ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 142/1999/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN CỦA NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG CHỢ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ về ban hành quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 85/1999/TT-BTC ngày 7/7/1999 của Bộ Tài chính hướngdẫn thi hành Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16/4/1999 của Chính phủ
Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 10 HĐND Tỉnh Lâm Đồng khóa V;
Theo đề nghị của Sở Thương Mại,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3: Các Ông: Chánh văn phòng UBND Tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| UBND TỈNH LÂM ĐỒNG |
QUY CHẾ
HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP TỰ NGUYỆN CỦA NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG CHỢ NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo quyết định số 142/1999/QĐ-UB ngày 25/10/1999 của UBND tỉnh Lâm Đồng).
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG.
Điều 1:
Hệ thống chợ nông thôn thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này bao gồm các chợ cụm xã, chợ liên xã, chợ thôn, chợ phiên tại các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới, vùng đặc biệt khó khăn.
Ủy ban Nhân dân các xã có trách nhiệm quản lý các chợ nông thôn trên địa bàn.
Điều 2:
Việc huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để đầu tư xây dựng chợ nông thôn của các xã phải do nhân dân bàn bạc và quyết định trên cơ sở dân chủ, công khai. UBND xã, thị trấn (gọi chung là UBND xã) có trách nhiệm tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn theo quy định của quy chế này.
Điều 3:
Các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để đầu tư xây dựng chợ nông thôn phải được sử dụng đúng mục đích huy động. Không được dùng các khoản đóng góp này đầu tư vào các công trình khác.
Điều 4:
Mức huy động đóng góp của nhân dân, mức miễn, giảm cho các đối tượng chính sách xã hội do nhân dân bàn bạc và quyết định căn cứ vào tính chất, mục đích sử dụng, nhu cầu đóng góp cho từng công trình chợ cũng như thu nhập bình quân và khả năng đóng góp của nhân dân trên địa bàn.
Điều 5:
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cá nhân không phân biệt thành phần kinh tế tham gia vào việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới các chợ tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc nhằm phát triển thương mại-dịch vụ tại các vùng này.
Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng chợ tại các vùng nông thôn.
Chương II
CHÍNH SÁCH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VIỆC CẢI TẠO, NÂNG CẤP, XÂY DỰNG CHỢ Ở VÙNG NÔNG THÔN
Điều 6:
Nhà nước đầu tư kinh phí điều tra, khảo sát, lập quy hoạch chung mạng lưới các chợ trên địa bàn toàn tỉnh để làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng.
Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí hoặc hỗ trợ một phần kinh phí cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng có liên quan đến việc xây dựng chợ nông thôn như: san ủi mặt bằng, điện, cấp thoát nước.
Nhà nước bố trí đất đai, địa điểm thích hợp cho việc xây dựng chợ nông thôn tại các Xã, Thôn theo quy hoạch của từng địa phương.
Điều 7:
Nhà nước đầu tư 100% kinh phí cho việc xây dựng chợ nông thôn tại các trung tâm cụm xã theo quyết định số 35/TTg ngày 13/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt ưu tiên xây dựng chợ trong bước một của mỗi dự án để hình thành ngay từ đầu địa điểm giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân.
Điều 8:
Đối với các xã, cụm xã không thuộc chương trình xây dựng trung tâm cụm xã theo quyết định số 35/TTg ngày 13/1/1997 của Thủ tướng Chính phủ thì việc huy động vốn để xây dựng chợ nông thôn tại các vùng này được phân chia như sau:
Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí để san ủi mặt bằng, chi phí thiết kế.
Nhân dân đóng góp tiền để xây dựng phần khung chợ, nền chợ, các quầy, sạp bán hàng trong chợ và cấp điện, cấp thoát nước.
Điều 9:
Nhà nước hỗ trợ chi phí thiết kế để đầu tư nâng cấp cải tạo đối với các chợ nông thôn sẵn có, người kinh doanh đóng góp tiền để nâng cấp phần khung chợ, nền chợ, các quầy, sạp bán hàng trong chợ.
Điều 10:
Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí, các đơn vị thương mại Nhà nước đầu tư 50% kinh phí để xây dựng các cửa hàng mua bán tại các vùng đặc biệt khó khăn chưa hội tụ đủ các điều kiện xây dựng chợ để phục vụ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân.
Điều 11:
Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng cửa hàng kinh doanh tại các vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa được Nhà nước ưu tiên cho thuê đất ở nhữngv ị trí, địa điểm thuận lợi cho yêu cầu kinh doanh. Được miễn, giảm và ưu đãi về thuế theo các quy định của pháp luật.
Điều 12:
Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư xây dựng chợ. Người bỏ vốn được quyền cho thuê, bán các quầy, sạp kinh doanh trongmột thời gian theo quy định. Khi đã thu hồi đủ vốn và có lãi theo thỏa thuậnban đầu thì bàn giao lại để địa phương quản lý sử dụng.
Điều 13:
Cá nhân hoặc tổ chức bỏ vốn ra xây dựng chợ được quyền mua bán, chuyển nhượng, kế thừa, thế chấp trong thời gian sử dụng. Nếu hết thời hạn sử dụng mà Nhà nước chưa có yêu cầu thu hồi thì người bỏ vốn tiếp tục được kinh doanh.
Chương III:
HÌNH THỨC HUY ĐỘNG, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN ĐỂ XÂY DỰNG CHỢ NÔNG THÔN
Điều 14:
Việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn do UBND xã tổ chức và được thực hiện theo phương thức dân bàn và quyết định trực tiếp.
1- UBND xã chủ trì phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu Chiến binh, Hội Nông dân và các đoàn thể quần chúng khác tổ chức nhân dân bàn bạc, quyết định bằng một trong các hình thức:
a- Họp nhân dân từng thôn, làng thảo luận và biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín, lập biên bản gởi UBND xã.
b- Họp chủ hộ bàn, biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín, lập biên bản gởi UBNDxã.
c- Nếu không tổ chức họp được thì phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ gia đình.
2- Các hình thức nhân dân bàn và quyết định quy định tại khoản 1 điều này phải có ít nhất 2/3 số người hoặc chủ hộ đồng ý mới có giá trị thi hành; khi nhân dânđã thống nhất và UBND xã tổ chức huy động nhân dân đóng góp thì mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành các quyết định được đa số đồng ý.
3- Trong trường hợp có chủ hộ chưa nhất trí, UBND xã có trách nhiệm chủ trì cùng với ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh và các tổ chức đoàn thể quần chúng khác vận động giải thích để các hộ này tự nguyện đóng góp.
Điều 15:
1- Hình thức huy động đóng góp của nhân dân có thể bằng tiền, bằng hiện vật hoặc bằng ngày công lao động. Đối với các khoản đóng góp bằng hiện vật hoặc bằng ngày công lao động phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm đóng góp để hạch toán và phải được quản lý, theo dõi riêng.
2- UBND xã quy định việc quy đổi ngày công và hiện vật do nhân dân đóng góp thành tiền để hạch toán trên cơ sở giá cả quy đổi đã được nhân dân bàn bạc, nhất trí phù hợp với giá cả thị trường tại địa phương.
3- Trường hợp giá cả hiện vật, ngày công lao động tại thời điểm đóng góp có chênh lệch cao hơn hoặc thấp hơn 20% so với giá quy đổi thì các xã phải tổ chức nhân dân bàn bạc, thống nhất về giá cả quy đổi để quy đổi thành tiền đối với hiện vật và ngày công lao động. Việc tổ chức cho nhân dân họp bàn thực hiện theo quy định tại điều 14 của Quy chế này.
4- Khi thu các khoản đóng góp của nhân dân phải thực hiện đúng các quy định về chứng từ kế toán ngân sách xã hiện hành. Ban tài chính xã có trách nhiệm quản lý và nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản của xã mở tại Kho bạc Nhà nước huyện theo quy định.
Điều 16:
1- Việc quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để chi cho việc nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới chợ nông thôn phải theo đúng các quy định của Nhà nước, đúng với dự toán được duyệt.
2- Ban tài chính xã phải mở sổ kế toán theo dõi việc thu, chi các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn.
Điều 17:
UBND xã phải thực hiện công khai tài chính đối với việc huy động, quản lý sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng chợ bằng các hình thức niêm yết tại trụ sở UBND xã và báo cáo công khai trong các cuộc họp trực tiếp với nhân dân.
Điều 18:
Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm giải trình, trả lời thắc mắc, khiếu nại của nhân dân về việc tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp để nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới chợ nông thôn. Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo của nhân dân phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Chương IV:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 19:
Các tố chức, cá nhân có thành tích trong việc đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới chợ nông thôn được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.
Điều 20:
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong việc thu và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn trái với các quy định của quy chế này và các quy định khác của pháp luật thì tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chương V:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21:
- Sở Thương mại Lâm Đồng chịu trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ quản lý, bố trí các ngành hàng, mặt hàng trong các chợ theo hướng tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho việc kinh doanh tại các chợ.
- UBND các huyện phối hợp với Sở Thương mại lập quy hoạch chung mạng lưới các chợ trên địa bàn, trình UBND Tỉnh phê duyệt.
- Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền của nhân dân đóng góp xây dựng chợ phù hợp với quy định của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan
- Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị, các chủ đầu tư lập thủ tục đầu tư xây dựng chợ theo đúng các quy định về đầu tư xây dựng của pháp luật.
Điều 22: Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có những vấn đề mới nảy sinh hoặcnhững quy định không còn phù hợp thì UBND các cấp, các ngành báo cáo với UBND tỉnh thông qua Sở Thương mại để xem xét điều chỉnh./.
File gốc của Quyết định 142/1999/QĐ-UB về Quy chế huy động, quản lý và sử dụng khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang được cập nhật.
Quyết định 142/1999/QĐ-UB về Quy chế huy động, quản lý và sử dụng khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Tóm tắt
Cơ quan ban hành | Tỉnh Lâm Đồng |
Số hiệu | 142/1999/QĐ-UB |
Loại văn bản | Quyết định |
Người ký | Đặng Đức Lợi |
Ngày ban hành | 1999-10-25 |
Ngày hiệu lực | 1999-11-09 |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
Tình trạng | Hết hiệu lực |