BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 38-TT | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 1962 |
VỀ CHẾ ĐỘ KINH PHÍ TRUNG ĐẠI TU CẦU ĐƯỜNG VÀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG SÔNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Kính gửi: | -Các ủy ban hành chính khu, thành, tỉnh |
Thi hành Thông tư số 245-TTg ngày 26 tháng 06 năm 1959 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiến hành phân cấp quản lý kinh tế giữa trung ương và địa phương, ngày 17 tháng 09 năm 1960, bằng Thông tư số 009-TT, Bộ Giao thông vận tải đã quy định tạm thời chế độ phân cấp quản lý đường bộ và đường thủy giữa Bộ và các Ủy ban hành chính địa phương. Kế đến thông tư Liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính số 5201-LB ra ngày 30 tháng 12 năm 1960 chỉnh lý lại Thông tư số 009-TT ngày 17 tháng 09 năm 1960 nói trên về mặt cấp phát kinh phí trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông đồng thời phân định rõ quyền hạn nhiệm vụ của các Bộ Giao thông vận tải và Tài chính và các địa phương trong việc xây dựng và xét duyệt dự toán. Ngày 29 tháng 03 năm 1961, Bộ Tài chính ra Thông tư số 208-TC/KTKT nói rõ thêm một số điểm để phân biệt công tác thuộc kinh phí sự nghiệp với công tác thuộc vốn kiến thiết cơ bản và quy định việc cấp phát kinh phí sự nghiệp trung đại tu cầu đường qua Ngân hàng kiến thiết.
Để bảo đảm việc quản lý kinh phí trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông được tốt, và sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ quy định một số điểm cụ thể dưới đây để các địa phương thi hành.
I. VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH NĂM VÀ KẾ HOẠCH QUÝ
1. Kế hoạch năm: Dựa trên phương hướng và kế hoạch dài hạn đã được công bố và căn cứ vào yêu cầu hàng năm về công tác đại trung tu đường bộ và quản lý đường sông thuộc phần sự nghiệp phí trung ương đài thọ đã được phổ biến, các Sở Ty giao thông dựa trên tình hình thực tế đường sá sông ngòi ở địa phương và căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức của Nhà nước đã ban hành, lập biểu tổng hợp các đơn xin ghi tên kế hoạch kèm theo các bản đơn giá kế hoạch trình Ủy ban hành chính địa phương xét để có ý kiến đề nghị lên Bộ Giao thông vận tải xét duyệt. Khi gửi kế hoạch năm lên Bộ Giao thông vận tải thì Ủy ban hành chính đồng gửi lên Bộ Tài chính một bản để biết. Những văn bản này các Ủy ban hành chính địa phương sẽ gửi tới Bộ Giao thông vận tải chậm nhất là ngày 01 tháng 07 hàng năm để sau khi được duyệt, có điều kiện công bố sớm cho địa phương kịp thời chuẩn bị thi công đầu năm. Cục Vận tải bộ và Cục Vận tải thủy là hai đơn vị chức năng của Bộ có trách nhiệm quản lý công tác trung đại tu cầu đường bộ và quản lý đường sông sẽ xét và tổng hợp các kế hoạch năm của các địa phương gửi Bộ. Bộ sẽ duyệt kế hoạch này và trình lên Chính phủ phê chuẩn, Vụ Kế hoạch, có trách nhiệm giúp Bộ về việc xét duyệt kế hoạch này.
Nội dung kế hoạch năm gồm có hai phần chính:
a) Tiếp tục hoàn thành công trình năm trước chưa làm xong phải chuyển qua năm sau.
b) Công tác của năm kế hoạch, tức là những công trình đề nghị xin ghi vào kế hoạch năm đó.
Sau khi kế hoạch sự nghiệp về trung đại tu cầu đường bộ và quản lý đường sông đã được Chính phủ phê chuẩn, Bộ Giao thông vận tải sẽ trích gửi Bộ Tài chính một bản, đồng thời, thông tri cho các Ủy ban hành chính địa phương và các cơ Sở, Ty giao thông các chỉ tiêu kế hoạch được duyệt.
Căn cứ vào kế hoạch công tác hàng năm, các Sở Ty giao thông sẽ lập kế hoạch tài vụ gửi lên Bộ Giao thông vận tải xét duyệt qua các Cục Vận tải đường bộ và đường thủy. Nội dung kế hoạch tài vụ làm đúng như kế hoạch thu chi tài vụ kiến thiết cơ bản, trong đó có phân tích:
- Số kinh phí cần thiết để hoàn thành các công tác đề ra trong năm kế hoạch và các công tác làm dở năm trước chuyển sang.
- Số giảm cấp phát gồm có: nguyên vật liệu tồn kho còn có thể sử dụng được cho công tác trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông, các nguồn vốn khác và lao động xã hội chủ nghĩa có thể động viên được.
- Số kinh phí cần xin cấp phát trước để chuẩn bị vật liệu cho năm sau.
- Số kinh phí cần thiết đề nghị ngân sách Nhà nước cấp trong năm kế hoạch.
2. Kế hoạch quý: Căn cứ vào chỉ tiêu nhiệm vụ và kinh phí hàng năm đã thông tri các địa phương hàng quý các Sở, Ty Giao thông lập kế hoạch công tác và kế hoạch chi hàng quý có chia từng tháng trình Ủy ban hành chính đồng cấp xét đồng thời gửi thẳng Cục Vận tải 1 bản; sau khi xét duyệt kế hoạch quý, Ủy ban hành chính chuyển lên Bộ Giao thông vận tải 2 bản chậm nhất 30 ngày trước mỗi quý, Cục Vận tải tổng hợp trình Bộ xét duyệt. Trên kế hoạch chi tổng hợp hàng quý phải ghi rõ tổng số kinh phí cần thiết cho mỗi tỉnh.
3. Về việc chỉnh lý kế hoạch: Hàng năm Bộ Giao thông vận tải chỉ chính thức xét duyệt kế hoạch điều chỉnh của các đơn vị một lần vào đầu quý 3, chủ yếu là điều hòa nhiệm vụ trong phạm việc kinh phí toàn niên để duyệt. Trường hợp kinh phí vượt mức khống chế toàn năm thì các Ủy ban hành chính địa phương phải có đề nghị cụ thể lập dự toán bổ sung gửi lên Bộ Giao thông vận tải xét, và trình Chính phủ phê chuẩn. Chỉ khi nào kế hoạch chỉnh lý được chính thức công bố mới được tiến hành thi công những công tác mới điều chỉnh, trừ trường hợp có công trình cần thi công ngay thì Cục Vận tải sẽ đề nghị Bộ ra văn bản duyệt riêng cho thi công ngay.
Trong quá trình thi công, trường hợp đặc biệt cần phải chỉnh lý thì các Ủy ban hành chính địa phương chỉ có thể điều hòa kinh phí trong phạm vi đã duyệt cho toàn niên cho công trình đó. Nếu thay đổi nhiệm vụ thì phải gửi báo cáo cụ thể lên Bộ Giao thông vận tải xét và khi được chuẩn y mới được làm.
Hàng quý, Ủy ban hành chính địa phương có quyền điều hòa kinh phí giữa các công trình đã duyệt trong kế hoạch quý cho sát với yêu cầu thực tế, nhưng không được quá số kinh phí đã duyệt cho quý đó.
Cần chú ý kinh phí sự nghiệp trung đại tu cầu đường cấp phát theo thể thức cấp phát kiến thiết cơ bản.
Hàng quý, Bộ Tài chính duyệt kế hoạch chi quý rồi thì gửi trả Bộ Giao thông vận tải 1 bản, đồng gửi Ngân hàng kiến thiết trung ương 1 bản. Bộ Giao thông vận tải sẽ thông tri cho các Ủy ban hành chính và Khu, Ty Giao thông các chỉ tiêu được cấp phát và làm giấy báo hạn mức chuyển cấp cho các Khu, Ty Giao thông qua Ngân hàng kiến thiết trung ương. Các chi hàng kiến thiết địa phương có trách nhiệm cấp phát cho các sở, Ty Giao thông theo thủ tục cấp phát vốn kiến thiết cơ bản. Trường hợp có khó khăn mắc mứu trong việc cấp phát, các Chi hàng kiến thiết sẽ thỉnh thị Ủy ban hành chính địa phương đã được Liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính Ủy nhiệm quản lý toàn diện và công tác trung đại tu cầu đường.
Để tránh lãng phí, tất cả các công trình trước khi tiến hành thi công phải lập thiết kế và dự toán. Chi hàng kiến thiết chỉ cấp phát khi thiết kế và dự toán công trình đã được duyệt. Các Sở, Ty giao thông phải căn cứ vào các định mức tiêu chuẩn đã được Bộ Giao thông vận tải quy định để lập dự toán công trình trình Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt. Sau khi xét duyệt dự toán công trình cho các Ty giao thông xong, các Ủy ban hành chính địa phương gửi cho Bộ Giao thông vận tải 2 bản để Bộ có ý kiến tham gia nếu cần thiết. Các bản thiết kế và dự toán công trình lập theo mẫu mực trước đây đã quy định. Nếu cần thiết thay đổi mẫu mực Cục Vận tải bộ và thủy có trách nhiệm nghiên cứu và phổ biến cho các Sở, Ty giao thông thi hành. Các cấp tài chính và Chi hàng Kiến thiết địa phương có trách nhiệm tham gia nhận xét bản dự toán công trình về chế độ giá cả vật liệu, nhân công các định mức tiêu chuẩn, v.v… giúp Ủy ban hành chính quản lý chặt chẽ việc sử dụng kinh phí.
Chuẩn bị vật liệu:
- Vì công tác trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông phải tranh thủ làm trong mùa khô cạn, nên Liên bộ Giao thông vận tải và Tài chính đã quyết định sẽ cấp cho các Sở, Ty giao thông kinh phí chuẩn bị vật liệu năm sau vào giữa quý 4 hàng năm (xem thông tư liên bộ số 5201/TTLB ngày 30 tháng 12 năm 1960). Vì vậy đầu quý 4 mỗi năm, các Khu, Sở, Ty giao thông phải căn cứ vào kế hoạch công tác năm sau đã gửi Bộ Giao thông vận tải mà lập dự trù kinh phí chuẩn bị vật liệu năm sau trình Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt rồi gửi lên Bộ Giao thông vận tải. Khi xét duyệt xong, Bộ Giao thông vận tải sẽ chuyển sang Bộ Tài chính để xin cấp phát.
III. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO, QUYẾT TOÁN VÀ BÁO CÁO THU CHI THÁNG, QUÝ.
a) Chế độ báo cáo quyết toán:
Áp dụng như đối với công trình kiến thiết cơ bản, mẫu mực theo đúng chế độ kế toán kiến thiết cơ bản đã ban hành, cụ thể là:
Quyết toán tháng: Các Sở, Ty giao thông phải gửi quyết toán các công trình trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông cho cơ quan tài chính địa phương đồng cấp thẩm xét, chậm nhất là sau 10 ngày mỗi tháng. Báo biểu quyết toán tháng lập theo mẫu báo biểu kiến thiết cơ bản của Bộ Tài chính đã ban hành.
Quyết toán quý: Các Sở, Ty giao thông phải lập báo cáo quyết toán hàng quý trình Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt. Các Sở, Ty tài chính và Chi hàng kiến thiết địa phương có trách nhiệm nghiên cứu trước và trình Ủy ban hành chính xét duyệt các báo cáo quyết toán này. Sau khi xét duyệt xong, Ủy ban hành chính địa phương sẽ gửi hồ sơ báo cáo quyết toán quý về Bộ Giao thông vận tải (2 bản), và Bộ Tài chính để báo cáo, chậm nhất là 30 ngày sau mỗi quý.
Hồ sơ quyết toán quý gồm có:
- 1 bản tổng kết tài sản của đơn vị
- 1 bản giá thành công trình.
- 1 bản thuyết minh tình hình thực hiện kế hoạch công tác, chất lượng công trình, tình hình kinh phí và quản lý tài vụ, chỉ tiêu, tiêu chuẩn năng suất, chi phí gián tiếp, tình hình tham ô lãng phí, tiết kiệm nếu có v.v… (mẫu bảng tổng kết tài sản và bản giá thành công trình kèm theo).
Quyết toán năm: Hàng năm các Sở, Ty giao thông phải lập hồ sơ quyết toán năm về các công tác trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông gửi cơ quan tài chính và chi hàng kiến thiết để nghiên cứu và trình Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt. Sau khi xét duyệt xong, Ủy ban hành chính địa phương sẽ gửi hồ sơ quyết toán năm về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính để báo cáo chậm nhất là ngày 10 tháng 02 năm sau. Hồ sơ quyết toán năm cũng gồm các văn bản quy định như đối với quyết toán hàng quý.
Quyết toán hoàn công: Sau mỗi công trình làm xong, các Sở, Ty giao thông phải lập hồ sơ quyết toán hoàn công gồm có:
- 1 bản giá thành công trình.
- 1 bản báo cáo tình hình kinh phí được cấp, tình hình chỉ tiêu, khối lượng công tác đã thực hiện, nhận xét về giá thành công trình, tiêu chuẩn năng suất đã đạt được, tình hình lãng phí và thành tích tiết kiệm nếu có. Nếu là công trình tự làm, phải thuyết minh số kinh phí còn lại (tiền và vật liệu còn lại cũng như các khoản nợ chưa trả hoặc các khoản phải thu khác).
b) Chế độ báo cáo thu chi tháng, quý:
Báo cáo thu chi hàng tháng: Các Sở, Ty giao thông phải báo cáo tình hình thu chi hàng tháng cho Chi hàng kiến thiết. Nội dung và mẫu mực do hai bên (Chi hàng kiến thiết và Ty giao thông) bàn bạc thống nhất với nhau.
Để Bộ Tài chính theo dõi được tình hình quản lý kinh phí từng tháng, các Chi hàng Kiến thiết hàng tháng, chậm nhất là ngày 15, phải gửi về Bộ Tài chính (ngân hàng Kiến thiết trung ương) và Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng hợp tình hình thu chi có ý kiến nhận xét của Ủy ban hành chính địa phương.
Báo cáo thu chi hàng quý: Các Sở, Ty giao thông phải lập trình Ủy ban hành chính địa phương xét duyệt và gửi về Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính cùng với kế hoạch công tác và kế hoạch chi quý sau. Báo cáo thu chi hàng quý gửi tới Bộ Giao thông vận tải 20 ngày trước quý sau. Để bảo đảm thời gian trên, báo cáo thu chi hàng quý chỉ ghi số liệu thực chi đến ngày lập báo cáo còn từ ngày đó đến hết quý thì ước tính số phải chi.
Ví dụ báo cáo thu chi quý I năm 1962 phải gửi lên Bộ ngày 10 tháng 03 năm 1962. Có thể lấy số thực chi đến hết ngày 28-02-1962 còn ước chi tháng 03-1962.
Báo cáo chi hàng quý phải gửi lên Bộ cùng với kế hoạch chi quý sau.
c) Kiểm kê:
Các Sở, Ty giao thông phải tiến hành kiểm kê thường kỳ theo chế độ hiện hành và phải báo cáo về Bộ Giao thông vận tải và Bộ tài chính đúng thời gian đã quy định.
IV. THỦ TỤC LẬP HỒ SƠ KẾ HOẠCH
Vẫn thi hành theo thể thức và biểu mẫu của Tổng cục giao thông thủy bộ cũ đã quy định trước đây, Cục Vận tải có nhiệm vụ nghiên cứu và bổ sung để hoàn chỉnh dần dần cho thích hợp với tính chất công tác trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông và gửi cho các Ủy ban hành chính địa phương để làm cơ sở xét duyệt cho các khu, Ty giao thông.
Các kế hoạch thi công và kế hoạch chi hàng quý và hàng năm của các đơn vị đều phải gửi lên Bộ 2 bản.
V. VIỆC LẬP VÀ XÉT DUYỆT CÁC ĐỒ ÁN KỸ THUẬT
Xét duyệt đồ án: Nội dung công tác trung đại tu cầu đường sông phần lớn là công tác củng cố lại các cơ sở cũ, nên chú ý đưa vào các văn bản thiết kế định hình đã ban hành, hoặc tùy tình hình thực tế, các Sở, Ty giao thông chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc khảo sát thiết kế để bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật đã quy định trong quy phạm kỹ thuật. Đối với những công trình đồi hỏi kỹ thuật cao hơn, như nắn tuyến đường dài, tăng cường cầu sắt lớn, mở rộng cầu bê tông cốt sắt v.v… thì do Bộ xét duyệt. Cục Vận tải được Bộ ủy nhiệm để xét duyệt các bản đồ án kỹ thuật các công trình này.
Tất cả các hồ sơ dự toán trình Ủy ban hành chính duyệt đều phải có hồ sơ kỹ thuật kèm theo mới đảm bảo cho việc quản lý thi công đúng yêu cầu.
Thi công và nghiệm thu công trình: Các Sở, Ty giao thông phải chấp hành đầy đủ các quy phạm, quy tắc về thi công và nghiệm thu công trình.
Mỗi công trình phải có quyển sổ theo dõi chất lượng công trình làm theo mẫu mực của Ủy ban kế hoạch Nhà nước đã quy định, nhằm tăng cường công tác quản lý kỹ thuật được tốt, đồng thời là tài liệu chính thức của lý lịch công trình. Trong quá trình kiểm tra của cấp trên và qua các thời kỳ nghiệm thu công trình, nếu có nhận xét gì về kỹ thuật, cần phải bổ sung sữa chửa đều phải ghi vào quyển sổ này.
Việc nghiệm thu công trình chủ yếu là do các Sở, Ty giao thông đảm nhiệm. Cục Vận tải có nhiệm vụ giúp đỡ, các Ủy ban hành chính địa phương, trực tiếp đôn đốc và hướng dẫn các Khu, Ty giao thông về nghiệp vụ và kỹ thuật, thực hiện đầy đủ yêu cầu quy định , đồng thời làm chức năng giúp Bộ tổng hợp tiến độ công tác, có ý kiến tham gia với các Ủy ban hành chính hành chính địa phương. Do đó, hàng tháng, hàng quý các Sở, Ty giao thông phải chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo thường kỳ do Tổng cục giao thông thủy bộ cũ đã quy định trước đây. Khi gửi báo cáo trình Ủy ban thì đồng gửi cho Cục vận tải 1 bản để tổng hợp trình Bộ.
VI. NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC VẬN TẢI, VỤ KẾ HOẠCH, VỤ TÀI VỤ
Cục Vận tải là đơn vị chức năng của Bộ, có trách nhiệm nghiên cứu giúp Bộ đề ra phương hướng xây dựng chung cho các Sở, Ty giao thông và tham gia ý kiến xét duyệt kế hoạch công tác năm và quý và dự toán công trình của các Khu, Sở, Ty giao thông gửi lên, xây dựng các chỉ tiêu kỹ thuật và năng suất, kiểm tra theo dõi và tổng hợp tình hình tiến độ công tác để hàng tháng báo cáo Bộ, đôn đốc các đơn vị lập quyết toán, tổng hợp và trình Bộ Giao thông vận tãi duyệt các quyết toán quý và năm.
Vụ Kế hoạch:
Vụ kế hoạch có nhiệm vụ tham gia ý kiến giúp Bộ xét duyệt kế hoạch công tác hàng quý và hàng năm về trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông về mặt chủ trương công tác, cân đối các chỉ tiêu với kế hoạch kinh tế quốc dân của Bộ. Ngoài ra, Vụ Kế hoạch còn có nhiệm vụ giúp Bộ xét duyệt giá thành kế hoạch.
Vụ Tài vụ:
Vụ Tài vụ có trách nhiệm tổng hợp kế hoạch thu chi tài vụ hàng năm và kế hoạch chi hàng quý về công tác trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông trình Bộ Giao thông vận tải duyệt và xin cấp phát. Sau khi được Bộ Tài chính duyệt các chỉ tiêu, Vụ Tài vụ phân phối hạn mức cho các Sở, Ty giao thông để tiến hành công tác. Hàng quý và hàng năm, Vụ Tài vụ tổng hợp quyết toán để trình Bộ duyệt. Vụ Tài vụ có nhiệm vụ giúp Bộ quản lý chặt chẽ kinh phí sự nghiệp trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông, thường xuyên tổ chức kiểm tra việc sử dụng kinh phí ở các cơ sở, theo dõi nắm tình hình chi tiêu và giúp các Sở, Ty giao thông giải quyết các khó khăn mắc mứu về nghiệp vụ tài vụ.
VII. MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC BIỆT CẦN CHÚ Ý TRONG NĂM 1962
Vì tình hình tổ chức và biên chế hiện nay chưa ổn định và tính chất phức tạp của một số công tác, nên Bộ quy định một số điểm để áp dụng trong bước quá độ, cụ thể cho đến hết quý 2 năm 1962 như sau:
Riêng về công tác quản lý đường sông, chưa áp dụng Thông tư số 208–CT-KTKT ngày 29-05-1961 của Bộ Tài chính. Việc xét duyệt dự toán và cấp phát kinh phí vẫn theo thủ tục cũ cho đến hết quý II năm 1962. Trong quý 1 và quý 2 năm 1962, các Cục, Vụ có liên quan đến công tác quản lý đường sông phải nghiên cứu các biện pháp tích cực để sang quý 3 năm 1962, đối với việc quản lý kinh phí công tác quản lý đường sông có thể áp dụng các thông tư hiện hành như đối với công tác trung đại tu cầu đường.
Trên đây Bộ mới quy định một số điểm cụ thể, trong quá trình công tác, nếu các Ủy ban hành chính, các cơ quan tài chính, các Chi hàng kiến thiết địa phương và các Sở, Ty Giao thông gặp khó khăn trở ngại gì thì nên phản ảnh lên Bộ biết để nghiên cứu bổ sung hoặc sửa đổi thông tư cho thích hợp với tình hình thực tế.
| K.T. BỘ TRƯỞNG |
File gốc của Thông tư 38-TT năm 1962 về chế độ kinh phí trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông do Bộ Giao thông Vận tải ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 38-TT năm 1962 về chế độ kinh phí trung đại tu cầu đường và quản lý đường sông do Bộ Giao thông Vận tải ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Giao thông vận tải |
Số hiệu | 38-TT |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Dương Bạch Liên |
Ngày ban hành | 1962-02-09 |
Ngày hiệu lực | 1962-02-23 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Đã hủy |