị xử lý tịch thu sung quỹ Nhà nước có giá trị dưới 10 triệu đồng do các đơn vị chức năng thuộc cấp huyện bắt giữ, xử lý;
- Các loại tài sản Nhà nước khác thuộc cấp huyện quản lý, xử lý đã có quyết định chuyển giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá trực thuộc Sở Tư pháp tổ chức bán đấu giá nhưng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá từ chối bán theo phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản.”
6. Sửa đổi tại điểm c, khoản 2, Điều 11 và khoản 2, Điều 12 Quyết định 55:
Điều chỉnh lại cụm từ “(cấp tỉnh, cấp huyện)” thành “(cấp tỉnh, cấp huyện, cấp đơn vị)”.
7. Sửa đổi điểm c, khoản 2, Điều 11 như sau:
“Hình thức hợp đồng ủy quyền bán đấu giá:
+ Tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đã có chủ trương bán đấu giá, theo quy định phải tổ chức bán đấu giá theo hình thức hợp đồng ủy quyền bán đấu giá (trừ các loại tài sản đã quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 11 Quy định này).”
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Quyết định 39/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quy trình quản lý, xử lý, xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận kèm theo Quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đang được cập nhật.
Quyết định 39/2008/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về quy trình quản lý, xử lý, xác định giá khởi điểm và chuyển giao tài sản Nhà nước để bán đấu giá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận kèm theo Quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Thuận |
Số hiệu | 39/2008/QĐ-UBND |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Huỳnh Tấn Thành |
Ngày ban hành | 2008-05-08 |
Ngày hiệu lực | 2008-05-18 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |