ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 165/KH-UBND | Yên Bái, ngày 31 tháng 7 năm 2024 |
ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2024 - 2030
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023-2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024-2030 với những nội dung như sau:
1. Mục đích
- Đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có sự cố chất thải xảy ra, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất các tác động phát sinh từ sự cố chất thải đến môi trường sinh thái, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
- Hoàn chỉnh hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách, lực lượng cho hoạt động ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất cần thiết, bảo đảm cho hoạt động ứng phó các sự cố có thể xảy ra.
- Phân định trách nhiệm, xây dựng lực lượng chuyên trách làm nòng cốt cho hoạt động ứng phó sự cố chất thải của tỉnh, cung cấp thông tin cần thiết để các tổ chức, cá nhân và cơ quan, đơn vị có liên quan có thông tin, hướng dẫn đảm bảo công tác ứng phó nhanh chóng, an toàn và hiệu quả khi có sự cố chất thải xảy ra.
- Làm cơ sở để xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn diễn tập nâng cao năng lực cho các cấp và các lực lượng, sẵn sàng thực hiện ứng phó sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Xây dựng và thiết lập được quy trình phản ứng kịp thời, cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả khi có sự cố chất thải xảy ra.
2. Yêu cầu
- Xây dựng Kế hoạch theo khung hướng dẫn của Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030.
- Bảo đảm sẵn sàng ứng phó hiệu quả tại các khu vực dự kiến có thể xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Dự kiến được các tình huống sự cố chất thải xảy ra và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của địa phương.
- Phân công nhiệm vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác ứng phó sự cố chất thải.
- Bảo đảm thông tin liên lạc, phương tiện, trang thiết bị ứng phó, công tác hậu cần, y tế... cho các lực lượng tham gia ứng phó.
- Tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng lấy công tác phòng ngừa là chính, ứng phó nhanh, kịp thời, có hiệu quả đối với các sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn tỉnh.
1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải
1.1. Đặc điểm địa lý, địa hình, địa chất
1.1.1. Địa lý
Yên Bái là tỉnh miền núi phía Tây Bắc Bộ có diện tích tự nhiên là 689.267 ha; có tọa độ địa lý: 21°41'35" vĩ độ Bắc và 104°52'22" kinh độ Đông; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: 7 huyện, 1 thành phố, 1 thị xã); 173 đơn vị hành chính cấp xã (150 xã và 23 phường, thị trấn); dân số 855.529 người (thống kê năm 2023), mật độ dân số 124 người/km2. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai và Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ; phía Đông giáp tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; phía Tây giáp tỉnh Sơn La.
(Có bản đồ vị trí địa lý tỉnh Yên Bái)
1.1.2. Địa hình
- Yên Bái nằm ở vùng núi phía Bắc, có đặc điểm địa hình cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc và được kiến tạo bởi 3 dãy núi lớn đều có hướng chạy Tây Bắc - Đông Nam: phía Tây có dãy Hoàng Liên Sơn - Pú Luông nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Đà, tiếp đến là dãy núi cổ Con Voi nằm kẹp giữa sông Hồng và sông Chảy, phía Đông có dãy núi đá vôi nằm kẹp giữa sông Chảy và sông Lô. Địa hình khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp.
Vùng cao có độ cao trung bình 600m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng thấp có độ cao dưới 600m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
1.1.3. Địa chất thủy văn
Qua khảo sát sơ bộ cho thấy trữ nước dưới đất ở địa bàn Yên Bái khá phong phú, kết quả điều tra khảo sát ban đầu toàn tỉnh có trữ lượng khai thác nước cấp công nghiệp từ 71.000 - 87.600 m3/ngày đêm. Độ khoáng hóa của nước ở cả 3 mức độ siêu nhạt (0,1 g/lít), nhạt (0,1 - 1g/lít) và lợ ( 1 - 3 g/1). Đây là nguồn nước có thể dùng bổ sung cho nơi thiếu các nguồn nước mặt, tuy nhiên hiện nay còn gặp khó khăn về giải pháp và kinh phí đầu tư khi khai thác nguồn nước này.
1.1.4. Điều kiện thổ nhưỡng
- Nhóm đất phù sa: Chiếm 1,33% diện tích toàn tỉnh, phân bố chủ yếu ở khu vực sông, ngòi, suối lớn.
- Nhóm đất Glây: Chiếm 0,61% diện tích toàn tỉnh, phân bố trên các địa hình trũng thấp, thung lũng.
- Nhóm đất đen: Chiếm 0,13% diện tích toàn tỉnh, phân bố trên các thung lũng và ven chân núi đá vôi.
- Nhóm đất xám: Chiếm 82,37% diện tích toàn tỉnh, phân bố ở độ cao dưới 1.800 m, tập trung nhiều nhất ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
- Nhóm đất mùn Alít: Chiếm 8% diện tích toàn tỉnh, phân bố ở vùng cao trên 1.800 m thuộc các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.
- Nhóm đất tầng mỏng: Chiếm 0,2% diện tích toàn tỉnh, phân bố ở vùng đá lộ đầu thuộc các huyện Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn.
- Các loại đất khác như sông, suối, núi đá chiếm 5,54% diện tích toàn tỉnh.
1.2.1. Phân chia vùng khí hậu
Với đặc điểm các vùng khí hậu có thể chia Yên Bái thành 03 (ba) vùng và 06 (sáu) tiểu vùng khí hậu sau:
- Vùng núi cao Hoàng Liên Sơn - Pú Luông bao gồm 02 (hai) tiểu vùng: (1) Tiểu vùng Mù Cang Chải; (2) Tiểu vùng núi cao Tây và Nam Văn Chấn.
- Vùng thung lũng sông Hồng, sông Chảy bao gồm 04 (bốn) tiểu vùng: (1) Tiểu vùng phía Bắc thung lũng sông Hồng, sông Chảy; (ii) Tiểu vùng Nam Trấn Yên, thành phố Yên Bái, Ba Khe; (3) Tiểu vùng thung lũng Văn Chấn; (4) Tiểu vùng Lục Yên - Yên Bình.
- Vùng núi thượng nguồn sông Chảy.
1.2.2. Điều kiện hoàn lưu
- Mùa Đông (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau): Trong suốt mùa Đông, thời tiết ở Yên Bái phổ biến là lạnh, tuy nhiên xen kẽ các đợt lạnh đó là thời tiết ấm với sự khống chế của không khí nhiệt đới Thái Bình Dương. Ở khu vực phía Tây đã bắt đầu mùa mưa sớm hơn (giữa tháng 3) so với các khu vực phía Đông của tỉnh.
- Mùa Xuân (tháng 3-4): Đây là thời kỳ quá độ từ mùa Đông sang mùa Hè. Khí lạnh thưa và yếu dần. Ở Yên Bái bắt đầu mùa mưa dông thay thế mưa nhỏ, mưa phùn. Ở khu vực phía Tây của tỉnh bắt đầu mùa Hè thời tiết nóng khô do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây mặc dù vẫn còn hoạt động dông xen kẽ.
- Mùa Hè (tháng 5 đến tháng 9): Mùa Hè cũng là mùa mưa bão. Bão ảnh hưởng đến các khu vực trong tỉnh chủ yếu hoàn lưu bão đã suy yếu thành vùng thấp gây mưa dông. Hoạt động của Dải hội tụ nhiệt đới ở các vĩ độ Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ có thể đem lại kiếu thời tiết mưa dầm.
- Mùa Thu (tháng 10): Đây là thời kỳ quá độ từ mùa hè sang mùa đông. Đôi khi khí lạnh tràn về kết hợp với Bão hoặc Dải hội tụ nhiệt đới ở các vĩ độ Bắc Trung Bộ hoặc Nam Trung Bộ vẫn gây ra mưa lớn ở Yên Bái nhất là khu vực phía đông.
1.2.3. Chế độ gió
Các khu vực dọc theo thung lũng sông Hồng, sông Chảy hoặc thung lũng có hướng mở về phía Đông Nam (như: Yên Bái, Thác Bà, Lục Yên) quanh năm gió Đông hoặc Đông Nam chiếm ưu thế. Tại trạm Mù Cang Chải gió thiên hướng Tây được tăng cường trong tháng 4 và tháng 7.
Tốc độ gió trung bình hàng năm ở Yên Bái phổ biến 1 - 2m/s, nhỏ hơn vùng đồng bằng Bắc Bộ. Mùa Đông (từ tháng 11-3 năm sau): Tại Yên Bái là 1,40 m/s, Lục Yên là 1,20m/s, Thác Bà là 1,70 m/s. Cuối mùa Đông tốc độ gió tăng lên so với các tháng đầu mùa Đông. Tại Yên Bái tốc độ gió trung bình tháng 11 là 1,4m/s; đến tháng 3 năm sau trung bình khoảng 1,6m/s. Mùa Hè (tháng 4-7) gió mùa Tây Nam phát huy mạnh mẽ, nhưng do ảnh hưởng của tâm thấp Bắc Bộ nên gió Tây Nam bị lệch hướng chuyển thành Nam hoặc Đông Nam, chính vì vậy nên các nơi trong tỉnh vào thời kỳ này hướng gió chủ yếu là Nam hoặc Đông Nam. Tốc độ gió giảm dần vào các tháng giữa mùa, cụ thể: Tốc độ gió trung bình tại Yên Bái: tháng 4, 5: 1,8m/s; Tháng 6, 7, 8: 1,5m/s. Tốc độ gió trung bình tại Nghĩa Lộ: Tháng 4: 1,2m/s; tháng 5, 7: 1,1m/s; tháng 6, 8: 0,9m/s.
1.2.4. Chế độ nhiệt
- Mùa Đông: Do tác động của địa hình, độ cao, mặt đệm ở từng vùng, nên Yên Bái có chế độ nhiệt khác biệt với đồng bằng và vùng núi Đông Bắc. Biên độ tuyệt đối về nhiệt có khi lên tới 20°C. Thời kỳ giữa mùa Đông (tháng 7 - tháng 1 năm sau) số ngày có nhiệt độ tối thấp nhỏ hơn 10°C (tại Yên Bái) nhiều hơn thời kỳ đầu và cuối mùa.
- Mùa Hè (từ tháng 5 - tháng 10): Tại Yên Bái T°C trung bình nhiều năm (TBNN): 27,1°C; Tại Lục Yên T°C trung bình nhiều năm (TBNN): 26,9°C.
1.2.5. Chế độ mưa, ẩm
- Mùa Đông: Thời kỳ đầu mùa Đông do độ ẩm nhỏ nên thời tiết ít mây và nắng, ban ngày nhiệt độ khá cao, nhưng ban đêm nhiệt độ xuống thấp. Độ ẩm trung bình mùa Đông (TBNN) từ tháng 11 - tháng 3 năm sau: tại Yên Bái, Lục Yên: 88%; Nghĩa Lộ: 83%. Lượng mưa trung bình mùa Đông (trung bình nhiều năm) từ tháng 11-4 năm sau: tại Yên Bái: 356,0mm, Lục Yên: 336,2mm, Nghĩa Lộ: 228,5mm, Mù Cang Chải: 306,7mm. Lượng mưa ở phía Tây của tỉnh (Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Văn Chấn) thấp hơn nhiều so với so với các huyện phía Đông.
- Mùa Hè (mùa mưa): Độ ẩm, so với các tỉnh lân cận, độ ẩm không khí ở các nơi trong tỉnh đều lớn do mạng lưới sông ngòi, ao hồ phong phú. Lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng mùa Hè (chiếm từ 80 - 85% tổng lượng mưa cả năm). Lượng mưa trung bình toàn mùa Hè (TBNN): tại Yên Bái: 1532,9 mm; Mù Cang Chải: 1407,0 mm; Lục Yên 1590,6 mm; Nghĩa Lộ: 1221,2 mm.
Khí hậu Yên Bái dưới tác động của địa hình chia cắt ở địa phương nên sự diễn biến của các yếu tố khí tượng ở mỗi vùng trong tỉnh cũng có nét độc đáo thể hiện rõ rệt: vùng mưa ẩm ở Trấn Yên, Nam Văn Yên; vùng lạnh ẩm Lục Yên, Bắc Yên Bình; vùng lạnh khô ở các huyện phía Tây của tỉnh.
Hệ thống sông ở Yên Bái, gồm 2 sông lớn:
- Sông Thao là dòng chảy chính của sông Hồng, chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái với chiều dài 100 Km, bắt đầu từ Văn Yên đến Trấn Yên, diện tích lưu vực là 2.700 Km2, có 48 ngòi và các phụ lưu.
- Sông Chảy chảy qua địa phận tỉnh Yên Bái với chiều dài 95 Km, bắt đầu từ xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên đến xã Hán Đà, huyện Yên Bình rồi nhập vào sông Lô. Diện tích lưu vực là 2.200 Km2.
- Hệ thống ao, hồ lớn chủ yếu tập trung ở các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên; các đầm lớn phân bố ở các xã Giới Phiên, Hợp Minh (thành phố Yên Bái), Minh Quân (huyện Trấn Yên). Bên cạnh đó còn có các hồ nhân tạo hình thành thủy điện Thác Bà do ngăn dòng sông Chảy lại, hồ có diện tích 23.400 ha, dung tích khoảng 2,9 tỷ m3.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm suối nhỏ khác hình thành tại đây một hệ sinh thái lòng hồ vô cùng đa dạng; đặc điểm hệ thống sông và suối của tỉnh Yên Bái là chảy quanh co, chia cắt theo địa hình, có chiều dài nhưng chiều rộng rất nhỏ, độ dốc lớn, mùa khô thường ít nước hoặc không có nước. Mùa mưa đến nước dâng cao và nhanh, tạo thành các dòng nước lớn, gây ra lũ lụt, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đá, đây là những nguyên nhân gây mất an toàn, có nguy cơ gây ra sự cố chất thải đối với các cơ sở khai thác khoáng sản.
1.4. Hệ thống đường giao thông
- Yên Bái có mạng lưới giao thông đường bộ với tổng chiều dài trên 8.914Km được hình thành và phân bổ tương đối hợp lý so với địa hình, gồm có 01 tuyến đường cao tốc, 05 tuyến Quốc lộ, 11 tuyến đường tỉnh lộ và các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản:
+ Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài 80,5 Km.
+ Quốc lộ 37 đoạn qua tỉnh Yên Bái có chiều dài 94,1 Km; Quốc lộ 70 có chiều dài 85 Km; Quốc lộ 32 chiều dài 175 Km; Quốc lộ 32 C chiều dài 17,5 Km; Quốc lộ 2D chiều dài 27,61 Km.
+ Ngoài ra còn có 11 tuyến đường tỉnh lộ với tổng chiều dài 434,4 Km và trên 8.000 Km đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn, bản tạo thành hệ thống đường giao thông liên huyện, liên xã.
- Yên Bái có 02 tuyến đường thủy: Tuyến sông Hồng dài 115 Km (trong đó có 10 Km đoạn Văn Phú - Yên Bái do Trung ương quản lý, còn lại 105 Km chưa được khai thông luồng lạch và xây dựng bến cảng, kho, bãi); tuyến hồ Thác Bà dài 83 Km.
- Yên Bái có 01 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Đoạn qua địa phận tỉnh Yên Bái có chiều dài 88,2 Km.
Trong những năm qua các tuyến đường trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa và mở rộng nhưng do điều kiện địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, tầm nhìn bị hạn chế nên các phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện, nhất là phương tiện vận chuyển, kinh doanh xăng dầu. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh.
1.5. Các vấn đề có liên quan đến chất thải
Theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thì trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: khai thác, chế biến khoáng sản (chì kẽm, quặng sắt); chế biến lâm, nông sản (sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn); sản xuất vật liệu xây dựng (sản xuất xi măng); chăn nuôi gia súc quy mô trang trại (chăn nuôi lợn), cụ thể:
- Chất thải rắn: Từ hoạt động khai thác khoáng sản, chế biến khoáng sản, đặc biệt là sự cố do trượt lở bãi thải, hồ chứa bùn thải quặng đuôi từ hoạt động khai thác, chế biến quặng chì kẽm, quặng sắt...
- Chất thải khí: Trong quá trình hoạt động sản xuất xi măng khi hệ thống xử bụi, khí thải bị sự cố có nguy cơ gây ra sự cố bụi, khí thải không được xử lý gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh và đời sống, sinh hoạt với số lượng đông người.
- Chất thải lỏng: Từ hoạt động chăn nuôi lợn có quy mô công nghiệp; hoạt động sản xuất giấy đế, chế biến tinh bột sắn... khi bị vỡ các hồ, công trình xử lý nước thải; cơ sở tuyển quặng sắt, chì kẽm khi bị vỡ hồ, đập xử lý bùn thải quặng đuôi...
2. Tính chất, quy mô đặc điểm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh:
Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất, quy mô của các cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, cụ thể như:
- Nhóm chế biến khoáng sản kim loại; chế biến khoáng sản sử dụng hóa chất: 03 cơ sở tuyền quặng chì kẽm; 09 cơ sở tuyến quặng sắt; 01 cơ sở luyện Đồng và Than cốc; 01 cơ sở chế biến đất hiếm; 01 cơ sở tuyển Graphite.
- Nhóm sản xuất giấy: 08 cơ sở sản xuất giấy đế.
- Nhóm lọc hóa dầu: 01 chưng cất dầu FO từ cao su, săm lốp ô tô, xe máy
- Nhóm xử lý chất thải rắn sinh hoạt: 01 Nhà máy sản xuất phân vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt; 04 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt; 21 khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
- Nhóm sản xuất xi măng: 02 nhà máy xi măng
- Nhóm sản xuất tinh bột sắn: 02 Nhà máy chế biến tinh bột sắn.
- Nhóm chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung: 17 cơ sở chăn nuôi gia súc (16 cơ sở chăn nuôi lợn; 01 cơ sở chăn nuôi thỏ); 02 cơ sở chăn nuôi gia cầm.
(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo Kế hoạch này)
Ngoài các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên, trên địa bàn tỉnh còn có một số khu, cụm công nghiệp (K-CCN), cơ sở sản xuất phát sinh lượng chất thải lớn có nguy cơ gây ra sự cố chất thải như:
- Các K-CCN (KCN phía Nam, KCN Minh Quân, KCN Âu Lâu, CCN Âu Lâu; CCN Thịnh Hưng...) chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nói chung và hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung) nói riêng...
- Khai thác đá vật liệu xây dựng: 35 cơ sở khai thác đá vôi trắng, 24 cơ sở khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường.
3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố chất thải của tỉnh
3.1. Lực lượng, phương tiện chuyên trách
Tỉnh Yên Bái chưa có lực lượng chuyên trách trong công tác ứng phó sự cố chất thải để chủ động trong việc ứng phó kịp thời, hiệu quả khi sự cố chất thải xảy ra. Để đảm bảo không bị bất ngờ trong công tác ứng phó sự cố chất thải, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (nay là Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh) chủ động phối hợp với đơn vị có năng lực trong công tác ứng phó sự cố, như: Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hoặc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia huy động lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó khi có sự cố chất thải phát sinh ngoài tầm kiểm soát của tỉnh.
(Chi tiết tại mục I Phụ lục 02 kèm theo Kế hoạch này).
3.2. Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm
3.2.1. Lực lượng kiêm nhiệm
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Sở Giao thông vận tải; Sở Công Thương; Sở Y tế; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính;
- 09 Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự của các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
(Chi tiết tại mục II Phụ lục 02 kèm theo Kế hoạch này)
3.2.2. Phương tiện, trang thiết bị
- Khi sự cố chất thải xảy ra, Ủy ban nhân dân tỉnh huy động các trang, thiết bị, phương tiện, vật tư ứng phó sự cố của các đơn vị, như: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh.... để tham gia ứng phó khi có sự cố chất thải.
- Ngoài ra Ủy ban nhân dân tỉnh còn có thể huy động các trang, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ công tác ứng phó sự chất thải của các đơn vị hợp đồng với tỉnh, lực lượng chuyên trách ở các tỉnh lân cận và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
(Chi tiết tại Phụ lục 03, 04 kèm theo Kế hoạch này)
3.3. Lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp
3.3.1. Lực lượng, phương tiện phối hợp (trên huy động)
Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS), phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
3.3.2. Lực lượng, phương tiện tăng cường
Các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh (Quân khu 2 là lực lượng nòng cốt).
(Chi tiết tại Phụ lục 05, 06 kèm theo Kế hoạch này)
4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao
Sự cố chất thải có thể xảy ra đối với các nhóm chất thải sau: Chất thải rắn, chất thải lỏng và chất thải khí, trong đó:
- Khả năng xảy ra sự cố đối với chất thải rắn là khi các công trình lưu giữ, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn nguy hại... bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ đập chắn, đê chắn chân các bãi thải... gây trôi sạt bùn, đất đá thải ra khu vực xung quanh.
- Khả năng xảy ra sự cố đối với nước thải là khi các công trình xử lý nước thải sản xuất, lưu giữ, xử lý bùn thải quặng đuôi bị hư hỏng, kết hợp với mưa, bão, lũ bất thường gây sạt lở, vỡ đập chắn, đê chắn hồ lắng xử lý nước thải... gây trôi sạt bùn, nước thải ra khu vực xung quanh.
- Khả năng xảy ra sự cố đối với khí thải là khi các công trình xử lý khí thải không được bảo dưỡng thay thế, bị hư hỏng hoặc chủ cơ sở không vận hành... dẫn đến lượng bụi, khí thải độc hại phát tán ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường cho phép.
Các sự cố chất thải nêu trên khi xảy ra đều có nguy cơ cao gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh đến môi trường sinh thái và gây ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội để lại hậu quả không khắc phục được hoặc phải chi phí rất tốn kém trong việc khắc phục.
4.1. Nguy cơ sự cố chất thải rắn
Dự kiến 3 khu vực.
- Khu vực 1 : Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển chì kẽm xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty Cổ phần Yên Phú.
- Khu vực 2. Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển chì kẽm xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái của thuộc Công ty Cổ phần Kim Thành.
- Khu vực 3. Khu vực lưu chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển quặng sắt xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái thuộc thuộc Công ty Phát triển số 1 TNHH một thành viên.
4.2. Nguy cơ sự cố chất thải lỏng
Dự kiến 3 khu vực gồm:
- Khu vực 1: Công trình xử lý nước thải của Nhà máy sắn Yên Bình xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Yên Bình.
- Khu vực 2: Công trình xử lý nước thải của Nhà máy giấy Yên Bình xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
- Khu vực 3: Công trình xử lý nước thải của Trang trại chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao tại thôn An Khang, xã Đông An, huyện Văn Yên thuộc Chi nhánh Yên Bái - Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer.
4.3. Nguy cơ sự cố chất thải khí
Dự kiến 3 khu vực gồm:
- Khu vực 1: Nhà máy xi măng Yên Bình tổ 3, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình.
- Khu vực 2: Nhà máy xi măng Yên Bái tổ 12, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thuộc Công ty cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái.
- Khu vực 3: Nhà máy sản xuất gạch không nung, viên nén, chế biến khoáng sản và chưng cất dầu FO tại KCN phía Nam, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái thuộc Công ty TNHH Yến Ngọc YB.
Ngoài ra còn có tiềm ẩn nguy cơ sự cố của các cơ sở theo danh sách tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Kế hoạch và các cơ sở khác có phát sinh chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ của tỉnh; lực lượng, phương tiện phối hợp của tỉnh; lực lượng, phương tiện tăng cường, phối hợp của cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái có khả năng ứng phó và khắc phục sự cố chất thải có quy mô cấp trung bình.
III. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ
1. Tư tưởng chỉ đạo: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.
- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;
- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó.
- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố.
- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải.
- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả
- Kiện toàn, xây dựng lực lượng chuyên trách (nếu có), lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng chuyên trách (nếu có), kiêm nhiệm, tổ chức hội thao, diễn tập về ứng phó sự cố chất thải dưới hình thức lồng ghép vào phương án diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn hoặc tổ chức riêng. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.
- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các K-CCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... vi phạm quy định về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý, xử lý chất thải nói riêng.
- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, ngành và cộng đồng, đặc biệt là các Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.
- Thường xuyên rà soát, yêu cầu các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tại các cơ sở thuộc quản lý; định kỳ báo cáo và tổ chức diễn tập tại cơ sở về phương án ứng phó sự cố chất thải.
3.2. Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả
3.2.1. Tiếp nhận thông tin, nắm bắt tình hình về sự cố chất thải
- Tăng cường chế độ ứng trực, chủ động nắm bắt tình hình về sự cố chất thải, đặc biệt là trong mùa mưa bão; đánh giá tình huống, xác định, đề xuất phương án ứng phó sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả.
- Tổ chức quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động kịp thời sự cố chất thải trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các cấp, ngành và cộng đồng.
- Nhận định, đánh giá sơ bộ về phạm vi, đối tượng và mức độ tác động do sự cố chất thải gây ra đối với môi trường đất, nước, không khí, con người và sinh vật.
3.2.2. Thiết lập Sở chỉ huy ứng phó
a) Sở Chỉ huy cơ bản:
- Trụ sở: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
- Trụ sở cơ quan thường trực: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, địa chỉ: Tổ 01, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
- Thành phần:
+ Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
+ Phó Trưởng ban: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
+ Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế; Sở Khoa học và Công nghệ... và các sở ngành có liên quan.
- Nhiệm vụ: Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải kịp thời, hiệu quả.
b) Sở Chỉ huy tại hiện trường:
- Trụ sở: Tại khu vực xảy ra sự cố chất thải, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
- Thành phần:
+ Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.
+ Phó Chỉ huy hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định; giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
+ Các thành viên cấp tỉnh: Thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế; Sở Khoa học và Công nghệ... và các sở ngành có liên quan.
+ Các thành viên cấp huyện: Thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện; đại diện các phòng, ban chuyên môn cấp huyện: Ban chỉ huy quân sự; Công an; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kinh tế hạ tầng; Kinh tế và Quản lý Đô thị (đối với thành phố, thị xã); Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa và Thông tin, Y tế...
- Nhiệm vụ: Đánh giá, kết luận tình hình, xác định, đề xuất phương án ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải; báo cáo kết quả về Sở Chỉ huy cơ bản để cập nhật tình hình và kịp thời chỉ đạo.
3.2.3. Biện pháp ứng phó
- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố chất thải có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, tài sản và môi trường trên địa bàn quản lý;
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo lực lượng tại chỗ của tỉnh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các cơ quan chức năng có liên quan...) phối hợp với chính quyền địa phương và người dân nơi xảy ra sự cố chất thải nhanh chóng tổ chức sơ tán con người, tài sản, phương tiện... của người dân ra khỏi khu vực xảy ra sự cố, phong tỏa hiện trường, kịp thời thông tin định hướng dư luận.
- Tổ chức triển khai các biện pháp ngăn chặn các nguồn chất thải ra môi trường, cụ thể:
+ Đối với sự cố chất thải rắn thông thường: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn... không cho đất đá thải trôi, sạt lở ra môi trường.
+ Đối với sự cố chất thải lỏng (bùn thải, nước thải): Dừng ngay các hoạt động phát tán chất thải, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập, bờ ao, hồ lắng bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc các vật liệu có sẵn tại hiện trường), sử dụng hệ thống bơm di động để hút toàn bộ nước thải, bùn thải thu về các bể chứa, hồ sự cố...
+ Đối với sự cố chất thải khí (bụi, khí thải): Sử dụng một số công nghệ, phương pháp như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường.
3.2.4. Khắc phục hậu quả sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố
- Tổ chức các hoạt động đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố chất thải gây ra; triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có); làm sạch nguồn nước bằng các chất oxy hóa khử như: Clo (Cl), Kali Pemanganat (KMnO4), Canxi Clorat (Ca(ClO3)2), Bicromat Kali (K2Cr2O7); Dioxit Clo (ClO2), Hypoclorit Canxi (Ca(ClO)2)... hoặc sử dụng vi sinh để xử lý nước thải (phương pháp sinh học), sử dụng các loại vi sinh vật để xử lý các chất hữu cơ độc hại.
- Tổ chức lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải đúng quy định.
- Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường sau khi khắc phục sự cố chất thải, tổng hợp báo cáo và đưa nhân dân trở lại sinh sống.
4. Tổ chức sử dụng lực lượng ứng phó sự cố
Tổ chức sử dụng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, cụ thể:
- Lực lượng tiếp nhận thông tin ban đầu: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, huyện nơi xảy ra sự cố chất thải.
- Lực lượng cảnh báo, thông báo, báo động: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; cơ quan thông tin, báo đài...
- Lực lượng giám sát: Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ...
- Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả:
+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Y tế và các lực lượng khác có liên quan...
+ Lực lượng ứng phó tại chỗ: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Y tế và các lực lượng khác có liên quan... Phương tiện, vật dụng sử dụng tại chỗ, huy động phương tiện xe chữa cháy, xe cứu thương, các phương tiện khác; dụng cụ chữa cháy, vật liệu ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường, vật liệu xử lý các chất độc hại.
+ Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng của cơ quan ứng phó sự cố cấp trên; các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn và các địa phương lân cận; các sở, ban, ngành của tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, huyện. Các lực lượng huy động từ cơ quan quân sự, công an, y tế, chữ thập đỏ, thanh niên, các doanh nghiệp môi trường... Tùy vào tình hình, diễn biến, mức độ của sự cố chất thải, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh quyết định việc điều động, phân công nhiệm vụ, bố trí lực lượng chi viện cho các địa phương xảy ra sự cố chất thải theo yêu cầu.
+ Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và các đoàn thể, nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố chất thải.
+ Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố: Công an tỉnh và Công an huyện, xã chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng địa phương nơi xảy ra sự cố
+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng y tế, chữ thập đỏ chủ trì, phối hợp với lực lượng phụ nữ, thanh niên và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ ứng phó khác.
IV. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ
1.1. Tình huống xảy ra sự cố chất thải rắn
(1) Tình huống 1: Do tác động của bão, áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa lớn kéo dài gây vỡ đê chắn bãi thải chứa bùn thải quặng đuôi sau tuyển của Nhà máy tuyển chì kẽm của Công ty Cổ phần Kim Thành.
- Địa điểm xảy ra sự cố: Xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Trôi sạt bùn thải xuống suối, diện tích đất canh tác của người dân phía sau bãi thải, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân xã Tú Lệ do lấy nguồn nước để trồng lúa.
(2) Tình huống 2: Do tác động của bão, áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa lớn kéo dài gây vỡ đê chắn hồ chứa bùn thải quặng đuôi của Nhà máy tuyển quặng sắt thuộc Công ty Phát triển số 1 TNHH Một thành viên.
- Địa điểm xảy ra sự cố: Xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Trôi sạt bùn thải xuống suối, diện tích đất canh tác của người dân phía sau hồ chứa thải.
1.2. Tình huống xảy ra sự cố chất thải khỉ (khí thải)
(3) Tình huống 3. Hỏng thiết bị xử lý bụi, khí thải của Nhà máy xi măng Yên Bái hoặc Nhà máy xi măng Yên Bình.
- Địa điểm xảy ra sự cố: Tại thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Môi trường không khí xung quanh, người dân khu vực thị trấn Yên Bình, các xã lân cận của thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình.
(4) Tình huống 4. Hỏng thiết bị xử lý khí thải của Nhà máy sản xuất gạch không nung, viên nén, chế biến khoáng sản và chưng cất dầu FO thuộc Công ty TNHH Yến Ngọc YB.
- Địa điểm xảy ra sự cố: KCN phía Nam, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Môi trường không khí xung quanh, người dân khu vực xã Văn Phú và các xã lân cận thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
1.3. Tình huống xảy ra sự cố đối với nước thải
(5) Tình huống 5: Do tác động của bão, áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa lớn kéo dài gây vỡ đập chắn công trình xử lý nước thải của Nhà máy sắn Yên Bình thuộc Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Yên Bình.
- Địa điểm: Xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Môi trường nước xung quanh, diện tích đất canh tác của người dân phía sau hồ chứa thải.
(6) Tình huống 6: Do tác động của bão, áp thấp nhiệt đới dẫn đến mưa lớn kéo dài gây vỡ hệ thống bể xử lý nước thải của Nhà máy giấy Yên Bình thuộc Công ty Cổ phần Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái.
- Địa điểm: xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
- Mức độ ảnh hưởng: Môi trường nước sông Hồng, hoạt động canh tác nông nghiệp do lấy nước sông Hồng của người dân.
Sau khi nhận được thông tin về sự cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức ứng phó thành các bước sau:
Bước 1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó:
- Thông tin liên quan đến sự cố chất thải có thể được người dân, cơ sở sản xuất nơi phát sinh sự cố chất thải... báo đến đường dây nóng của chính quyền địa phương (xã, huyện); đường dây nóng 112 (là đầu số yêu cầu trợ giúp và tìm kiếm cứu nạn trên phạm vi toàn quốc); đường dây nóng 114 (là đầu số gọi cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn); đường dây nóng của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường...
- Sau khi tiếp nhận được thông tin về sự cố chất thải, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp nhận thông tin báo cáo đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo, phân công các lực lượng nhanh chóng đến hiện trường nắm bắt tình hình, tham mưu phương án giải quyết và tham gia ứng phó.
- Các phương tiện thông tin: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn có trách nhiệm thông tin kịp thời, chính xác, trung thực đến các tổ chức, cá nhân và người dân để biết những thông tin có liên quan đến sự cố chất thải.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xác định phạm vi ảnh hưởng, đánh giá sơ bộ ban đầu về đối tượng, mức độ bị tác động của sự cố chất thải đối với môi trường (đất, nước, không khí) và con người, sinh vật.
- Các lực lượng ứng phó tăng cường chế độ trực ban, xác định và xây dựng các phương án theo kịch bản ứng phó đối với từng loại sự cố chất thải trên địa bàn quản lý.
Bước 2. Vận hành cơ chế:
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức vận hành cơ chế họp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, xác định và xây dựng các phương án theo kịch bản ứng phó đối với từng loại sự cố chất thải; đồng thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị, các lực lượng ứng phó.
- Các cơ quan, đơn vị nhận được chỉ đạo của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thông tin, báo động đến toàn đơn vị mình và cơ động lực lượng, phương tiện đến hiện trường xảy ra sự cố chất thải để tham gia ứng phó theo sự phân công. Các lực lượng làm công tác an ninh, triển khai các phương án bảo vệ an ninh trật tự, an toàn hiện trường nơi xảy ra sự cố chất thải.
Bước 3. Thiết lập Sở Chỉ huy:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:
+ Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực chỉ huy trực tiếp.
+ Phó chỉ huy trưởng: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp Chỉ huy trưởng chỉ đạo, điều phối các lực lượng, phương tiện thời gian ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.
+ Thành viên gồm: Nòng cốt là các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, gồm lãnh đạo Công an tỉnh, lãnh đạo các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương..., Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra sự cố chất thải và lãnh đạo các sở, ban, ngành do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định tùy theo tính chất, mức độ của sự cố chất thải.
Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phân công lực lượng triển khai đồng bộ một số nội dung sau:
+ Khẩn trương tiếp cận khu vực bị ảnh hưởng của sự cố chất thải nhanh chóng sơ tán người, tài sản của người dân ra khỏi khu vực xảy ra sự cố.
+ Khoanh vùng, phạm vi ảnh hưởng, phong tỏa hiện trường khu vực xảy ra sự cố chất thải.
+ Kịp thời báo cáo cơ quan cấp trên để thống nhất về nội dung, thông tin công bố và định hướng dư luận về sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn.
- Triển khai các hoạt động ngăn chặn nguồn chất thải:
+ Tình huống 1, 2: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để hạn chế, không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn, bể chứa..., không cho đất, đá thải trôi ra môi trường.
+ Tình huống 3, 4: Dừng ngay hoạt động sản xuất để tiến hành sửa chữa khắc phục sự cố. Sau khi khắc phục xong mới tiến hành hoạt động trở lại.
+ Tình huống 5, 6: Dừng ngay hoạt động sản xuất, kịp thời triển khai bịt lấp thân đập bị vỡ bằng các vật liệu tại chỗ (bao đất, bao cát hoặc vật liệu sẵn có tại hiện trường) để dừng phát tán chất thải, sử dụng hệ thống bơm để hút toàn bộ nước thải thu về bể chứa, hồ chứa...
Bước 5. Khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải:
- Tổ chức các lực lượng, phương tiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển xử lý các nguồn chất thải đúng quy định.
- Đánh giá mức độ ô nhiễm và triển khai các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường, bồi thường thiệt hại (nếu có).
- Thực hiện quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường để theo dõi diễn biến môi trường khu vực xảy ra sự cố chất thải sau khi được khắc phục.
V. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Yên Bái; rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, gửi báo cáo về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia). Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh thì Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia để được chỉ đạo và hỗ trợ.
- Giao Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai một số nội dung sau:
Hằng năm thực hiện rà soát, cập nhật Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh khi có thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Điều tra, thống kê, đánh giá nguy cơ sự cố chất thải có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố công khai thông tin về các nguồn thải có nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn theo quy định của pháp luật; phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh và cấp huyện tổ chức ứng phó sự cố chất thải, huy động lực lượng, thiết bị, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải.
Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ với chu kỳ 05 năm và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung hằng năm khi có sự thay đổi về nội dung, làm tăng quy mô, vượt quá khả năng ứng phó so với phương án trong kế hoạch.
Hướng dẫn các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ hằng năm thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động sản xuất thực tế của cơ sở.
2.1. Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự
- Chủ trì, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức ứng phó sự cố chất thải; tham gia tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu sự cố chất thải theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai các hoạt động ứng phó sự cố chất thải khi xảy ra sự cố trên địa bàn tỉnh. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng trong tỉnh, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan, đề xuất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định việc yêu cầu trợ giúp của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.
- Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết đánh giá công tác ứng phó sự cố chất thải, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và các bộ, cơ quan ngang bộ theo chức năng.
- Tổ chức Sở Chỉ huy hiện trường với thành phần gồm: Thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn. Chỉ huy trực tiếp công tác ứng phó và tham gia đề xuất các biện pháp ứng phó sự cố chất thải.
- Chỉ đạo chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị gây ra sự cố chất thải liên hệ với các sở, ban, ngành và các đơn vị có năng lực ứng phó sự cố chất thải nhanh chóng triển khai lực lượng và phương tiện, trang bị, dùng mọi biện pháp ngăn chặn, hạn chế không cho chất thải phát tán ra ngoài môi trường, đồng thời triển khai xây dựng phương án ứng phó sự cố chất thải trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện.
- Huy động lực lượng, phương tiện của các đơn vị chuyên nghiệp, nhân dân phối hợp với các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn ở khu vực xảy ra sự cố chất thải, đồng thời tổ chức sơ tán nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
- Triển khai lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị đóng trên địa bàn tổ chức chốt chặn bảo vệ hiện trường không cho người và phương tiện vào khu vực xảy ra sự cố chất thải, phối hợp với các lực lượng triển khai các biện pháp ứng phó sự cố chất thải, bảo vệ an toàn khu vực sơ tán, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; điều tiết giao thông thông suốt không để bị ùn tắc.
- Chỉ đạo cơ quan chức năng bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tham gia ứng phó sự cố để phục vụ lãnh đạo và chỉ đạo kịp thời.
- Tổ chức và triển khai tổ y tế cơ động đến hiện trường để sơ cấp cứu cho những người bị nạn và chuyển những bệnh nhân nặng lên tuyến trên.
- Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu phân tích để đánh giá mức độ ô nhiễm đất và nguồn nước, không khí xung quanh khu vực xảy ra sự cố chất thải; khuyến cáo người dân ở xung quanh có các biện pháp ứng phó kịp thời bảo đảm sức khỏe của người dân, tài sản và lực lượng tham gia ứng phó sự cố có hiệu quả; triển khai thu gom các nguồn chất thải vào khu vực tập kết và xử lý theo quy định hiện hành.
- Phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức điều tra, đánh giá xác định nguyên nhân xảy ra sự cố chất thải, tổ chức các hoạt động ứng phó kịp thời giảm thiểu thiệt hại về môi trường; xác định thiệt hại và lập hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về môi trường do sự cố chất thải gây ra.
2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải; kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức ứng phó sự cố chất thải. Là cơ quan ngôn luận, cung cấp thông tin có liên quan đối với các cự cố chất thải theo theo ủy quyền của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh theo quy định.
- Hướng dẫn, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các phương án ứng phó sự cố chất thải đảm bảo phù hợp, đồng bộ với Phương án phòng chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, có hiệu quả. sẵn sàng phương án sơ tán, đảm bảo an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng khi xảy ra sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường các hoạt động lồng ghép tuyên truyền về ứng phó sự cố chất thải với công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống thiên tai.
- Rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở thực hiện các quy định về ứng phó sự cố chất thải như: xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải; đảm bảo nguồn lực về nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở... ; chỉ đạo, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện kế hoạch tại các đơn vị thuộc sở.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái là cơ quan thường trực ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng. Hằng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải; thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố chất thải để chủ động phòng, tránh và kịp thời triển khai công tác ứng phó khi có sự cố chất thải xảy ra tại địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương hướng dẫn xây dựng, tổ chức lực lượng ứng phó sự cố chất thải; đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tập huấn cho các lực lượng tuần tra, xung kích, ứng cứu khi có sự cố chất thải xảy ra. Chỉ đạo các Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan quân sự địa phương các cấp tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
- Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sự cố chất thải và bảo vệ môi trường.
- Tham mưu điều động lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải; chỉ đạo điều hành đối với chỉ huy các cấp và hành động phối hợp, hiệp đồng của bộ đội trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do sự cố chất thải gây ra.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thành lập Sở Chỉ huy hiện trường để Ban Chỉ huy cấp tỉnh chỉ đạo, điều hành trực tiếp công tác ứng phó sự cố chất thải cấp tỉnh. Phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Bộ, Quân khu đóng quân trên địa bàn và triển khai lực lượng, phương tiện tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ và ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn.
- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố triển khai lực lượng Dân quân phối hợp với Công an tỉnh chốt chặn bảo vệ hiện trường, bảo đảm an ninh trật tự.
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân tham gia ứng phó sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn; tổ chức sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực xảy ra sự cố; tổ chức bảo vệ hiện trường, không để người và phương tiện không có nhiệm vụ vào khu vực xảy ra sự cố, điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố.
- Làm tốt công tác nắm tình hình, cảnh báo, phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các đối tượng lợi dụng sự cố môi trường để hoạt động phạm tội; không để các thế lực thù địch phản động lợi dụng tình hình sự cố môi trường, dịch bệnh để tuyên truyền kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền trái phép về tín ngưỡng, tôn giáo và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.
- Tổ chức tập huấn, tổ chức diễn tập ứng phó sự cố chất thải phù hợp để nâng cao trình độ cho các lực lượng làm nhiệm vụ ứng phó sự cố chất thải, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; tham mưu quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về bảo vệ môi trường theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải nói riêng đối với các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh; tham gia lực lượng giám sát trong trường hợp xảy ra sự cố sạt lở bãi thải; nước thải chưa qua xử lý và bùn thải của các công trình xử lý nước thải tràn ra môi trường.
- Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ; hướng dẫn các chủ dự án, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xây dựng, ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của đơn vị mình theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, hằng năm thực hiện rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, tình hình hoạt động sản xuất thực tế của cơ sở.
- Phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tham mưu Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, do chất thải gây ra; hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành, địa phương hướng dẫn việc xác định thiệt hại về người, tài sản và môi trường, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố.
- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tham gia tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải do Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức.
- Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường tỉnh gồm chương trình quan trắc môi trường sông, suối, hồ..., các khu vực có tính chất liên huyện và môi trường tại các vùng có tính đặc thù.
- Chỉ đạo thực hiện dự báo, cảnh báo, cung cấp đầy đủ, kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn cho Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, các sở, ngành, địa phương và phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; cải tạo phục hồi môi trường sau sự cố theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, tham mưu Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải cấp tỉnh do rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp. Tham gia lực lượng giám sát, hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả đối với các trường hợp sự cố chất thải cấp tỉnh có liên quan đến hóa chất độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực công nghiệp.
- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Công Thương tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập huấn, diễn tập cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm (lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong kế hoạch khác của Sở); phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn hóa chất và bảo vệ môi trường.
- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn việc xác định thiệt hại về người, tài sản và môi trường, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai các phương án về sử dụng hạ tầng giao thông, các trang thiết bị, phương tiện, vật tư vận tải trong phạm vi phụ trách tham gia ứng phó sự cố chất thải theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tham gia tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn của các phương tiện khi lưu thông qua khu vực xảy ra sự cố chất thải nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình cứu hộ, cứu nạn.
- Tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác ứng phó sự cố chất thải.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương hướng dẫn quy hoạch xây dựng, kế hoạch, chương trình về cấp nước đô thị và khu công nghiệp; thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và KCN gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố chất thải đối với nước thải.
- Xây dựng, tham mưu ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước về cấp nước đô thị, thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn và KCN.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện thẩm định các hạng mục công trình ứng phó sự cố chất thải đối với các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình ứng phó sự cố nước thải, chất thải của hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, hệ thống xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, chất thải rắn công nghiệp theo thẩm quyền.
- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thực hiện tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh do chất thải gây ra, trong đó có chất thải y tế; hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải trong các cơ sở y tế đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường và phòng chống dịch bệnh.
- Quy định chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý chất thải y tế. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân loại, thu gom, lưu giữ, xử lý và quản lý chất thải y tế, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo, tăng cường công tác phòng ngừa ứng phó sự cố chất thải do chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế. Nghiên cứu, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm đối với chất thải y tế và xây dựng hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tương ứng.
- Tham gia lực lượng giám sát đối với các trường hợp sự cố chất thải liên quan đến chất thải y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế tham gia cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn do sự cố chất thải gây ra; cử cán bộ chuyên môn túc trực tại hiện trường xảy ra sự cố chất thải để đảm bảo sức khỏe cho lực lượng tham gia ứng phó và các nạn nhân bị ảnh hưởng của sự cố chất thải (nếu có); Tư vấn cho các cơ quan, đơn vị liên quan về những ảnh hưởng của chất thải đối với sức khoẻ con người, các phương án đảm bảo sức khoẻ cho lực lượng tham gia ứng cứu.
- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải nói chung và sự cố chất thải liên quan đến chất thải y tế nói riêng.
2.10. Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì thông báo, tìm kiếm các tổ chức có chức năng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả sự cố chất thải nói chung và sự cố chất thải phóng xạ nói riêng theo đặt hàng của các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải liên quan đến chất thải phóng xạ do hoạt động sử dụng, kinh doanh, vận chuyển, rò rỉ phóng xạ.
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tham gia tổ chức các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải trên địa bàn tỉnh.
- Tham gia lực lượng giám sát, tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ, năng lực trong công tác ứng phó sự cố chất thải phóng xạ theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án đầu tư công phục vụ nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật.
- Hướng dẫn các sở, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, làm cơ sở để các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
- Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, đơn vị, tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch, phù hợp với tình hình thực tế, khả năng cân đối của ngân sách địa phương, quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình ứng phó sự cố chất thải và công tác bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.13. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
- Chủ trì, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Chỉ đạo các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan thông tấn báo chí liên tục thông báo, cập nhật tình hình khi có sự cố xảy ra.
- Truyền đạt kịp thời mọi Mệnh lệnh, Công điện của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đảm bảo đầy đủ, chính xác để các sở, ngành, địa phương và người dân biết để phòng ngừa và ứng phó sự cố chất thải.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan để lập hệ thống vô tuyến dự phòng đảm bảo thông tin liên lạc khi cần thiết ở những vùng thường hay mất liên lạc (vùng sâu, vùng xa, vùng dễ bị chia cắt...). Chuẩn bị phương án thông tin liên lạc lưu động để phục vụ cho Ban chỉ huy cấp tỉnh và các cấp chỉ huy, chỉ đạo ứng phó sự cố chất thải.
- Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
- Có trách nhiệm thông tin kịp thời đến các tổ chức, cá nhân và Nhân dân biết những tin tức liên quan đến sự cố chất thải.
2.15. Ban quản lý các KCN tỉnh
- Phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh thực hiện tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh do chất thải gây ra trong phạm vi các KCN do mình quản lý; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cho các dự án, cơ sở sản xuất trong các KCN theo quy định của pháp luật.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp. Theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN (nếu có), các dự án, cơ sở sản xuất trong KCN xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo về ứng phó sự cố chất thải cho các doanh nghiệp hoạt động trong KCN.
- Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và tổ chức diễn tập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
- Phối hợp với các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự môi trường ngay sau khi nhận được thông báo bằng công văn hoặc điện thoại trực tiếp của Ban Chỉ huy cấp tỉnh.
- Thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy cấp tỉnh giao.
2.17. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể:
- Chủ trì, chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định số 164/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức quản lý chất thải trên địa bàn cấp huyện; phân công trách nhiệm quản lý cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường và phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp dưới về quản lý chất thải theo quy định; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải trên địa bàn.
- Làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.
- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.
- Chỉ đạo, tổ chức và huy động các lực lượng có liên quan tham gia ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn; tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại, hoàn thiện hồ sơ pháp lý, yêu cầu chủ cơ sở gây ra sự cố chất thải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương).
- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh.
2.18. Các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- Thực hiện đầy đủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
- Xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo mẫu quy định tại Phụ lục II Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cơ sở cơ sở phù hợp với phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Giấy phép môi trường theo khoản 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10/01/2022.
- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố chất thải.
- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.
1. Thông tin liên lạc
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho chỉ huy, chỉ đạo: Sử dụng hệ thống thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện, mạng thông tin vệ tinh VSAT truyền hình trực tiếp và mạng thông tin di động, thành lập Trung tâm thông tin ngay tại hiện trường để tiếp nhận và xử lý thông tin.
- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả:
+ Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng hệ thống thông tin hiện hành, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng như: Truyền thanh, truyền tin, hệ thống thông báo, báo động để nắm và truyền tin kịp thời đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy, điều hành ứng phó sự cố. Công bố số điện thoại liên lạc của cơ quan thường trực, đơn vị trực ứng phó sự cố để tất cả các cơ sở được biết.
+ Trang bị máy bộ đàm cho đơn vị ứng phó sự cố tại hiện trường và người chỉ huy hiện trường để đảm bảo thông tin liên lạc.
2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải
- Sử dụng trang thiết bị chuyên dụng, trang thiết bị hiện có của các cơ quan, đơn vị tham gia ứng phó và đầu tư mua sắm trang thiết bị để bảo đảm cho dự phòng.
- Khi sự cố vượt quá khả năng ứng phó của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh phải kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tăng cường nguồn lực, cấp bổ sung trang thiết bị để tham gia ứng phó có hiệu quả sự cố chất thải xảy ra trên địa bàn.
3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố bảo đảm hậu cần cho các lực lượng tham gia ứng phó và nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố; các lực lượng tham gia ứng phó sự cố tự bảo đảm phương tiện cơ động cho lực lượng của mình.
4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh, lực lượng y tế của các đơn vị tham gia ứng phó thiết lập Bệnh viện dã chiến (nếu cần); cử cán bộ, y bác sỹ, nhân viên cùng trang thiết bị, cơ sở thuốc để sơ, cấp cứu, điều trị bệnh cho nhân dân và cán bộ nhân viên làm công tác ứng cứu tại hiện trường, kịp thời, hiệu quả.
1. Sở Chỉ huy thường xuyên (cơ bản)
- Trụ sở: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
- Trụ sở cơ quan thường trực: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, địa chỉ: Tổ 01, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
- Thành phần
+ Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
+ Phó Trưởng ban: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
+ Các thành viên: Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở Tài chính, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh...
- Nhiệm vụ:
+ Chỉ huy, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả lãnh đạo trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia về kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.
+ Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó, điều động bổ sung nguồn lực nếu cần thiết. Báo cáo kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cơ quan chức năng của các bộ, ngành để theo dõi, tổng hợp.
+ Theo dõi, tổ chức việc ứng phó, khắc phục sự cố theo phương án đã được xác định.
+ Bổ sung lực lượng, phương tiện cho lực lượng tham gia ứng phó
2. Sở Chỉ huy tại hiện trường
Trụ sở: Tại khu vực xảy ra sự cố, do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.
- Thành phần:
+ Chỉ huy trưởng: Đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.
+ Phó Chỉ huy hiện trường: Do Chỉ huy trưởng chỉ định; giúp chỉ huy trưởng trực tiếp chỉ huy, điều phối các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố tràn dầu.
+ Các thành viên cấp tỉnh: Thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Công Thương; Sở Giao thông vận tải; Sở Y tế; Sở Khoa học và Công nghệ... và các sở ngành có liên quan.
+ Các thành viên cấp huyện: Thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp huyện; đại diện các phòng, ban chuyên môn cấp huyện: Ban chỉ huy quân sự; Công an; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Kinh tế hạ tầng; Kinh tế và Quản lý Đô thị (đối với thành phố, thị xã); Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa và Thông tin, Y tế...
- Nhiệm vụ:
+ Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức, cá nhân huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.
+ Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó.
+ Chỉ đạo cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.
+ Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra sự cố tổ chức các biện pháp khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.
+ Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hoặc sự cố phát sinh về Sở Chỉ huy thường xuyên.
Trên đây là Kế hoạch Ứng phó sự cố chất thải của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở hoạt động liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
File gốc của Kế hoạch 165/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024-2030 đang được cập nhật.
Kế hoạch 165/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024-2030
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Số hiệu | 165/KH-UBND |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Người ký | Nguyễn Thế Phước |
Ngày ban hành | 2024-07-31 |
Ngày hiệu lực | 2024-07-31 |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
Tình trạng | Chưa có hiệu lực |