BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/1997/TC-TCĐN | Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 1997 |
Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 30 tháng 8 năm1993 của Chính phủ ban hành Qui chế vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định số 20/ CP ngày 15 tháng 3 năm 1994 của Chính phủ ban hành về quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Căn cứ vào Hiệp định hạn mức tín dụng hỗn hợp đã ký giữa Bộ Tài chính Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam và Công ty tài trợ xuất khẩu Đan mạch ngày 13 tháng 3 năm 1996 (sau đây gọi tắt là Hiệp định).
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế sử dụng khoản tín dụng Đan mạch tại công văn số 1200/QHQT ngày 15/3/1997.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng vốn tín dụng hỗn hợp ưu đãi vay của Công ty tài trợ xuất khẩu Đan mạch theo Hiệp định nói trên như sau:
1. Nguồn vốn vay của Công ty tài trợ xuất khẩu Đan mạch là khoản vay nợ nước ngoài của Chính phủ. Vì vậy, toàn bộ tiền vay được hạch toán vào Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính có trách nhiệm trả nợ cho phía nước ngoài khi đến hạn (bao gồm cả nợ gốc và các khoản phải trả khác).
2. Các chủ Dự án có trách nhiệm sử dụng vốn đúng mục đích, phù hợp với các điều kiện qui định trong Hiệp định đã ký với Đan mạch và hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước (đối với các dự án thuộc diện cho vay lại) theo đúng qui định tại Hợp đồng vay lại ký với Tổng cục Đầu tư phát triển.
3. Tổng cục Đầu tư phát triển chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý, cấp phát, cho vay lại và thu hồi nợ đối với các chủ dự án và được hưởng phí dịch vụ cho vay lại vốn tín dụng Nhà nước theo qui định.
4. Ngân hàng Công thương Việt nam là Ngân hàng được Bộ Tài chính chỉ định để thực hiện các nghiệp vụ giao dịch đối ngoại để thực hiện dự án và được hưởng phí dịch vụ theo qui định.
I/ CÁC BƯỚC TRIỂN KHAI DỰ ÁN
1. Đối với các dự án đã được Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục đề nghị phía Đan mạch tài trợ bằng nguồn vốn vay của Công ty Tài trợ xuất khẩu Đan mạch, các chủ dự án tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo qui định tại Nghị định 42/CP ngày 16/7/1996 của Chính phủ.
2. Sau khi có quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền (Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư) các chủ dự án lập kế hoạch rút vốn và kế hoạch vốn đối ứng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời tiến hành đấu thầu, đàm phán, ký kết Hợp đồng thương mại với Nhà cung cấp theo các qui định hiện hành của Chính phủ và theo qui định của Hiệp định đã ký.
3. Trước khi đàm phán, ký kết Hợp đồng, chủ dự án phải trình kết quả đấu thầu (hoặc chọn thầu) để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong quá trình đàm phán, ký kết Hợp đồng thương mại các chủ dự án cần chú ý đến các qui định tại Hiệp định phía Đan mạch chỉ chấp thuận tài trợ cho những Hợp đồng thoả mãn các yêu cầu sau:
- Trừ trường hợp ngoại lệ, chỉ chấp thuận tài trợ tối đa 85% trị giá của Hợp đồng thương mại. 15% trị giá còn lại của hợp đồng thương mại phía Việt nam phải tự lo.
- Phần mua hàng của nước thứ ba (ngoài Đan mạch và Việt nam) không vượt quá 30% giá trị Hợp đồng.
- Hợp đồng thương mại phải ký không muộn hơn ngày 13/3/1998 và thời hạn giao hàng không muộn hơn ngày 31/12/1998.
- Trị giá mỗi hợp đồng không nhỏ hơn 5 triệu DKK (tương đương 0,85 triệu USD và không lớn hơn 25 triệu DKK (tương đương 4,2 triệu USD).
- Để đảm bảo quyền lợi của Người mua Việt Nam đối với khoản tiền đặt cọc phải trả theo Hợp đồng và đảm bảo việc thực hiện đúng Hợp đồng của Nhà cung cấp nước ngoài, trong Hợp đồng thương mại cần quy định rõ việc nước ngoài (Ngân hàng phục vụ nhà cung cấp Đan mạch) cấp các bảo lãnh thanh toán tiền đặt cọc (Advance payment Guarantee) tối thiểu bằng 15% trị giá Hợp đồng và bảo lãnh thực hiện Hợp đồng (Performance Guarantee) tối thiểu bằng 10% trị giá Hợp đồng
4. Sau khi đã được phê duyệt Hợp đồng thương mại, chủ Dự án phải gửi một bản sao của Hợp đồng này cùng với báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo về chuẩn bị vốn đối ứng và công tác chuẩn bị đầu tư kèm theo công văn đề nghị Bộ Tài chính có yêu cầu chính thức phía Đan mạch tài trợ cho dự án. Các chủ dự án cần lưu ý chọn thời điểm yêu cầu tài trợ chính thức vì từ thời điểm cấp thư phê chuẩn phù hợp với Phụ lục B của Hiệp định phía Đan mạch bắt đầu tính phí cam kết trên số vốn vay đã yêu cầu tài trợ nhưng chưa rút vốn.
5. Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại ) trên cơ sở đề nghị của chủ dự án và Hợp đồng thương mại đã được phê duyệt sẽ gửi Đơn xin tài trợ phù hợp với Phụ lục A trong Hiệp định cho Công ty tài trợ xuất khẩu Đan mạch thông qua Đại sứ quán Đan mạch tại Hà nội.
6. Sau khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính về việc đã hoàn thành các thủ tục theo qui định để rút vốn, Ngân hàng Công thương Việt nam có trách nhiệm hướng dẫn Chủ dự án thực hiện các thủ tục mở L/C và rút vốn theo các qui định trong Hiệp định đã ký.
II/ CƠ CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH
Cơ chế sử dụng vốn tín dụng Đan mạch được áp dụng cho các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1200/QHQT ngày 15/3/1997, cụ thể như sau:
1. Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) cho vay lại các dự án thuộc đối tượng vay lại từ nguồn vốn vay của Đan mạch theo thời hạn phù hợp với thời hạn Đan mạch cho Việt nam vay (qui định của Hiệp định tối đa là 8 năm bao gồm thời gian ân hạn đến 1 năm). Thời hạn này sẽ được phía Đan mạch thông báo chính thức trong Thư phê chuẩn cho từng dự án và Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) sẽ thông báo lại cho các dự án.
Chủ dự án có trách nhiệm nộp các hồ sơ dự án để ký kết Hợp đồng vay lại với Tổng cục Đầu tư phát triển ngay sau khi nhận được thông báo của Bộ Tài chính.
2. Lãi suất, phí cho vay lại trả cho Tổng cục Đầu tư phát triển:
- Các dự án xây dựng đội tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ và dự án cấp nước thị xã Sơn Tây: vay lãi với lãi xuất 1%/năm. Dự án nâng cấp nhà máy chế biến thuỷ sản, dự án mua sắm thiết bị chiếu sáng sân bay, dự án chế biến nông sản thực phẩm, dự án chế biến thức ăn gia súc: vay lãi với lãi suất 2%/năm.
Lãi được trả 6 tháng một lần theo quy định cụ thể trong Hợp đồng tín dụng ký giữa chủ dự án và Tổng cục Đầu tư phát triển (vào 30/6 và 31/12 hoặc 31/3 và 30/9 hàng năm). Nếu trả chậm các chủ dự án phải chịu lãi phạt chậm trả theo qui định trong Hợp đồng tín dụng.
Phí dịch vụ cho vay lại mà Tổng cục Đầu tư phát triển được hưởng theo qui định là 0,5%/năm trên dư nợ gốc (không nằm trong lãi suất cho vay lại nêu trên).
3. Phí phải trả trực tiếp nước ngoài: các chủ dự án phải trả các loại phí trực tiếp sau đây cho nước ngoài:
- Phí cam kết 0,25%/năm trên số vốn chưa rút tính từ ngày phía Đan mạch cấp thư phê chuẩn cho từng dự án và trả cùng với kỳ trả lãi.
- Phí quản lý 0,375% trên tổng số vốn vay và trả một lần trong vòng 60 ngày kể từ ngày phía Đan mạch cấp thư phê chuẩn cho dự án.
- Phí đàm phán, chuẩn bị Hiệp định 0,1% trên tổng số vốn vay và trả một lần ngay sau ngày phía Đan mạch cấp thư phê chuẩn dự án.
Đối với các dự án được Ngân sách nhà nước cấp phát, các loại phí trực tiếp trên do Ngân sách nhà nước thanh toán, đối với các dự án thuộc diện phải vay lại các chủ dự án phải trả các loại phí này.
4. Ngân hàng Công thương Việt nam được hưởng phí giao dịch đối ngoại do các chủ dự án trả theo biểu phí dịch vụ hiện hành do Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt nam qui định.
5. Chứng từ để ký khế ước nhận nợ giữa các Chủ Dự án với Tổng cục Đầu tư phát triển là hoá đơn tương ứng của các Nhà cung ứng Đan mạch và giấy báo nợ của Công ty tài trợ xuất khẩu Đan mạch.
Thời điểm các chủ dự án nhận nợ với Bộ Tài chính (Tổng cục Đầu tư phát triển) là thời điểm phía Đan mạch ghi nợ cho Bộ Tài chính. Số tiền các chủ dự án nhận nợ là số tiền phía Đan mạch ghi nợ cho Bộ Tài chính trong thông báo vào ngày bắt đầu của thời kỳ trả gốc phù hợp với phụ lục D của Hiệp định.
1. Định kỳ hàng tháng, Ngân hàng Công thương Việt nam gửi Bộ Tài chính bảng kê rút vốn để làm thủ tục thanh toán qua Ngân sách Nhà nước.
2. Định kỳ ( 06 tháng, 01 năm ) các chủ dự án có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính (Tổng cục đầu tư và phát triển, Vụ tài chính đối ngoại), Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng công thương và các cơ quan chủ quản về tình hình nhận, sử dụng và hoàn trả vốn vay.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các cơ quan chủ quản có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các chủ dự án thực hiện các qui định theo hướng dẫn tại thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết.
| Lê Thị Băng Tâm (Đã Ký) |
File gốc của Thông tư 34/1997/TC-TCĐN về việc quản lý và sử dụng vốn vay tín dụng hỗn hợp ưu đãi của Đan Mạch do Bộ Tài chính ban hành đang được cập nhật.
Thông tư 34/1997/TC-TCĐN về việc quản lý và sử dụng vốn vay tín dụng hỗn hợp ưu đãi của Đan Mạch do Bộ Tài chính ban hành
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Số hiệu | 34/1997/TC-TCĐN |
Loại văn bản | Thông tư |
Người ký | Lê Thị Băng Tâm |
Ngày ban hành | 1997-06-18 |
Ngày hiệu lực | 1997-07-02 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Đã hủy |